Kichbu theo reds.vn
Nhằm nhắc nhở thế hệ
trẻ không được quên bài học lịch sử, nhiều cựu Hồng vệ binh ở Trung Quốc đã
công khai xin lỗi về thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).
Vào một buổi sáng tháng
10.2013, Trần Tiểu Lỗ, con trai út của Nguyên soái Trung Quốc Trần Nghị, tổ
chức cuộc gặp gỡ với 8 giáo viên và 14 bạn học cũ. Không giống những buổi họp
lớp thường tràn ngập niềm vui pha lẫn cảm xúc bồi hồi về những ngày tháng xưa,
cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí u sầu và ảm đạm. Đó là cuộc gặp của sự ăn
năn và tha thứ.
Nước mắt
Hồng vệ binh
|
Với tư cách Chủ
tịch Hội Cựu học sinh giai đoạn 1966 -1968 tại Trường trung học Bắc Kinh số 8,
Trần Tiểu Lỗ (67 tuổi) đứng dậy, cúi đầu và đại diện cho các học sinh nói lời
xin lỗi vì làm nhục và đánh đập thầy cô giáo trong thời Cách mạng Văn hóa. Các cựu
học sinh khác cũng làm theo Trần. Những lời nói hối hận hòa lẫn với ngôn từ an
ủi và nước mắt tuôn tràn trên các khuôn mặt. Theo tờ China Daily, trước
khi tổ chức cuộc gặp, Trần đã đăng tải lời xin lỗi trên trang blog của nhóm cựu
học sinh vì “trách nhiệm trực tiếp trong việc lên án và đưa nhiều người đến
trại cải tạo”. Theo ông Trần, lời xin lỗi tận đáy lòng của ông với các thầy cô
và bạn cũ “dù muộn nhưng cần thiết”.
Ngày 8.8.1966, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao
Trạch Đông quyết định phát động cuộc Cách mạng Văn hóa (tên gọi chính thức là
Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản), một phong trào trên toàn quốc đã mang
lại khổ đau về tinh thần và thể xác cho hàng triệu người. Là con trai của Phó
chủ tịch Quân ủy Trung ương Trần Nghị, Trần Tiểu Lỗ từng làm Chủ tịch Ủy ban
Cách mạng của Trường trung học Bắc Kinh số 8, ngôi trường dành cho con cái của
các lãnh đạo cao cấp.
Phong trào tại
trường của Trần đã khiến hai giáo viên tự tử và một người bị tàn tật. Trần Tiểu
Lỗ kể rằng do sợ bị quy kết phản cách mạng, ông đã “tích cực tham gia” trong
giai đoạn đầu và “không đủ can đảm để dừng những hành động phi nhân” khi mọi
thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. “Đó là khoảng thời gian khủng khiếp. Lời
xin lỗi chính thức của tôi đến quá muộn nhưng đó là điều tôi phải làm vì sự
thanh thản tâm hồn, sự phát triển của xã hội và tương lai đất nước”, tờ China
Daily dẫn lời ông Trần.
Trần Tiểu Lỗ không
phải là Hồng vệ binh duy nhất bày tỏ sự ăn năn về thời Cách mạng Văn hóa mặc dù
thân thế ông bảo chứng cho sự quan tâm của truyền thông nhà nước ở Trung Quốc.
Vào tháng 6, Lưu Bá Cần, cựu quan chức văn hóa ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn
Đông, châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt về Cách mạng Văn hóa trên
internet khi công khai xin lỗi về vụ vây ráp nhà một người bạn học vào năm
1966. Việc bị cuốn đi bởi không khí Cách mạng Văn hóa không thể biện hộ cho
“các hành động xấu xa” mà tôi là “một cá nhân chịu trách nhiệm”, Lưu viết trên
tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu. Một tháng sau, một cựu Hồng vệ binh khác
tên Trương Hồng Binh (67 tuổi) công khai bày tỏ sự ăn năn về cái chết của mẹ
mình, người bị xử bắn vì nói xấu Mao Trạch Đông ở nhà. Chính Trương cùng cha
mình đã tố cáo việc này với nhà chức trách. “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho
mình”, Trương nói.
|
Đánh giá
lại Cách mạng Văn hóa
Tranh cãi về việc
xét lại toàn diện Cách mạng Văn hóa cũng được xới lại vào tháng 4, khi một cụ
già họ Khâu ngoài 80 tuổi bị tòa án ở tỉnh Chiết Giang kết án 3 năm rưỡi tù
giam vì tội giết một bác sĩ năm 1967. Khi cáo trạng được đưa ra vào thập niên 1980,
Khâu đã bỏ trốn và mới bị bắt hồi năm ngoái. Vụ xử án làm dấy lên các phản ứng
trái chiều tại Trung Quốc. “Việc quy trách nhiệm cho các cá nhân trong giai
đoạn khi hệ thống pháp lý gần như không hiện hữu là không đúng. Cả thủ phạm và
nạn nhân đã bị hy sinh bởi các phe phái chính trị trong thời kỳ đó”, ông Vương
Thuận An, Trưởng khoa Tội phạm học thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật
pháp Trung Quốc nói với tờ Hoàn Cầu thời báo.
Vào năm 1981, đảng
Cộng sản Trung Quốc chính thức công nhận Cách mạng Văn hóa là một sai lầm, một
thời kỳ “hỗn loạn đặt ra thử thách cam go với đảng, nhà nước và nhân dân Trung
Quốc”. Dù thừa nhận trách nhiệm của Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho
rằng phong trào “bị thao túng bởi những bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu và Giang
Thanh”. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa đưa ra kết luận cặn kẽ và
thấu đáo về phong trào và hiếm khi có các phát biểu chính thức về thời kỳ này,
theo tờ Hoàn Cầu thời báo.
Dẫu vậy, trong
cuộc họp báo cuối cùng trước khi về hưu vào tháng 3 năm ngoái, nguyên Thủ tướng
Ôn Gia Bảo cảnh báo những ảnh hưởng còn sót lại của Cách mạng Văn hóa vẫn hiện
hữu và các bi kịch lịch sử tương tự có thể tái diễn nếu đất nước không hướng đến
cải cách chính trị. Phát biểu của ông Ôn Gia Bảo được cho là ám chỉ đến những
nỗ lực khôi phục “văn hóa đỏ” của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người vừa
bị tuyên án chung thân hồi cuối tháng 9 về tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ
và lạm quyền. Theo ông Lưu Sơn Ưng, nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Khoa học
xã hội Trung Quốc, sự đồng thuận về Cách mạng Văn hóa mà các lãnh đạo Trung
Quốc đạt được từ thập niên 1980 vẫn được áp dụng đến nay. Lịch sử, nếu được ghi
lại một cách trung thực, sẽ luôn có tác dụng như bài học răn đe, tờ China
Daily dẫn lời Lưu.
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét