Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Hải quân Liên Xô từng bị tàn phá dưới thời Khrusov

Tàu tuần dương – bảo tàng “M.Kutuzov” hiện đang neo tại Novorossisk”- được đóng từ thời Xtalin

Tàu tuần dương – bảo tàng “M.Kutuzov” hiện đang neo tại Novorossisk”- được đóng từ thời Xtalin

Lê Hùng

Kichbu theo baodatviet.vn

(Vũ khí) - Nhà lãnh đạo Liên Xô N.Khrusov từng đem Crimea tặng cho Ukraine, và cũng chính Khrusov từng “tàn phá” Hải quân Liên Xô.

N.Khrushov là một nhà lãnh đạo Xô Viết có tiếng là hay đưa ra những quyết định ngẫu hứng. Chính ông là người quyết định giao Crimea từ Nga cho Ukraine vào năm 1954 sau hơn 250 năm bán đảo này nằm trong thành phần của Nga (có ý kiến cho rằng để làm quà tặng cho người vợ Ukraine của ông- và dù nay bán đảo này sẽ sát nhập lại với Nga nhưng tình hình xung quanh vấn đề Crimea sẽ còn diễn biến phức tạp chứ không hề đơn giản) cùng quân cảng Xevastopol – một trong 4 quân cảng quan trọng nhất của Liên Xô trước kia cũng như Nga hiện nay.

Ngoài quyết định trên, N.Khrushov còn có những “ sáng kiến bất ngờ” khác đối với Hải Quân Liên Xô. Xin giới thiệu với bạn đọc một số “sáng kiến” như vậy. Các số liệu được lấy từ báo “Bình luận quân sự” của Nga.

Dưới thời Khrushov, nhiều tàu nổi đóng gần xong đã trở thành đống sắt vụn

Dưới thời Khrushov, nhiều tàu nổi đóng gần xong đã trở thành đống sắt vụn

Lần đầu tiên Khrushov can thiệp vào hoạt động của Bộ quốc phòng là vào năm 1954. Sau khi đi thăm Trung Quốc (không biết có liên quan gì không?), N.Khrushov đi thanh tra Hải quân và đưa ra kết luận: Hải quân Liên Xô không đủ khả năng đối đầu với Hải quân Mỹ và Anh.

Sau khi trở về Moscow, Khrushov bác học thuyết xây dựng lực lượng tàu nổi do Tư lệnh Hải quân Liên Xô lúc đó, đô đốc N.G. Kuznhesov đề xuất - bản chất của học thuyết này là tiếp tục chương trình đóng tàu nổi của I.Stalin.

Ngày 8/12/1955, Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô và Hội đồng bộ trưởng do Khrushov chỉ đạo đã cách chức Tư lệnh Hải quân của N.Kuznhesov. Từ thời điểm này, Liên Xô bắt đầu chuyển hướng ưu tiên xây dựng Hạm đội tàu ngầm, việc đóng các tàu nổi bị dừng lại.

Ngày 13/2/1956, K Khrushov đưa ra một chỉ thị mới “Về tình trạng yếu kém của Hải quân”, chỉ trích tình trạng sẵn sàng chiến đấu kém của Lực lượng này và quy toàn bộ trách nhiệm cho cựu Tư lệnh Hải Quân N.Kuznhesov.

Những quyết định tai hại

Năm 1956 là năm cay đắng nhất đổi vói Hải Quân Liên Xô.

Tháng 1/1956, Liên Xô đóng cửa căn cứ hải quân Porkkada- Udd- được mệnh danh là “khẩu súng lục kề bên thái dương Phần Lan”. Căn cứ rộng 100 km2 trên lãnh thổ Phần Lan này được Liên Xô thuê từ năm 1944 (ép phải cho thuê) với thời hạn 50 năm. Từ căn cứ chiến lược này, Hải quân Liên Xô có thể kiểm soát được toàn bộ Vịnh Phần Lan. Khrushov trả lại căn cứ trên cho Phần Lan với lý do: “để cải thiện quan hệ song phương”.

Đến tháng 5/1956, theo chỉ thị của N. Khrushov và Nguyên soái Giukov, Lực lượng lính thủy đánh bộ bị giải thể. Trường cao đẳng hải quân Vyborgskoe là nơi duy nhất đào tạo sỹ quan cho Lực lượng này bị đóng cửa.

Năm 1959 cũng là một năm nặng nề đối với Hải Quân Liên Xô. Chỉ trong năm này đã có tới 7 tàu tuần dương đóng gần xong bị xẻ thành sắt vụn, cụ thể như sau:

-  Tàu Sherbakov – đã hoàn thành 80,6% khối lượng công việc;

-  Tàu Đô đốc Kornhilov – 70,1%;

-  Tàu Kronshtadt – 84,2%;

-  Tàu Tallin- 70,3%;

-  Tàu Variag – 40%;

- Tàu Arkhangelsk- 68,1;

- Tàu Vladivostok- 28,8%.

Do quá say men thành công trong lĩnh vực chế tạo tên lửa, giới lãnh đạo Xô Viết lúc đó cho rằng các tàu tuần dương mang pháo dự án 68Bis như trên là loại vũ khí đã quá lạc hậu.

Một khoang của tàu dự án 82 đang đóng dở, được sử dụng làm mục tiêu bắn thử. Tên lửa đã không thể bắn chìm được nó.

Một khoang của tàu dự án 82 đang đóng dở, được sử dụng làm mục tiêu bắn thử. Tên lửa đã không thể bắn chìm được nó.

Trước đó, các tàu tuần dương hạng năng kiểu “Stalingard” (dự án 82) với lượng giãn nước dự kiến tới 43.000 tấn, chiều dài 250 m, kíp thủy thủ 1.500 người cũng chịu chung số phận tương tự. Đó là các tàu “Stalingrad” - đã hoàn thành được 18% khối lượng công việc, tàu “Matxcova” - 7,5% và con tàu thứ 3 chưa kịp đặt tên- - 2,5%.

May mà 14 tàu tuần dương khác thuộc dự án 68 Bis từ thời Stalin còn chưa bị các nhà “cải cách” sờ đến, nếu không- Hải quân Liên Xô có lẽ đã không còn một chiếc tàu nổi nào.

Tàu ngầm nguyên từ đa năng dự án 627A (November, theo phân loại của NATO). Trong giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, đã có 13 chiếc tàu ngầm dự án này được đưa vào trang bị.

Tàu ngầm nguyên từ đa năng dự án 627A (November, theo phân loại của NATO). Trong giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, đã có 13 chiếc tàu ngầm dự án này được đưa vào trang bị.

Một điều may mắn nữa là N. Khrushov chưa đụng đến Hạm đội tàu ngầm. Đến trước cuộc khủng hoảng Vịnh Caribe (tháng10/1962) trong trang bị của Hải quân Liên Xô có 17 tàu ngầm, trong đó có 5 chiếc là tàu ngầm tên lửa chiến lược.

Lần đầu tiên từ cuộc chiến tranh Nga - Nhật, các thủy thủ Nga lại có thể tự tin hiện diện trên các đại dương như Biển Bắc và Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương. Vào tháng 7/1962 tàu ngầm nguyên tử K-3 là chiếc tàu đầu tiên trên thế giới lặn đến được Bắc cực dưới băng dày của Bắc Băng Dương.

Một quyết định khác của Khrushov gây tổn hại lớn cho Hải quân Liên Xô đó là “tặng” Indonesia cả một đội tàu của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 12 tàu ngầm, 6 tàu khu trục, 01 tàu tuần tiễu, 12 tàu tên lửa.. và quan trọng nhất là tàu tuần dương “ Ordzonhikidze (được Indonesia đổi tên thành Irian).

Soái hạm của Hạm đội Biển Bắc – tàu tuần dương tên lửa “Murmansk”. Cùng seri với tàu” Ordzonhikidze” mà Khrushov “tặng” cho Indonesia

Soái hạm của Hạm đội Biển Bắc – tàu tuần dương tên lửa “Murmansk”. Cùng seri với tàu” Ordzonhikidze” mà Khrushov “tặng” cho Indonesia

Một đội tàu như vậy và hàng trăm đơn vị vũ khí- khí tài hiện đại (tăng lội nước, máy bay tiêm kích), các tổ hợp tên lửa bờ, 30.000 quả mìn biển- tất cả được chuyển giao cho Indonesia.

Thủy thủ các con tàu “bị tặng” nghiến răng trở về Liên Xô bằng đường không.

Như đã biết, mặc dù bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh nhưng các nhà máy đóng tàu của Liên Xô đã khởi công đóng 21 tàu tuần dương. Trong số đó chỉ có 14 chiếc là được đóng hoàn chỉnh.

Tàu tuần dương mang tên lửa “Groznyi”, 1962. Đây là tàu đầu tiên trên thế giới được trang bị 2 tổ hợp tên lửa: tên lửa chống hạm P-35 và tên lửa phòng không “Volna”. Đây là một bất ngờ không mấy thú vị đối với các đô đốc Mỹ, - tàu tuần dương- khu trục với lượng giãn nước 5.500 tấn này có thể tấn công cả một cụm tàu sân bay tấn công (của Mỹ) từ cự ly 350 km.

Tàu tuần dương mang tên lửa “Groznyi”, 1962. Đây là tàu đầu tiên trên thế giới được trang bị 2 tổ hợp tên lửa: tên lửa chống hạm P-35 và tên lửa phòng không “Volna”. Đây là một bất ngờ không mấy thú vị đối với các đô đốc Mỹ, - tàu tuần dương- khu trục với lượng giãn nước 5.500 tấn này có thể tấn công cả một cụm tàu sân bay tấn công (của Mỹ) từ cự ly 350 km.

“Chúng ta có lá chắn hạt nhân.. các tên lửa của chúng ta tốt nhất thế giới. Người Mỹ không thể nào đuổi kịp chúng ta”.

Trích báo cáo của Khrushov tại đoàn chủ tịch Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô ngày 14/12/1959.

Quá tự tin với tên lửa như đã nói ở trên, N.Khrushov còn định tiếp tục cắt giảm Hải quân. Tuy nhiên, kế hoạch của Khrushov không thực hiện được vì một lý do khách quan: ngày 15/11/1960, tàu ngầm tên lửa của Mỹ G.Washington được đưa vào tuần tiễu tác chiến.

Đây là tàu ngầm siêu hiện đại mới nhất lúc đó, được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Polaris A-1 và “sát thủ các thành phố” này của Mỹ có thể chỉ bằng một lần phóng là có thể phá hủy tất cả các thành phố lớn trên lãnh thổ Châu Âu của Liên Xô.

Tình hình như vậy buộc giới lãnh đạo Liên Xô phải khẩn cấp tìm “thuốc đặc trị”.

Chữa cháy

Đó là các tàu chống ngầm cỡ lớn dự án 61.

Những chiếc tàu này có lượng giãn nước trên 4.000 tấn một chút nhưng là những chiếc tàu đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ turbin khí.

Tàu chống ngầm cỡ lớn của Liên Xô

Tàu chống ngầm cỡ lớn của Liên Xô

Những tàu dự án 61 có thể coi là các tàu thế hệ mới, khác hẳn vói những tàu mà Liên Xô đóng trước đó. Chúng được trang bị các phương tiện kỹ thuật vô tuyến để phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực.

Các tổ hợp tên lửa phòng không được bố trí ở mũi và đuôi tàu. Tàu có các tổ hợp chống ngầm với trạm thủy âm “Titan”, tổ hợp phóng bom phản lực, các ngư lôi tự dẫn, hệ thống pháo bắn tốc độ cao được điều khiển bằng radar, sân đỗ máy bay và trang thiết bị bảo dưỡng các máy bay lên thẳng chống ngầm. Vào thời kỳ đó, tàu dự án 61 đã ứng dụng tất cả những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật Xô Viết. Tổng số 20 tàu như vậy đã được đóng.

Để bổ sung cho các tàu dự án 61, các nhà thiết kế Xô Viết còn thiết kế tàu tuần dương chống ngầm (dự án 1123 mã số Condor) – đây là bước đi đầu tiên để chế tạo tàu sân bay. Từ năm 1962 đến 1969, Liên Xô đã đóng được 2 tàu lớp này là “Matxcova” và “Leningrad”.


Tàu tuần dương chống ngầm có kích thước tương đối lớn – lượng giãn nước lên đến 15.000 tấn. Về bản chất, nó là một tàu mang máy bay lên thẳng, nhưng khác với “Mistral” của Pháp, tốc độ của con tàu Xô Viết này lên tới gần 30 hải lý/h và được trang bị hệ thống hỏa lực cực mạnh, trong đó có 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung “Shtorm” (Cơn bão), pháo…

Để cho các tàu ngầm Mỹ có thêm lý do để hoàn thiện, trên tàu này có một tổ hợp tên lửa chống ngầm RPK-1 “Vikhr” mang đầu tác chiến hạt nhân (công suất không lớn- chỉ 10 kt, nhưng quá đủ để tiêu diệt bất cứ tàu ngầm nào trong cự ly 1,5 km tính từ tâm nổ). “Vikhr” có tầm bắn 24 km – tức gấp gần 3 lần so với tên lửa “ASROS’ tương tự của Mỹ.

Các tàu lớp này còn được trang bị 7 radar có các chức năng khác nhau và antena tần số thấp “Vega”.



Và cuối cùng, vũ khí chính của tàu tuần dương – các máy bay lên thẳng. Trên tàu có một biên đội 14 chiếc máy bay lên thẳng Ka-25 PL (PL viết tắt tiếng Nga – chống ngầm). Để có thể bố trí các máy bay, có 2 gara gồm 01 trong khoang tàu và 01 trên boong cho 2 chiếc máy bay trực chiến.

N.Khrushov lại đưa ra một ý tưởng mới – nhưng lần này là một ý tưởng tích cực. Liên Xô bắt đầu xây dựng lại lực lượng lính thủy đánh bộ (lẽ ra đã không phải làm như vậy nếu không giải thể chúng trước đó).

Năm 1963, tại thành phố Baltic đã tái thành lập trung đoàn lính thủy đánh bộ. Cũng trong năm đó, đã có nhiều trung đoàn khác được thành lập tại Hạm đội Thái Bình Dương. Sau đó vào năm 1966 là tại Hạm đội Biển Bắc và năm 1967, tại Hạm đội Biển Đen.

Lính thủy đánh bộ cần các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng – các tàu đổ bộ để vận chuyển vũ khí- phương tiện kỹ thuật đổ bộ lên bờ biển của đối phương. Các tàu đổ bộ như vậy đã được thiết kế, đóng và đưa vào trang bị cho Hải quân Liên Xô.

Từ năm 1964, Liên Xô bắt đầu đóng hàng loạt các tàu đổ bộ cỡ lớn dự án 1171 “Tapir”. Trong một thập kỷ sau đó, đã có 14 con tàu như vậy được đưa vào trang bị .

Cho đến nay vẫn còn 4 tàu đổ bộ lớp này vẫn đang nằm trong trang bị của Hải quân Nga.

Một trong những thành tựu trong thời kỳ này là đóng các tàu mang các thiết bị đo – thực chất là các trạm radar trên biển để đo các tham số bay của các tên tửa đạn đạo (theo dõi các vụ thử tên lửa đạn đạo của Liên Xô và các nước khác ở bất cứ điểm nào trên đại dương).


Ngoài ra, không thể không kể đến chiếc tàu phá băng nguyên tử đầu tiên trên thế giới mang tên “Lenin”.

Trước khi tàu phá băng này chính thức hoạt động (1960), Thủ tướng Anh, Phó tổng thống Mỹ Nixon, đoàn đại biểu Trung Quốc đã đến thăm tàu – cả thế giới chăm chú theo dõi tiến trình đóng “điều kỳ diệu của kỹ thuật” Xô Viết. Sự xuất hiện của con tàu này đã đảm bảo cho Liên Xô vị thế của ông chủ duy nhất và thực sự trên vùng cực Bắc.

Tàu “Lenin” có thể hoạt động nhiều tháng trên vùng cực khắc nghiệt với công suất tối đa, mở đường trên các lớp băng ở Vùng cực. Nó không cần phải rẽ vào các cảng để tiếp nhiên liệu.

Kết quả

Dưới thời “trị vì” của N.Khrushov – Hải quân Liên Xô được trang bị 2 tàu mang máy bay lên thẳng và 8 tàu tuần dương mang tên lửa, 10 tàu khu trục tên lửa (dự án 57 “Gnhevnyi”), 20 tàu chống ngầm cỡ lớn, 30 tàu ngầm nguyên tử, tàu phá băng nguyên tử “Lenin”, các tàu đổ bộ cỡ lớn, các tàu mang các thiết bị đo.


Cũng trong thời kỳ này, Hải quân Liên Xô là lực lượng đầu tiên trên thế giới phát triển các tên lửa chống hạm. Chúng đã được trang bị cho hàng trăm tàu nổi và tàu ngầm, kể cả các tàu cỡ nhỏ mang tên lửa.

Năm 1967, 2 chiếc tàu cỡ nhỏ (dự án 183 –R “ Komar”) mang tên lửa loại này đã đánh chìm chiếc tàu khu trục “Eilat” của Israel khiến giới lãnh đạo NATO bị sốc nặng- Nga có loại siêu vũ khí mới!

Theo nhiều chuyên gia quân sự Nga thì những thành tựu kể trên có được không phải là “nhờ sự lãnh đạo tài tình” của N.Khrushov, mà thực tế là đi ngược lại dự định của ông ta.

10 tàu tuần dương và soái hạm bị trở thành đống sắt vụn khi đã đóng gần xong, Lực lượng lính thủy đánh bộ bị giải tán (dù sau đã được tái lập) đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho Quân đội và Hải quân Xô Viết.

-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter