Nguyễn Đình Đăng
Nguồn:
Interrnet
Kichbu
posted on 12.06.2013
Viết bài này, tôi không hề có ý định nói
về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ
quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến
cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi
khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ quá.
Trước
khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi
sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại
châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã
giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ
tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga :
Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.
Theo
tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã thua
trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm thấy
nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”. Thất
bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong giao
tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh váo”
với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để họ có
thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” . Về chính trị, thất bại đó khiến nước Nhật ngay
sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản được Hoa
kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản Hiến pháp
của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 . Đó là một bản
hiến pháp hết sức dân chủ. Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình, họ hàng
ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật và thực hiện
đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới đây.
1)
Cuộc sống ở Nhật rất an toàn
Hồi
còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời
vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc
đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy.
Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô tình
quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên tàu,
bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận
vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó
cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong
lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay dơ cao một cái
túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”.
Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi
tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ
tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà, v.v.
Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và mang đến trả
tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví trong đó
có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã
được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi.
Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên cứu vật lý hóa
học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một
nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh ta
hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói
anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi ngồi chờ. Quả nhiên
ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu
của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh ta thốt
lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch
trình.
Mặc dù
đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột nhập nhà
ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các chuyến tàu vắng
khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một vụ ăn cắp vặt
nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật cứng người vào
giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là mọi người ra
đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không cài, nhô cả ra
ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang trí như mời gọi
kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà vệ sinh, mà không
hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống ở Nhật một thời
gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những “sơ ý” đó, vì
xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của người khác.
Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.
Người
Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài phố, và
tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau, thì cả
hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe cộ rất
nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe máy
quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có lần
chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh
niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy
vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người
lái xe hơi chắc chắn là sai. Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”,
cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải
quyết.
2) Quan
chức hành chính và cảnh sát thực sự là các đầy tớ của nhân dân
Điều
15 trong Hiến pháp của Nhật quy định “tất cả các quan chức và nhân viên hành
chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” . Bộ máy hành chính của Nhật cũng khá
cồng kềnh, và mọi việc giấy tờ không phải khi nào cũng nhanh. Tuy nhiên, những
quan chức và nhân viên hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết công việc một
cách tốt nhất cho dân, với một thái độ rất lịch sự, niềm nở, kể cả khi “dân” là
một cậu bé kém họ hai ba chục tuổi. Nếu không giải quyết được ngay ngày hôm đó,
thì họ bao giờ cũng hẹn chính xác ngày có kết quả, và không bao giờ sai hẹn. Họ
hiểu rất rõ là họ làm việc để phục vụ nhân dân. Lương của họ là do dân đóng
thuế mà có. Bất cứ người dân nào cũng có thể phát đơn kiện nếu họ phục vụ kém,
và họ sẽ bị thải hồi ngay. Bất lịch sự, cửa quyền, sai hẹn, chứ chưa nói “ăn
hối lộ”, là điều xa lạ đối với hệ thống hành chính cơ sở ở đây. Không bao giờ
có hiện tượng nhân viên hành chính lại dám “lên lớp” cho người dân.
Con
trai tôi có lần thốt lên: “Công an ở Nhật hiền thật, bố nhỉ!”. Đấy là sau cái
lần cháu đi chơi đánh mất chìa khoá xe đạp. Vì lúc đó đã muộn, các hiệu chữa xe
đạp đã nghỉ, nên cháu phải bê xe đến đồn cảnh sát gần đấy cầu cứu các chú cảnh
sát. Họ phải dùng kìm cộng lực cắt khóa để cháu đạp xe về nhà. Nói chung, tôi
chưa gặp trường hợp nào cảnh sát giao thông chặn người xét hỏi vô cớ giữa
đường, huống hồ là hành hung người dân. Họ luôn từ tốn, lịch sự chỉ đường kỹ
càng khi được hỏi, vì các đồn cảnh sát thông thường là nơi người đi đường vào
hỏi đường. Họ có đầy đủ bản đồ chi tiết của khu vực họ. Chuyện cảnh sát tìm
cách chặn xe để phạt tiền là chuyện không có ở Nhật. Người lái xe bị phạt nếu
họ thật sự phạm luật, gây tai nạn, v.v. Cảnh sát Nhật không được phép dùng vũ
khí nóng (như súng) để uy hiếp dân chúng. Trong những cuộc dẹp rối loạn trật tự
công cộng, họ chỉ được dùng quá lắm là gậy bằng gỗ.
3)
Khách hàng thực sự là vua
Ở Nhật
người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù khách
hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên (vài
USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của khách
hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn thận
trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào cung
kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ chẳng
hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng khác phục
vụ tử tế như vậy.
Ít lâu
sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music - một hiệu bán nhạc
cụ nổi tiếng ở khu Ginza – Tokyo.
Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng
trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím
đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng.
Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen
(khoảng 100 USD). Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách
đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta
quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận,
hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng
cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần
nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”
Rất ấn
tượng về điều này, tôi kể chuyện đó với một giáo sư Nhật. Ông ta nói: “Đấy là
tiêu chuẩn phục vụ thông thường ở đây, nhất là tại các cửa hàng nổi tiếng như Yamano
Music. Anh trả tiền và anh có quyền được hưởng sự phục vụ tốt nhất”. Sau này
tôi thấy đó là trình độ phục vụ rất chuyên nghiệp của xã hội Nhật bản, vượt xa
tất cả các nước khác mà tôi đã đến (là Việt Nam quê hương tôi, Trung Hoa, Nga
Xô, Ấn độ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha, và Hoa kỳ).
Miếng
dạ là thứ nhỏ. Bây giờ tôi kể đến thứ to hơn một chút. Cách đây vài năm tôi mua
một cái đàn đại dương cầm (grand piano) ghép kỹ thuật số gọi là GranTouch cuả
hãng Yamaha, giá ngót nghét 6,000 USD (kể cả ghế ngồi). Sau khi đàn được vận chuyển
đến nhà, tôi chơi vài hôm và phát hiện ra một trục trặc nhỏ là khi chơi một hợp
âm nhiều nốt, độ vang của một hai nốt thỉnh thoảng bị cắt sớm hơn các nốt khác.
Tôi gọi điện phàn nàn với cửa hàng. Sau vài hôm, hãng Yamaha cử chuyên gia tới
nhà tôi dùng máy để kiểm tra, vì hiện tượng này rất khó phát hiện, và không
phải lúc nào cũng xảy ra. Sau khi xác nhận là có trục trặc thật, họ vận chuyển
một cái đàn khác, cũng mới tinh đến, để cạnh cái đàn kia để tôi chơi cả hai để
so sánh. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn cái đàn họ mới mang đến. Họ lại vui vẻ
đem cái đàn kia đi. Mỗi lần vận chuyển như vậy xe cần trục phải trục cả cái đàn
to tướng lơ lửng qua bao-lơn nhà (balcony). Một tốp gồm ba người đàn ông lực
lưỡng, và một chuyên gia kỹ thuật cùng làm việc. Tôi không phải trả thêm bất cứ
một yen nào. Thấy họ lao động vất vả, tôi mời họ uống nước giải khát. Họ lễ
phép từ chối với lý do là họ đang làm công vụ.
Vợ tôi
luôn cảm kích mỗi khi nhớ lại lần phải nằm bệnh viện nhà nuớc (công) ở Nhật.
Tất cả mọi người - từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên phục vụ, quét dọn -
đều rất lịch sự, dịu dàng, quan tâm chăm sóc như thể cả bệnh viện chỉ có mỗi một
mình vợ tôi là bệnh nhân vậy, khiến vợ tôi nói: “Mình thật sự cảm thấy mình là
một con người với ý nghĩa đầy đủ của nó.” Máy móc ở bệnh viện đều rất tối tân.
Phần lớn các bác sỹ nói được tiếng Anh. Một số bác sỹ trẻ nói tiếng Anh giỏi.
Mấy người bạn Việt Nam
khác ở đây, từng vào bệnh viện Nhật, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Đến khi
vợ tôi kể chuyện này với một người bạn Nhật, bà này chẳng tỏ vẻ gì là ngạc
nhiên cả. Bà ta cho điều đó là tất nhiên. Bà ta bảo: “Người bệnh là người ốm yếu,
đầy lo lắng ưu tư, nên bác sỹ, y tá phải có nhiệm vụ làm dịu đi sự băn khoăn
đó”. Nghe nói bệnh viện tư nhân phục vụ còn tốt hơn thế.
Chuyện
phục vụ tốt trên mặt đất ở Nhật kể không hết. Phục vụ trên trời cũng “siêu”
không kém. Ai đã bay Japan Air Lines (JAL) có thể dễ dàng nhận thấy điều đó.
Các cô chiêu đãi viên của Nhật bao giờ cũng hết sức nhã nhặn, lịch sự, nói như rót
mật vào tai. Có lần tôi đang ngồi trên một chuyến bay của JAL từ Tokyo sang châu Âu, thì
một con muỗi từ đâu đó xuất hiện vo ve trước mặt tôi. Tôi đành vỗ hai bàn tay
đập chết con muỗi. Ngay lúc đó một cô chiêu đãi viên xinh đẹp tình cờ đi ngang
qua nhìn thấy. Cô ta lập tức cúi xuống, miệng mỉm cười, bàn tay trắng muốt xòe
ra để … đỡ lấy cái xác con muỗi đem vứt đi.
4)
Không ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện
Điều
21 trong Hiến pháp cuả Nhật đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm duyệt
nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không có
bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc
ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc
vẽ ra trong tác phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả hai
phía: phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng
trước pháp luật, tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại
tòa án (Như vụ con gái một chính khách kiện một nhà xuất bản đã đăng vụ ly dị
của cô ta lên báo gần đây). Tiêu chuẩn duy nhất để một bức tranh được treo tại
triển lãm tập thể của một hội mỹ thuật nào đó, tại một địa điểm công cộng nào
đó như bảo tàng mỹ thuật, gallery, v.v. là nghệ thuật thuần tuý, và chỉ có nghệ
thuật mà thôi. Tranh đẹp thì được treo. Tranh xấu (hoặc không đẹp bằng) thì bị loại.
Tất nhiên đẹp hay xấu còn tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của hội đồng nghệ thuật. Vì thế
để giảm tối thiểu sự thiên vị của một vài “ủy viên hội đồng nghệ thuật”, các
hội mỹ thuật ở Nhật thường mời tất cả các hội viên (vài trăm người) cùng họp để
chọn tranh, bằng cách dơ tay biểu quyết. Tranh nào được nhiều hội viên chọn thì
được treo.
5) Hệ
thống văn hoá giáo dục và các viện nghiên cứu
Nhật
bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân
số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi
người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng. Trên
các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người giàu
người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không ai
giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”.
Giới trẻ ăn mặc hiện đại, lố lăng hơn, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình,
chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong
mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt
đối. Một số ít trường không cho phép học sinh trung học nhuộm tóc. Nhiều trường
khác không hề ngăn cấm. Có lần một thày giáo bị bố mẹ một học sinh kiện vì đã
bắt con của họ gội sạch mái tóc nhuộm, vì như vậy là vi phạm tự do thân thể của
học sinh. Trừ một số người “vô gia cư” (homeless) sống thường trực tại công
viên Ueno ở trung tâm Tokyo,
ngoài phố hầu như không gặp người rách rưới hoặc người ăn xin. Trong quan hệ
giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình
con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe
giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị . Họ đánh giá cao tình
hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.
Nói
chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ
thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu
căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ
may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng
(như ĐHTH Tokyo,
ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn.
Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng
những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các
trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính
khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội
rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền thưởng
hàng năm bằng 5 tháng lương. Lương một giáo viên độc thân 23 – 24 tuổi mới vào
nghề là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một
vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương
lương phó giáo sư đại học (không quá 35 tuổi) khoảng 5 triệu yên (45 ngàn USD)
mỗi năm .
Sách
vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học
thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video, v.v. Đặc biệt các
môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia
hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể thao:
bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo, karate,
aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp
và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”,
ít nhất là về trang bị dụng cụ.).
Khá
nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được đến
cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand
piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước Nhật.
Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư phạm rất
giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng cho học
sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi chạy
ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh học
piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều người
khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm, tuy không
trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư của người
Nhật khá cao. Các kinh điển của các nhà soạn nhạc cổ điển như Bach, Mozart, Beethoven,
Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều chơi như “cháo” cả. Ở
Tokyo có nhiều
phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền, hoặc phải
trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như Steinway hoặc
Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ một cơ quan
văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sỹ, nhạc công và chủ
phòng hòa nhạc quyết định.
Các
viện nghiên cứu quốc gia lớn của Nhật thường giầu có hơn các trường đại học. Ví
dụ là viện RIKEN đã nói ở trên. Đây là một viện nghiên cứu hàng đầu trên thế
giới. Viện này có khoảng 5,500 người làm việc, trong đó chỉ có khoảng 700 nhân viên
hành chính phục vụ các nhà nghiên cứu. Viện có 5 cơ sở đóng tại Wako (ngoại ô Tokyo), Tsukuba, Harima, Yokohama,
và Kobe. Kinh
phí nghiên cứu của viện hàng năm, chủ yếu do Nhà nước cấp, vào khoảng 80 – 85
tỷ yên (ngót ngét 800 triệu USD), tức là trung bình chi phí cho mỗi đầu người
làm việc tại RIKEN là khoảng 150 ngàn USD mỗi năm .
Khối
cán bộ hành chính của RIKEN làm việc đúng như “các đầy tớ của các nhà khoa
học”. Ở đây không hề có chuyện phòng “Tổ chức cán bộ” hay vụ “Hợp tác quốc tế”
“tác oai” các cán bộ nghiên cứu. Các nữ thư ký đều hiểu rất rõ vị trí và chức năng
của mình. Một số người trong số họ cũng đã từng tu nghiệp ở Anh, Hoa Kỳ, nói
tiếng Anh như người Anh người Mỹ. Họ luôn luôn niềm nở, rất lịch sự, khiêm tốn,
và rất thành thạo trong công việc của mình. Mỗi lần tôi đi công tác nước ngoài
(dự hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu), bất kể đó là Hoa kỳ, châu Âu, Trung
quốc, hay Việt Nam v.v., tôi chỉ phải làm hai động tác. Đầu tiên là thông báo
cho giám đốc của laboratory của tôi. Sau khi giám đốc đồng ý (thường là bằng
miệng), tôi phải điền vào một trang A4 in sẵn hành trình, thời gian công tác
của tôi, kèm theo một dự báo giá vé máy bay của hãng du lịch. Tất cả mọi việc còn
lại là công việc của cô thư ký và bộ phận tài chính của viện. Họ sẽ tính tiền công
tác phí chi cho tôi (gồm chi phí ăn, ở, đi lại) cộng với tiền vé máy bay. Sau
đó toàn bộ số tiền đó sẽ được viện tự động chuyển tới tài khoản cá nhân của tôi
tại ngân hàng, trước khi tôi đi công tác. Sau khi đi công tác về, nếu có những
khoản chi tiêu khác liên quan tới công việc, viện sẽ thanh toán nốt theo biên
lai. Trong 9 năm trời làm việc ở RIKEN tôi chưa bao giờ thấy họ chậm trễ trong
việc chi trả đó. RIKEN quan niệm rằng việc một cán bộ khoa học của RIKEN được
mời dự hội nghị quốc tế, hoặc hợp tác quốc tế, là một cơ hội để phát triển khoa
học nói chung, đồng thời đem lại lợi ích, danh giá cho RIKEN nói riêng trong cộng
đồng quốc tế. Quà cáp biếu xén sau khi đi công tác về là điều “bất ngờ”, không
chờ đợi, và không phải thông lệ ở đây, ngoại trừ đó là ý thích của cá nhân
người đi công tác. Và cũng không phải vì thế mà người đó được đối xử tốt hơn
hoặc tồi hơn so với người khác.
Đón
sau :
Một xã
hội cho dù có văn minh đến đâu cũng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Bài này chỉ liệt
kê một số mặt tốt của xã hội Nhật bản.
Một
anh bạn Việt Nam
mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp 1. Tôi hỏi cháu: “Cháu thấy trường Nhật
khác với trường Việt Nam
thế nào?” Cháu trả lời: “Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải
mái.” Tôi nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm vui của chính con trai mình. Cháu
nói với tôi là cháu đã nói dối lần đầu tiên khi cháu học lớp 1 ở Hà Nội. Hôm đó
cô giáo quát: “Ai quên mang lọ mực để tay lên bàn”. Các bạn để tay lên bàn đều lãnh
một vụt thước kẻ của cô vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng không
muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: “Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ mực đi
học, mẹ em đã đánh đổ mất!”. Cháu được cô tha. Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi không
cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn.
Không
thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của người
dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ.
Ảnh minh họa: Facebook.com
*Đọc thêm:
- Cách sống người Việt đi ngược với văn hóa Nhật (Vozforum). – Nhiều người Việt ở Nhật bị kỳ thị vì ăn cắp vặt? (Alan Phan)
-----
Một bài viết rất hay và bổ ích. Xin cảm ơn anh Nguyễn Đình Đăng
Trả lờiXóa