FB: Tran Mai Lan
Kichbu theo buudoan.com
Kichbu theo buudoan.com
Небесная сотня - đội sotnhia trên trời cao (người biểu tình ở Maidan chia thành từng đội 100 người gọi là Sotnhia, những người rời khỏi Maidan bay lên thiên đàng tập hợp thành đội Sotnhia bất tử)
Ngày hôm qua 6-3-2014, người thứ 100 đã chia tay chúng ta để nhập đội Sotnhia trên cao xanh, thế là đủ quân số và Nebesnaya Sotnhia không nhận thêm ai nữa, những người còn lại trong vài ngàn người bị thương phải về với gia đình và cuộc sống thường ngày thôi, thế giới này còn cần đến các bạn.
Mấy hôm trước mình đưa anh Hồng Hoàng Đặng Trần ra Maidan, anh ấy
đi từ Odessa lên đến Kiev và việc đầu tiên là dắt cô cháu sinh viên Phuong Mai
Nguyen cùng mình ra quảng trường, sương mù dầy đặc và mưa rơi lắc rắc,
khói đen vẫn ám đầy các tường nhà, trên tượng đài và cột điện, vài tốp người
biểu tình thuộc Sotnhia codak số 4 miệng ngậm thuốc ngồi trực bên lều dã chiến
chưa được dỡ đi, mấy thanh củi cháy leo lắt trong thùng sắt để xua tan không
khí lạnh ẩm đầu xuân...
Và hoa, hoa ngập tràn đường phố, hoa ngập quảng trường, hoa trên tay đoàn người từ khắp phía đổ tới. Đã 2 tuần rồi từ ngày kết thúc biểu tình, các tử sỹ đã được đưa về đất mẹ, nhưng hoa vẫn ngập quảng trường, lấp đầy công sự dựng lên bằng lốp xe cũ, nến vẫn cháy ngày đêm lung linh cả dưới ánh mặt trời. (Hẳn các bạn sống ở châu Âu đều biết hoa mùa này rất đắt, quả là đắt so với khoản tiền lương hưu hay học bổng khiêm tốn của người Ucraina). Chúng tôi đi dọc quảng trường, ngược lên phố Institutskaya nơi diễn ra tuần giao tranh khốc liệt. Lần theo lối đi đầy hoa và nến, mình nghẹn ngào trước những tấm ảnh in vội dán lên từng gốc cây: gốc cây này là một nụ cười của cậu bé sinh viên sinh năm 96, gốc cây kia là ánh mắt nghiêm nghị của ông giảng viên đại học thành phố Ternopol, và kia chỉ có chiếc mũ nhựa của thợ mỏ vùng Donhetsk, nước mắt rưng rưng mình ngước lên nhìn khách sạn Ucraina, toà nhà kiêu hãnh từ thời xô viết nằm giữa quảng trường, báo chí đưa tin những kẻ bắn tỉa đã giương súng giết người từ tầng cao ngôi nhà đó, lấp ló trong sương cây thánh giá dựng vội trên ban công khách sạn, Chúa trời có tha thứ cho những kẻ vô lương?
Mình kể cho anh Hoàng và bé Mai nghe phóng sự mình xem trên TV cảnh tiễn đưa đêm 22-2, nhân dân Kiev và người biểu tình còn lại đưa họ về quê hương trong tiếng kinh cầu và tiếng nấc nghẹn, đại diện chính quyền mới quỳ bên đường làm dấu thánh khi đoàn người đi qua, điều này có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Cũng phải thôi, họ nợ những người đã hi sinh cho vinh quang của họ đang có, họ đã cùng nhân dân Ucraina bước vào con đường mới, dù trước đây có là quan chức cũ hay muốn mưu cầu chính trị riêng khi tham gia Maidan,thì họ cũng sẽ phải thay đổi từ đây.
Mình kể rằng đón các chiến sỹ binh đoàn bất tử tại quê hương là một bà mẹ trẻ đơn thân của cậu con trai duy nhất ngã xuống năm 19 tuổi, là một bà vợ với đàn con 4 đứa bồng bế nhau mang ảnh người cha, là cô bé 3 tuổi của người đàn ông goá vợ gửi con cho họ hàng chăm sóc để lên Maidan mấy hôm trước, ông chẳng có lấy một tấm ảnh chụp riêng, trước quan tài ông là ảnh ông ôm con gái, cô bé ngơ ngác chỉ lên tấm ảnh gọi Papa...Nỗi đau rất thật, thật đến mức coi thường mọi nghi ngờ rằng họ là ai mang danh những kẻ bạo động và gây rối giới truyền thông vẫn đưa tin. (những khuôn mặt này mình sẽ chia sẻ với mọi người đoạn video đêm đưa tiễn và ảnh mình tự chụp ở cuối bài)
Mình khóc, anh Hoàng như mọi người đàn ông
khác nuốt nước mắt vào trong,tần ngần bước lần theo con đường đá xanh đã bị cậy
hết gạch để người biểu tình ném vào cảnh sát khi giao tranh.
Ngẩng đầu nhìn lên có một toán nhà báo đi trước mặt vây quanh người đàn ông dong dỏng cao đầu bạc ,anh Hoàng thốt lên Jonh Kerry. Ông ngoại trưởng Mỹ hôm nay đến Kiev để điều tra về sự thật đang diễn ra tại Ucraina. Từ sân bay ông đi thẳng ra quảng trường đặt hoa tưởng niệm trước khi làm việc, cũng như chúng tôi, ông lặng lẽ đi dọc con phố vừa được đổi tên thành Nebesnaya Sotnhia, (bảng tên phố chưa kịp gắn,người dân in vội lên tờ giấy A4 dán ở mỗi góc đường)
Ông ngoại trưởng Hoa kì giản dị khiêm tốn, không đoàn xe đưa rước, hai nhân viên mặc thường phục đi hai bên và đám nhà báo xúm quanh. Đứng cách ông vài bước nhưng mình không trông rõ, chỉ đoán chắc quang cảnh này cũng làm ông tin như mình đã tin,và mình muốn mọi người cũng tin rằng chẳng có đám bạo loạn vô chính phủ nào như truyền thông các nước từng viết.
Trong hàng trăm người đã chết, sinh viên có, trí thức có, cựu chiến binh và người về hưu,công nhân mỏ,bác nông dân, vài kẻ lang thang cơ nhỡ, có thể cũng là vài tội phạm mới ra tù, cậu thanh niên trong nhóm Tituski...Dù họ là ai và tới đây với mục đích gì, họ cũng đã ra đi từ đây như một người anh hùng (họ có thể rời bỏ bất cứ lúc nào trong cuộc giao tranh tự phát này, không ai bắt buộc họ ở lại để hi sinh)
Sẽ thật công bằng và nhân văn hơn khi các cảnh sát hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cũng được tri ân như thế, họ là người lính và họ đã làm tốt nhiệm vụ được giao (mình nghĩ thế)
Trên trời cao kia, binh đoàn sotnhia hãy phù hộ cho đất nước và nhân dân Ucraina,họ tặng cuộc sống của họ để nhân dân đoàn kết lại, họ tặng cuộc sống cho thế hệ tương lai.
Xin trích một đoạn thơ Tố Hữu để viếng hương hồn liệt sỹ:
Có những phút làm nên lịch sử
Có những cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có những người từ Chân Lý sinh ra.
----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét