Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Một lần là kẻ thù, mãi mãi là bạn


 
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng


Kichbu posted on 30.04.2013

“Độc giả Việt Nam được đọc nhiều tác phẩm cổ điển và tác phẩm hay của các nền văn học nước ngoài như nền văn học Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới nhờ đội ngũ dịch thuật Việt Nam rất hùng mạnh (có thể nói như vậy), biết nhiều ngôn ngữ văn học của nước ngoài và được vậy là nhờ bạn đọc Việt Nam rất khao khát văn học nước ngoài. Ngược lại văn học Việt Nam ra nước ngoài rất hiếm hoi.

Mùa hè năm 1989, có dịp sang Paris, tôi được biết văn học Trung Quốc được dịch sang tiếng Pháp rất nhiều, rất phong phú, vì người Hoa ở Pháp có một nhà xuất bản, là cánh cửa rộng cho văn học Trung Quốc. Còn người Việt ở Pháp chỉ có một tạp chí tiếng Việt, đó là cánh cửa hẹp của văn học Việt Nam khi muốn đến bạn đọc Pháp.

Cũng mùa hè năm 1989, tôi sang Mỹ, đến Boston dự cuộc hội thảo “Nhìn chiến tranh từ hai phía” với các nhà văn, nhà thơ cựu chiến binh Mỹ.

Người đầu tiên tôi gặp là nhà thơ Kevin Bowen (và tôi ở luôn trong nhà của anh – Anh là tác giả của bài báo “Một cuộc chiến tranh khác trong lương tâm người Mỹ”).” 

Báo GD&TĐ xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết  của nhà văn Nguyễn Quang Sáng  về cuộc gặp gỡ với những nhân vật, với sự trải nghiệm và cách nhìn mới, nhân văn  về những người Mỹ yêu hòa bình  qua cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Một cuộc chiến tranh khác trong lương tâm người Mỹ

 
Tôi muốn mượn lời của Kevin Bowen để giới thiệu “Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh” mà Kewin Bowen làm Giám đốc. Vốn là một cựu chiến binh ở chiến trường Tây Ninh (từ 1968 và 1969). Sau khi trở lại Việt Nam, anh có viết bài cho báo The Christian Science Monitor (Người đưa tin khoa học Cơ đốc giáo) số ngày 10/11/1988. Tôi nghĩ đây cũng là quan điểm của Trung tâm. 

Anh viết: Năm 1982, khi Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh ở VN được khánh thành tại Hoa Thịnh Đốn, ít người có thể thấy trước được sự tác động của nó, hoặc với cựu chiến binh, hoặc đối với đất nước mình, và sự cống hiến của tượng đài còn trong quá trình diễn tiến. Tựa vào nền đá hoa cương đen bóng khắc ghi danh sách 58.000 người chết, chúng ta bắt đầu trở lại cuộc đối thoại với Việt Nam.

Đối với nhiều người trong chúng ta cuộc đối thoại này chưa bao giờ bị đổ vỡ hoàn toàn. Từ Quốc hội đến các phòng ban, đến từng gia đình những gì là của Việt Nam vẫn thường xâm nhập vào sinh hoạt cuộc sống mỗi ngày.

Việt Nam là nơi trôi đi tuổi trẻ chúng ta, có người muốn nói là nơi tuổi trẻ họ bị đánh mất. Một số người khác lại muốn nói rằng Việt Nam là nơi mà tuổi ngây thơ của họ bị chôn vùi. Ít nhất đó là một nơi – thực tế và tượng trưng đang còn níu kéo chúng ta.

Đối với  đa số người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là những điều được nghe thấy ở trên TV, ở báo chí. Kinh nghiệm về nó đã được truyền đạt thông qua tiếng nói của những người khác. Khi dứt chiến tranh thì hình ảnh cũng nhạt nhòa. Việt Nam đã không còn tồn tại nữa.

Với những người lính thì không phải vậy. Đối với chúng ta, những tiếng nói và những hình ảnh vẫn luôn còn đấy, đang tìm một thứ ngôn ngữ của những giấc mộng, để mà trao đổi cùng nhau.

Mười lăm năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam. Ngày nay, đối với nhiều cựu chiến binh đã đến thời điểm của một cuộc dấn thân khác, của một trận tuyến dẫn dắt chúng ta quay lại miền đất mà chúng ta đã chiến đấu ngày xưa.

…Đó cũng là một bước đi có những hiểm nghèo. Nhưng quay trở lại Việt Nam là chấp nhận một bước đi thận trọng đầu tiên vào những thế giới im lặng đã được khóa kín trên nền hoa cương bóng loáng của đài tưởng niệm. Quay trở lại đó là để cố gắng phá vỡ bức tường im lặng.

Ở vào thời điểm thứ nhất, đa số chúng ta đi vào trận chiến đã quay về đơn độc. Chúng ta quay về trong sự im lặng. Nói về chiến cuộc, nói về Việt Nam còn hơn nói về một khủng hoảng chính trị nội bộ, chỉ làm dân chúng phiền lòng.

Và liệu chúng ta có thể nói được những gì? Chẳng lẽ nói về những nỗ lực của chúng ta, về lý tưởng, về những chiến công gan dạ, hoặc về những điều bất thiện không còn có trong bối cảnh dầu ở phạm vi cá nhân hay ở ý nghĩa lịch sử một khi chiến tranh đã chấm dứt rồi và nước Việt Nam Cộng hòa không còn trên bản đồ.

Chúng ta đã đến Việt Nam vì Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam, hoặc đại khái như người ta đã bảo chúng ta như thế. Ở vào cái tuổi 19 và 20 của đa số chúng ta lúc ấy, vào cái thời điểm tương lai hãy còn mờ mịt và những sợi dây vướng mắc gia đình và tuổi thanh niên tan biến, đất nước Việt Nam cũng như cuộc chiến ở đấy là cái kinh nghiệm sống động hơn hết của cuộc đời mình. Nó ghi dấu cái thời khoảng chúng ta sống đời độc lập, ghi dấu hành động chủ động đầu tiên của chúng ta trên thế giới. Và còn ý nghĩa cuối cùng của nó chỉ là mất mát, phá hoại và lặng im.

Quay lại Việt Nam vào thời điểm thứ hai là một nỗ lực, không phải để phục hồi quá khứ, nhưng phục hồi lại ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Qua những hành động của mình, chúng ta cố gắng xác nhận lại tính trung thực của những mục đích chúng ta. Ở tuổi 19 và 20, đi vào bước đầu của tuổi trưởng thành, chúng ta bị kẹt giữa hai thế giới đang tìm cách hủy diệt nhau. Vào tuổi 39 và 40, là bước thứ hai của cuộc đời mình, chúng ta lại tìm cách để phục vụ cái thế giới ấy một cách ý nghĩa.

Những vấn đề của Việt Nam hôm nay khác hẳn với những vần đề của hai mươi năm về trước. Khá nhiều những vấn đề là hậu quả của cuộc chiến – sự tàn phá vì bom đạn, vì khai hoang, vì thiếu viện trợ kinh tế, thật đã rõ ràng trước mắt. Các cuộc viếng thăm bệnh viện và các trung tâm sản xuất dành cho những người tàn phế khiến chúng ta rất xót xa. Những cựu chiến binh đến đây để viếng thăm thấy thông qua sự trợ giúp là một cơ hội làm đổi mới và điều chỉnh lại lịch sử của sự tham dự của mình từ trước.

Ít nhất chỉ cần mua một con bò cho cô nhi viện, hoặc những con gà cho một trung tâm phục hồi người nghiện ma túy và gái mại dâm, những hành động ấy mang một ý nghĩa sâu xa. Nó xác định lại tiếng nói của ký ức, và còn có thể xác định lại lịch sử của hai mươi năm sau…

Từ chiến tranh Việt Nam, Marilyn trở thành nhà thơ 

 Nhà thơ Marilyn 
Ngày 25/7/1989. Tôi phỏng vấn chị Marilyn là một cựu chiến binh Mỹ và cũng là một nhà thơ, trong phòng làm việc của trường Đại học Massachusetts, từ đó nhìn ra cửa sổ là thư viện của Kennedy sát bên bờ vịnh Boston và xa hơn là Đại Tây Dương. Sau khi phỏng vấn, tôi xin chị một tấm ảnh.

