Tư duy biển với lịch sử Việt Nam
Cao Tự Thanh |
Tranh minh họa trận đánh trên sông Bạch Đằng
trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược
Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1288.
Những truyền thuyết ít giá trị sử liệu hiện còn không đủ là cơ sở để nhận định, nhưng trước thế kỷ X, tư duy về biển của người Việt dường như cũng chưa mấy rõ ràng. Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang vẫn trồng dưa hấu để bán, An Dương vương bị phá hỏng nỏ thần thua trận chạy tới bờ biển là kể như cùng đường. Nhưng sau khi Việt Nam giành được độc lập từ thế kỷ X trở đi thì khác. Ngô Quyền phá quân Nam Hán, nhà Trần chống Nguyên Mông đều dựa vào thủy quân, những xung đột quân sự với Chiêm Thành trước chiến tranh Nam - Bắc triều cũng cho thấy người Việt Nam không hề thờ ơ với biển đảo. Dĩ nhiên tư duy biển thời bấy giờ chưa thể toàn diện, vì trình độ sức sản xuất đương thời chỉ cho phép nhiều dân tộc và quốc gia khai thác biển chủ yếu như một nguồn tài nguyên tự nhiên về tôm cá và nhiều chính quyền chỉ quan tâm tới biển để bảo vệ đất liền, tức yếu tố quốc phòng vẫn tách rời yếu tố kinh tế. Tình hình nói trên đã thay đổi từ thế kỷ XVI trở đi, nhất là sau khi quốc gia Đại Việt bị tách thành hai tiểu quốc Đàng ngoài - Đàng trong.
Với bộ phận dân tộc ở Đàng trong phải phát triển xuống phía Nam men theo bờ biển, biển cả không chỉ là nguồn tài nguyên về tôm cá mà còn là điều kiện cho hoạt động thương nghiệp biển – ngoại thương. Tư Dung vãn của Đào Duy Từ đã nói tới những cánh buồm thương nhân – thị dân trên vùng biển miền Trung “Buồm ai dàng dạng chân trời, Phất phơ cờ gió thẳng vời chèo trăng”.
Sau thương cảng Hội An thế kỷ XVI – XVII người Việt Nam ở Đàng trong lại có thêm thương cảng Hà Tiên thế kỷ XVIII. Các đền miếu thờ Long vương, Hải thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần, phong tục thờ cá ông, các bài vè đi biển... phổ biến suốt vùng duyên hải Việt Nam từ đèo Hải Vân trở vào Nam còn cho thấy người Việt Nam ở Đàng trong đã nhất hóa nhiều yếu tố biển vào với sinh hoạt vật chất và tinh thần của cộng đồng mình. Phiên chế của quân đội Đàng trong có đơn vị thuyền, Thích Đại Sán đi thuyền do thủy quân chèo tay từ Thuận Hóa tới Hội An chỉ mất có một đêm, và nếu nhớ lại cách thức trưng binh của họ Nguyễn Đàng trong thì có thể thấy thủy quân Đàng trong là những ngư dân tài giỏi nhất được phiên chế vào binh tịch, nên không lạ gì mà thủy quân Đàng trong từng đánh bại cả hạm đội Hà Lan.
Bên cạnh việc đón tiếp thuyền Châu ấn từ Nhật tới, chính quyền Đàng trong cũng cử thuyền Long bài qua Nhật Bản - bộ tranh khắc gỗ Xuân họa Phù thế hội chi mê hoặc của Fukuda Kazuhiko thậm chí còn có bức thể hiện cảnh “thương nhân Giao Chỉ” hành lạc với kỹ nữ Nagasaki. Dấu ấn kinh tế biển in rõ trên cả hoạt động quản lý xã hội: các dinh trấn ở miền Trung từ đèo Hải Vân trở vào Nam thời Đàng trong (và cả Lục tỉnh Nam Kỳ thời Nguyễn về sau) đều có cửa sông cửa biển, nên sông ngòi miền Trung vốn chảy theo hướng Đông - Tây cũng trở thành những tuyến giao thông nối liền cửa biển với đầu nguồn. Tuy nhiên chính hệ thống sông ngòi ấy lại hạn chế việc kinh tế biển biến toàn bộ miền Trung thành một thị trường nội địa tương đối thống nhất khiến nền kinh tế thương nghiệp hình thành trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp và khai thác tài nguyên phát triển một cách tự phát ấy chủ yếu chỉ mới đẩy mạnh việc giao lưu nội vùng, nên tâm lý địa phương lại chi phối việc xây dựng hàng loạt cảng biển và kinh tế miền Trung hiện nay vẫn thiếu một “nhạc trưởng” như Diễn đàn kinh tế miền Trung năm trước đã nêu ra.
Song nhìn chung việc hướng ra biển cũng đã bước đầu tích lũy cho con người Việt Nam thế kỷ XVIII những khả năng kinh tế – kỹ thuật mới để giải quyết các vấn đề của đất nước. Lực lượng thủy quân như một kết quả đặc biệt của sự phát triển kinh tế thương nghiệp biển đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ tình trạng phân tranh và kết thúc nội chiến - bộ phận tàu chiến kiểu phương Tây đã giúp thủy quân của Nguyễn Ánh nâng cao hiệu suất chiến đấu trong các trận hải chiến từ cửa Thi Nại tới núi Đâu Mâu, và chỉ sau khi tiêu diệt được gần như toàn bộ thủy quân Tây Sơn năm 1801, Nguyễn Ánh mới có thể tiến ra Thăng Long năm 1802. Cần nói thêm rằng sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh cai trị Trung Hoa từ 1644 thì hoạt động trên biển của chính quyền Trung Hoa đã hoàn toàn tách rời truyền thống hải hành với đỉnh cao “thất hạ Tây dương” của Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa trước đó, nên triều đình Khang Hy vẫn phải dùng một viên tướng người Hán là Thi Lang làm Tư lệnh trong chiến dịch tấn công Đài Loan, thống nhất Trung Hoa năm 1683. Nhưng khi nhà Thanh quay lưng với biển thì các chúa Nguyễn Đàng trong thế kỷ XVII – XVIII lại hướng ra phía biển, nên sau gần ba thế kỷ phân tranh và nội chiến Việt Nam không những mở rộng được lãnh thổ tới vịnh Thái Lan mà còn có thể thống nhất trở lại vào năm 1802.
Khác với bờ biển miền Trung, bờ biển Nam Bộ từ phía Nam Vũng Tàu tới mũi Cà Mau là bờ biển phù sa bồi, nên việc phát triển kinh tế biển cần đầu tư nhiều về hạ tầng kỹ thuật dưới thời phong kiến và thời Pháp thuộc nói chung là một điều không dễ. Tuy nhiên điều đáng nói là sau 1802 nhà Nguyễn lại bế quan tỏa cảng. Trên cửu đỉnh mà Minh Mạng cho đúc năm 1835 tuy vẫn có khắc hình ghe ô, ghe lê, tàu đa sách (tàu nhiều dây buồm) nhưng đó là một sự thoái bộ về tư duy biển, vì nó lại trở về nhấn mạnh yếu tố quốc phòng đồng thời giới hạn trong phạm vi lợi ích của phía quan phương như người ta đã thấy qua các đơn vị bán quân sự kiểu Đội Trường Sa. Và tương tự nhà Thanh ở Trung Quốc, nhà Nguyễn ở Việt Nam thế kỷ XIX không xây dựng được sức mạnh kinh tế – quốc phòng mang tính chất toàn dân từ biển đảo nên phải mất đất liền. Nhưng dưới thời Pháp thuộc thì yếu tố kinh tế biển trong kinh tế Nam Kỳ vẫn không có sự tiến triển nào đáng kể. Chủ trương “Nam Kỳ có thể và phải trở thành một thuộc địa nông nghiệp” của chính quyền thuộc địa đã khiến kinh tế vùng này phát triển theo một quỹ đạo ngày càng xa rời vòng quay kinh tế biển, chẳng hạn mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu liên tiếp gia tăng, kinh tế biển ở Nam Kỳ trước 1945 vẫn gói gọn trong các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá, chế biến thủy hải sản. Chủ nhân các đội tàu vận tải biển ở Nam Kỳ trước 1945 chủ yếu là Hoa kiều và người Pháp chứ tuyệt nhiên không có người Việt Nam.
Hiện nay khái niệm kinh tế biển không còn gói gọn trong phạm vi đánh bắt cá, ngoại thương biển, đón tiếp du lịch mà đã mở rộng ra các lãnh vực khai thác tài nguyên dưới đáy biển, khai thác năng lượng biển, công nghiệp xây dựng trên biển, bảo vệ môi trường biển vân vân. Tình hình nói trên cho thấy đã đến lúc xã hội Việt Nam phải nhìn nhận lại vấn đề biển đảo một cách toàn diện mới có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng và lâu dài của toàn dân tộc.
“Ý thức không gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức” – tư duy biển luôn được quy định bởi tư duy kinh tế biển, mà như người ta đã thấy, tư duy kinh tế biển của người Việt Nam trong lịch sử luôn bị giới hạn bởi nhãn quan chính trị và định hướng kinh tế nhiều khi rất thiển cận và ít tiến bộ của các chính quyền.
Lúc edit entry, Kinie nhìn xuống dưới, thấy có copy to Facebook/Twitter/Yahoo ... Tick vào ô Facebook .. Bài đó sẽ tự động cập nhật sang :)
Trả lờiXóaHUG!
Trả lờiXóaTình đồng chí ^^
Trả lờiXóaMuốn có tư duy kinh tế biển thì trước tiên phải có tư duy kinh tế ao chuôm, và chày cối đã.
Trả lờiXóaCảm ơn cái cối cái chày
nửa đêm gà gáy có mày có tao
cảm ơn cái cọc bờ ao
nửa đêm gà gáy có tao có mày
cảm ơn cái cối cái chày
.....
bác bulukhin tế thế..:)
Trả lờiXóa