Kỷ niệm ngày 1-10, quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Lời tựa cho cuốn Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội*
Công lao hơn đời, tội ác tày trời
Lý Nhuệ (Trung Quốc)**
----------------------------
Đọc thêm:
> Quốc khánh Trung Quốc
http://www.blogosin.org/?p=1029
----------------------------
Cải cách và mở cửa trong hơn hai mươi năm qua, giống như múa ương ca, không thể tiến thẳng một mạch, xét cho cùng là do sự quấy rối không ngừng của “tả”, bao giờ cũng có người nói thế này thế nọ, thậm chí còn gây sự, giương ngọn cờ Mao Trạch Đông để công kích đường lối và chính sách đúng đắn. Cuốn sách Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng***, căn cứ vào di ngôn của Đặng Tiểu Bình, đưa việc đánh giá Mao đi vào chiều sâu, là đột phá quan trọng trong lĩnh vực hình thái ý thức từ ngày cải cách mở cửa đến nay, đập tan triệt để hai cái khẩn cô chú dọa người được gọi là “phản đối con đường xét lại” và “ngăn ngừa chủ nghĩa tư bản phục hồi” do Mao Trạch Đông để lại, làm cho phái cải cách giành được quyền ăn nói, tranh được địa vị chính thống lịch sử. Từ nay trở đi, có thể quang minh chính đại, có lẽ phải không sợ, thúc đẩy sự nghiệp cải cách mở cửa, không bao giờ phải dùng ngọn đèn “tả” để rẽ phải (hữu) nữa. Bút pháp khúc chiết của tác giả kiêm thêm bình luận, nhất là những trình bày lý luận của phần “Mở đầu” và “Lời kết thúc” cực có sức thuyết phục, đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.
“Lời kết thúc”cuốn sách này chỉ rõ: “Nhảy vọt lớn và Đại cách mạng văn hóa vô sản là sự phát triển ác tính của chủ nghĩa xã hội bạo lực Mao Trạch Đông. Ba năm nhảy vọt lớn, cả nước có 37, 55 triệu người bị chết đói. Tổn thất khoảng 320 tỷ NDT. Mười năm cách mạng văn hóa, theo cách nói của Diệp Kiếm Anh tại lễ bế mạc hội nghị công tác TW ĐCSTQ tháng 12 năm 1978 là đã chỉnh 100 triệu người, làm chết 20 triệu người, lãng phí 800 tỷ NDT, nếu cộng thêm tổn thất thu nhập quốc dân là 500 tỷ NDT do Lý Tiên Niệm nói (tại hội nghị kế hoạch toàn quốc ngày 20 tháng 12 năm 1977) thì lãng phí và giảm thu tất cả là 1300 tỷ NDT. Từ lúc Trung Quốc thành lập tới lúc Mao Trạch Đông chết, không có nội chiến, không có thiên tai lớn, số người chết không bình thường lên tới trên 57, 55 triệu người, tổn thất kinh tế là 1400 tỷ NDT. Trong gần 30 năm ấy tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản nhà nước là 650 tỷ NDT. Hai lần phá đi làm lại lớn đó đã gấp hơn hai lần tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản của nước ta trong 30 năm đầu. Có nghĩa là nói, những đồng tiền vốn quí báu vốn có thể dùng để xây dựng đất nước cải thiện đời sống nhân dân đã có tới trên 2/3 bị Mao Trạch Đông phá đi làm lại mất sạch. Đó là bản kê tổng thành tích lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh xây dựng đất nước của Mao Trạch Đông. Lấy “bản kê tổng thành tích” này làm căn cứ, kết luận của tác giả là: sai lầm của Mao lớn hơn công lao, phải là tội bảy công ba, nhà cách mạng vĩ đại, nhà xây dựng thất bại. (Mao Trạch Đông lúc cuối đời đã tự nhận rằng mình công bảy tội ba).
Đầu năm 1979 khi trở lại cương vị công tác, tôi đã từng nói: Mao Trạch Đông, công lao hơn đời, tội ác tày trời. Cái trước chỉ (thời gian) cách mạng, cái sau chỉ (thời gian) cầm quyền. Bạn đọc, đọc chương 18 “Địa ngục chủ nghĩa cộng sản” (thượng), chương 19 “Địa ngục chủ nghĩa cộng sản” (hạ) của cuốn sách này sẽ hiểu được câu nói “tội ác tày trời” không phải là giả dối. Mao Trạch Đông lãnh đạo cách mạng dân chủ mới năm 1949 giành được thắng lợi. Thế nhưng cái công lao hơn đời đó so với những tai họa do ông cầm quyền tạo ra cho đất nước và nhân dân chỉ có thể là thứ yếu, là thứ hai thôi.
Năm 1980, TW ĐCSTQ triệu tập tại Bắc Kinh hội nghị thảo luận “Quyết nghị lịch sử” lần thứ hai, tôi được tham gia hội nghị này. Đối với vấn đề đúng, sai, công, tội của Mao Trạch Đông trong hơn 4.000 cán bộ cao cấp có khá nhiều người có ý kiến. Với tư cách là người lãnh đạo già của đảng, để hướng dẫn toàn đảng, nhân dân toàn quốc bước ra khỏi sai lầm mê muội sùng bái cá nhân, nhưng lại tránh được sự chia rẽ trong đảng, Đặng Tiểu Bình trong bài nói của mình đã khẳng định công lao của Mao Trạch Đông là thứ nhất, phải tiếp tục giương cao ngọn cờ Mao Trạch Đông, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở nhận thức đó, tháng 6 năm 1981, hội nghị TW lần thứ 6 khóa 11 đã đưa ra “Quyết nghị về một số vấn đề lịch sử của đảng từ khi xây dựng nước đến nay”.
Quyết nghị này, nhằm đoàn kết toàn đảng, bước đầu uốn nắn sai lầm của Mao Trạch Đông từ sau khi xây dựng nước, xoay chuyển đường lối sai lầm lịch sử trước đây, khiến Trung Quốc đi vào con đường đúng đắn cải cách mở cửa, đã có tác dụng có tính lịch sử. Trong bài viết của mình tôi đã từng nói, “Quyết nghị” này bắt đầu tổng kết những sai lầm cuối đời của Mao Trạch Đông. “Quyết nghị” được thông qua dưới sự chủ trì của Đặng Tiểu Bình, chỉ chú trọng uốn nắn những sai lầm của cách mạng văn hóa, đã không phủ định về căn bản đường lối xã hội chủ nghĩa không tưởng của Mao Trạch Đông.
Trong cuốn sách, tác giả ghi, 12 năm sau, tại hội nghị Thượng Hải, Đặng Tiểu Bình đã thẳng thắn nói: “trong việc đánh giá địa vị lịch sử cũng như công lao, sai lầm của Mao Trạch Đông, hội nghị TW lần thứ 6 khóa 11 đã bị sự hạn chế của tình hình trong đảng và trong xã hội đương thời, một bộ phận lịch sử đã không chân thực. Không ít đồng chí đã tiếp nhận nghị quyết một cách trái với lòng mình. Lịch sử là do chúng ta đi qua, không thể điên đảo, không thể thay đổi. Trong việc đánh giá công lao, sai lầm của cuộc đời Mao Trạch Đông luôn luôn có tranh luận. Tôi đã nói với Bành lão (Bành Chân), (Đàm) Chấn Lâm, (Lục) Định Nhất: ý kiến của các vị là đúng, thế nhưng cần phải suy tính tới cục diện bên dưới, có thể để đến đầu thế kỷ sau, để cho thế hệ sau đưa ra đánh giá toàn diện! Công lao, sai lầm của Mao Trạch Đông bày ra đấy, dọn đi không được, thay đổi không xong. Có người lo lắng đánh giá toàn diện Mao Trạch Đông sẽ dẫn tới thành tích lịch sử của ĐCSTQ bị phủ định, sẽ làm tổn hại địa vị lãnh đạo của ĐCSTQ. Tôi thấy không cần phải lo lắng. Tôi kiến nghị, có thể đợi sau khi thế hệ chúng ta ra đi sẽ có đánh giá toàn diện cuộc đời Mao Trạch Đông. Đến lúc đó môi trường chính trị sẽ càng có lợi, ý kiến cố chấp sẽ ít đi một chút. Đảng viên cộng sản là những người duy vật, uốn nắn những quyết nghị sai lầm, sơ suất, trái với lòng mình, không hoàn chỉnh, là sự thể hiện lòng tự tin, có sức mạnh của đảng cộng sản, phải tin tưởng đại đa số đảng viên, tin tưởng nhân dân sẽ hiểu được, sẽ ủng hộ” (Bài nói của Đặng Tiểu Bình tại hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng ngày 15 tháng 1 năm 1993 tại Khách sạn Tây Giao Thượng Hải).
