Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

TẢN MẠN VỀ TRIỀU TIÊN




Hình minh họa từ internet

Kichbu theo Om Mani Padme Hum

Thu 1992, Tôi sang Triều Tiên theo bố mẹ sau khi kết thúc lớp 12 CVA. Vốn dĩ, bố mẹ định để tôi ở VN, nhưng sau quyết định đưa đi vì lo ngại, sau 3 năm, khi bố mẹ trở về, tôi không còn là thằng cu ngoan hiền của bố mẹ nữa. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn quyết định đó của Bố mẹ, nó thực sự là quyết định bước ngoặt, mang tính bản lề của cuộc đời tôi, nếu không, chắc giờ chả ngồi đây mà gõ mấy dòng chữ này.

Triều Tiên nói chung và Bình Nhưỡng nói riêng lúc đó là một điều gì rất xa lạ và chưa bao giờ lại nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với mảnh đất ấy lâu đến thế.

Năm đầu học dự bị tại trường ĐH Công nghiệp Kim Sách là cả một thời gian khó khăn. Sáng dậy rất sớm, ăn sáng xong vác cái balo đầy sách và một hộp cơm mẹ chuẩn bị từ trước khi tôi thức dậy, chạy hối hả ra bến xe bus cách đấy 500m để đến Bách hóa số 1, chuyển tiếp một chặng bằng bus hoặc Metro đến trường. Tổng cộng 40 phút kể từ khi rời nhà. Cực nhất là mùa đông, xung quanh tứ bề là tuyết, lạnh thấu xương thấu thịt. Người dân học rất thông cảm, thấy người nước ngoài, họ nhường luôn cho dù họ đã đợi cả 30 phút để đươc đến lượt lên xe.

Tiết học giữa Thầy với trò không có ngôn ngữ chung, Thầy giảng thẳng bằng tiếng Triều. Ban đầu, lúc hiểu, lúc không, về nhà lại nhờ Bố giảng tiếp. Bố không bao giờ tự dùng nói từ này là gì mà chỉ trả lời sau khi tôi đã tra nát các cuốn Anh-Việt, Việt-Anh, Anh-Triều, Triều-Anh. Ngữ pháp cũng thế. Quan điểm của Bố là chỉnh sửa chứ không nói luôn. Cũng nhờ vậy mà lượng từ học được ban đầu khá nhiều. Sau, vốn từ tăng dần việc nghe giảng cũng đỡ hơn.

Khoa hỗ trợ sinh viên nước ngoài có 5 Thầy, ai cũng nhiệt tình. Thầy nào cũng đen, hói, gầy, khắc khổ. Bạn thử hình dung một người gầy, đen mà lại hói xem.

Sau năm dự bị học tiếng, tôi bắt đầu năm thứ nhất Khoa Ngữ văn, trường ĐH Kim Nhật Thành. Bố mẹ gửi tôi vào KTX.

 

Ở cùng KTX với 100 sinh viên TQ, chúng tôi được coi là sinh viên nước ngoài, khoảng 20 người từ Nga, U-dơ-bếch, Ba Lan, Mông Cổ, I-ran, Cuba, Triều kiều tại Nhật. Mỗi học sinh nước ngoài trừ TQ đều có 1 roommate người TT, một số sinh viên TQ cũng có nếu có yêu cầu. TT hồi đó rất khổ, thiếu đủ thứ, 1 ngày có 1 tiếng có nước nóng (tắm chung, trần như nhộng, lúc đầu không quen, thấy ngại, sau vài lần tắm nước lạnh đâm ra xông pha hết), thiếu điện, thiếu lương thực. Tuy vậy, lũ học sinh nước ngoài bao gồm TQ được hưởng cuộc sống khá đầy đủ, sáng ăn có bánh mì, sữa, trưa, chiều ăn mỗi đứa một đùi gà hay đĩa thịt rán, trứng tráng, ngày lễ có thêm bia Bình Nhưỡng hoặc Long Thành. Điều đáng nói là hầu hết đều miễn phí, ngoại trừ tôi và 1 thằng Mông Cổ không phải lưu học sinh chính phủ (tiền ăn, ở của tôi hàng tháng khoảng 50$, chiếm 1/2 lương của Bố). Học và khám bệnh thì không mất tiền.

Ở trong trường, chơi cũng phân biệt, học sinh các nước không chơi với học sinh TQ. Cái KTX ấy nó hệt như một TQ thu nhỏ, họ ăn to nói lớn, chửi thề lị mạ tù fèng suốt, thậm chí cả đêm. Nhớ có đêm không ngủ được, mò ra hành lang thấy tụi TQ đang xem Video. Nó thấy mình, nó xì xào " Tha lải là". Chúng nó xem phim đánh nhau của quân đội TQ. Tôi cũng ngó vào, thấy cảnh một người lính TQ ôm bộc phá, xông vào hang, kiểu cảm tử phá bốt. Thấy khói dày đặc, rồi lờ mờ ra dòng chữ "Tiêu diệt Trung Quốc" bằng Việt. Hóa ra nó xem phim về năm 79. Mình cười khẩy, bảo chúng nó, thích hôm nào tao mang phim VN cho chúng mày xem. Hôm sau, mr lớp trưởng người TQ đến phòng xin lỗi. Thôi thì bỏ qua.

Tôi bắt đầu biết chơi bóng bàn và bóng chuyền tại trường KNT, có thầy thể dục dạy song 2 tuần 1 lần có tuyển thủ quốc gia đến uốn nắn kỹ thuật. Có 2 môn thể dục tôi không tham gia là bóng đá và chạy. Tôi vẫn kiên trì lập trường này cho đến tận bây giờ.

Trường Kim Nhật Thành đẹp, đầy đủ mọi thứ, mỗi tội lạnh vì thiếu sưởi về mùa đông, thiếu quạt về mùa hè. Hàng cuối tuần, trường có xe bus cho đi dã ngoại và mua sắm tại cửa hàng Ngoại giao đoàn. Tôi hay về nhà vào cuối tuần vì ĐSQ nằm ngay cạnh cửa hàng này.

Khoa Ngữ văn có khoảng 20 thầy cô, phải nói rằng mức độ nhiệt tình với trò của các thầy cô hơn đứt VN hay HQ. Các Thầy cô xác định bán cháo phổi không công. Thi thoảng biếu thầy cô được bao thuốc hay gói mì chính, thầy cô mãi mới nhận mà còn nghẹn ngào cám ơn. Những gói mì chính được cất cẩn thận để mang về nhà.

Càng ở lâu mới thấy Bình Nhưỡng và Triều Tiên đẹp, trừ Bạch đầu sơn, tôi đã đi gần hết. Đường phố BÌnh Nhưỡng rộng, sạch, công viên hoặc khu vui chơi cũng chẳng kém gì Lotte World, Wonderland, Seoul Grand Park của Hàn, từ những năm 90 họ đã thế.

Cảnh sát giao thông nữ Triều Tiên cực xinh, trẻ và đầy sức sống. Ngã ba, ngã tư dù có đèn giao thông nhưng họ ít dùng, tất cả đều có cảnh sát chỉ đường, năm thì mười họa mới thấy CSGT nam. Hồi đó, chưa học luật giao thông nhưng có quy ước rằng sẽ không thể đi nếu chỉ nhìn thấy mông hoặc ngực của các cô, khi nào nhìn thấy cả 2 mới được đi.

 

Tuy nhiên, ở TT, chúng tôi cũng phải tham gia các khóa học chính trị hoặc ngoại khóa chính trị. Thi thoảng đi thăm Đài Liệt sỹ, đặt hoa tại tượng đồng lãnh tụ TT Kim Nhật Thành, tham gia văn nghệ (toàn hát bài ca ngợi lãnh tụ). Đấy là những việc mà chúng tôi phải thực hiện để đền đáp lại sự quan tâm của chính phủ và trường dành cho chúng tôi. Nghe thì thấy nặng nề, nhưng thực ra, nó rất nhẹ nhàng, thoải mái, tự tôi cũng thấy mình nên làm vậy. Tôi ở TT vào thời điểm Chủ tịch KNT mất. Một bầu tang tóc thê lương, mọi giọt nước mắt đều là từ tim mà ra, thật cả. Đến tôi còn đỏ hoe mắt huống gì họ.

À, có việc lúc đầu không quen, sau quen dần. Đang đi, còi báo động ủ liên hồi, ban đầu sợ mất mật khi thấy hàng đoàn người phi xuống ga tàu điện ngầm. Cứ mỗi tháng, họ tập báo động 1 lần, chỉ sau 5 phút, trên mặt đường không còn 1 bóng người.

Quy hoạch đô thị của Bình Nhưỡng thuộc loại cực tốt, mọi thứ đều ngăn nắp, sạch, rộng, thoáng và tiện. Tôi ấn tượng nhất là việc họ di dời khu KTX nữ của sinh viên TT nằm đối diện KTX sinh viên nước ngoài của tụi tôi. Chiều hôm trước, tòa nhà 4 tầng vẫn bình thường, các em sinh viên TT vẫn tắm giặt, đàn ca. Sáng hôm sau tỉnh dậy, phía trước mặt mất tiêu đâu cái tòa nhà đó, cả 1 tòa nhà 4 tầng và những con người ở đó biến mất, chỉ còn lại bãi đất bằng với dăm ba cái xe tải. Một cuộc di dời trong im lặng lúc nửa đêm, không một ai biết.


 

Thứ Sáu hàng tuần, người dân Bình Nhưỡng lao động công ích, họ nhổ cỏ, quét đường hoặc đi hỗ trợ các công trường xây dựng. Mỗi cơ quan hành chính kết nghĩa với một hợp tác xã ở nông thôn, cuối tuần, họ về đấy cấy, làm cỏ hoặc gặt lúa, thu hoạch hoa màu giúp nông dân.

Ô tô của TT đa phần là xe của Nga và của Đức, thi thoảng thấy một vài cái xe của Nhật, các xe tuy cũ nhưng chạy tốt. Hồi tôi còn đi học, xe ô tô không nhiều.. Triều Tiên tự sản xuất cả ô tô, bus, tàu điện ngầm (công nghệ của Nga và Đức).
Nếu bạn đến TT, tóm 1 người bất kỳ, bảo họ chơi nhạc, hoặc hát, họ đều làm được, kể cả từ đứa bé còn đang học tiểu học. Việc biết hát và chơi tối thiểu 1 nhạc cụ trở thành nghĩa vụ đối với bất kỳ người dân nào, đến bây giờ vẫn vậy.
Múa của Triều Tiên, nói không ngoa, giỏi vào hàng đầu thế giới, rất có hồn và đều tăm tắp. Mọi người cứ bật một clip nào đó về lễ hội Arirang thì biết. Cái đó là do vấn đề kỷ luật và tuân thủ quy tắc mà ra.

Sau này, tốt nghiệp, quay lại Bình Nhưỡng với tư cách một người của ĐSQ VN tại Triều Tiên, tôi quay lại trường Kim Sách và Kim Nhật Thành. Có Thầy còn, có Thầy đã đi, nhưng ai cũng vẫn nhớ mặt và cả ngày tháng năm sinh của tôi. Các Thầy vui vì tôi trở lại Triều Tiên trước chứ không đi Hàn Quốc.

Tôi vẫn quý và thích TT, nếu nói về tình cảm thì hơn hẳn Hàn Quốc. Họ khó nhưng họ đã quyết là họ làm, mà làm rất tốt. Mọi thứ dường như đều có kế hoạch và quy hoạch từ lâu, không phải là tầm nhìn 5 năm, 10 năm theo nhiệm kỳ.

Suốt 5 năm đi học, chưa thấy ăn xin trộm cắp bao giờ. Không phải vì họ đầy đủ đến thế mà vì luật pháp họ nghiêm, sự trừng phạt cho những hành động phạm pháp là vô cùng nặng nề và khốc liệt, không chỉ người làm chịu mà cả gia đình bị ảnh hưởng theo.

Triều Tiên bây gờ vẫn đẹp, vẫn an bình, đang khởi sắc. Tất nhiên, họ đang khổ hơn chúng ta nhiều lần về vật chất.

Bạn đừng tin ngay vào những thông tin bên ngoài nói về TT, ít nhất là về xã hội TT bởi đa phần là những suy diễn được tập hợp truyền miệng và qua internet và cực phi thực tiễn....

Có lẽ, người nước ngoài duy nhất mang hộ chiếu phổ thông vào TT mà không cần xin visa, không giấy mời là thằng Anh Gau Pham, chả hiểu sao nó lại lọt. Với Triều Tiên, đấy cũng có thể coi là sự cố hi hữu.


 

Dù sao, đây chỉ là cảm nhận cá nhân thôi, đừng bác nào đọc rồi quy kết về bất kỳ cái gì nhá.

À quên, chốt chắc 1 câu nhé: Gái Triều Tiên xinh, ngoan, dễ thương và tốt bụng hơn gái Hàn nhiều lần, toàn nét đẹp tự nhiên, cái đấy là thực tế khỏi bàn cãi Bác Nguyen Thi Thu Trang đi TT rồi có thấy đúng không?

Xem thêm:


-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter