Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Cuba trước những thách thức và thay đổi lớn

Đăng bởi anhbasam on 20/10/2010

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ tư, ngày 20/10/2010

CUBA TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC VÀ THAY ĐỔI LỚN

TTXVN (La Habana 12/10)

Tờ Rebelión của Tây Ban Nha mới đây đã có bài phân tích liên quan tới việc Chính phủ Cuba thông báo sẽ cắt giảm nửa triệu người lao động dư thừa tại các cơ quan và xí nghiệp nhà nước trong vòng nửa năm tới.

Ngày 13/9 vừa qua, Trung tâm những người lao động Cuba (CTC), tổ chức công đoàn duy nhất của nước này, thông báo từ nay tới tháng 4/2011, Nhà nước sẽ cắt giảm 500.000 người lao động làm việc tại các cơ quan và xí nghiệp nhà nước và sau đó cũng sẽ tiếp tục cắt giảm một số lượng người lao động tương đương. Các phương tiện truyền thông phương Tây ngay lập tức đã đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu chấm hết của chủ nghĩa xã hội Cuba? Sẽ phải lý giải sự việc này như thế nào? Thực ra, chính sách này đã được Cuba chuẩn bị từ vài năm trước và cũng đã được thảo luận rộng rãi. Trước đó ngày 1/8, đích thân Chủ tịch Cuba Raul Castro đã đề cập tới vấn đề này trước Quốc hội.

Thời kỳ đặc biệt

Để hiểu được những gì đang diễn ra, cần phải nói lại quá khứ cách đây 20 năm. Khi Bức tường Becslin sụp đổ vào năm 1989, dẫn tới việc Liên Xô tan rã 2 năm sau đó, cùng với chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ ngày càng thắt chặt, nền kinh tế Cuba rơi vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng chưa từng xảy ra trước đó: kim ngạch ngoại thương giảm xuống dưới ¼ so với thời kỳ trước đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 35%. Những tác động của “thời kỳ đặc biệt” đối với người dân rất đáng kể: trong giai đoạn khó khăn nhất (1991-1994), người dân Cuba từng bị đói, điện bị cắt tới 16 tiếng/ngày, hệ thống giao thông công cộng gần như bị tê liệt hoàn toàn … Có thể nói người dân lúc đó sống trong thời kỳ chiến tranh mặc dù đất nước hoàn toàn hòa bình. Nhiều người tin chắc rằng cuộc Cách mạng Cuba đã đi tới hồi kết. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. 15 năm sau, nền kinh tế Cuba đã hồi phục ngang bằng ở mức như năm 1989.

Cho tới ngày hôm nay, hậu quả tồi tệ của “thời kỳ đặc biệt” vẫn còn để lại dấu ấn sâu sắc. Toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp và phần lớn các ngành công nghiệp gần như ngừng trệ. Một loạt nhà máy và xí nghiệp vẫn được tiếp tục duy trì cho dù chỉ sản xuất một phần rất nhỏ so với công suất thiết kế. Người lao động không bị cắt giảm hàng loạt giống như tại các nền kinh tế tư bản, lẽ đương nhiên có quá nhiều người dư thừa tại các cơ sở này. Có khoảng 20% số người lao động trong lĩnh vực công của Cuba bị dôi dư. Tuy nhiên, việc đồng peso nội tệ bị mất giá hoàn toàn mới là điều làm cho nền kinh tế Cuba bị phá sản. Vấn đề này đã và đang tác động vô cùng nặng nề tới Quốc đảo Caribê này. Bên cạnh đó, nền kinh tế Cuba phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài, và cuộc bao vây cấm vận càng làm cho vấn đề này trở nên phức tạp hơn. Kể từ thời điểm đó, vị thế của Cuba trên thị trường thế giới trở nên rất yếu ớt. Vào thời điểm đó, Chính phủ Cuba quyết định cho ra đời đồng tiền mới, đồng CUC (peso chuyển đổi), có giá hơn đồng USD. Hệ thống đồng tiền kép đã tạo khoảng cách lớn giữa những người có nguồn thu ngoại tệ (khoảng 60% người dân Cuba) như những người làm trong ngành du lịch hoặc những người nhận được kiều hối từ nước ngoài, với những người không có khả năng tiếp cận ngoại tệ.

Khoảng trống cho những ý tưởng mới

Cho tới nửa đầu thập kỷ này, nền kinh tế Cuba vẫn nỗ lực để không bị chìm và hồi phục từ cuộc khủng hoảng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi kinh tế đất nước tương đối hồi phục, Fidel Castro muốn thiết lập lại trật tự và vào tháng 11/2005, nhà lãnh đạo Cuba đã mở một cuộc đối đầu trực diện chống lại nạn tham nhũng và bắt đầu thực hiện những chính sách mới. Điều này xảy ra chỉ 6 tháng trước khi Fidel lâm trọng bệnh. Mùa hè năm 2007, Raul Castro đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch lâm thời tiếp quản tiến trình này và chỉ trích tình trạng nền kinh tế kém hiệu quả.

Ông Raul đã mở một cuộc trưng cầu dân ý với ý tưởng tìm ra một mô hình kinh tế mới đáp ứng những thách thức mới và hoàn cảnh lịch sử mới. Từ cuộc đối thoại này nhiều kế hoạch đã nảy sinh, tuy nhiên mọi việc buộc phải ngắt đoạn hai lần trong giai đoạn 2008-2009. Lần thứ nhất là do 3 cơn bão tàn phá Cuba vào mùa Thu năm 2008, để lại hậu quả khôn lường. Thiệt hại kinh tế do thảm họa thiên tai này để lại tương đương 20% GDP của Cuba. Lần thứ hai là do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, tác động nặng nề tới nền kinh tế Cuba, phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Cuộc khủng hoảng dồn Cuba vào tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng trong thời gian ngắn hạn, tuy nhiên vào mùa Hè năm nay, vấn đề này cũng đã được giải quyết sau khi nước này đạt được thỏa thuận cơ cấu lại nợ với các đối tác.

Bất chấp sự gián đoạn nêu trên cùng với những vấn đề vô cùng khó khăn của một số ngành như nông nghiệp, nền kinh tế Cuba về tổng thể vẫn chống đỡ tương đối tốt. Trong giai đoạn 2004-2009, kinh tế Cuba đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 6%, mức cao so với tỷ lệ trung bình của Mỹ Latinh là 3,6%. Do đó, Cuba có điều kiện để thực hiện những ý tưởng mới và cũng đã tới thời điểm Cuba cần đối mặt với những thách thức về cơ cấu.

Những thách thức cơ bản

Thách thức quan trọng nhất của cuộc Cách mạng Cuba hiện tại đó là xóa bỏ hố sâu ngăn cách giữa phát triển xã hội, văn hóa và nhận thức với phát triển kinh tế. Về xã hội, văn hóa và nhận thức, người dân Cuba có trình độ có thể so sánh với trình độ của bất cứ quốc gia giàu có và phát triển nào trên thế giới. Tuy nhiên, về kinh tế, Cuba là quốc gia nghèo như bất cứ quốc gia nghèo nào ở Mỹ Latinh. Đây là hệ quả của tính ưu việt của hệ thống CNXH, bắt đầu từ một nền tảng kinh tế mong manh và có vị trí vô cùng yếu ớt trên thị trường thế giới. Trình độ xã hội, văn hóa và nhận thức phát triển ở mức cao làm người ta kỳ vọng nhiều vào những điều mà đất nước không thể đáp ứng được do điều kiện kinh tế không cho phép. Điều này khiến người dân thất vọng. Một nghệ sĩ dương cầm danh giá không thể mua được cho mình một chiếc đàn, một bác sĩ phẫu thuật phải chen lấn xô đẩy trên xe buýt để đi làm vì không có đủ tiền mua cho mình một chiếc ô tô, một kỹ sư không có điện thoại di động cũng chẳng có máy tính xách tay… Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi mà ngành du lịch ngày càng phát triển tại Cuba. Một du khách nước ngoài tới Cuba mang theo nào là máy quay, điện thoại di động, máy nghe nhạc Ipod, những vật dụng quá phổ thông trên thế giới, tuy nhiên với đa phần người dân Cuba đây là những thứ mà chẳng bao giờ họ dám mơ. Điều này làm người ta đau đớn và thực sự khó chịu.

Những sự thất vọng này làm ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất. Người lao động không thể làm việc có năng suất khi mà đồng lương của họ không đủ để mua những cái họ cần. Sẽ chẳng có một thanh niên nào với trình độ học vấn cao lại muốn ra đồng làm việc dưới cái nắng mặt trời gay gắt. Ở khía cạnh này, Cuba ít nhiều là nạn nhân của chính những thành tựu của mình.

Thách thức căn bản thứ hai liên quan tới những gì đã nảy sinh trong “thời kỳ đặc biệt”. Đồng lương của người lao động, được tính bằng tiền peso, gần như đã mất giá hoàn toàn khi so sánh với đồng USD hoặc đồng CUC. Một người chỉ có nguồn thu bằng peso sẽ không thể mua được bất cứ thứ gì từ giày dép, tới lò vi sóng hay một ít thịt bò được bán bằng đồng CUC. Người ta cũng chẳng quan tâm xem là nên làm ít hay làm nhiều bởi với đồng lương ít ỏi mà Nhà nước trả, họ sẽ chẳng mua nổi bất cứ cái gì. Nói cách khác không có mối quan hệ giữa việc làm, tiền lương và sức mua. Tình trạng này bất lợi tới mức không thể khuyến khích người lao động sản xuất. Và từ đây nảy sinh một vấn đề đó là nhiều người Cuba “làm chui” và có sự tham ô trong các cơ quan nhà nước và xí nghiệp để tuồn của công ra ngoài. Những người tuồn tài sản thuộc sở hữu nhà nước ra ngoài cũng nhằm mục đích kiếm chác thêm chút tiền CUC để cải thiện cuộc sống. Ở Cuba thị trường chợ đen phát triển vô cùng phong phú và giá cả tại thị trường này cũng rất đa dạng. Điều nguy hiểm là người lao động Cuba hoàn toàn thờ ơ với nền kinh tế đất nước. Giờ đây họ không cảm thấy cần phải có trách nhiện với sản phẩm do họ làm ra hay dịch vụ mà họ cung cấp. Đương nhiên sẽ chẳng có mấy người cảm thấy họ là chủ nhân của phương tiện sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là nền tảng của mô hình xã hội chủ nghĩa.

Câu trả lời dành cho những thách thức

Tình hình nêu trên nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm đất nước suy sụp. Đồng lương cần phải có mối liên hệ với sản phẩm và trách nhiệm. Do đó từ đầu năm 2008, Chính phủ đã bắt đầu thực hiện một loạt giải pháp như tăng lương dành cho giáo viên và cho phép người lao động có thể có nhiều việc làm. Từ niên học 2009-2010, các sinh viên đã được phép đi làm thêm. Tại một vài doanh nghiệp người ta bắt đầu có ý thức quan tâm tới nỗ lực của người lao động, việc đi làm đúng giờ và chất lượng công việc khi trả lương. Những giải pháp này là một sự khởi đầu tốt, tuy nhiên còn thiếu quá nhiều yếu tố cấu thành. Từ đó dẫn tới sự điều chỉnh hiện nay: tái cơ cấu lực lượng lao động trong khu vực kinh tế nhà nước. Tiến trình này có 4 mục đích: tạo cơ hội cho những người lao động dôi dư tìm việc làm mới, phi tập trung sản xuất, giao thêm quyền tự quyết cho doanh nghiệp tư nhân và làm cho người lao động ý thức rằng việc làm là nguồn thu nhập chính để họ có thể trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống hàng ngày.

Để đạt được điều này, Chính phủ Cuba muốn chuyển đổi 500.000 lao động thuộc khu vực nhà nước sang các thành phần kinh tế khác hoặc tạo cơ hội cho họ từ làm việc kể từ tháng 3/2011. Mới đây, Chính phủ đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư quan trọng cho những lĩnh vực như khai thác dầu khí, xây dựng, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm và du lịch. Nhiều người sẽ tìm được việc làm trong các dự án đầu tư này. Trong khi đó, nhiều người cũng sẽ tìm được việc làm tại các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, các trang trại hay tự thuê đất của nhà nước để canh tác. Nhiều quy định cấm đoán trước đây cũng đã được dỡ bỏ. Những người muốn đăng ký kinh doanh tư nhân có thể tiếp cận tín dụng của ngân hàng và hệ thống bảo hiểm xã hội. Họ cũng sẽ được thuê nhân công và ký hợp đồng với nhà nước, với điều kiện duy nhất là đóng góp thuế.

Việc tái định hướng những người lao động tới những ngành nghề khác hay chuyển đổi mô hình kinh tế từng bước sẽ được thực hiện và điều này sẽ tạo cơ sở để người lao động có sự cạnh tranh. Tiến trình này đang được tổ chức công đoàn CTC hướng dẫn thực hiện. CTC sẽ giám sát để tiến trình này được diễn ra có trật tự và có trách nhiệm xã hội. Để việc làm này có kết quả, người lao động cần phải thay đổi tư duy làm việc. Từ nay trở đi, người lao động cần phải ý thức về chất lượng sản phẩm do họ làm ra, hay kết quả của công việc mà họ phải làm cũng như cần phải nỗ lực. Như Chủ tịch Raul Castro đã nói: “Cần phải chấm dứt điều mà người ta vẫn nói đó là Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi mà người ta chẳng cần làm việc vẫn có thể sống”.

Cập nhật hóa mô hình xã hội chủ nghĩa

Việc tinh giảm nửa triệu người trong tổng số 5 triệu người ở độ tuổi lao động sẽ để lại hậu quả sâu sắc. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người Cuba tiến hành những thay đổi lớn. Vào những năm 1990, người ta đã điều chuyển 300.000 nông dân làm việc tại các xí nghiệp nhà nước sang các hợp tác xã và 200.000 người đã tham gia nền kinh tế tư nhân. Vào những năm đầu của thập niên này, số lượng người lao động trong ngành mía đường đã giảm xuống còn một nửa, do giá đường trên thế giới giảm đáng kể. Hơn 100.000 lao động của ngành mía đường đã chuyển sang làm những ngành nghề khác. Trong lịch sử của cuộc Cách mạng Cuba, người lao động chưa bao giờ bị đẩy ra đường, cho dù ở vào những giai đoạn khó khăn nhất.

Những cải cách mà Cuba đang tiến hành không có nghĩa là cuộc Cách mạng Cuba đang thay đổi mô hình hay hướng đi, hoặc dự định thay đổi. Như Chủ tịch Raul Castro đã phát biểu Chính phủ sẽ tìm tới giải pháp kinh tế nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, đồng thời đảm bảo gìn giữ hệ thống chính trị và xã hội của đất nước, hay nói cách khác gìn giữ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Điều này đồng nghĩa với việc Cách mạng Cuba không hoàn toàn rũ bỏ những mô hình trước đây mà chỉ mềm dẻo thích ứng với những thách thức và hoàn toàn mới.

***

Vừa qua, tờ Rebelion của Tây Ban Nha đã có bài phỏng vấn ông José Ramón Vidal, giáo sư Khoa Truyền thông Đại học La Habana và là điều phối viên Chương trình Thông tin Trung tâm Luther King (CMLK), có trụ sở tại La Habana, về những chính sách kinh tế mới được Chính phủ Cuba thông báo.

Ngày 13/9, Trung tâm những người lao động Cuba (CTC) đã ra thông cáo về kế hoạch của Chính phủ cắt giảm 500.000 người lao động trong khu vực nhà nước trong vòng 6 tháng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tư nhân hoạt động. Mục đích của việc làm này là cải thiện hiệu quả của nền kinh tế đất nước đang trên đà suy giảm trong những năm gần đây, sau khi đã hồi phục từ những khó khăn của “thời kỳ đặc biệt”, giai đoạn sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu tan rã, khiến Cuba bị cắt hoàn toàn viện trợ.

Ngay lập tức báo chí quốc tế đã loan tin chủ nghĩa xã hội tại Quốc đảo Caribê đang đi tới hồi kết. Tuy nhiên, giáo sư Vidal cho rằng những biện pháp mới của La Habana không những phù hợp với mô hình xã hội chủ nghĩa, mà còn vô cùng cần thiết để Cuba có thể phát triển trong hoàn cảnh thực tế hiện nay. Ông Vidal cho rằng Nhà nước vẫn sẽ quản lý phương tiện sản xuất và hệ thống phân phối cơ bản. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng những chuyến đổi tới đây tại Cuba sẽ củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa nếu chủ thể của sự thay đổi đó là nhân dân. Nếu La Habana nhìn nhận những sự thay đổi này từ góc độ những nhà kỹ trị mà không tính đến sự đồng thuận của tất cả nhân dân, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của nhiều tầng lớp xã hội, thì sự chuyển đổi này vô cùng nguy hiểm đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa tại Quốc đảo Caribê.

Rebelion: Với những chính sách mới được đưa ra, Chính phủ Cuba dự định tìm kiếm điều gì?

Rosé Ramón Vidal: Cho tới nay, những thay đổi trong mô hình kinh tế Cuba tập trung vào việc cắt giảm và hủy bỏ những hình thức trợ cấp miễn phí thái quá, giảm lực lượng lao động dôi dư (giai đoạn thứ nhất sẽ diễn ra trong vòng nửa năm tới với việc cắt giảm nửa triệu người), mở rộng thị trường nội địa (cho phép người dân Cuba được nghỉ tại các khách sạn trả bằng ngoại tệ, bán sản phẩm điện tử cho người dân, cho phép người dân tiếp cận dịch vụ di điện thoại trả bằng ngoại tệ), mở rộng mô hình tự kinh doanh (hay còn gọi là nền kinh tế tư nhân). Tất cả những chính sách trên đều hướng tới việc làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn và khuyến khích người lao động làm việc để sinh nhai, những vấn đề có thể được coi là có ý nghĩa sống còn đối với đất nước hiện nay. Những giải pháp này cũng sẽ giải phóng Nhà nước khỏi những ngành kinh doanh và dịch vụ nhỏ mà từ lâu đã trở nên quá tải đối với mô hình Xã hội chủ nghĩa.

Những thay đổi trong mô hình kinh tế Cuba được thực hiện đúng vào lúc tình hình rất phức tạp: nền kinh tế gặp quá nhiều khó khăn, sản lượng và năng suất lao động luôn ở mức thấp kể cả trong công nghiệp và nông nghiệp, tình trạng tham ô tràn lan và có quá nhiều sai phạm, tác động tiêu cực từ thị trường bên ngoài (giá niken giảm xuống ở mức rất thấp và doanh thu từ du lịch cũng giảm), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm (1,4% trong năm 2009, và dự kiến ở mức 1,9% trong năm nay, theo thống kê chính thức) và cuộc khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng quốc gia. Bên cạnh đó, cũng không thể không đề cập tới những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc bao vây, cấm vận do Mỹ áp đặt đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính Cuba, và những hậu quả nặng nề do 3 cơn bão lớn để lại từ năm 2008. Tất cả những chính sách mới được đưa ra cần phải đương đầu với mọi tình huống khó khăn nêu trên.

Rebelion: Có thể nhận định rằng đây là sự thay đổi triệt để nhất tại Cuba kể từ khi La Habana đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa hay không? Tại sao? Liệu đây có phải là một mô hình kinh tế mới?

Rosé Ramón Vidal: Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là những thay đổi quan trọng, cả về khía cạnh xã hội cũng như kinh tế. Nhà nước vẫn quản lý chủ yếu các phương tiện sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa. Sẽ có những chủ thể kinh tế mới: sẽ có nhiều hợp tác xã, người lao động theo hình thức tự doanh và các hộ kinh doanh gia đình. Hệ thống thuế sẽ được sử dụng tích cực hơn cũng như chính sách tiền tệ và người ta sẽ phải thực tế hơn với tư duy chẳng ai, chẳng gia đình nào hay bất cứ quốc gia nào có thể chi tiêu nhiều hơn những gì mình có. Điều quan trọng là việc áp dụng các chính sách mới như thế nào: nếu Chính phủ nhìn nhận những sự thay đổi này từ góc độ những nhà kỹ trị mà không tính đến sự đồng thuận của tất cả nhân dân, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của nhiều tầng lớp xã hội, thì sự chuyển đổi này vô cùng nguy hiểm đối với hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Nếu những chính sách này được định hướng để tạo thuận lợi cho sự tham gia tích cực hơn của những người lao động đối với những công việc họ làm, nếu cơ chế quyền lực của các hội đồng nhân dân được củng cố và không hộ gia đình nào bị nhà nước bỏ rơi sau khi cắt giảm người lao động vì thực tế họ không thể tìm được việc làm nào phù hợp thì hệ thống Xã hội chủ nghĩa tại Cuba mới củng cố và được giữ vững.

Rebelion: Như tất cả chúng ta đều biết, nền kinh tế Cuba luôn phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Những chính sách mới liệu có mở đường cho Cuba tiến tới việc thiết lập một nền sản xuất mạnh và năng động, giảm bớt phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các nước?

José Ramón Vidal: Lẽ đương nhiên việc tăng cường năng suất và hiệu quả lao động sẽ giúp củng cố nền kinh tế đất nước và tạo điều kiện thuận lợi cho Cuba tham gia các tiến trình hội nhập khu vực. Cuba rất giàu tiềm năng nhân lực có trình độ cao và việc sử dụng hiệu quả hơn nguồn chất xám này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho Cuba mà còn cho cả các quốc gia khác đã và đang nhận sự giúp đỡ của Cuba.

Rebelion: Người dân Cuba phản ứng thế nào trước việc Chính phủ tuyên bố những chính sách mới? Quá trình hoạch định và thảo luận những chính sách này được tiến hành thế nào?

José Ramón Vidal: Lẽ đương nhiên nhiều người lo lắng về tương lai tới đây của họ. Ai cũng tự hỏi liệu mình có nằm trong danh sách nửa triệu người bị cắt giảm hay không? Đây là một quá trình khó khăn và có rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Tại nhiều cơ quan và xí nghiệp, tổ chức công đoàn đang thảo luận về quyết định này của Chính phủ. CTC khẳng định đây là một quá trình hoàn toàn minh bạch, với sự tham gia của tất cả các công đoàn viên. Trên thực tế, việc triển khai áp dụng chính sách này là điều khó khăn nhất. Một vấn đề được đặt ra là liệu trong năm 2011, người ta có thể tạo ra đủ việc làm cho những người bị cắt giảm hay không. Chính phủ hy vọng là những người này sẽ tự tìm việc làm thông qua hình thức tự doanh, hoặc chuyển sang làm việc tại những khu vực thiếu lao động như nông nghiệp hay xây dựng. Những giải pháp còn lại sẽ ít gặp khó khăn hơn trong quá trình thực hiện để có sự đồng thuận cao của người dân, mà thực ra các chính sách khác đem lại hy vọng cho người dân có thể tự cải thiện cuộc sống.

Rebelion: Những thay đổi trong chính sách kinh tế cho phép các công ty nhỏ và chủ kinh doanh được thuê nhân công. Điều gì sẽ đảm bảo để không xảy ra tình trạng bóc lột và không có sự gia tăng giàu nghèo?

José Ramón Vidal: Trong thời kỳ mà chúng tôi gọi là “đặc biệt”, tình trạng giàu nghèo đã gia tăng. Việc nhiều người có tiền bằng cách hợp pháp hay bất hợp pháp đã dẫn đến tình trạng này. Đối với Cuba, điều này hoàn toàn không được mong đợi, tuy nhiên các chỉ số bất công xã hội của Cuba còn cách xa các nước tại khu vực. Để điều này được khống chế, người thuê nhân công sẽ phải trả bảo hiểm xã hội cho người lao động. Người ta sẽ phải tìm các giải pháp bảo vệ để người thuê lao động tôn trọng các nhân công. Tôi cho rằng các tổ chức công đoàn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này./.

 Nguồn: anhbasam

 

4 nhận xét:

Steps


Flag Counter