Đặng Tiểu Bình không cho rằng quyết nghị của hội nghị TW 6 khóa 11 là đánh giá cuối cùng về Mao Trạch Đông, để việc đánh giá lại Mao Trạch Đông cho thế hệ sau giải quyết. Mặc dù trong cuốn Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội tác giả đã tôn trọng di ngôn của Đặng Tiểu Bình nhưng có khả năng một số trình bày có liên quan trong cuốn sách vẫn có thể gây ra chấn động trên chính đàn Trung Quốc, có người sẽ có cảm giác kinh động. Sự ra đời của cuốn sách này khiến chúng ta lại có dịp nhìn thấy những năm tháng hoang đường, hỗn loạn và đẫm máu, là sự tự có ý nghĩa cực lớn đối với việc ngăn chặn trào lưu tư tưởng cực tả lưu luyến thời đại Mao Trạch Đông, kiên trì không dao động cải cách mở cửa.
Cuốn sách này về lý luận có những cống hiến có tính xây dựng. Trong “Lời kết thúc” đã có sự chỉnh lý, hướng dẫn về những phát triển chủ nghĩa Mác tiến cùng thời đại sau khi Tuyên ngôn cộng sản phát biểu. Tác giả cho rằng thời thanh niên, Mác, Enghen là những người cộng sản ‘lý luận chủ nghĩa xã hội không tưởng cộng thêm thủ đoạn cách mạng bạo lực’, còn vào cuối đời thì là người chủ nghĩa xã hội dân chủ. Sau khi giải tán Đồng minh những người cộng sản, họ không xây dựng đảng cộng sản, mà dưới sự chỉ đạo của họ đã xây dựng đảng xã hội dân chủ. “Chủ nghĩa cộng sản” là khẩu hiệu bị họ vứt bỏ lúc cuối đời. Trong tranh luận của Lênin với Quốc tế thứ hai, Quốc tế thứ hai là chính xác. Trên vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính giai cấp vô sản, những phê bình của Causky, Luxembourg, Plekhanov đối với Lênin là nhằm đúng điểm quan trọng. Những chính đảng thuộc Quốc tế thứ hai, trăm năm qua đã kiên trì mặt chính xác của học thuyết Mác, không thực hiện quyết liệt triệt để nhất đối với giai cấp tư sản, thông qua đấu tranh trong Quốc hội, phong trào công nhân đi con đường chủ nghĩa cải lương, từ đó thúc đẩy các quốc gia tư bản phương Tây không ngừng thay đổi, về mặt xóa bỏ ba chênh lệch lớn đã giành được những thành tựu vĩ đại mà mọi người đều thấy. Chủ nghĩa xã hội dân chủ châu Âu là chủ nghĩa Mác chính thống.
Tuyên ngôn cộng sản đã hướng dẫn sai những sứ đồ vĩ đại là Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông. Những sứ đồ vĩ đại này đã phát huy những không tưởng và bạo lực trong “Tuyên ngôn” lên tới cực đoan, hướng dẫn sai Quốc tế thứ ba và các đảng, nhân dân các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Sự tan rã và thất bại của phe xã hội chủ nghĩa trong những năm 90 của thế kỷ trước là do con đường “cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản” về căn bản là sai lầm. Một cuộc cách mạng lấy tiêu diệt chế độ tư hữu làm kết cục, một loại chế độ lấy bài xích sức sản xuất tiên tiến làm đặc trưng, bất kỳ là dùng danh nghĩa đường hoàng nào đều là không có tiền đồ. Giai cấp tư sản và chế độ tư hữu đại biểu cho sức sản xuất tiên tiến cho dù gặp phải sự hiểu sai lớn nhất, cho dù bị ma quỷ hóa như thế nào, cuối cùng vẫn được sự đồng thuận của loài người.
Loài người đã bất chấp những lời kêu gọi bình đẳng, chính nghĩa, sau khi thoát ly xã hội cộng sản nguyên thủy, trên con đường khoa học, dân chủ và pháp chế đã từng bước, từng bước đi tới văn minh. Nhà tư bản và phần tử trí thức đại biểu cho sức sản xuất tiên tiến và văn hóa tiên tiến là không thể tiêu diệt được, có tiêu diệt rồi thì cũng phải mời trở lại. Đó là bài học căn bản nhất mà thất bại của phong trào cộng sản quốc tế thế kỷ 20 để lại cho hậu thế.
Chủ nghĩa dân chủ mới thuộc hệ thống tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ, có thể nói đó là tinh hoa của tư tưởng Mao Trạch Đông. Kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông phải coi trọng chủ nghĩa dân chủ mới. Mao Trạch Đông tuyển tập do Đặng Tiểu Bình viết tên sách năm 1991 chỉ gồm 4 tập, không bao gồm những tác phẩm và bài nói sau tập 5, là có ý. Tác giả cho rằng : “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sản phẩm của sự cùng kết hợp tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ của Mác, Enghen với thực tiễn cụ thể của cải cách mở cửa Trung Quốc, nó sẽ xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa giàu có văn minh, công bằng và hài hòa như các nước châu Âu ngày nay. Đảng cộng sản Trung Quốc chuyển biến sang chủ nghĩa xã hội dân chủ là phục tùng những di giáo cuối đời của Mác, Enghen, kế thừa truyền thống cách mạng dân chủ mới, triệt để thoát ly mô hình Liên Xô, trở lại với chủ nghĩa Mác tiến cùng thời đại. Đó là sự định vị lịch sử của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.” (‘Lời kết thúc’). Cái “định vị” đó đã lấp bằng con đường chuyển đổi quỹ đạo về hình thái ý rhức cho đảng và nhà nước: chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, “ba ngọn cờ hồng” của chủ nghĩa xã hội đều không mất mà lại thoát khỏi sự ràng buộc của hình thái ý thức “tả”, vứt bỏ được những lý luận sai lầm, giáo điều cực tả – từ Mác, Enghen, Lênin, Stalin đến Mao Trạch Đông, đã hướng dẫn sai Trung Quốc ba mươi năm, mang lại cho đất nước sự nghèo nàn, động loạn và chuyên chế và cho đến nay vẫn còn ngăn cản và phủ định cải cách mở cửa.
Tác giả kiến nghị: “trong cải cách hình thái ý thức, phải lấy quan điểm phát triển khoa học lấy con người làm gốc của Hồ Cẩm Đào làm tổng cương, lấy chủ nghĩa xã hôi dân chủ của Mác, Enghen lúc cuối đời, chủ nghĩa dân chủ mới của Mao Trạch Đông cũng như lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng ‘ba đại diện’ làm cơ sở, hấp thu kinh nghiệm trị quốc của đảng dân chủ xã hội chấp chính dân chủ, chấp chính liêm khiết và rút ngắn ba chênh lệch lớn (chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch giữa công nhân và nông dân, chênh lệch giữa lao động trí óc và lao động chân tay), xây dựng hình thái ý thức hài hòa với trào lưu dân chủ thế giới, hình thành một bộ lý luận chấp chính hoàn chỉnh thích nghi với tình hình đất nước. Hệ thống lý luận này nên đặt tên là lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ, ghi vào điều lệ đảng và Hiến pháp; từ nay trở đi, sẽ không bao giờ ghi họ tên bất kỳ người nào làm tư tưởng chỉ đạo đảng và quốc gia, nhằm loại bỏ tác phong còn lại và ảnh hưởng của sùng bái cá nhân, thiết lập quyền ăn nói của phái cải cách. Đảng cộng sản Trung Quốc đổi tên làm đảng xã hội Trung Quốc, tham gia quốc tế đảng xã hội, nhằm kế thừa trào lưu lịch sử đảng dân chủ xã hội mà Mác, Enghen đã xây dựng, xác lập địa vị chính thống lịch sử của phái cải cách, làm cho người trong nước nghe nhìn đều thấy mới mẻ đổi mới, làm cho thế giới nghe nhìn đều thấy mới mẻ. Đi được bước này, sẽ phát sinh ảnh hưởng trọng đại trong việc thống nhất Trung Hoa, trong việc cải tiến quan hệ giữa Trung Quốc với EU, Mỹ, Nga và mọi quốc gia dân chủ, sáng tạo môi trường quốc tế tốt nhất để Trung Hoa bay cao” (“Lời kết thúc”).
Những kiến nghị này của Tân Tử Lăng, thuộc vào đại chiến lược của sự phát triển đảng và nhà nước. Về vấn đề loại bỏ những tác phong còn lại và ảnh hưởng của sùng bái cá nhân, thiết lập quyền ăn nói của phái cải cách, đặc biệt đáng coi trọng.
Về vấn đề đổi tên đảng có khả năng dẫn tới kinh ngạc. Nhưng đó mới thực sự là tiến cùng thời đại. Tôn Trung Sơn lãnh đạo cách mạng dân chủ lật đổ chế độ hoàng đế, lúc bắt đầu gọi là Đồng minh, sau khi thiết lập Dân quốc để thích ứng với đòi hỏi nội các trách nhiệm, đã cùng với mấy đảng nhỏ liên hiệp cải tổ thành Quốc dân đảng, Viên Thế Khải cướp nước xưng đế, Tôn Trung Sơn phát động cuộc cách mạng lần thứ hai, đổi tên là Đảng cách mạng Trung Hoa, trong chiến tranh Hộ pháp**** để nhấn mạnh sự chính thống lại đổi tên là Quốc dân đảng. Theo hồi ức của Johnson. Stewart, người đã từng là thành viên của Tổ quan sát quân Mỹ tại Diên An thì tháng 8 năm 1944, khi nói chuyện với ông ta, Mao Trạch Đông đã nói: “để hợp tác với Mỹ, những người cộng sản đã suy tính tới vấn đề liệu có cần đổi tên mình hay không ”[1]. Vào lúc cuối đời khi nói chuyện với các cán bộ cao cấp, Đặng Tiểu Bình cũng đã nói, khi cần thiết sẽ đổi tên đảng. Đảng xã hội dân chủ là do Mác, Enghen xây dựng. Khi phát biểu Tuyên ngôn cộng sản chưa có đảng cộng sản, văn kiện này vốn gọi là Tuyên ngôn chủ nghĩa cộng sản [2]. Chỉ vào năm 1918 khi Lênin làm chuyện chia rẽ với Quốc tế thứ hai thì tên gọi đảng cộng sản mới được vang lên. Cho dù toàn bộ lý luận tiêu diệt chế độ tư hữu là sai (tỉ mỉ xem phần thứ nhất của “Lời kết thúc”, ở đây không triển khai trình bày), hiện nay trong nền kinh tế nước ta đã xuất hiện chế độ tư hữu, trong Hiến pháp đã có điều khoản bảo vệ tài sản tư hữu, với tư cách là đảng cầm quyền mà vẫn gọi là đảng cộng sản sẽ không thích hợp, còn chuẩn bị định “cộng” tài sản của ai?
Tôi thường nói, chủ nghĩa Mác là cái gì? Khảo sát từ lịch sử và thực tiễn thấy, những cái gì của chủ nghĩa Mác là chính xác, những cái gì là sai lầm, trước đây chúng ta đã chấp hành chủ nghĩa Mác như thế nào, chủ nghĩa Mác nên phát triển ra sao, chúng ta đã làm rõ chưa? Lâu nay, chủ nghĩa Mác giả ra sức thực hiện đạo của mình, còn chủ nghĩa Mác thật lại bị che lấp bởi lớp tro bụi “chủ nghĩa xét lại”. Điều này chủ yếu là do chủ nghĩa chuyên chế văn hóa được sùng bái, nó bắt nguồn từ chủ nghĩa chuyên chế chính trị. Chuyên chế một đảng dẫn tới hình thái ý thức được xác định là cái tuân theo duy nhất, mà cái “tuân theo duy nhất” này lại là phần sai lầm trong chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Stalin, và lý luận Mao Trạch Đông xa rời chủ nghĩa Mác. Không ít người trong giới lý luận đang nhận thức lại chủ nghĩa Mác, một lần nữa từ trong cuốn sách của Tân Tử Lăng, tôi lại tìm thấy tri âm. Thì ra chủ nghĩa xã hội nghèo mà trước cải cách chúng ta đã làm, đã chấp hành những cái sai lầm trong chủ nghĩa Mác bị Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông phát triển, là những lý luận và chủ trương bị Enghen lúc cuối đời thừa nhận “chỉ là một ảo tưởng”[3] và còn coi những cái chính xác của nó là “chủ nghĩa xét lại” để phê phán trong mấy chục năm. Mặc dù sự trả lời của tác giả có chút đơn giản, nhưng đã nắm chắc được cái căn bản của vấn đề, cung cấp cho người ta những manh mối để đi sâu nghiên cứu và suy ngẫm hơn nữa
Trên vấn đề thế nào là chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, một thời gian dài chúng ta đã “Nhất biên đảo” (ngả về một bên), đi con đường kiểu Liên Xô, thực hiện chủ nghĩa xã hội bạo lực, tiêu diệt chế độ tư hữu, tiêu diệt giai cấp tư sản, càng làm càng nghèo, đã thất bại; sau cải cách mở cửa, trên thực tế là đi con đường kiểu Thụy Điển, thực hiện chủ nghĩa xã hội dân chủ, bảo vệ chế độ tư hữu, đoàn kết giai cấp tư sản, thu được thành công to lớn. Cho dù cải cách thể chế chính trị không cùng tiến lên đồng bộ với cải cách kinh tế, dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như hủ bại cùng phát sinh một lúc v.v. Nhưng tì vết không che nổi ánh ngọc, dòng chính là tốt, chỉ cần kiên trì đi con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ là không khó giải quyết. Thành công này được thể hiện ở năng suất lao động sáng tạo trong năm 2003 cao gấp 33 lần năm 1978. Theo tính toán của Cục thống kê nhà nước, năng suất lao động trong cả năm 1978 chỉ tương đương với năng suất lao động trong 11 ngày của năm 2003.
Qui cho cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất để chế độ mới chiến thắng chế độ cũ, đường lối chính xác chiến thắng đường lối sai lầm, chủ nghĩa xã hội dân chủ chiến thắng chủ nghĩa xã hội bạo lực. Rút kinh nghiệm những sai lầm đã mắc phải trước đây và con đường nên đi từ nay về sau, trong các bài viết mấy năm gần đây, tôi thường bàn đến 3 vấn đề có liên quan cần làm rõ sự phát triển, tiến bộ văn minh của lịch sử nhân loại rốt cuộc là dựa vào cái gì? Nên nhận thức như thế nào về “sự lãnh đạo lý luận” như chủ nghĩa Mác v.v. đã được ghi vào Hiến pháp? Tác dụng và quan hệ nhà nước mà đảng cộng sản đã có trong lịch sử, đảng nên cầm quyền như thế nào? Nội dung cuốn sách này đều có liên quan hoặc giải đáp đến nội dung của ba mặt này. Trong trao đổi bàn bạc, Tân Tử Lăng đã kể một chuyện cười chính trị: một người Trung Quốc tới thăm thành phố Trier, nước Đức – quê hương của Mác, hỏi người gác cửa: “nước Đức các anh có Mác làm sao không tôn thờ Mác?” Người gác cổng nói: “Mác là nhà đại học vấn, ông để lại hai bản kinh điển, một bản là chủ nghĩa Mác nghèo, một bản là chủ nghĩa Mác giàu. Nghe các người già nói, thế kỷ trước có một người tên là Lênin rất lợi hại, cướp lấy bản chủ nghĩa Mác nghèo mang đi, hơn nữa còn để lại lời, không cho phép chúng tôi tin theo chủ nghĩa Mác. Chúng tôi chỉ còn lại bản chủ nghĩa Mác giàu và cũng chẳng tranh lấy chính thống làm gì, thế mà cuộc sống ngày càng tốt, sống rất vui”. Câu chuyện này rất đáng để chúng ta suy ngẫm sâu sắc. Chúng ta nên tôn thờ chủ nghĩa Mác giàu có thể thúc đẩy sức sản xuất tiên tiến và phát triển văn hóa tiên tiến – chủ nghĩa xã hội dân chủ, và triệt để chia tay với chủ nghĩa Mác nghèo – lý luận và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông.
Tháng 4 năm 2006
Dương Danh Dy (dịch)
Chú thích của tác giả
[1] John.Stewart. Cơ hội bị đánh mất tại Trung Quốc. Công ty xuất bản Văn hóa quốc tế. Năm 1989, tr. 260.
[2] Truyện Enghen. Nhà sách Tam liên tân trí sinh hoạt độc thư. Năm 1975, tr. 137.
[3] Toàn tập Mác – Enghen, Quyển thứ 22. Nhà xuất bản Nhân dân. Năm 1965, tr. 595.
Chú thích của người dịch
* Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội, tác giả Tân Tử Lăng, gồm hai tập 700 trang. Nhà xuất bản Thư tác bảng, Hồng Công, năm 2007.
** Lý Nhuệ, đảng viên lão thành Đảng cộng sản Trung Quốc đã từng là Phó Trưởng Ban Tổ chức TW ĐCSTQ, và có một thời gian làm thư ký cho Mao Trạch Đông.
*** Tân Tử Lăng, nguyên Đại tá, cấp Sư doàn trưởng quân Giải phóng Trung Quốc, người chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông
**** Chiến tranh Hộ pháp: là cuộc chiến tranh do Tôn Trung Sơn phát động nhằm bảo vệ “Ước pháp lâm thời Dân quốc Trung Hoa” và phản đối sự thống trị độc tài chuyên chế của Quân phiệt Bắc Dương, từ năm 1917 đến năm 1922, trước sau đã tiến hành hai lần.
Tên sách: 千秋功罪-毛泽东
Tác giả 新子棱
Nhà xuất bản 书作 榜 出版社,香港,2007 年
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.
Kinie chào đón 1/10 bằng hàng loạt bài về TQ :)
Trả lờiXóa60 năm, công lao vĩ đại, thành tích huy hoàng, tương lai hoành tráng....há, há !!!
Trả lờiXóaDang o vung sau vung xa...
Trả lờiXóa