Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Không sống bằng dối trá

Không sống bằng dối trá
Alexander Solzhenitsyn

Александр Солженицын. Кадр телеканала НТВ

Alexandr Solzhenitsyn

Photo: Ảnh kênh truyền hình HTB

In trên Washington Post, ngày 18/2/1974


Linh Vũ dịch theo bản tiếng Anh từ
đây.

Toàn văn bài tiểu luận của Alexander Solzhenitsyn Không sống bằng dối trá.” Có lẽ đây là tiểu luận cuối cùng mà Solzehnitsyn viết trên quê hương mình trước khi Liên Xô sụp đổ, và được lưu truyền trong giới trí thức Moscow thời gian đó. Tiểu luận này được ghi ngày 12/2, cũng là ngày mà cảnh sát mật đột nhập vào căn phòng của ông và bắt giam ông. Ngày hôm sau ông bị trục xuất sang Tây Đức.

Đã có lúc thậm chí chúng ta không dám nói thầm. Giờ đây, chúng ta viết và đọc samizdat [1], và khi chúng ta tụ họp trong phòng hút thuốc tại Viện Khoa học, chúng ta có thể phàn nàn thẳng thắn với nhau: Bọn họ định chơi trò gì với chúng ta đây, định kéo chúng ta tới đâu nữa? Họ khoe khoang vô cớ về các thành tựu vũ trụ trong khi đất nước nghèo đói và bị tàn phá. Họ dựng lên các chính phủ dã man. Hà hơi tiếp sức cho các cuộc nội chiến. Chúng ta nuôi dưỡng Mao Trạch Đông một cách bất cẩn và giờ đây họ sẽ gửi chúng ta ra chiến trường để chống lại hắn, và chúng ta sẽ phải đi thôi. Có cách nào thoát được? Và họ xử án bất cứ ai họ muốn, tống những người minh mẫn vào nhà thương điên- bọn họ luôn luôn thế, còn chúng ta bất lực.

Mọi thứ đã gần tới đáy. Cái chết tinh thần của tất cả đã chạm vào tất cả chúng ta, còn cái chết thể xác sẽ nhanh chóng cháy bùng và nuốt hết cả chúng ta lẫn con cháu ta. Nhưng vẫn cứ như trước kia, chúng ta vẫn mỉm cười một cách đớn hèn và nói lầm bầm dù lưỡi không bị buộc. Nhưng chúng ta có có thể làm gì để ngừng điều đó cơ chứ? Chúng ta đâu có sức mạnh, phải không nào?

Chúng ta đã bị phi nhân tính hóa một cách kinh khủng tới mức ngày nay, chỉ vì một khẩu phần thực phẩm nhỏ nhoi, chúng ta cũng sẵn lòng từ bỏ tất các nguyên tắc của mình, linh hồn của mình, những cố gắng của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế. Chúng ta chỉ cần làm sao để sự tồn tại mỏng manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta thiếu sự vững vàng, lòng kiêu hãnh và nhiệt huyết. Thậm chí chúng ta còn chẳng sợ cái chết vì vũ khí hạt nhân cho toàn thế giới, và chúng ta không sợ thế chiến thứ ba. Chúng ta trú ẩn trong những kẽ tường. Chúng ta chỉ sợ hãi những hành động can đảm công dân.

Chúng ta chỉ sợ hãi rằng mình sẽ tụt ở đằng sau bầy đàn, sẽ phải bước đi một mình và đột nhiên nhận ra mình không còn bánh mỳ trắng, khí đốt và hộ khẩu Moscow.

Chúng ta đã bị nhồi sọ bởi các khóa học chính trị, và cũng tương tự thế, bị nhồi sọ bởi ý tưởng rằng hãy sống thật thoải mái và rồi tất cả sẽ tốt đẹp. Bạn không thể nào né tránh được môi trường và các điều kiện xã hội quanh bạn. Cuộc sống hàng ngày đòi hỏi phải có sự tỉnh táo. Việc đó thì có liên quan gì tới chúng ta chứ? Chúng ta đâu có thể thay đổi được điều gì?

Nhưng chúng ta có thể thay đổi- thay đổi tất cả mọi thứ. Dù vậy, chúng ta vẫn tự lừa dối để trấn an bản thân. Và không phải là bọn họ là những kẻ có lỗi- mà chính là chúng ta và chỉ là chúng ta. Bạn có thể phản đối: Nhưng đến các đồ vật cũng có thể nghĩ gì nếu chúng ta muốn. Người ta đã nhét giẻ vào mồm chúng ta rồi. Làm gì còn ai muốn nghe chúng ta nói chứ. Cũng đâu có ai hỏi ý kiến chúng ta. Làm thế nào chúng ta buộc họ phải nghe chúng ta nói? Không thể nào thay đổi được những gì họ nghĩ.

Sẽ thật tự nhiên nếu có thể đuổi bọn họ ra khỏi nhiệm sở bằng cách bầu cử, nhưng ở nước chúng ta không có bầu cử. Ở phương Tây người ta biết đến bãi công và biểu tình- nhưng chúng ta luôn bị đè nén và điều này là một viễn cảnh đáng sợ với chúng ta: Làm sao bạn có thể đột nhiên bỏ việc và ra đường biểu tình chứ? Thế nhưng những con đường chết chóc khác từng được đặt chân lên trong suốt một thế kỷ cay đắng vừa qua của dân tộc Nga cũng không phải dành cho chúng ta. Và thực sự chúng ta không cần tới chúng.

Giờ đây, sau khi lưỡi rìu đã làm xong phần việc của mó, khi tất cả những gì được gieo mầm đã nảy hạt, chúng ta có thể thấy được sự lầm đường của những người trẻ tuổi và tự phụ- những người từng nghĩ rằng họ có thể làm đất nước chúng ta trở nên công bình và hạnh phúc hơn bằng khủng bố, bạo lực đẫm máu và nội chiến. Không đâu, hỡi các vị tiền bối đã dạy cho chúng ta bài học đó! Giờ đây chúng ta biết rằng các biện pháp tồi tệ sẽ sinh ra các kết quả tồi tệ. Hãy để cho bàn tay chúng ta được trong sạch.

Vậy là một cái vòng tròn khép kín ư? Và không có cách nào thoát khỏi nó? Chẳng nhẽ chỉ còn một con đường duy nhất cho chúng ta, đó là chờ đợi và không hành động? Có thể sẽ có cái gì đó tự nhiên xảy ra? Nhưng sẽ không bao giờ có gì xảy ra cả chừng nào chúng ta còn tiếp tục thừa nhận, ca ngợi, đóng góp- chừng nào chúng ta còn chưa tự tách mình ra khỏi một thứ dễ nhận thấy nhất xung quanh chúng ta: Sự dối trá.

Khi bạo lực mới xâm nhập vào cuộc sống bình yên, khuôn mặt của nó sáng bừng lên bởi lòng tự tin, như thể nó đang mang theo một biểu ngữ và hô lớn: “Ta là bạo lực. Hãy chạy thật xa, hãy nhường đường cho ta- Ta sẽ nghiền nát mi”. Nhưng bạo lực nhanh chóng trở nên già cỗi. Nó đánh mất lòng tự tin vào mình, và để duy trì được một khuôn mặt khả kính, nó sử dụng sự dối trá làm đồng minh- bởi lẽ bạo lực không thể đặt móng vuốt nặng nề của nó vào mọi lúc và tới tất cả mọi người được. Nó chỉ đòi hỏi từ chúng ta việc tuân thủ sự dối trá và tham gia hàng ngày vào các lời nói dối. Tất cả lòng trung thành chỉ đặt vào đó thôi.

Và như thế, chìa khóa đơn giản và dễ dàng nhất cho tự do vẫn bị chính chúng ta lãng quên, nằm ở đây: từ chối không tham dự vào sự dối trá. Cho dù sự dối trá che đậy tất cả, bao biện tất cả, nhưng tôi sẽ không tham gia vào nó.

Việc này mở ra một kẽ hở trong vòng tròn tưởng tượng tồn tại bởi sự thụ động của chúng ta. Đó cũng là việc dễ dàng nhất cho chúng ta, nhưng lại tai hại nhất cho sự dối trá. Bởi lẽ khi chúng ta từ chối dối trá, việc này sẽ cắt ngắn sự tồn tại của nó. Giống như một căn bệnh lây, sự dối trá chỉ tồn tại trong một cơ thể đang sống.

Chúng ta không tự hô hào bản thân. Chúng ta chưa đủ trưởng thành để có thể tiến vào quảng trường và hô to sự thật hay nói to những gì chúng ta nghĩ. Việc đó cũng không cần thiết.

Và nó nguy hiểm. Nhưng chúng ta hãy từ chối nói những gì mà chúng ta không nghĩ.

Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất và tiện nhất, một khi đã tính tới cả sự hèn nhát cố hữu, thâm căn trong chúng ta. Và nó cũng dễ hơn nhiều- dù nói thế này cũng còn là nguy hiểm- so với phong trào bất tuân thủ dân sự mà Gandhi từng kêu gọi.

Con đường của chúng ta là gạt đi những đường biên ung hoại. Nếu chúng ta không nối lại những khúc xương đã chết và những bậc thang ý thức hệ, nếu chúng ta không vá víu những mớ rách mục nát từ lâu, chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao nhiêu khi những lời dối trá nhanh chóng trở nên bất lực và yếu ớt.

Những gì cần phải bóc trần khi đó sẽ thực sự trở nên trần truồng trước toàn thể thế giới.

Vì thế với tất cả sự rụt rè của chúng ta, hãy để mỗi người trong chúng ta có một quyết định: Hoặc là với ý thức, chúng ta chịu tiếp tục là nô lệ cho sự dối trá- tất nhiên, không phải vì chúng ta muốn thế, mà là để nuôi gia đình mình, mà như thế cũng là nuôi dạy con cái trong một tinh thần dối trá- hoặc là chúng ta vứt bỏ hết những lời dối trá và trở thành một người trung thực, sống xứng đáng với sự tôn trọng của con cái, và của thời đại mà chúng ta đang sống.

Và từ hôm nay trở đi, mỗi chúng ta sẽ:

  • Không viết, ký, hay in ấn một câu nào bóp méo sự thật.
  • Không nói ra những câu như thế dù khi nói chuyện riêng hay trước sự hiện diện của người khác, dù tự mình hay do ai đó yêu cầu, dù với vai trò của người khích động, giáo viên, nhà giáo dục hay trong một vai trên sân khấu.
  • Không mô tả, cỗ vũ hay truyền tải một ý tưởng nào mà bạn thấy rõ ràng sai hay bóp méo sự thực dù trong tranh vẽ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc.
  • Không trích dẫn ngoài bối cảnh, dù trong văn nói hay viết, một câu nói để hài lòng ai đó, để tô điểm cho tổ ấm của bạn, hay để đạt thành công trong công việc nếu bạn không hoàn toàn chia sẻ với ý kiến được trích dẫn, hay nếu nó không phản ánh chân thực vấn đề.
  • Không cho phép mình đến dự các cuộc biểu dương, hội họp nếu chúng trái với ý nguyện hay mong muốn của mình, không bao giờ nhận vào trong tay mình hay giương lên trời một áp phích hay biểu ngữ mà mình không hoàn toàn đồng ý.
  • Không giơ tay thông qua một đề án mà mình không thực sự tán đồng, không bầu cử, dù công khai hay bí mật, cho ai nếu mình cảm thấy người đó không xứng đáng hay không đáng tin cậy.
  • Ngay lập tức bước ra khỏi các cuộc hội họp, hội nghị, bài giảng, trình diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói dối, phát biểu những ý thức hệ ngớ ngẩn hay tuyên truyền vô sỉ.
  • Không đặt mua những tờ báo hay tạp chí có thông tin bị bóp méo và sự thực bị che đậy.

Tất nhiên, chúng ta chưa liệt kê hết tất cả những việc có thể và cần thiết để lánh xa sự dối trá. Nhưng một người tự làm trong sạch mình sẽ dễ dàng nhận ra những tình huống khác với cái nhìn trong sạch của anh ta.

Không, việc đó ban đầu sẽ không hề dễ dàng với tất cả chúng ta. Ban đầu, có thể một số người sẽ mất việc làm. Với những thanh niên muốn sống cùng sự thật, việc này lúc đầu sẽ làm cho cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn, bởi những bài học bắt buộc của họ tràn đầy những lời dối trá, và họ cần thiết phải chọn lựa.

Nhưng không có lỗ hổng nào cho bất kỳ ai muốn trở nên trung thực. Vào bất kỳ ngày nào, mỗi người trong chúng ta sẽ phải đối mặt với ít nhất một trong các lựa chọn trên đây, ngay cả khi chúng ta trú ẩn trong những ngành khoa học kỹ thuật có tính an toàn nhất. Hoặc là sự thật, hoặc là dối trá: Hướng đến độc lập tinh thần hay hướng tới nô lệ tinh thần.

Và với người nào không đủ lòng can đảm để bảo vệ linh hồn mình- đừng tự hào về những quan điểm “cấp tiến”, đừng khoe khoang rằng mình là viện sĩ hàn lâm hay nghệ sĩ nhân dân, là một người nhiều công trạng, hay một vị tướng. Anh ta hãy nói với bản thân: Tôi đang sống trong bầy đàn, tôi là một thằng hèn. Mọi thứ với tôi đều như nhau chừng nào tôi còn được ăn và được ấm.

