Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Chìa khóa thành công khi làm việc ở Trung Quốc

Chìa khóa thành công khi làm việc ở Trung Quốc

Nguồn: boxitvn

Kichbu post thứ tư, 05.01.2011 

(Diễn văn nhận chức Giáo sư danh dự tại đại học Y khoa Hà Nội 12/13/2010)

Thạch Nguyễn MD FACC FSCAI

Thưa quí Thầy, quí Giáo sư và các bạn,

Năm nay đánh dấu 19 năm làm việc của tôi ở Á châu, chủ yếu ở Trung Quốc, Hàn quốc và Việt Nam. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn GS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim Quốc gia Việt Nam và GS Nguyễn Lân Việt, đương kim Viện trưởng Viện Tim Quốc gia Việt Nam về lòng hiếu khách nồng hậu và mối quan hệ làm việc tốt đẹp trong những chuyến đi Việt Nam của tôi.

Hôm nay, một cơn gió lành (An Phong) đã đưa tôi đến Hà Nội. Buổi lễ chiều nay là kết tinh của những ngày dài rong ruổi ở những thủ đô và thành phố lớn của Á châu, chủ yếu là Trung Quốc. Đây là lần thứ 8 tôi nhận chức giáo sư danh dự hay thỉnh giảng, trong đó có 3 lần từ các Bệnh viện Đại học ở Bắc Kinh và 2 lần từ các Đại học ở Nam Kinh, Trung Quốc. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ với các GS và các bạn BS trẻ những tâm tình và một vài trải nghiệm về chìa khóa thành công tại Trung Quốc. Những ý tưởng trong bài này đã được phát biểu nhiều lần, đặc biệt là vào năm 2008 tại Quân Y viện Trung Ương 301 ở Bắc Kinh của Quân đội nhân dân Trung Quốc.

Tôi đến Bắc Kinh và Vũ Hán vào mùa thu năm 1992 để dạy kỹ thuật nong động mạch vành tại Hội nghị Tim mạch sông Dương Tử lần thứ ba. Sau khi chứng kiến các BS Trung Quốc học kỹ thuật nong mạch vành do tôi biểu diễn bằng cách quan sát qua màn hình TV, tôi đã đề nghị với GS Dayi Hu áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc như tại các bệnh viện Mỹ. GS Dayi Hu là người bạn thân nhất của tôi tại Trung Quốc, hiện nay là Chủ tịch Hội Tim mạch Trung Quốc. Trong phòng thông tim, các BS Trung Quốc là người thực hiện thủ thuật nong mạch vành, trong khi các chuyên gia Hoa Kỳ đứng ngay sau lưng và giúp họ thực hiện thủ thuật từng bước một. Đây là lần đầu tiên mà phương pháp giảng dạy này được áp dụng ở Trung Quốc. Nó đã rất thành công và được các nhà tim mạch học Trung Quốc tiên phong hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những bác sĩ học viên trẻ lúc bấy giờ nay là một giáo sư tim mạch đầu ngành ở Bắc Kinh và sẽ là Chủ tịch hội Tim mạch học Trung Quốc vào năm 2012.

Phương pháp cầm tay chỉ việc đó cũng đã được áp dụng tại Hà Nội, Việt Nam từ năm 1997, khi phái đoàn các chuyên gia Mỹ đến Việt Nam lần đầu tiên. Giờ đây thì những BS tim mạch của Hà Nội, Sài Gòn, và Huế đã làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim. Đó là những đóng góp lớn cho đất nước của cộng đồng tim mạch Việt Nam. Đây là điều làm tôi sung sướng và hãnh diện nhất.

Sau đó năm 1993, tôi tổ chức những khóa học tương tự và xây dựng chương trình tim mạch học can thiệp tại Bệnh viện Chao Yang, một trong những bệnh viện lớn nhất tai Bắc Kinh. GS Dayi Hu và tôi cùng tổ chức lần đầu tiên một hội nghị quốc tế mang tên Vạn Lý Trường Thành mà nay đã trở thành hội nghị tim mạch lớn nhất Trung Quốc.

clip_image002

Bệnh nhân đầu tiên với Tim Mạch Can Thiệp tại BV Chao Yang, Bắc Kinh

Kể từ năm 1992, mỗi năm tôi đều đi dạy học ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh. Năm 1994, một số bạn Việt Nam thắc mắc khi thấy tôi thường xuyên giảng dạy ở Trung Quốc mà tại sao tôi không ghé Việt Nam hay những quốc gia khác.

Tôi trả lời: Có một thôi thúc mãnh liệt khiến tôi muốn đi làm việc nhiều lần ở Trung Quốc là tôi muốn đảo ngược một chiều hướng lịch sử đã kéo dài gần 2000 năm. Trong 20 thế kỷ, các học giả Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật bản đều phải đến Trung Quốc để học về Khổng giáo, hay nghệ thuật trị quốc nào khác. Nay tôi muốn đến Bắc Kinh để dạy lại và đóng góp vào sự phát triển của ngành tim mạch Trung Quốc.

clip_image004

Giảng dạy tại ĐH Tongji, Thượng Hải

Điều gì làm cho những bài giảng của tôi ở Trung Quốc trở thành đặc biệt? Điều gì làm cho những kiến thức mà tôi giảng dạy sẽ khác biệt và hấp dẫn hơn so với những đồng nghiệp người Mỹ khác? Tôi xin kể lại hai câu chuyện về một câu hỏi khó được đặt ra cho tôi khi làm việc tại Bắc Kinh.

Việc thứ nhất là vào năm 2002, trong dịp kỷ niệm 10 năm giảng dạy của tôi ở Trung Quốc, khi kết thúc một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Y Khoa Trung Quốc, người phóng viên yêu cầu tôi cho một lời khuyên với cộng đồng bác sĩ tim mạch Trung Quốc. Ngạc nhiên vì tầm vóc và ảnh hưởng quá lớn của câu hỏi này, tôi đã trả lời một cách nhã nhặn: “Trong 10 năm qua, các GS người Mỹ đã đến Trung Quốc để dạy làm các thủ thuật. Sau 10 năm, các BS Trung Quốc đã biết cách làm tất cả các thủ thuật tim mạch trên, và có thể làm giỏi hơn các GS Mỹ. Nên bây giờ các GS Mỹ đến Trung Quốc không phải để chuyển giao những kiến thức có sẵn nữa, mà để dạy cho các BS Trung Quốc cách đặt câu hỏi. Khi đối diện với một vấn đề, nếu chúng ta biết đặt câu hỏi đúng, chúng ta sẽ có câu trả lời đúng. Nếu chúng ta đặt câu hỏi sai, câu trả lời và cách giải quyết cũng sẽ sai. Đó là chìa khóa thành công của phương pháp làm việc kiểu Mỹ khi đối diện và giải quyết những vấn đề hóc búa. Câu trả lời này đã làm những GS Trung Quốc thích thú vì tôi đã giúp họ tìm ra một chìa khoá dẫn đến thành công.

Câu chuyện thứ hai chỉ mới xảy ra hai tuần trước, khi tôi đang giảng dạy ở Nam Kinh. Một GS đồng nghiệp, và là một tướng 2 sao của Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã mời tôi đến giảng dạy tại một hội nghị tim mạch can thiệp vào tháng 4 năm 2011, do một quân y viện lớn nhất vùng Đông Bắc Trung Quốc tổ chức.

Dĩ nhiên, việc được mời là một niềm hãnh diện. Tuy nhiên, nó cũng đem đến một câu hỏi gai góc. Trong vòng 15 năm về trước, khi tôi đến Trung Quốc hay Á châu, tôi có thể báo cáo bất cứ đề tài nào tôi thích. Ngày nay, trình độ về tim mạch ở Trung Quốc và Việt Nam đã rất cao. Vì vậy, tôi phải nói những gì mà không làm cử tọa ngủ gục, và phải thực sự thách đố tư duy của họ (như trong buổi lễ hôm nay chẳng hạn). Nếu tôi muốn được tiếp tục mời giảng dạy trong tương lai, thì những bài giảng của tôi phải chứa đựng những kiến thức rất mới mẻ, rất đặc biệt và rất đột phá.

clip_image006

Đọc diễn văn trong lễ khai mạc hội nghị Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh

Tôi tìm ra lời giải đáp của câu hỏi khó khăn trên khi làm việc tại bệnh viện 301 ở Bắc Kinh. Đây là tổng y viện trung ương của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nơi tôi đến giảng dạy hàng năm từ 1997. Bạn tôi, một Đại tướng, GS Shi Wen Wang đã hỏi tôi có đồng ý nhận các BS đang học chương trình tiến sĩ đến Mỹ tu nghiệp với tôi hay không. Ngạc nhiên trước yêu cầu này, tôi hỏi ngược lại: Các BS Trung Quốc đã làm được tất cả các thủ thuật tim mạch, tại sao họ phải đến Mỹ để học? Vị Đại tướng Trung Quốc trả lời: “Họ phải đến để học cách tư duy của ngừơi Mỹ.” Tôi nghĩ đây là một ý nghĩ mang tính đột phá và cực kỳ đặc biệt. Vị GS, một Đại tướng của Quân đội Nhân dân Trung Quốc nay đã hiểu ra chìa khóa thành công của người Mỹ là từ cách tư duy của họ: Khi tiếp cận một vấn đề, người Mỹ đi thẳng vào sự việc, nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, có khi từ những góc độ rất khác người, không theo lối mòn hay tuân thủ theo lề trái hay lề phải, vượt ra ngoài các khuôn mẫu định sẵn để giải quyết tận gốc và không “đánh trống bỏ dùi” khi công việc còn dở dang. Tôi hiểu rằng tất cả các yếu tố trên đã mang lại thành công cho cách tư duy và làm việc theo kiểu Mỹ. Từ đó tôi áp dụng và nhấn mạnh lối nghĩ và làm việc đó với các BS GS Trung Quốc và đã mang lại nhiều thành công cho chúng tôi.

Mới 2 tuần trước ở Nam Kinh, tôi đang giảng dạy tại một Bệnh viện Đại học lớn nhất ở đây. Khi BS Giám đốc biết tôi sắp đến Việt Nam với Đại học Illinois tại Chicago để làm việc với Bệnh viện Đại học Y Hà nội, ông ấy khẩn khoản yêu cầu tôi giúp đỡ để hiện đại hóa Bệnh viện Đại học ở đây. Theo ông ta, việc này đòi hỏi những thay đổi rất lớn về hành chánh, nhân sự và nhất là cách suy nghĩ. Đó là một nhận xét mà tôi đã nghe nhiều lần ở Trung Quốc. Khi nhìn đến cách làm việc của người Trung Quốc hôm nay, đừng tưởng đường lối làm việc của họ là bảo thủ đâu. Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh vì người dân và giới lãnh đạo Trung Quốc học lối tư duy mới, dám nói, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật và dám thay đổi. Không phải cứ khư khư ôm lấy những tư tưởng cũ rích từ 2500 năm về trước (cho dù là của Khổng Tử) hay những mô hình nhảm nhí, mê muội từ nước ngoài vào để tôn sùng, cổ súy và bảo đó là tiến bộ, là sáng tạo, là văn minh. Cần phải có tư tưởng đột phá để thay đổi và phát triển. Đó là lời giải cho sự thành công thần kỳ của một nền kinh tế Trung Quốc hùng mạnh và phát triển vượt bực hôm nay.

Nhưng có một điều đã làm cho mọi người còn ngạc nhiên hơn nữa là tại sao tôi có thể làm việc thành công ở Trung Quốc một cách lâu dài trong suốt 18 năm. Trong thời gian đó, xã hội Trung Quốc đã thay đổi 1000 lần kể từ khi tôi đến Trung Quốc lần đầu năm 1992. Đến nay, đa số các bạn Trung Quốc thuở ban đầu của tôi đã nghỉ hưu. Và tôi đang làm việc với các GS lớp trẻ thuộc thế hệ 2 ở Trung Quốc.

Câu trả lời là chúng tôi (chúng tôi gồm các GS BS Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, Singapore, Việt Nam, Thái Lan…) làm việc dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản của Khổng giáo là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và đức Dũng của Phật giáo. Trên cơ sở của luân lý Khổng Mạnh và Phật giáo này, chúng tôi hợp tác với một tình bạn trung thực, đối xử trên quan hệ bình đẳng. Đây không phải là mối quan hệ chủ tớ, hay thói người mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Chúng tôi cùng làm việc với tâm tình kính trọng lẫn nhau, giúp nhau để không bị người khác lợi dụng hay chèn ép, cộng tác để đi đến thành công chung, có lợi cho tất cả mọi người.

Tôi xin lưu ý các GS, Tiến sĩ khi đến làm việc tại Bắc Kinh, không phải cứ quị lụy, hạ mình luồn cúi thì người Trung Quốc sẽ ban thêm cho chút tình “hữu nghị” và cơ hội “hợp tác” đâu. Người Trung Quốc rất thông minh, họ biết ngay ai là bạn và ai là kẻ xu nịnh sẵn sàng phản bội khi có cơ hội. Xã hội và lịch sử Trung Quốc không hề ca tụng những nịnh thần, những kẻ bán nước cầu vinh mà ngược lại, còn khinh bỉ sâu sắc những kẻ hèn hạ đó nữa. Xin các Thầy và các bạn nhớ một ngạn ngữ rất phổ biến tại Trung Quốc: “Lời chỉ trích xây dựng của một người có giá trị hơn lời ca tụng suông của nghìn kẻ khác”. Ở Bắc Kinh, không ai thèm lắng nghe và cả tin vào những lời ca tụng sáo rỗng giả dối đâu.

Gần 20 năm, sau một phần ba cuộc đời bôn ba giảng dạy ở Trung Quốc, tôi chưa hề đọc được một tác phẩm nào của bất cứ sử gia chân chính người Trung Quốc hay nghe một GS Trung Quốc nào ca ngợi những Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung hay Lê Chiêu Thống… cả. Trong khi đó, các chiến công và lòng yêu nước của Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung Nguyễn Huệ… đã được ghi chép cẩn thận bởi những sử gia Trung Quốc. Mặc dù họ không đồng thuận với lòng yêu nước của các anh hùng hay liệt nữ Việt Nam, nhưng những tấm gương đó luôn được kính trọng và ngưỡng mộ từ Việt Nam, Trung Quốc và ngay tại Mỹ.

GS Masakyo Noboyoshi người Nhật nói với tôi: ông thường nhắc các học giả, viên chức chính phủ Nhật khi đến làm việc tại Bắc Kinh, phải nhớ câu ngạn ngữ thông dụng ở đây: Nếu bạn xử sự như một con lừa thì đừng ngạc nhiên khi có một ngày bị người khác cưỡi lên lưng lên cổ đó.

Hôm nay, trong niềm vinh hạnh được nhận chức danh GS Danh dự tại Đại học Y Hà Nội, tôi đã mở đầu bằng lời cảm ơn các Giáo sư, các Thầy. Nhưng khi kết thúc, tôi xin ngỏ lời cảm ơn các bác sĩ trẻ Việt Nam đã học giỏi, làm việc tốt, đóng góp lớn cho xã hội, công cuộc nghiên cứu y khoa và ngành y tế Việt Nam. Nhờ sự đóng góp to lớn của các BS trẻ đó mà nhà trường và bệnh viện đã nhớ đến tôi ngày hôm nay và tặng tôi danh hiệu GS danh dự nay. Tôi xin cảm ơn các bạn rất nhiều, các BS trẻ Việt Nam.

Hôm nay, cũng như những dịp trước đây, tôi đã cảm ơn các BS trẻ học trò của tôi ở Trung Quốc đã làm việc cật lực. Nhờ công sức của họ, tôi mới vinh dự nhận được nhiều bằng GS danh dự. Thật ra, tôi không dám nhận nhiều chức danh GS danh dự tại Trung Quốc hay Á châu. Hiện có 4 đại học và bệnh viện ngỏ ý tặng tôi chức danh này. Tôi không dám đến nhận vì khi nhận xong, các khoa trưởng và giám đốc bệnh viện đều nói: “Bây giờ ông đã là GS của chúng tôi, xin hãy đến giúp cho các bệnh viện và đại học của chúng tôi thường xuyên hơn”. Nhưng làm sao tôi có thể đến thường xuyên được, vì ngày ngày tôi vẫn phải đi cày kiếm cơm ở Mỹ nữa chứ.

Cuối cùng, nhìn một cách bao quát, do sự phổ biến của công nghệ tin học như điện thoại di động, Internet, facebook… thế giới ngày nay đã và đang trở thành một ngôi làng nhỏ. Khi bước ra thế giới, ước nguyện của người Việt chúng ta là sẽ đóng góp các giá trị cao quí về phẩm cách, tri thức Việt Nam dựa trên niềm tin vào sự thật đối với cho nền hòa bình và thịnh vượng của ngôi làng chung mang tên thế giới.

Mỗi lần về Hà Nội, tôi cảm thấy ấm lòng khi thấy các sinh viên, BS, GS Việt Nam, những người mẹ, những người cha, những người anh, chị và em vẫn hăng hái làm việc trong tinh thần Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín và Dũng. Với những nguyên tắc chỉ đạo đó, tôi tin rằng người Việt Nam có thể hãnh diện ngẩng cao đầu phục vụ xã hội và tự tin làm việc với bạn bè năm châu.

Với những nguyên tắc đạo đức Khổng Mạnh và Phật giáo, chúng ta mới có thể hòa mình với thế giới mà không sợ đánh mất những di sản tinh thần và vật chất, hay đất nước yêu quí mà tổ tiên để lại. Với lòng tự tin và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể đối phó một cách mạnh mẽ và hữu hiệu với những khó khăn gây ra do những người láng giềng gần hay xa, trên Biển Đông, bên kia Thái Bình Dương, từ Tây Phương xa xôi hay từ phương Bắc ngàn trùng cách trở qua dãy núi mang tên Thập vạn đại sơn.

Với lòng tự tin, hãnh diện và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể ra biển lớn, hòa mình vào ngôi làng thế giới mà không sợ những hành động, thái độ hay lời nói của chúng ta làm tủi hổ cho lịch sử anh hùng, quật cường của cha ông mà chính chúng ta là người thừa kế. Chỉ như vậy, chúng ta mới xứng đáng để hãnh diện với tổ tiên, với chính bản thân và với con cháu chúng ta là tương lai đất nước sau này.

Khi nhìn vào sự cố gắng vượt bực, niềm tự hào, hãnh diện đó trên những khuôn mặt Việt Nam già và trẻ hôm nay, tôi vững tin vào một tương lai rạng rỡ, hưng thịnh của tố quốc và dân tộc Việt Nam, thế giới mà mọi chúng ta là những thành phần gắn bó.

Cuối cùng, tôi xin tặng thư viện của Đại học Y Hà Nội ba cuốn sách của tôi và một cuốn sách về lịch sử tim mạch Trung Quốc. Cuốn đầu tiên là “Điều trị các vấn đề tim mạch học phức tạp”, xuất bản bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ. Nhiều đồng tác giả của cuốn sách này đang có mặt tại đây. Cuốn thứ hai là ấn bản tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách trên được xuất bản tại Barcelona, Tây Ban Nha. Cuốn thứ ba do nhà xuất bản Y học Nhân dân Trung Quốc, một nhà xuất bản sách y học của chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh in mà tôi là tác giả chính. Cuốn thứ tư viết bằng tiếng Trung Quốc nhắc tôi lịch sử tim mạch Trung Quốc trong đó hình của tôi in giữa những người đi mở đầu cho ngành tim mạch can thiệp ở Trung Quốc.

Với những ý tưởng khiêm tốn và hành động nhỏ bé này, tôi xin kết lời và cảm ơn các thầy, các GS, các bạn trẻ Việt Nam đã lắng nghe.

T. N.

Nguồn: xa.yimg.com

Nguồn: Bauxite Việt Nam

3 nhận xét:

  1. Đọc rồi copy và đọc lại. Xúc động!

    Trả lờiXóa
  2. Một bài phát biểu hay không đảng phái, tôn giáo;

    Một người gốc Việt có trái tim nhân hậu, tầm nhìn vượt mọi giới hạn về địa lý, một người yêu nước Việt Nam, yêu dân tộc Việt Nam, một người có Niềm tự hào là người Việt Nam cực lớn.

    Cảm xúc đọc bài này như đọc bài nhậm chức của TT Obama, Kennedy

    Trả lờiXóa
  3. @ nahoanp: Đúng thế!
    Kichbu chia sẻ suy nghĩ và tình cảm ấy với bạn.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter