---
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Mở rộng hợp tác, xây dựng tin cậy, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống
QĐND - Thứ Ba, 30/08/2011, 0:37 (GMT+7)
Nguồn: qdnd.vn
QĐND - Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung cấp Thứ trưởng lần thứ hai đã diễn ra tốt đẹp ngày 29-8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị Việt-Trung.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
Phát biểu tại Đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nhất trí đánh giá dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Quan hệ kinh tế và thương mại phát triển nhanh. Giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân liên tục được mở rộng. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc.
Với đà phát triển chung của quan hệ hai nước, hợp tác quốc phòng Việt-Trung cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết nhau, xây dựng quan hệ gắn bó giữa quân đội hai nước. Trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2010; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Lương Quang Liệt và dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) cuối năm 2010 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào đầu năm 2011. Quan hệ giao lưu, hợp tác, phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng và quân khu giáp biên giới hai nước được đẩy mạnh. Các cuộc tuần tra liên hợp trên biển và trên bộ đạt được kết quả tốt. Việc trao đổi học viên quân sự tăng cả số lượng và chuyên ngành…
Trên nền tảng tốt đẹp đó, tại Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung lần này, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tăng cường trao đổi đoàn, sớm hoàn thành đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, mở rộng trao đổi đào tạo học viên quân sự dài hạn và ngắn hạn. Trung Quốc nhất trí chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Hai bên cũng cho rằng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để chiến sĩ và nhân dân Việt-Trung hiểu rõ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác thiết thực và cùng có lợi giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Tại cuộc Đối thoại, hai bên cũng dành thời gian trao đổi về tình hình Trung Đông-Bắc Phi và đặc biệt là việc đẩy mạnh can dự của các nước lớn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương: “Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hệ lụy của sự can dự này để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và không bị bất ngờ”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, tuy nhiên, ông cho rằng: “Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự can dự này là do các nước nội bộ khu vực phát sinh vấn đề với nhau”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam.
Hướng tới giải pháp “Cùng thắng”
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt trong quan hệ hai nước. Theo Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, hiện nay điểm bất đồng và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hai nước cần xử lý thỏa đáng vấn đề này vì đại cục quan hệ Việt-Trung và ổn định khu vực: “Hòa bình hai bên đều có lợi, đối đầu hai bên đều thiệt hại”, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nói.
Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và mong muốn tìm được giải pháp “cùng thắng”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu rõ vấn đề Biển Đông có ba khía cạnh khác nhau nhưng liên quan mật thiết, đó là Tuyên bố chủ quyền của các nước liên quan; xử lý mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc; xử lý trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tuyên bố chủ quyền vào nhiều thời điểm, nội dung và phạm vi khác nhau. Giải quyết vấn đề phải tôn trọng lịch sử nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, các vấn đề trên Biển Đông cần được xử lý theo luật pháp quốc tế. Đó là, những vấn đề mang tính quốc tế theo Luật Biển phải giải quyết trên bình diện quốc tế, những vấn đề liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan, những vấn đề liên quan đến hai nước cần giải quyết song phương. Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam-Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch:“Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng chia sẻ rằng, để bảo vệ và xây dựng đất nước chỉ có một con đường là giữ gìn độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ và quan hệ tốt với cộng đồng thế giới, không thể có những điều đó nếu dựa vào nước này để chống nước kia: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới, một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nêu bật việc cần phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn để nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề Biển Đông trong mối quan hệ hữu nghị tổng thể giữa hai nước.“Có thông tin đầy đủ và chính xác là nhu cầu của hơn 80 triệu người dân Việt Nam và hơn 1 tỷ 350 triệu người dân Trung Quốc”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu và nhấn mạnh thêm:“Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc!". Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng“trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời thăm hỏi của Đại tướng Phùng Quang Thanh tới Thượng tướng Lương Quang Liệt. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định lại mong muốn giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và cho rằng kết quả tốt đẹp của cuộc Đối thoại sẽ tạo động lực để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng Việt-Trung, góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.
Bài và ảnh: Bảo Trung (từ Bắc Kinh)
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt - Trung xuất phát từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và nhu cầu giải quyết những khác biệt, bất đồng
QĐND - Thứ Tư, 31/08/2011, 0:3 (GMT+7)
Nguồn: qdnd.vn/qdndsite
QĐND - Nhân dịp tới Bắc Kinh dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung cấp thứ trưởng lần thứ hai, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đã tới thăm Đại học Quốc phòng Trung Quốc sáng 30-8. Đoàn Việt Nam đã tham quan và tiến hành thảo luận về tình hình an ninh khu vực với lãnh đạo nhà trường. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trao đổi với Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn báo chí tại Bắc Kinh:
- Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết đôi nét về nội dung Đối thoại chiến lược Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc vừa diễn ra?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này là lần thứ năm, nhưng là lần thứ hai sau khi hai nước nhất trí đưa đối thoại lên cấp thứ trưởng Quốc phòng, mức đối thoại cao nhất về chiến lược quốc phòng. Điều này không những thể hiện sự tin cậy và nhu cầu về hợp tác quốc phòng an ninh trong bối cảnh chung của khu vực, mà còn phát triển tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong Đối thoại chiến lược quốc phòng lần này, cũng như thông lệ, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến quốc phòng an ninh của mỗi nước, đồng thời trao đổi về những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc có hai vấn đề được nhân dân, đảng, nhà nước và quân đội rất quan tâm. Vấn đề thứ nhất là phải tăng cường hợp tác trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực, bộ ngành, trong đó có quốc phòng an ninh nhằm tương xứng với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Vấn đề thứ hai, lý do khiến cuộc đối thoại lần này nhận được sự quan tâm nhiều hơn là giữa Việt Nam và Trung Quốc có những vấn đề khác biệt, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Không thể không nói đến vấn đề Biển Đông trong đối thoại chiến lược quốc phòng, nhưng nói như thế nào để vừa giữ được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, vừa giữ được hòa khí, tình đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc và đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của đoàn Việt Nam đặt ra lần này.
Nói về diễn biến của cuộc đối thoại chiến lược, tôi không biết các bạn Trung Quốc đánh giá như thế nào, nhưng phía Việt Nam cho rằng cuộc đối thoại đã diễn ra tốt đẹp. Chúng ta đã nói được với các đồng chí Trung Quốc tất cả những gì ta cần nói-đó là sự khẳng định của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ, khẳng định của Việt Nam về độc lập tự chủ của đất nước, đồng thời cũng thể hiện Việt Nam mong muốn giải quyết và xử lý các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và công khai minh bạch. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng trao đổi với đoàn ta rất thẳng thắn về những quan điểm của Trung Quốc. Điều đáng mừng nhất là các đồng chí Trung Quốc cũng bày tỏ một cách rõ ràng mong muốn có tính nguyên tắc trong giải quyết những vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Việt Nam bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở hai nước XHCN láng giềng, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch. Những vấn đề, những nội dung chúng ta nói với phía Trung Quốc đều là thực tiễn và sự thực. Những gì mà các đồng chí Trung Quốc nói với chúng ta cũng là những điều mà Trung Quốc nghĩ đến, nhưng để ngồi mà nói với nhau một cách thẳng thắn về những ý nghĩ đó thì lại là điều không phải dễ. Sau khi hai bên trao đổi thẳng thắn với nhau, chúng tôi thấy phía Trung Quốc rất vui vẻ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của chúng ta. Trong khi đó, đoàn Việt Nam cũng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phía Trung Quốc.
Tôi nhắc lại, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được khẳng định và dựa trên cơ sở láng giềng XHCN, nhưng trước hết phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng độc lập tự chủ của nhau. Đó chính là các điểm và những nội dung nổi bật trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này.
- Là một bộ phận trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian qua, quan hệ quốc phòng đã có những đóng góp như thế nào trong quan hệ chung giữa hai nước?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan hệ quốc phòng trước hết tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Mối quan hệ quốc phòng càng sâu, càng cao thì sự tin cậy về hòa bình, tin cậy về ổn định cũng như tin cậy về nhu cầu hợp tác càng tăng lên. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc đã có truyền thống từ trước đến nay. Trong tình hình mới hiện nay, hợp tác đa dạng, ở nhiều cấp một cách thường xuyên và phát triển sẽ củng cố sự tin cậy giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tác dụng thứ hai của hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc là trên cơ sở hợp tác quốc phòng, chúng ta có điều kiện để mở rộng quan hệ đối ngoại của quân đội, không chỉ với riêng Trung Quốc mà còn tham gia vào các diễn đàn đa phương cũng như xúc tiến quan hệ quốc phòng với nhiều nước khác. Có thể nói, ta đã có quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước lớn trên thế giới và các nước trong khu vực có quan hệ kinh tế, chính trị với Việt Nam. Tác dụng thứ ba của hợp tác quốc phòng là góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, trong đó chủ yếu là công tác đào tạo. Có thể thấy, lĩnh vực giáo dục đào tạo của Trung Quốc đã có những bước tiến khá xa so với trước đây, trong đó có đào tạo quốc phòng. Chúng ta đã gửi các sinh viên sang Trung Quốc học những ngành mà Trung Quốc có thế mạnh như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật…
- Đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Triển vọng hợp tác quốc phòng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào mức độ quan hệ chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như các đồng chí đã biết, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tốt đẹp. Hiện chúng ta đang chờ đợi những sự kiện chính trị to lớn giữa hai đảng và hai nhà nước. Thứ hai là quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã có sự phát triển vượt cao hơn cả dự kiến, điển hình Trung Quốc trong năm 2010 đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của chúng ta với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 30 tỷ USD, năm nay có thể sẽ còn cao hơn. Trong bối cảnh chung đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ phát triển do những điều kiện thuận lợi của tình hình cũng như quan hệ chiến lược giữa hai nước tạo ra.
Mặt khác, hợp tác quốc phòng giữa hai nước được tăng cường còn do xuất phát từ nhu cầu giải quyết những bất đồng, khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi nhắc lại, giữa Việt Nam và Trung Quốc rõ ràng có một thực tế là tồn tại những khác biệt và bất đồng ở Biển Đông. Quốc phòng phải đảm bảo cho bất đồng mà không xung đột, mâu thuẫn nhưng không trở thành điểm nóng. Do đó, tôi cho rằng vừa xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh, vừa xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu nên hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới sẽ và cần phải tiếp tục phát triển.
- Trong cuộc đối thoại vừa rồi, hai bên có đạt được những thỏa thuận mang tính nguyên tắc về vấn đề Biển Đông không, thưa Thứ trưởng?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, những vấn đề cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không thuộc chức năng của quốc phòng, vì vậy đối thoại không bàn các nguyên tắc để giải quyết vấn đề Biển Đông. Đây là việc của các bộ, ngành khác.
Tuy nhiên, quốc phòng cần phải đặt ra những nguyên tắc ứng xử trong lĩnh vực quốc phòng. Trước hết là không được sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực và tôi cũng đã phát biểu với các đồng chí Trung Quốc là thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, quốc phòng phải tăng cường xây dựng một vùng biển hòa bình và phát triển. Ví dụ như phải cùng giúp đỡ bảo vệ ngư dân; làm tốt các công tác quản lý trên biển; bảo vệ các hoạt động lao động hòa bình trên biển; tuân thủ luật pháp quốc tế... Đó là những nguyên tắc hai bên đã đạt được từ trước và được nhắc lại tại cuộc đối thoại lần này và đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện.
Chúng tôi nhất trí tăng cường hợp tác Hải quân, tuần tra chung, tăng cường cử tàu thăm lẫn nhau với mục đích không để xảy ra va chạm giữa hai lực lượng quốc phòng trên biển. Một khía cạnh hợp tác Hải quân rất quan trọng khác là bảo vệ ngư dân và các lao động hòa bình trên biển. Tuyệt đối không được ứng xử thô bạo với ngư dân, dù họ đúng hay sai thì đều phải đối xử nhân đạo như đối với ngư dân nước mình. Họ sai thì phải chỉ cho cái họ sai và hướng dẫn làm cho đúng.
Hợp tác biên phòng ở Vịnh Bắc Bộ và đường biên giới trên bộ đã có những hợp tác tốt. Có thể nói đường biên giới Việt - Trung trên bộ cho đến nay là đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Như vậy, hợp tác biên phòng trên biển cũng có thể làm tình hình dịu đi.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng là đồng tác giả của Sáng kiến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Sáng kiến này liên quan chặt chẽ với biển vì biển là nơi dễ bị thảm họa nhiều nhất.
Đây là những ví dụ cho thấy, bằng giải pháp cụ thể thì hai bên sẽ hiện thực hóa cam kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội hai nước.
- Có một thực tế là những năm gần đây Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội. Đặc biệt thời gian gần đây có những sự kiện lớn như Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay, máy bay tàng hình J-20. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước tiên, với một nước láng giềng lớn như Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng thì Việt Nam đương nhiên rất chú ý, chúng ta cần nghiên cứu sự phát triển về tiềm lực quốc phòng Trung Quốc. Nhưng sự phát triển đó phải phân biệt là phát triển về tiềm lực hay phát triển về hành động. Nếu phát triển về tiềm lực thì đó là quyền của mỗi nước và không gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình an ninh khu vực. Nhưng nếu là phát triển về hành động, ví dụ đóng tàu sân bay rồi để đưa đến những vùng biển nhạy cảm hay tổ chức các cuộc diễn tập bất thường… thì sẽ gây lo ngại và mất an ninh cho khu vực. Còn nếu chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của mình thì đó là quyền của mỗi nước./.
Bài và ảnh: Bảo Trung (từ Bắc Kinh)
Xem các còm tại đây!
---
Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng
gửi các nhà lãnh đạo VN
Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc
_____________
THƯ NGỎ
Kính gửi :
- Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước CHXHCN VN.
- Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư BCH TW ĐCS VN.
- Ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ Tịch Quốc Hội nước CHXHCN VN.
- Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ Tướng Chính phủ nước CHXHCN VN.
Thưa các vị ,
Tôi là LÊ HIẾU ĐẰNG, công dân đang thường trú tại Quận 10 TP.HCM viết thư ngỏ này để đề nghị các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, của Đảng làm sáng tỏ hai sự việc đã xảy ra trong thời gian gần đây mà xét đến cùng các vị cũng có phần trách nhiệm, nếu không nói là có trách nhiệm cao nhất.
Hai sự việc đó là :
1) Chủ trương cấm các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa chống bành trướng Trung Quốc của một bộ phận nhân sĩ, trí thức, nhân dân Thủ đô Hà Nội và sau đó là hành động bắt bớ, đàn áp những người biểu tình, dùng các phương tiện truyền thông, báo chí của Nhà nước phát những tin tức, hình ảnh lập lờ cố tình bôi xấu, chụp mũ “phản động” đối với một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn mà nhân cách, uy tín và quá trình đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam không ai có thể phủ nhận được.
Việc làm nêu trên hoàn toàn đi ngược lại khuyến cáo đầy thiện chí của các nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ ở Hà Nội và đông đảo anh chị em trong phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước 1975 trong Tuyên Cáo ngày 25/6/2011, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của một số nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ và một bộ phận nhâ dân Thủ đô Hà Nội đã từng tham dự các cuộc tuần hành, biểu tình yêu nước liên tiếp chống hành động bành trướng của Trung Quốc trong các buổi sáng Chủ nhật vừa qua.
2) Trong vòng đối thoại thường niên về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, ông Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN VN đã có những phát biểu mà nhiều người, trong đó có tôi và những người đã từng đấu tranh trong phong trào ở các thành thị Miền Nam trước 1975, cho rằng vượt thẩm quyền của một thứ trưởng Quốc phòng. Nội dung gây phẫn nộ trong những nhân sĩ, trí thức và đông đảo nhân dân là việc ông Vịnh đã thông báo cho phía Trung Quốc “Chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn” . Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc khi thông báo và hứa với Trung Quốc như vậy. Việc nhân dân VN biểu tình chống lại hành động bành trướng xâm lược có hệ thống của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và thái độ của nhà nước VN hoàn toàn là chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền. Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy? Các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước VN, của Đảng Công Sản VN có ủy quyền cho ông Vịnh nói với Trung Quốc nội dung trên hay không? Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả môt dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách.
Thưa các vị ,
Tôi nêu hai sự việc trên để các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của nhà nước và của Đảng, hơn nữa các vị đều là đại biểu của Quốc Hội, làm rõ trước công luận :
- Hai sự việc nêu trên xảy ra gần đây có phải là chủ trương chính thức của Nhà nước VN, của Đảng Cộng Sản VN hay không ?
- Nếu đây không phải là chủ trương chính thức của Nhà nước VN, của Đảng Cộng Sản VN thì các vị có biện pháp gì để kiểm điểm trách nhiệm đi đến xử lí, kỉ luật các cán bộ thuộc quyền đã có những hành động lạm quyền, vượt quyền, nếu không nói là lộng quyền như trên hay không ? Hay nói theo cách nói tế nhị của giáo sư Ngô Bảo Châu khi phê phán phiên tòa sơ thẩm xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này ”
Tôi với tư cách công dân, với tư cách một cử tri của Sài Gòn – TP.HCM dùng quyền chất vấn của mình để các vị làm rõ trước công luận hai sự việc nêu trên vì tôi quan niệm rằng trong một chế độ chính trị độc Đảng nếu Nhà nước không tự nghiêm khắc với chính mình thì hiện tượng lạm quyền, lộng quyền của những cán bộ có chức quyền sẽ làm trầm trọng thêm tệ quan liêu, tham nhũng, chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích và các quyền công dân, chà đạp lên luật pháp, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của đất nước.
Qua thư ngỏ này, tôi tin tưởng rằng với trách nhiệm của mình, các vị sẽ có những biện pháp đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả để tránh nhửng sự việc đáng tiếc như đã xảy ra trong thời gian gần đây, để VN thân yêu của chúng ta hòa mình thật sự vào dòng chảy tự do, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội hiện nay trên Thế giới ./.
Trân trọng,
TP.HCM, ngày 06 tháng 9 năm 2011
Kí tên ,
LÊ HIẾU ĐẰNG
- Nguyên Phó Tổng thư kí Uỷ Ban TW Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN (1968-1977);
- Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định ( 1969-1975);
- Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM (1989-2009);
- Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM Khóa 4,5.
Nguồn: anhbasam.wordpress.com
Xem các coms tại đây!