Thậm chí cả con đường này, con đường khiêm tốn nhất trong tất cả những con đường phản kháng, sẽ không dễ dàng cho chúng ta. Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều so với việc tự thiêu và tuyệt thực: Sẽ không có ngọn lựa nào bao phủ trên thân thể bạn, trên con ngươi mắt bạn, đốt cháy bạn từ trong tim, và gia đình bạn vẫn sẽ luôn có được bánh mỳ nâu cùng nước sạch.

Có một dân tộc vĩ đại ở châu Âu- đó là người Tiệp Khắc, những người chúng ta đã phản bội và lừa dối. Chẳng phải họ đã chỉ cho chúng ta thấy một con thú dễ bị tổn thương có thể đứng lên chống lại xe tăng nếu như có một trái tim giá trị ở bên trong nó?

Bạn nói rằng việc này không dễ dàng? Nhưng nó là cách dễ dàng nhất. Đó không phải là sự lựa chọn dễ dàng cho cơ thể, nhưng lại là sự lựa chọn duy nhất của linh hồn. Không, đó không phải là con đường đi dễ dàng. Nhưng đã có nhiều người, thậm chí hàng chục người, vẫn luôn duy trì những nguyên tắc này trong nhiều năm và sống bằng chân lý.

Và bạn sẽ không phải là người đầu tiên lựa chon con đường này, mà sẽ gia nhập cùng với những người đã lựa chọn nó. Con đường này sẽ dễ hơn và ngắn hơn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta cùng lựa chọn nó và xếp chặt đội ngũ. Nếu có hàng ngàn người trong chúng ta, họ sẽ có thể làm bất kỳ điều gì cùng với chúng ta. Và nếu như có hàng vạn người chúng ta thì thậm chí chúng ta sẽ không còn nhận ra đất nước mình nữa.

Còn nếu chúng ta quá sợ hãi thì hãy ngừng kêu ca rằng có ai đó đang bóp nghẹt cổ chúng ta. Chính chúng ta đang làm điều đó. Khi đó, chúng ta hãy cúi đầu xuống thấp hơn, hãy rên la. Và những nhà sinh vật học sẽ mang lại gần hơn một ngày nào đó khi người ta có thể đọc được ý nghĩ con người và biết được chúng ta vô giá trị và vô vọng đến mức nào.

Và nếu chúng ta sợ hãi, thậm chí không dám chấp nhận bước đi này, thì chúng ta thực sự vô giá trị và vô vọng, và lời trách mắng của Pushkin đích thực là dành cho ta:

"Với loài bò, tự do thật vô ích. Ách và roi là những gì đời đời chúng biết".


---
[1] Trào lưu văn học ngầm, không được in mà chỉ tồn tại dưới dạng viết tay và đánh máy, được lưu truyền trong giới trí thức Nga sau khi Khrushchev lên nắm quyền, và mở ra thời kỳ tương đối tự do hơn trước trong văn nghệ. Các tác phẩm như Quần đảo Gulag của Solzhenitsyn, Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov, bác sĩ Zhivago của Pasternak, thơ ca của Brodsky là các ví dụ của trào lưu văn học này.


7 nhận xét:

  1. Zunie đọc zoài nhiều quá...
    Kinie paste vào đây mần chi..:)

    Trả lờiXóa
  2. Paste cho toàn thể blogger đọc :D

    Trả lờiXóa
  3. Từ khi mới học viết chữ, cho đến lúc đọc báo thông thạo, lúc nào cũng thấy bám lề trái khi viết. Chỉ có trên blog Kichbu, đoạn từ :

    "Không viết, ký, hay in ấn một câu nào bóp méo sự thật."

    đến

    "Không đặt mua những tờ báo hay tạp chí có thông tin bị bóp méo và sự thực bị che đậy."

    Là Kichbu bám lề phải, còn lại vẫn là lề trái. Sao bác nào lại hâm hâm, bắt mọi người phải bám theo lề phải nhỉ !

    Nàng : Em tính đi sửa mũi, anh thấy sao ?
    Chàng : Em phải tôn trọng sự thật chứ.

    ... một lúc sau

    Nàng : Anh bỏ tay trong áo em ra đi, đừng bóp méo sự thật mãi thế !
    Chàng : !!!

    :-)) Cuối tuần vui vẻ nhé Kichbu.

    Trả lờiXóa
  4. XE đọc lại bài của xedapdiahinh..:)

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter