Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Những vấn đề Tây Nguyên

Những vấn đề Tây Nguyên

Hà Văn Thùy


Trước đây, khi nói rằng: “Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”, có lẽ người Pháp mới nghĩ tới vị trí chiến lược của vùng đất này. Nay, trong hoàn cảnh mới của thế giới và khu vực, Tây Nguyên càng quan trọng hơn không chỉ về quân sự mà còn vì nhiều mặt khác. Trong tham luận này, tôi xin phát biểu về một số vấn đề Tây Nguyên.

1. Vấn đề con người

Một câu hỏi từ lâu được đặt ra: những sắc tộc đang sống trên Tây Nguyên là ai, họ từ đâu tới và quan hệ thế nào với bộ phận đa số là người Kinh chúng ta? Cho tới cuối thế kỷ trước, trong nhiều người vẫn tồn tại quan niệm từ các học giả người Pháp: Khoảng thế kỷ IV TCN, bị người Hán đánh đuổi, người Việt (Kinh) từ phía nam sông Dương Tử chạy xuống đất Việt Nam, chiếm đất của người Nguyên Đông Dương (Proto-Indochinien) xây dựng nước Văn Lang. Do bị chiếm đất, đẩy lên địa bàn rừng núi, người bản địa trở thành những sắc tộc thiểu số. Một kiến thức như vậy đã trở thành mặc cảm nặng nề trong lịch sử, tinh thần, tâm linh của chúng ta.

Sang thế kỷ này, nhờ những phát hiện mới nhất về cội nguồn và con đường chiếm lĩnh Trái đất của loài người, chúng ta có nhận thức hoàn toàn mới về quá trình hình thành dân cư trên đất Việt Nam. Xin được trình bày vắn tắt như sau:

Khoảng 70.000 năm trước, người khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo con đường ven biển Ấn Độ, Pakistan tới miền Trung và Bắc Việt Nam. Lúc này đang trong Kỳ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met. Nhờ vị trí địa lý nên Đông Nam Á có khí hậu ấm áp, nhiều rừng và sông suối. Gặp môi trường sống thuận lợi, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra 4 chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Do đa số lấn át của người Australoid nên toàn bộ dân cư Việt cổ thuộc về nhóm loại hình Australoid.

Cũng trong thời gian này, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ từ Đông Dương theo hành lang phía Tây đi lên Tây Bắc Trung Quốc, trở thành những bộ lạc Mongoloid phương Bắc.

Khoảng 50.000 năm trước, từ Việt Nam, người Việt cổ theo con đường đất liền di cư sang châu Úc và các hải đảo Đông Nam Á. Người Việt cũng đi về phương Tây tới Miến Điện, Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu được cải thiện, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó tới Siberia rồi qua eo Bering sang châu Mỹ.

Khoảng 15.000 năm trước, người Việt cổ, chủ nhân văn hóa Hòa Bình sáng chế công cụ đá cuội mài, sau đó là lúa nước. Những sản phẩm này theo chân người Việt lên đất Trung Hoa. Khảo cổ học đã phát hiện dấu vết lúa trồng tại Hang Xianren và Hang Dốc Đứng (Yuchan) trong đồng bằng Dương Tử, 12.000 năm cách nay. Cây kê được đưa lên trồng tại vùng hoàng thổ trung lưu Hoàng Hà. Cũng thời gian này, do băng tan, nước biển dâng cao, có lúc tới tận Việt Trì, người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ di tản lên vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Khoảng 7.000 năm trước, nước biển rút xuống như mực nước ngày nay, một bộ phận người Việt cổ, theo nước rút, trở lại chiếm lĩnh đồng bằng. Tuy vậy, một bộ phận quan trọng vẫn sống ở miền núi.

Khoảng thiên niên kỷ V TCN, tại vùng hoàng thổ Hoàng Hà diễn ra cuộc tiếp xúc tự nhiên giữa người Mông Cổ du mục và người Bách Việt nông nghiệp, chủng người lai Mongoloid phương Nam được sinh ra. Là con lai Việt-Mông, sống trong cộng đồng Bách Việt, người Mongoloid phương Nam học nghề trồng kê của ông bà và trở thành chủ nhân văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều. Do ưu thế lai, nhân số người Mongoloid tăng lên trong cộng đồng Bách Việt.

Bên sông Hoàng Hà là địa bàn tranh chấp thường xuyên giữa người Mông Cổ và người Việt. Khoảng 2.600 TCN, người Mông Cổ dưới sự chỉ huy của dòng họ Hiên Viên, mở cuộc quyết chiến đánh thắng người Việt. Quân Bách Việt thua, một đoàn người theo Lạc Long Quân di tản bằng thuyền rời khỏi lưu vực Hoàng Hà trở về Việt Nam, đổ bộ vào vùng biển Nghệ Tĩnh. Do cùng chủng tộc và đa số cùng tiếng nói, đoàn thuyền nhân được người tại chỗ đón tiếp thân thiện. Sắc dân Mongoloid phương Nam trong đoàn thuyền nhân hòa huyết với người bản địa, sinh ra những người Mongoloid phương Nam mới.

Đó là tổ tiên người Việt hiện đại. Sự hòa huyết này diễn ra theo phản ứng dây chuyền, được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Cho tới 2.000 năm TCN, đại bộ phận dân cư Việt Nam là người Mongoloid phương Nam. Những bộ lạc bản địa còn lại trở thành người thiểu số.

Như vậy, đến nay, có thể nói chắc rằng: những sắc dân thiểu số sống trên Tây Nguyên và người Kinh cùng là hậu duệ của người Việt cổ xuất hiện ở miền Trung và Bắc Việt Nam 70.000 năm trước. Ban đầu tổ tiên ta sống trên vùng đất là thềm lục địa Biển Đông. Khi nước dâng, đã từng bước đi lên chiếm lĩnh vùng rừng núi phía Tây. Khi nước rút, một bộ phận chia tay núi rừng trở lại đồng bằng. Khoảng cuối thiên niên kỷ thứ III TCN, người Việt sống ở đồng bằng đã hòa huyết với người Việt từ lưu vực Hoàng Hà trở về, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, là tổ tiên người Việt hiện đại.

Những diễn biến lịch sử kể trên cho thấy: Tây nguyên là vùng đất thiêng, nơi tổ tiên người Việt tới trú ngụ khi nước biển dâng. Đấy là địa bàn cưu mang tổ tiên chúng ta trải qua nạn Đại hồng thủy. Đấy cũng là nơi mà những sắc tộc Việt cổ anh em sống lâu dài, thủy chung suốt trong khoảng 15.000 năm qua. Vì vậy, các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên là hậu duệ trực tiếp từ tổ tiên Việt cổ. Học giả Ballinger nhận định rằng: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân Đông Á.” Như vậy, các sắc dân thiểu số Tây Nguyên là kho lưu giữ nguồn gene cổ của tổ tiên Việt. Như cách nói hiện đại thì đó là nguồn tài nguyên quý giá, nếu điều tra cơ bản, nắm được nguồn gene, chúng ta có những phương sách sử dụng và bảo tồn nguồn tài nguyên vô giá này trong phát triển đất nước. Tôi được biết, một số học giả phương Tây rất quan tâm tới nguồn gene của Tây Nguyên mà họ biết rằng có nguôn gốc cổ nhất Á Đông. Trung Quốc cũng đang chú ý tới điều này. Họ đã thành lập ở Quảng Tây, nơi đa sắc tộc của Trung Quốc một viện nghiên cứu và bảo tồn gen. Tôi cho rằng, việc này cần phải đưa thành chương trình quốc gia để làm càng sớm càng tốt trước biến động dữ dội về dân cư sắp diễn ra.

Như vậy, Tây Nguyên là địa bàn sinh sống lâu đời và ổn định nhất của một bộ phận dân cư cổ xưa nhất Việt Nam. Tuy số lượng không nhiều nhưng sự đa dạng về sắc tộc nói lên rằng nơi đây đang là bảo tàng sống lưu giữ nguồn gene của tổ tiên, một tài nguyên vô giá, không chỉ có thể khai thác đem lại những lợi ích cho tới giờ ta chưa biết được mà còn là nơi linh thiêng giúp cho chúng ta biết về nguồn cội sinh học của mình.

2. Vấn đề văn hóa

Ta biết rằng, do lẽ huyền vi nào đó của số phận, trên địa bàn Đông Á, người Khôn ngoan đã đặt chân đầu tiên lên đất Việt Nam. Từ đây, tổ tiên ta hòa huyết sinh ra 4 chủng người Việt cổ. Và từ đất Việt, tổ tiên ta tiến hành những cuôc thiên di tới những miền đất khác. Do khí hậu ấm và nguồn thức ăn dồi dào, tổ tiên chúng ta sớm sống định cư theo quần thể lớn và hình thành xã hội để sáng tạo những công cụ đá cuội đầu tiên, xây dựng Hòa Bình thành trung tâm công nghiệp đá sớm nhất thế giới. Rồi cũng từ đây, cây kê, cây lúa, giống gà, giống chó, giống lợn được thuần hóa, biến Hòa Bình thành trung tâm nông nghiệp lúa nước sớm nhất thế giới. Từ đất Việt, theo chân con người, những công cụ tiên tiến cùng văn hóa nông nghiệp được truyền ra các vùng đất xung quanh: sang Ấn Độ, Madagasca, châu Úc, New Guinea, lên Trung Hoa, sang châu Mỹ… Việt Nam không chỉ là trung tâm văn hóa của khu vực mà nhiều yếu tố của văn hóa Việt được truyền ra thế giới. Trước đây, khi phát hiện sự tương đồng về nhân chủng, về một số di vật khảo cổ và nhất là ngôn ngữ, đã có thuyết cho rằng “nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam”. Nhưng nay, với phát hiện của di truyền học về việc người Việt di cư ra vùng đất xung quanh, chúng ta nhận biết sự tương đồng về nhân chủng, văn hóa, ngôn ngữ trên là dấu tích chứng minh cho sự di dân của người Việt cổ từ quê gốc Việt Nam.

Như vậy, về nguyên lý, chúng ta thấy, Việt Nam là trung tâm truyền bá văn hóa ra khu vực. Lẽ đương nhiên, các tộc anh em trên Trường Sơn, Tây Nguyên chính là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa của tổ tiên. Không những đồng chủng, chúng ta còn thấy người Việt đồng văn với các dân tộc Đông Nam Á khác. Nhiều phong tục tập quán của chúng ta cũng tồn tại trong dân cư hải đảo Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương như tục xăm mình, tục ăn trầu. Thế kỷ XVIII Hà Tiên xuất cảng nhiều cau ra hải đảo Đông Nam Á. Học giả người Anh Stephen Oppenheimer trong sách “Địa đàng ở phương Đông” dẫn ra nhiều sắc dân Đông Nam Á có chung những truyền thuyết như người Bunun bản địa Đài Loan và người Bana Tây Nguyên cùng có huyền thoại “Ngôi sao bầu trời bú sữa con heo”, trong đó có chi tiết, sau cơn đại hồng thủy, nhờ “cây lê cuối cùng” mà con người được cứu sống. Huyền thoại này là chứng cứ cho thấy, trước khi hồng thủy xảy ra (khoảng 7.500 năm trước) người Đông Nam Á đã sống chủ yếu bằng hạt kê. Việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Malaysia, Indonesia cho thấy văn hóa Đông Sơn lan truyền tới những vùng đất phương Nam này. Học giả người Đức Hop-xơ còn đi xa hơn khi cho rằng những trống đồng đó có ý nghĩa như quyền trượng mà Vua Hùng ban cho những thủ lĩnh của vùng đất phụ thuộc [*]. Có thể là như vậy mà cũng có thể, khi di cư khỏi “đất nước ông bà”, những thủ lĩnh người Việt mang theo trống đồng như vật báu gia truyền?

Trước năm 1975, với phần đông chúng ta, Tây Nguyên dưới tán rừng già là vùng đất huyền bí. Từ đấy vang xa âm hưởng trầm hùng của nhạc cồng chiêng, của trường ca Đam San… Với rừng với suối với các sắc tộc anh em, Tây Nguyên là bảo tàng sống của văn hóa cổ do ông bà để lại. Nghiên cứu kỹ văn hóa của các tộc anh em, chúng ta hiểu thêm về văn hóa xa xưa của tổ tiên và nhờ vậy, chúng ta biết cách bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa cổ. Mặt khác, từ văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, ta tìm lại mối liên hệ huyết thống cũng như văn hóa với các dân tộc Đông Nam Á khác, điều giúp chúng ta sức mạnh trong việc đoàn kết các dân tộc Đông Nam Á vì mục tiêu phát triển chung.

Một vấn đề quan trọng phải tính đến là: con người – văn hóa và môi trường là khối thống nhất. Cho đến nay, chúng ta đã căn bản phá xong rừng Tây Nguyên, đẩy hàng vạn bà con các sắc tộc Tây Nguyên ra khỏi cái nôi văn hóa của họ, khiến bộ phận không nhỏ dân cư phải lang thang trôi dạt ngay trên đất ông bà của mình. Không chỉ mất môi trường văn hóa, đồng bào còn lâm vào khó khăn về kinh tế. Nhiều người cố tình quên rằng, cho đến trước giải phóng, đồng bào Tây Nguyên còn sống trong phương thức kinh tế cổ xưa, khai thác sản vật rừng, nhiều tộc người còn du canh du cư… Chỉ trong một đêm, chúng ta buộc bà con đang trong cuộc sống cổ xưa bước vào cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu! Phần lớn đồng bào không thích ứng nổi, bị dồn vào cảnh bi đát. Một số thích ứng được thì bị tha hóa, không còn là mình nữa, cò thế nói là bị hủy hoại về tinh thần, về tâm linh… Điều này có nghĩa gần như sự diệt chủng! Kinh nghiệm nước Mỹ cho thấy, trong lịch sử 250 năm của mình, nước Mỹ đã tước đoạt đất đai, tàn phá văn hóa của người da đỏ bản địa. Ngày nay, khoảng 150.000 người da đỏ bị mất đất đai, mất văn hóa đang sống mòn trong điều kiện rất khó khăn, không thích ứng nổi với đời sống nước Mỹ. Tuy nhà nước giành nhiều chế độ ưu tiên nhưng nhân số của họ mỗi ngày một giảm, báo hiệu con đường tuyệt chủng ở trước mặt. Con người chỉ sống trong môi trường thiên nhiên và văn hóa cụ thể. Khi môi trường thiên nhiên và văn hóa bị hủy hoại, con đường hủy diệt mở ra trước mắt.

Trong những năm qua, do chưa có chiến lược căn cơ về Tây Nguyên, chúng ta đã có những chủ trương không phù hợp, đã gây tác hại nghiêm trọng đến cuộc sống và văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Đã đến lúc phải sửa chữa sai lầm trên bằng cách bảo tồn cảnh quan môi sinh, trên cơ sở đó bảo tồn văn hóa của các sắc dân Tây Nguyên. Đó không chỉ là việc đền ơn, trả nghĩa với đồng bào Tây Nguyên, những người chịu nhiều thiệt thòi để giữ gìn văn hóa tổ tiên, mà trong tương lai không xa, chúng ta nghiên cứu học hỏi từ kho tàng vô giá Tây Nguyên những giá trị xa xưa do tổ tiên để lại. Trong tương lai không xa của toàn cầu hóa đồng nhất với sự làm mất đi nhiều nền văn hóa bản địa thì Tây Nguyên càng có giá trị lớn về du lịch.

3. Vấn đề di dân

Sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng đang là thảm họa bày ra trước mắt. Theo kịch bản ít bi quan nhất thì cho tới cuối thế kỷ, gần ¼ đất đai nước ta bị chìm trong biển. Đồng bằng sông Hồng có 1,5 triệu hecta, đồng bằng Cửu Long có 2,5 triệu hecta bị nhấn chìm. Cho đến nay, những đầu óc lo xa nhất cũng chưa hình dung nổi mức độ tác hại của thảm họa thiên nhiên này. Nhưng trước mắt có điều chắc chắn là khoảng 20 đến 25 triệu người bị mất nơi cư trú! Tất nhiên, một cuộc di tản vĩ đại phải xảy ra. Nhưng số người khổng lồ đó sẽ đi đâu? Không thể lên Mặt trăng, không thể ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, trong bước đường cùng, con người bằng mọi cách sẽ tìm ra chốn nương thân cho mình. Tôi đoán rằng sẽ có khoảng từ 10 đến 15 triệu người tới Tây Nguyên, một lượng người gấp 3 số dân hiện có! Làm sao tổ chức cuộc sống cho số người này? Đấy là vấn đề quốc kế dân sinh có quy mô cực lớn. Nếu không làm tốt sẽ tạo những biến động xã hội không ngờ được. Và chắc chắn những biến động này sẽ phá tan tất cả những thành quả kinh tế, văn hóa chúng ta gầy dựng được, đẩy đất nước vào vòng lâm nguy.

Không phải nhà tiên tri để đoán định điều gì, tôi chỉ xin đưa ra một giải pháp chuẩn bị đón đầu tai họa. Theo tôi, trước hết phải bảo vệ tốt nhất quỹ đất của Tây Nguyên. Ngoài diện tích được khai phá trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su… thì cần tận dung triệt để diện tích còn lại để trồng rừng. Có thể bằng nguồn tiền “bán quota khí thải” nhận từ Liên hiệp quốc kết hợp với vốn ngân sách đề đẩy mạnh trồng rừng, coi rừng là ngành sản xuất chính của một số địa phương, do người dân địa phương trồng và chăm sóc. Muốn việc này thành công, phải đảm bảo chống tham nhũng triệt để, tránh những tiền lệ như Chương trình 135 bị đồng bào thiểu số nói là 531: trên ăn 5, dưới ăn 3, dân nhận 1 hay chuyện đền bù đất để khai thác bauxite đang diễn ra: giá đền bù 50 triệu/ha nhưng chỉ tới tay dân 15 triệu.

Nếu ngay bây giờ thực sự bắt tay vào chương trình trồng rừng thì có thể cứu được một diện tích lớn đất Tây Nguyên đang bị xói mòn và chục năm sau, rừng sẽ phủ xanh Tây Nguyên, trả lại nước cho suối, đảm bảo môi trường sống và môi trường văn hóa cho Tây Nguyên. Có cây xanh và có nước, Tây Nguyên có thể tiếp nhận người di cư chạy trốn đại hồng thủy.

Kết luận

Do những vấn đề Tây Nguyên như vậy, tôi kiến nghị một số phương sách đối với Tây Nguyên như sau:

1. Phát triển Tây Nguyên không phải bằng con đường công nghiệp hóa mà theo phương cách minh triết: đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên trong sự tồn tại bền vững. Đối với Tây Nguyên, tiêu chí phát triển không phải thu nhập tình theo đầu người (GDP) mà theo chỉ số hạnh phúc, theo mức độ người dân được sống ổn định và yên tâm với cuộc cống của mình trong không gian tự nhiên và văn hóa truyền thống.

2. Với tiêu chí như vậy, phải dừng việc khai thác bauxite vì tàn phá môi trường đất, nước, khí hậu, biến nơi đây thành vùng đất chết.

3. Có một chủ trương quốc gia và tiến hành một cách hiệu quả việc trồng rừng, biến kinh tế rừng thành nguồn sống cho một bộ phận quan trọng dân cư. Đây là việc chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho hàng chục triệu người sẽ tới vào cuối thế kỷ.

4. Lập trung tâm điều tra, bảo quản và nghiên cứu gen Tây nguyên để bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên vô giá này vào nghiên cứu khoa học và chữa bệnh.

5. Bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên, nghiên cứu văn hóa các dân tộc Đông Nam Á khác trong mối tương quan để tái phục dựng văn hóa Việt cổ với tư cách là cội nguồn của văn hóa Đông Nam Á.

6. Nghiên cứu những cây lương thực trồng cạn để đáp ứng lương thực trong điều kiện đất trồng lúa bị thu hẹp vì biển dâng và hạn hán, nhất là đảm bảo lương thực cho dân tại chỗ cùng người di cư. Đảm bảo được lương thực sẽ tránh những biến động lớn có thể xảy ra.

Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 25.9.2009

HVT

Nguồn: http://bauxitevietnam.info/c/15354.html

5 nhận xét:

  1. "Một vấn đề quan trọng phải tính đến là: con người – văn hóa và môi trường là khối thống nhất. Cho đến nay, chúng ta đã căn bản phá xong rừng Tây Nguyên, đẩy hàng vạn bà con các sắc tộc Tây Nguyên ra khỏi cái nôi văn hóa của họ".

    Trả lờiXóa
  2. "Muốn việc này thành công, phải đảm bảo chống tham nhũng triệt để, tránh những tiền lệ như Chương trình 135 bị đồng bào thiểu số nói là 531: trên ăn 5, dưới ăn 3, dân nhận 1 hay chuyện đền bù đất để khai thác bauxite đang diễn ra: giá đền bù 50 triệu/ha nhưng chỉ tới tay dân 15 triệu."

    Trả lờiXóa
  3. Đáng ra gọi là Chương trình 136..:(

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter