Thái Lan: Cuộc trình diễn cân bằng địa chiến lược xuyên ba thế kỷ
01/12/2012 - 00:01
Phạm Bích San
Nguôn:
songmoi.vn
Kichbu
posted on 01.12.2012
"Hình
thù con quỷ không phải dữ như người ta tưởng".
(Ngạn ngữ châu Âu cổ)
(Ngạn ngữ châu Âu cổ)
Xem thêm:
Tại hội nghị
thượng đỉnh các nước ASEAN trong tháng 11 vừa qua, có đủ mặt gần như tất cả các
lãnh đạo cấp cao nhất của 8 nước đối tác cùng 10 nước chủ nhà. Nhưng người ta
quan tâm nhiều đến hai ông lớn sẽ chi phối cục diện thế giới nói chung và châu
Á-Thái Bình Dương nói riêng: Mỹ và Trung Quốc. Ông thứ nhất đứng đầu thế giới
hiện nay, và có lẽ sẽ còn đứng đầu trong thời gian sắp tới. Ông thứ hai đã từng
đứng đầu khu vực thủa xa xưa, và nay đang tìm cách gây dựng lại ảnh hưởng vang
bóng một thời của mình. Cho nên câu chuyện cân bằng như thế nào giữa hai ông
lớn trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của cộng đồng ASEAN
non trẻ là câu chuyện lớn.
Và
người ta chợt nhìn thấy Thái Lan và nhớ lại sự cân bằng của họ với thành tựu
nổi bật: là quốc gia duy nhất ở khu vực không bị trở thành thuộc địa của các
nước phương Tây. Họ đã làm điều đó như thế nào?.
Khi
Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Thái Lan ngày 18/11/2012, ông đã nhắc lại rằng
Thái Lan là nước đầu tiên trong khu vực mà Mỹ, 180 năm về trước đã có quan hệ
từ năm 1832. Thật là kỳ lạ vì thời điểm này sớm hơn rất nhiều khi Mỹ, với chính
sách pháo hạm, đã buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương hơn 10 năm sau đó. Mối
quan hệ đó chưa đưa đến được một kết quả cụ thể nào, nhưng ít nhất người Thái
đã hiểu được rằng trên thế giới bao la của chúng ta không chỉ có mỗi quỹ đạo
Trung Hoa quyền uy và cũng chẳng phải chỉ có quỹ đạo Ấn Độ đầy vẻ tâm linh. Còn
rất nhiều sức mạnh khác.
Vì
thế chăng mà tâm thế người Thái đã sẵn sàng đương đầu với một thử thách khắc
nghiệt nhất của thời đại: xu thế thực dân hoá của các cường quốc châu Âu mà hai
kẻ đang nhòm ngó trực tiếp là Anh và Pháp. Anh đã chiếm Miến Điện và đang định
đông tiến. Pháp đã chiếm Việt Nam
và sẽ tây tiến. Không đóng cửa lại để cố thủ như nhiều quốc gia khác, người
Thái đã đủ sự khôn ngoan để mở toang cửa đất nước mình cho tất cả các nước nào
muốn đến làm ăn và, trước hết, tạo ra các ưu đãi cho cả hai nước, Anh và Pháp,
những kẻ đang nhòm ngó quốc gia họ. Chính nhờ sự cân bằng đó mà Thái Lan đã
không hề hấn gì trong cuộc cạnh tranh giành thuộc địa.
Nhưng như thế chưa
đủ, người Thái còn hiểu rõ rằng họ phải canh tân đất nước, từ trên xuống trong
khi còn kịp. Nếu không, hoặc là họ sẽ mất nước cho các cường quốc phương Tây,
hoặc sẽ bị lật đổ bởi một cuộc cách mạng từ dưới lên. Năm 1862, họ đã mời một
người phụ nữ Anh sang làm thái phó dạy cho đám con cháu hoàng gia những điều về
phương Tây, về tuyên ngôn giải phóng nô lệ của Lincoln, trong đó có một người sau này là Chulalongkorn,
người đã canh tân nước Thái theo mô hình Anh quốc. Một cuộc biến cải hoà bình
rất thành công và họ đã cân bằng được các tư tưởng phương Tây với truyền thống
phật giáo Tiểu thừa của mình.
Thủ
tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ai cần
ai? - Nguồn: The Nation
Rồi
đại chiến thế giới thứ hai và người Thái vượt qua cuộc chiến với tổn thất tối
thiểu nhất: người Nhật chiếm hết Trung Quốc, Đông Nam Á và cũng có đến nước họ,
nhưng không phải như những kẻ chiếm đóng mà là như một sự xâm nhập được cho
phép vào một nước có chủ quyền. Để rồi khi Nhật thua, thì đương nhiên những cam
kết của họ cũng chẳng còn giá trị.
Và
rồi chiến tranh lạnh, vẫn là mốí quan hệ đồng
minh với Hoa Kỳ giúp Thái Lan vượt qua nhiều bất định trong các quan hệ
quốc tế. Nhưng chẳng vì thế mà họ không kịp thu xếp được các quan hệ với Trung
Quốc ổn thoả ở một mức độ nào đấy, đủ để những nhóm du kích có khuynh hướng cực
tả ở trong nước dần dần giải giáp để hội nhập trở lại vào xã hội, sau khi đã có
những cải cách xã hội cần thiết. Để ngay sau khi Mỹ thất bại tại Việt Nam, thì Thái
Lan cũng mau mắn đưa ra đường hướng: biến Đông Dương từ chiến trường trở
thành thị trường. Hòa bình là cái được mọi người dân Đông Nam Á trông đợi
sau một thời kỳ chiến tranh quá dài.
Nay
thì những gì chúng ta thấy trong tháng 11 này ở Thái Lan quả là ấn tượng. Chỉ
hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm nồng ấm đến Thái Lan thì
chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc diễn ra cũng nồng ấm không
kém và cũng được trọng thị không kém. Báo The Nation đưa tin: người phát ngôn
cảnh sát Thái Lan Piya Uthayo khẳng định an ninh dành cho thủ tướng Trung Quốc
cũng ngang bằng với Tổng thống Obama. Ông Obama đã thảo luận với Thủ tướng Yingluck
về an ninh, thương mại và đầu tư ở Thái Lan thì ông Ôn Gia Bảo cũng sẽ thảo
luận với bà Yingluck về thương mại, đầu tư và an ninh. Với ông Obama vấn đề là
vũ khí, hợp tác quân sự hai bên thì với ông Ôn Gia Bảo “Trung Quốc và Thái
Lan sẽ trở thành đối tác kinh tế trong nhiều dự án quan trọng như vận tải, hệ
thống tưới tiêu, nông nghiệp và hợp tác kinh tế dọc sông Mekong. Trung Quốc
cũng sẽ tăng cường việc đào tạo tiếng Hoa ở Thái Lan” - Nhật Báo Trung
Quốc dẫn lời ông Ôn Gia Bảo khẳng định. Đặc biệt, một bản
ghi nhớ của Trung Quốc sẽ mua của Thái Lan 5 triệu tấn gạo trong ba năm tới
đã được
ký, đúng lúc khi thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan bị thu hẹp do chính
phủ tăng giá mua gạo của nông dân!
Thế
là thế nào? Theo đúng tư duy phương Tây báo Wall Street Journal nhận định sự
cân bằng quan hệ Mỹ - Trung của Thái Lan đã đặt ra một câu hỏi khó trả lời cho
vương quốc này là “đồng minh của họ đang ở đâu?”.
Chẳng thế nào cả.
Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết: “Chúng tôi
không cho Trung Quốc là một mối đe
dọa. Chúng tôi cũng cho rằng việc Mỹ tái tiếp
cận châu Á là tín hiệu đáng hoan nghênh, cho thấy họ đã nhận ra châu Á là
động lực tăng trưởng của thế giới” - báo The Nation dẫn lời ông Surapong
giải thích về thái độ của Thái Lan.
Ông
Obama và Thủ tướng Thái Lan: Hình như rất đồng thuận
Chợt
nhìn lại suốt ba thế kỷ, mới thấy cuộc cân bằng địa chính trị của nước láng
giềng Thái Lan là một hình tượng quá đặc sắc. Quả là không có gì là ấn định
trước được cho một chính sách đối ngoại của quốc gia trừ mỗi một nguyên tắc chủ
quyền quốc gia, độc lập dân tộc và được toàn vẹn lãnh thổ. Chính sách đó có thể
lúc cứng lúc mềm nhưng giữ được hoà bình là thượng sách. Vị trí địa chính trị
Thái Lan cho phép họ vận dụng sự mềm dẻo để giữ gìn hoà bình. Nhưng vị trí địa
chính trị của những nước khác có thể buộc những nước này để bảo vệ được chủ
quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc lại phải thi hành
đường lối cứng rắn để giữ gìn hoà bình chăng.
Âu đây cũng là thử
thách đối với những ai quan tâm tới vận mệnh dân tộc.
---
---