Và chị trao cho tôi một ảnh đã chụp cách đây đúng hai mươi năm, năm 1969, lúc chị làm việc trong một bệnh viện của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng. Ảnh chụp lúc chị chăm sóc cho một em bé Việt Nam lên chín bị phong đòn gánh. Chị hãy còn nhớ tên của em: em Nguyễn Quang Thân. Tấm ảnh này chị luôn giữ bên mình, tấm ảnh đã an ủi chị rằng: Dù là một nữ y tá trong quân đội Mỹ nhưng chị đã không làm gì gây nên tội ác mà đã cứu sống một em bé Việt Nam. Với chị đó là niềm vui là nguồn an ủi đối với cuộc đời của chị.

Marilyn sinh vào tháng 12 năm 1944, trong một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Hoa Thịnh Đốn, trong một gia đình lao động, ba là tài xế autobus, mẹ là thư ký đánh máy. Chị có bốn chị em gái, chị là chị cả. Lớn lên chị học về Y trong Đại học Sihato. Hai năm cuối đại học, cha mẹ không nuôi nổi, chị xin vào Hải quân để được trợ cấp.

Ra trường vào năm 1967, làm y tá cho một bệnh viện cấp cứu trên một hòn đảo. Một hòn đảo nằm dưới Hoa Thịnh Đốn và Niu Ứơc. Ở bệnh viện này, mỗi ngày có ít nhất ba mươi thương binh từ Việt Nam đưa đến: Những người lính cụt tay và cụt chân. Bệnh viện của chị chỉ có nhiệm vụ rửa ráy vết thương, băng bó rồi đưa họ đến một bệnh viện khác, điều trị lâu dài hơn.

- Chị có nghe họ nói gì về chiến trường Việt Nam?

- Không! Họ không nói gì, và tôi cũng không hỏi. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người y tá, tôi không tò mò.

Hơi lạ về sự vô tâm của chị, tôi hỏi tiếp:

- Chị thấy họ vui hay buồn và tâm trạng của họ thế nào?

- Họ vui. Vui vì được còn sống. Cụt tay cụt chân mà còn sống hơn là chết. Sống họ được gặp cha mẹ, bạn bè...

- Nhìn những người lính Mỹ bị cụt tay cụt chân ấy, chị có căm thù chúng tôi không?

- Không! – Marilyn trả lời dứt khoát. – Tôi căm thù những người cầm đầu chính phủ tôi, chính họ đã đưa thanh niên vào chỗ chết và tàn tật.

Marilyn, một phụ nữ Mỹ 45 tuổi, hơi mập, một nụ cười hiền lành, một đôi mắt sâu sắc mà nhân từ trên gương mặt phúc hậu.

Chị sang Việt Nam vào năm 1969. Như chị nói, chị sang Việt Nam không phải tiếp tay cho tội ác, mặc dù chị là sĩ quan quân y của quân đội Mỹ, chị sang Việt Nam là muốn tận mắt nhìn nỗi đau của thanh niên, những người cùng một lứa tuổi trong chiến tranh Việt Nam, và với lương tâm của một người thầy thuốc chị muốn xoa dịu phần nào nỗi đau của cuộc chiến.

- Ở Việt Nam chị có tiếp xúc với người Việt Nam nhiều không?

- Ít! Tôi không có điều kiện tiếp xúc với người Việt Nam kể cả lính của quân đội Sài Gòn. Chỉ một đôi lần, nhưng lần nào cũng để trong tôi một ấn tượng không thể quên. Có một hôm, quân đội Mỹ bắt được một nữ du kích. Vì bị sốt rét, người ta đưa cô đến bệnh viện của tôi. Vừa thấy mặt tôi, cô du kích chồm lên, đưa hai tay xô đến tôi, cô muốn đánh, muốn giết tôi.

Tôi nhớ và nghĩ mãi về cô du kích ấy. Cô căm thù tôi, và cô liều chết xông đến muốn giết tôi. Có lẽ cô không ngờ trong cái quân đội đã giết chết bao nhiêu đồng chí bạn bè của cô, đã bắn phá quê hương cô lại có một người đàn bà! Tôi kính trọng lòng căm thù và khâm phục lòng dũng cảm của cô, người nữ du kích của Việt Nam.

Hết thời gian nghĩa vụ, trở về Mỹ, chị rời khỏi quân đội, rời cả nghề y, chị làm thơ, viết về nỗi đau của chiến tranh Việt Nam.

Chị Marilyn đã đọc cho tôi nghe bài thơ:

Trong khu vực chiến tranh

Trong khu vực chiến tranh

Có nhiều thằng hề

Những thằng hề xiếc mặt buồn rười rượi

Những vai trò phi lý, không thể tin được.

Người ta cười thằng hề

Để khỏi khóc.

Người ta làm thằng hề

Để khỏi biết đến

Cái nhu cầu phải khóc...

Tượng Phật với người lính Mỹ 


  
Từ Mỹ trở về, tôi có mang theo giọng nói của một số cựu chiến binh mà tôi có dịp phỏng vấn qua băng ghi âm, trong đó có lời kể của Larry Rottmann về một tượng Phật Việt Nam mà anh đã giữ gìn suốt hai mươi mốt năm và anh vừa trao lại cho UBND Huyện Hóc Môn vào ngày 9/7/1989. Tôi nghe anh kể vào buổi trưa ngày 11/8/1989 trong thành phố Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Vậy là anh vừa sang thăm Việt Nam mới về. Và câu chuyện hãy còn nóng hổi. Với bộ râu rậm trên gương mặt hiền từ, Larry Rottmann trông trầm lặng lúc nào cũng suy tư. Ấn tượng đầu tiên rất khó quên đối với tôi là khi anh trao cho tôi tấm danh thiếp. Danh thiếp của một người Mỹ nhưng lại in bằng tiếng Việt “Larry Rottmann, Giáo sư Anh văn”. Sợ tôi không để ý, anh đưa ngón tay út chỉ ngay hàng chữ Việt rồi cười, một nụ cười đắc ý và đôi mắt như hỏi lại tôi “có được không?”. Cầm tấm danh thiếp của anh tôi bỗng nhớ đến số danh thiếp của bạn bè Việt Nam đã trao cho tôi mấy năm gần đây. Danh thiếp người Việt in bằng chữ Anh, chữ Pháp. Ghi nhớ lại điều này tôi không có ý phê phán hay móc lò số bạn bè của tôi. Xin lỗi nhé! Tôi hiểu đó là sự cần thiết cho công việc đối ngoại của các bạn. Còn Larry Rottmann in chữ Việt là muốn tỏ lòng mình với Việt Nam.

Đến ngày 25/9/89, sau khi về lại Thành phố, tôi đến Ủy ban huyện Hóc Môn, xin gặp đồng chí Chánh văn phòng Lê Văn Dũng để xác minh câu chuyện của Larry Rottmann. Không phải tôi không tin Larry Rottmann, mà vì thận trọng của thói quen nghề nghiệp. Một bài báo phải tôn trọng sự thật. Tôi không muốn thêm dù một chi tiết rất nhỏ theo nghĩa hư cấu của một truyện ngắn hay tiểu thuyết. Mà đây, bài viết này là ghi nhận một chuyện thật.

Đúng như Larry Rottmann đã kể, Lê Văn Dũng đã cho tôi xem lại tượng Phật của Larry Rottman mang từ Mỹ trao lại cho nhân dân Hóc Môn. Tượng Phật Di Lạc, tượng cao cỡ 7 tấc bằng gỗ mút, sơn son, phết vàng. Hai cánh tay giơ lên khoan thai, với nụ cười mở rộng, từ bi, tượng truyền cho ta cảm giác yên ổn, một cảm giác phủi hết bụi trần. Tượng đã sống trên nước Mỹ, trong lòng một cựu chiến binh Mỹ suốt 21 năm.

Lính Mỹ dưới ngòi bút của Tim OBrien

Ngay lúc còn là lính ở chiến trường Việt Nam, Tim OBrien đã nghĩ:  “Sau khi những viên trung sĩ và các khẩu súng trường đã ra khỏi cuộc đời tôi, tôi sẽ lập nên một danh sách dài, thật dài. Tôi sẽ viết về quân đội, sẽ vạch sự tàn bạo bất công, ngu ngốc và kiêu căng của chiến tranh và những kẻ  trong cuộc chiến. Tôi sẽ đề cập một vài tên mang tính điển hình. Vạch ra trong các tội lỗi của các trung sĩ đã huấn luyện một cách một cách sống động, cho họ xuống địa ngục mà than khóc cái ngày họ đã gây rắc rối đối với thằng binh nhì OBrien. Tôi sẽ vạch sự vô ý tứ mà có kẻ như Rece đã đùa giỡn với mạng sống của tôi. Tôi sẽ mở một cuộc thập tự chinh chống lại cuộc chiến tranh này, và khi được thả về, nếu tìm ra được cuộc chiến tranh khác, tôi sẽ làm việc để khám phá xem chúng có đúng đắn và cần thiết không? Và nếu tôi tìm ra được là chúng, tức chiến tranh, không có một ý nghĩa gì tôi sẽ tiếp tục mở một cuộc thập tự chinh khác, chống lại chúng”.

Tôi gặp Tim OBrien loáng thoáng đôi lần trong Đại học Massachusetts qua các cuộc hội thảo.

Tôi được giới thiệu sau khi anh đi ngang qua “Tim OBrien một nhà văn nổi tiếng”. Trông anh hãy còn trẻ, so với người Mỹ anh là người nhỏ con, dáng vóc như một người Việt Nam, cũng rất lạ anh rất giống một người bạn trẻ của tôi, một nhà văn trẻ Việt Nam. Chỉ cần thấy anh lướt qua một lần tôi cũng đoán biết ngày bé, anh là đứa bé nghịch ngợm.

Và tôi đã gặp riêng anh trong một ngôi nhà yên tĩnh của một cựu chiến binh Mỹ vào buổi chiều ngày 2/8/89. Tôi đã trao đổi và phỏng vấn anh.

Tim OBrien vui tính, lúc nào cũng cười to, cười sảng khoái sau khi kể lại một nguy hiểm của đời lính, như một người vui vừa thoát chết.

Tim OBrien sinh vào ngày 1-10-46 ở miền Trung nước Mỹ trong một gia đình trung lưu. Cha là nhân viên của một công ty bảo hiểm, mẹ là giáo viên. Tuổi thơ anh lớn lên qua các trường. Lúc đến tuổi nhập ngũ, anh là sinh viên của một trường cao học. Vốn là người hoạt động phản chiến trong sinh viên, anh không thích quân đội. Muốn thoát khỏi con đường quân đội chỉ có hai đường, một là ngồi tù, hai là trốn qua Canađa. Tôi không muốn làm gì cho cha mẹ tôi buồn. Tôi không ngồi tù. Và cũng thú thực, tôi không có can đảm, nếu có can đảm thì tôi đã vượt qua Canađa. Tôi không thích quân đội, tôi không muốn nhập ngũ không phải vì tôi không yêu đất nước tôi. Nếu chống Cộng sản thì tôi chống một chế độ độc tài như tôi đã nghe nói, còn đối với Cộng sản Việt Nam thì khác, theo tôi Cộng sản Việt Nam là Cộng sản bắt nguồn từ cội rễ dân tộc Việt Nam, họ không có cái để tôi ghét và chống. Tôi hiểu, nhưng cái bi kịch của tôi, tôi hiểu mà vẫn phải đi lính, đi lính sang Việt Nam. Và thật xui xẻo cho tôi, tôi lại là một tên lính của một sư đoàn mạnh nhất của quân đội Mỹ. Trong quân đội cũng có nhiều loại lính: có lính làm cấp dưỡng, có lính văn phòng, có lính bộ binh, một anh lính binh nhì với khẩu súng M16. Trớ trêu vậy và lại xui xẻo hơn nữa là tôi lại rơi vào một chiến trường gay gắt nhất Việt Nam. Từ sân bay Sihato tôi xuống Cam Ranh, từ Cam Ranh tôi bị đưa đi Chu Lai rồi từ Chu Lai bị chuyển về Mỹ Lai.

- Nhưng tôi không phải là người gây ra vụ Mỹ Lai đâu! - Anh hét to và cười ré lên - tôi đến Mỹ Lai sau vụ Mỹ Lai xảy ra một năm. Tôi đến Mỹ Lai vào tháng 2/1969, Mỹ Lai là nơi gây ra nỗi kinh hoàng cho quân đội chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn sống trong nỗi lo sợ xa lạ và cô đơn. Nhìn người dân thì biết, họ căm ghét chúng tôi, từ một lý do thật dễ hiểu. Là một người lính tôi luôn thờ ơ những gì là chính trị đang xảy ra. Nhưng tôi phải hiểu vì sao người dân ở đây ghét chúng tôi. Khi tôi hiểu, tôi muốn phát khóc. Quân đội Mỹ chúng tôi: đội quân xâm lược.

Một lần là kẻ thù, mãi mãi là bạn

Mười lăm năm qua, tiếng súng đã tắt, nhưng tâm hồn của người lính Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, họ muốn quên đi cuộc chiến tranh mà mỗi ngày họ mỗi nhận rõ thêm sự phi lý, sự vô nghĩa và tội ác họ đã gây ra ở Việt Nam, nhưng cuộc chiến đã không buông tha họ. Từ đó, sau một thời nguội lạnh, mấy năm gần đây đề tài chiến tranh Việt Nam bỗng rộ lên trên nền văn học Hoa Kỳ, những thiên hồi ký hoặc tự truyện của các cựu chiến binh Mỹ, viết bằng tim óc và xương máu. Như Bruce Weight, tác giả của tập thơ “Bài ca Napan”, nói: “Từ nỗi đau của cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi trở thành nhà thơ”. Báo chí nước Mỹ viết về những tác phẩm của các tác giả cựu chiến binh Mỹ như sau: “Đó là những hồi ký trong cái ý nghĩa hoàn toàn văn học của từ ngữ đó. Các tác giả cựu chiến binh Mỹ đã viết với nỗi đau đớn và đam mê về thực chất của chiến tranh. Tác phẩm của họ có thể trên thực tế là những tác phẩm vĩ đại, có thể so sánh với Người trần truồng, Người chết và tù đày đến Vĩnh Hằng của đệ nhị thế chiến. Tác phẩm của cựu chiến binh Mỹ đã gợi lên một cách lặng lẽ và tài tình cuộc sống thường ngày của những người lính Mỹ trên đồng ruộng, trong hố cá nhân, gợi lên một cuộc chiến tranh mù quáng, sai lầm và ngớ ngẩn. Họ viết về cảm xúc về chiến tranh, là sự sợ hãi đến chết khiếp và những kẻ điên khùng. Là những tác phẩm gây ám ảnh, và nhanh gọn như một vệt điện đỏ của viên đạn M16 xẹt qua đêm tối Việt Nam. Bạn đọc ao ước tác giả cựu chiến binh Mỹ từng viết hay đến như vậy, vì tác phẩm làm người đọc không thể nào quên được sách của họ. Người đọc sẽ còn đọc nhiều lần trong nhiều năm nữa, nó sẽ còn có một sức mạnh khủng khiếp, khiến người đọc phải nhớ lại không thể nào quên”.

Qua những cuộc gặp gỡ thân tình đó, chúng tôi còn muốn hiểu nhau hơn, sâu sắc hơn qua tác phẩm văn học. Cũng từ đó, đôi bên cũng lần lượt dịch tác phẩm của nhau.

Với tôi, trung tâm William Joinner là một cánh cửa rộng để văn học Việt Nam đến bạn đọc thế giới. Là một công việc lâu dài đầy hứa hẹn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter