THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 05/10/2010
THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC HIỆN NAY
TTXVN (Bắc Kinh 28/9)
Bài dưới tiêu đề “Yêu ghét đan xen: Ấn tượng về Trung Quốc của người Việt Nam hiện nay” đăng trên tờ “Quốc tế tiên khu đạo báo” của Trung Quốc số ra ngày 27/8/2010 viết về ấn tượng của người Việt Nam đối với Trung Quốc hiện nay. Với cách nhìn nhận của những người thuộc thế hệ trẻ, tiếp nhận nền giáo dục và sống trong môi trường như được thể hiện qua bài viết, tác giả Vu Thắng Nam – đặc phái viên của tờ báo nói trên cho rằng việc làm cho người Việt Nam loại bỏ hoàn toàn tâm lý cảnh giác đối với Trung Quốc là điều không thể làm được nên cần phải có sự tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn giữa người dân hai nước.
***
Tại khu thắng cảnh biên giới giáp ranh giữa huyện Đại Tân, Quảng Tây Trung Quốc và tỉnh Cao Bằng của Việt Nam có một ngọn thác xuyên biên giới nổi tiếng – Thác Bản Giốc (Thác Đức Thiên), du khách Trung Quốc hàng ngày nườm nượp qua đây, ngoài mê say trước cảnh đẹp hoành tráng của thác nước, du khách còn đặc biệt hào hứng với dãy “phố nhỏ hàng Việt Nam” được hình thành một cách tự nhiên bên cạnh cột mốc biên giới số 53 mang ý nghĩa đặc biệt ở phía thượng nguồn của thác nước. Mặc dù hàng hóa ở đây chủng loại rất ít nhưng du khách vẫn thích thú với những đồ thực phẩm, hàng thủ công sản xuất tại Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác, trong đó điều dễ làm du khách hào hứng nhất là được tự do qua lại ở vùng biên giới này. “Chúng tôi thích các bạn Trung Quốc đến Việt Nam, các bạn đến càng nhiều chúng tôi làm ăn càng tốt, kiếm được nhiều tiền hơn”. Sau khi nhận mấy tờ nhân dân tệ và bằng tiếng phổ thông Trung Quốc gượng gạo, một phụ nữ người Việt vừa cười vừa nói vậy.
Đương nhiên cảnh tượng đó không hoàn toàn phản ánh thái độ của tất cả người Việt Nam đối với Trung Quốc không phải tất cả đều như vậy. Năm 2010 không chỉ là 60 năm Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn là năm hữu nghị Trung-Việt, nhưng mặt khác, trong vấn đề nhạy cảm như vấn đề Biển Đông, quan hệ hai nước dường như có xu hướng xấu đi. Vậy người Việt Nam đã nhìn nhận người láng giềng vừa là đồng minh vừa là kẻ thù của mình trước đây như thế nào?
Nhà nước thực tế, người dân phức tạp
Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1991, hợp tác rộng rãi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhưng những biểu hiện dưới đây vẫn ẩn chứa rất nhiều yếu tố không hài hòa của tạo hóa. Nói đến thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc, có thể tóm gọn: Nhà nước thực tế, người dân phức tạp, một số người thậm chí còn giữ thái độ không hữu hảo với Trung Quốc.
Mấy năm trước người viết bài này có chuyến đi Việt Nam, gặp một cô gái Hà Nội hơn 20 tuổi tại thành phố Điện Biên nổi tiếng. Cô gái đang đi với hai người Mỹ, tỏ ra đầy kiêu hãnh. Biết người đang tiếp cận với mình là người Trung Quốc, cô gái đã có cuộc đối thoại không được hữu nghị lắm:
“Tôi ghét người Trung Quốc các anh”.
“Tại sao?”
“Trước đây các anh đến xâm lược Việt Nam, giết rất nhiều người Việt Nam chúng tôi, nay còn chiếm đất của chúng tôi”.
Tác giả bài viết bỗng đột ngột không biết trả lời cô ta thế nào, vì rất khó có thể thảo luận cho rõ với cô về nguyên nhân cuộc chiến tranh (năm 1979) trong lúc không có nhiều thời gian, hơn nữa về cơ bản cô cũng không tin, bởi giữa chúng tôi đã tiếp nhận những kiến thức giáo dục chắc chắn khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, chúng tôi đều đã một thời coi đối phương là kẻ thù nguy hiểm nhất. Vậy là tác giả bài viết chỉ có thể nói với cô:
“Ít nhất tôi không tham gia, vì lúc đó tôi hãy còn nhỏ”.
“Vậy cha anh đã tham gia chứ gì?”
“Không, vì cha tôi là giáo viên”.
“Thế cha anh dạy môn gì, có phải là giáo viên dạy môn quân sự?” Trong khi hỏi vậy cô vung lên như một động tác bắn súng.
Đến đây mọi sự đã rõ, đó chính là cách cảm nhận và lập trường khác nhau được tạo nên cho thế hệ trẻ bằng những nền giáo dục khác nhau. Trong tiếng cười vang của hai người Mỹ, người viết bài chỉ có thể rút lui. Xem ra cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam cuối thập niên 70 thế kỷ trước đã để lại cho một số người Việt Nam ký ức rất sâu sắc, rất nhiều vấn đề lịch sử nếu không được giải tỏa một cách hợp lý sẽ rất khó lường trước được đến khi nào sẽ trở thành ngòi nổ cho những nhân tố không an toàn.
Thực ra cách nghĩ của người dân Việt Nam luôn khác biệt với chính phủ, nhất là một số người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và các nhà nghiên cứu lịch sử luôn công khai coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và kẻ thù tiềm tàng chứ không muốn nhìn thấy điểm hữu nghị hoàn toàn giữa Chính phủ Việt Nam với Trung Quốc. Có một số học giả đứng về phía nhân dân thậm chí còn truy nguyên lịch sử Trung Quốc hà hiếp Việt Nam ngược lại đến mấy trăm năm. Từ đó tạo nên thái độ mâu thuẫn ở Việt Nam đối với Trung Quốc: Một mặt nhà lãnh đạo Việt Nam coi Chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là người bảo hộ thân thiện, tiềm tàng về ý thức hệ, các quan chức trong ngành văn hóa Việt Nam cho biết các tác phẩm điện ảnh của Trung Quốc có thể giúp Việt Nam giữ vững mặt trận tư tưởng, nhưng mặt khác người dân Việt Nam có tinh thần dân tộc mãnh liệt, có lòng tự hào và ý chí độc lập mạnh mẽ, không muốn bị nước láng giềng lớn hơn chi phối.
Tinh thần chống Trung Quốc “lúc căng lúc chùng”
Hiện nay ở tầm vĩ mô, xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam giữ quan hệ rất tốt với Trung Quốc, hơn nữa không ngừng tổ chức các hoạt động như “Liên hoan thanh niên Trung-Việt” để tỏ ra thân thiện với Trung Quốc. Nhưng trong nội bộ cũng có ý kiến khác nhau, mà Chính phủ Việt Nam không thể hoàn toàn kiểm soát được tiếng nói trong nhân dân, gắn liền với cách nghĩ của người dân.
Học giả Việt Nam gốc Hoa Trần Từ Nguyên cho biết một số người Việt Nam ngày càng lo ngại khi hàng hóa và một số lượng lớn người Trung Quốc tràn vào, tuy lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh giao lưu hữu nghị nhưng bởi nguyên nhân lịch sử hay tranh chấp lãnh thổ hiện nay nên một số người Việt Nam trong lòng vãn có khúc mắc với Trung Quốc. Ví dụ như dự án xây cầu qua sông Hồng phải đàm phán đến 24 lần trong vòng bốn năm, cho thấy Việt Nam vẫn đắn đo, dè dặt với Trung Quốc. Nếu xét đến việc Trung Quốc chi phí nhiều hơn trong dự án xây cầu, sẽ thấy ở Việt Nam có người cho rằng Trung Quốc cần xây cầu hơn Việt Nam. Thực tế, khu vực phía Bắc và Tây Bắc nơi tiếp giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc đều rất nghèo, có nhu cầu phát triển hơn nhưng một số học giả Việt Nam vẫn cố cho rằng lợi ích ở Vân Nam và của cả Trung Quốc vẫn nhiều hơn Việt Nam.
Điều đáng chú ý là từ khi đổi mới mở cửa năm 1986 đến nay, hơn 20 năm kinh tế phát triển nhanh cũng đã đem đến cho Việt Nam rất nhiều vấn đề, những mâu thuẫn nói trên dần dần bộc lộ và gay gắt hơn. Rõ ràng trong điều kiện hợp tác đa phương, làm thế nào để giữ cho đất nước tiến lên nhưng đồng thời không bị dân chúng với tinh thần trách nhiệm ngày một cao trách cứ, đó là cả vấn đề khó khăn mà Chính phủ Việt Nam buộc phải đối mặt.
Trong trạng thái tâm lý mâu thuẫn và phức tạp như vậy, ở Việt Nam liên tục xuất hiện một số tiếng nói và hành động chống Trung Quốc, khiến cho Chính phủ Việt Nam vốn luôn tuyên bố phải tạo hình ảnh “minh bạch, văn minh, tiến bộ” cũng cảm thấy bị sức ép. Muốn loại bỏ sức ép của báo chí và ngôn luận dân chúng để Trung Quốc yên tâm thật không dễ, nhưng sau đó làm thế nào để xoa dịu dân chúng lại cũng rất nặng nề. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã rất khó kiểm soát hoàn toàn tinh thần chống Trung Quốc của dân chúng nên bên ngoài luôn có cảm giác “lúc căng lúc chùng, không có kết cấu, cách thức rõ ràng”.
Cảm thấy bất an nhưng phải tiếp cận
Từ gần 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã gần đạt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Từng trải qua chiến tranh và nghèo khổ nên quan điểm giá trị của người Việt Nam hiện nay cũng thay đổi rất nhiều, thể hiện trạng thái đa nguyên hóa, nhưng vẫn có điểm không thay đổi, đó là lòng tự tôn dân tộc hết sức mạnh mẽ.
Hiện nay ở Việt Nam, từ biên giới đến sâu trong nội địa, ngoài việc hàng hóa Trung Quốc có thể thấy ở mọi nơi, dù Việt Nam có lực lượng nhân công lao động dồi dào, còn xuất hiện một số lượng lớn nhân công lao động Trung Quốc. Học giả Trần Từ Nguyên cho biết những năm gần đây tiếng nói chống Trung Quốc ở Việt Nam ngày càng nhiều, ý kiến phản đối tương đối tập trung. Ngoài việc liên quan đến ô nhiễm môi trường và an ninh quốc gia, còn liên quan đến vấn đề xã hội, đó là tình trạng các công ty Trung Quốc luôn có thói quen đem theo đội ngũ xây dựng của mình đến Việt Nam, để lại rất ít cơ hội việc làm cho người bản địa. Tình trạng “cướp cơm của các gia đình Việt Nam” như vậy đã khiến cho hình ảnh Trung Quốc xấu đi rất nhiều. Báo “Thanh niên’ của Việt Nam số ra ngày 16/4/2009 đưa tin trước mắt số lượng công nhân Trung Quốc ở hai nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và Hải Phòng đã nhiều hơn số công nhân Việt Nam. Các nhà thầu Trung Quốc dường như không sử dụng công nhân Việt Nam mà đưa từ Trung Quốc sang, thậm chí có cả công nhân lao động phổ thông. Hiện nay lao động phổ thông Trung Quốc đã bắt đầu theo nhà thầu Trung Quốc xuất hiện ở nhà máy nhiệt điện Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam miền Trung Việt Nam.
Nhà nghiên cứu vấn đề châu Á ở Hồng Công Hoàng Kiến Viêm cho rằng cùng với đà Trung Quốc phát triển thành cường quốc kinh tế, một số người Việt Nam khó tránh khỏi cảm giác bất an, nhưng Việt Nam mong muốn phát triển kinh tế, không thể không lại gần Trung Quốc. Cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tề Kiến Quốc nói: “Việc Trung Quốc và Việt Nam giữ quan hệ như thế nào trong các giai đoạn khác nhau, đó hoàn toàn do lãnh đạo cấp cao hai bên chủ trương và kiểm soát, vai trò của nhân dân rất ít. Hiện nay Việt Nam tồn tại, phát triển đều phải hợp tác với thế giới bên ngoài, hợp tác với Trung Quốc là đòi hỏi của nước nhà, là xu thế lớn của lịch sử”.
Các trường hợp chống Trung Quốc tuy vẫn không ngừng xuất hiện ở Việt Nam nhưng không phải hoàn toàn không có sự kiểm soát. Ví dụ vào tháng Tư năm ngoái, báo “Du lịch” ở Việt Nam có đăng bài bị chính phủ coi là “tin không xác thực”, “dẫn đến thù hận” giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã bị đình bản trong ba tháng.
“Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam phát triển đến trạng thái như hiện nay là đáng quý nhưng người Trung Quốc khi nói chuyện, phát ngôn cần phải thận trọng hơn, vì cách thể hiện như ‘Tiểu Việt Nam’ đối với ‘Đại Trung Quốc’ là điều tương đối nhạy cảm”. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc thế kỷ trước, do bị thiệt thòi không ít nên muốn làm cho VIệt Nam, đặc biệt là các nhân sĩ ở phía phi chính phủ loại bỏ hoàn toàn tâm lý cảnh giác là điều không thể được. Thêm nữa là sự tồn tại của các nhân tố phức tạp về chính trị, quân sự, mặc dù trước mắt xu thế chủ yếu ở Việt Nam là mong muốn hai nước hợp tác và cùng tiến bộ, nhưng “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc’ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại lâu dài.
Người dân hai nước cần tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn
“Đúng, trong nhà trường kiến thức mà chúng tôi được học về Trung Quốc là Trung Quốc đã thống trị Việt Nam hơn một nghìn năm. Bài học lịch sử đến đâu cũng đầy ngữ khí của chủ nghĩa yêu nước, luôn nhấn mạnh đất đai và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam thuộc về nhân dân Việt Nam, Trung Quốc bị coi là kẻ bành trướng tham lam, sau một nghìn năm vẫn còn không biết bao nhiêu lần hão huyền muốn chinh phục Việt Nam”. Một thanh niên Việt Nam tên Nguyễn Hải Đảng từng lưu học ở nước ngoài đã nhớ lại thời kỳ được giáo dục “quan niệm về Trung Quốc” hồi còn nhỏ như vậy.
Có lẽ khi đi ra khỏi đất nước, tiếp xúc nhiều, nhất là có quan hệ với một số bạn Trung Quốc, cô Nguyễn đã nhìn nhận về Trung Quốc bằng lý trí nhiều hơn. Cô cho biết “khi nói về Trung Quốc, người Việt Nam, trước hết nghĩ đến tham vọng bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài của Trung Quốc, đương nhiên phần lớn những tin đăng tải và được bàn luận nhiều nhất trên báo chí Việt Nam đều quan tâm đến quần đảo Trường Sa. Những gì chúng tôi nghe được hầu như đều là tiêu cực, từ mặt trái của vấn đề, ví dụ như vấn đề Tây Tạng đang tranh chấp, vấn đề nhân quyền, còn có cả thực phẩm độc hại từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc ngày càng nhiều, bây giờ tôi không tin 100%”.
Trường hợp cô Nguyễn hoàn toàn khác với cô gái Hà Nội nói trên, có thể là vì cô đã tiếp xúc trực tiếp với người Trung Quốc, trong khi cô gái Hà Nội chỉ được giáo dục trong nhà trường.
Hiện nay tất cả các cửa khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam lúc nào cũng mở cửa, tạo điều kiện cho công dân hai nước giao lưu và trao đổi hàng hóa. Người dân ở vùng biên giới qua lại cửa khẩu một cách bình tĩnh, thậm chí có rất nhiều người Việt Nam đã vào lãnh thổ Trung Quốc mở cửa hàng buôn bán mà không thấy có ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng mở rộng tới Việt Nam như phim truyền hình Trung Quốc đang rất thịnh hành, chiếm lĩnh vị trí trong ngành điện ảnh Việt Nam. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng Việt Nam thích những tên gọi theo biệt danh rất “Trung Quốc”, mà đối với những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Trung Quốc, những cái tên Trung Quốc hóa như vậy dường như càng chính thức hơn và trang trọng hơn. Người Trung Quốc sống ở Việt Nam hầu như đều rất được tôn trọng. Rất nhiều tiệm ăn nổi tiếng ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đều là của người Trung Quốc. Về mặt kinh doanh, nhiều người Trung Quốc thành công với nghề gia truyền.
Một người Việt Nam sống tại cửa khẩu Thiên Bảo thuộc tỉnh Vân Nam cho biết “dù Việt Nam hay Trung Quốc, chính người dân lại càng cần có cuộc sống hòa bình, giàu có hơn chứ không phải tranh chấp lãnh thổ và chiến tranh. Vì thế hy vọng tới đây, dù sự việc gì cũng nên thông qua đàm phán để giải quyết, người dân Việt Nam đã chịu đựng quá đủ chiến tranh”./.
Tin tham khảo đặc biệt đối với ai?!
Trả lờiXóachó khựa, có chết mới tin lời nó, thâm và độc.
Trả lờiXóaNuốt xong miếng to rồi, giờ xoa dịu đấy thôi.
Trả lờiXóaChỉ là chuyện cô bé Quàng khăn đỏ thời đại mới thôi mà ...
Trả lờiXóa