Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Những hạm tàu Nga đầu tiên trên bến cảng Việt Nam

Những hạm tàu Nga đầu tiên trên bến cảng Việt Nam

 

 

Nguồn :dinhphdc

Kichbu posted on 20.06.2012

 

 

Những hạm tàu Nga đầu tiên trên bến cảng Việt Nam

 

Bài liên quan:

> Nhóm tàu Hạm đội Thái Bình Dương Nga hoàn thành chuyến thăm Việt Nam

> Những nấm mộ Nga trên đất Việt Nam

 

Đó là câu hỏi mà chúng tôi bắt gặp trong một số thư thính giả gửi đến gần đây. Quan sát viên đài chúng tôi đã yêu cầu nhà sử học Matxcơva giải đáp câu hỏi này. PGS-TS Maksim Syunnerberg cho biết như sau:

“Những con tàu Nga đầu tiên đến Việt Nam đã là "Abrek" và "Gaydamak". Chiếc thứ nhất đến cảng Sài Gòn vào tháng Giêng, còn chiếc thứ hai trong tháng Hai 1863. Từ tàu "Abrek" có một sĩ quan hải quân trẻ tên là Konstantin Stanyukovich đã lên bờ. Một tháng sau, Konstantin Stanyukovich lên tàu "Gaydamak” rời Việt Nam. Những gì chứng kiến trong một tháng đó, đặc biệt là quá trình hình thành phong trào kháng Pháp, đã được viên sĩ quan hải quân Nga ghi chép lại đầy đủ trong cuốn sách, từng được xuất bản cả ở nước Nga Sa hoàng cũng như thời sau Cách mạng 1917. Bằng những ấn tượng của mình, Konstantin Stanyukovich đã đặt tiền đề phác họa lược thảo lịch sử Việt Nam, mà nhiều năm sau này vẫn được sử dụng trong các trường đại học Nga đào tạo các chuyên gia Việt Nam học”.

Năm 1884, có chiếc tàu chiến Nga “Skobelev” cập cảng Sài Gòn và các thủy thủ của tàu đã là những người Nga đầu tiên biết tin quân Pháp đánh chiếm Bắc Ninh.

Năm 1891 bên bến cảng Sài Gòn neo đậu cả một đoàn tàu từ Nga đến thăm – đó là 3 tuần dương hạm và 2 tàu khu trục, đưa Thái tử thừa kế ngai vàng Nga, trong tương lai sẽ là Sa hoàng Nikolai II, và đoàn tùy tùng đi du ngọan các nước phương Đông.

Năm 1904 cảng Sài Gòn đã trở thành nơi nương náu cho chiến hạm Nga "Diana", sau những trận giao tranh ác liệt với tàu Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Trong những trận hải chiến, thân tàu bị đạn bắn thủng lỗ chỗ cả dưới đường mớn nước, nhiều thủy thủ trên tàu tuần dương Nga bị thương và 12 người đã không qua khỏi. Họ đã nằm lại vĩnh viễn trên đất Việt Nam. Một năm sau, trong vịnh Cam Ranh và Vạn Phong lưu dấu những con tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương II của đế chế Nga ghé lại trên đường tới Tsusima, nơi mà hải đội Nga dũng cảm không đương đầu nổi với lực lượng Nhật mạnh hơn gấp bội. Chỉ cứu được một số ít tàu Nga, trong đó có tàu "Rạng Đông", đã ghé cảng Sài Gòn trước khi chạy về Vladivostok. Đó chính là chiến hạm “Rạng Đông” lừng danh, vào năm 1917 đã gầm lên tiếng đại bác làm tín hiệu bắt đầu cuộc Cách mạng vô sản ở nước Nga.

Năm 1916 ở Sài Gòn có tàu tuần dương Nga "Oriol" đến thăm. Trong báo cáo hải trình gửi Bộ Hàng hải Nga, vị chỉ huy chiến hạm “Chim ưng” đã phân tích về cuộc tấn công mới cách đó không lâu vào đô thị Sài Gòn, cuộc đột kích do các thành viên của tổ chức bí mật dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Phan Xích Long tiến hành. Viên sĩ quan Nga lưu ý rằng phong trào xã hội bí mật họat động theo khẩu hiệu "Diệt Pháp" và "Công lý" không mang tính chất đảng cướp như người Pháp đánh giá, mà thực ra là một tổ chức chính trị kháng chiến.

Sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg nói tiếp: “Tất cả những con tàu Nga kể trên đều đã từng neo đậu lại ở bờ biển miền Nam Việt Nam. Thời đó tàu Nga ít khi ghé vào các hải cảng miền Bắc đất nước. Ghi dấu đầu tiên ở bờ biển Bắc Việt Nam là là tàu tuần dương "Zabyaka”. Tàu Nga đến cảng Hải Phòng vào năm 1894. Có một điểm trùng hợp ngẫu nhiên đáng chú ý: thủ đô Việt Nam đã gặp các thủy thủ Nga lần đầu tiên vào ngày 30 tháng Giêng. Chính vào ngày này 56 năm sau hai nước chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Như ghi nhận trong “Công báo Bắc kỳ” năm 1894, phái đoàn sứ giả của nước Nga đã được đón tiếp trọng thể tại Hà Nội. Để chào mừng các thủy thủ Nga, trong dinh Thống đốc đã tổ chức cuộc chiêu đãi. Và ở đây đã diễn ra sự kiện thú vị. Trước sự ngạc nhiên của quí khách, Tiến sĩ Lê Lan đã đọc bài thơ in trong tuyển tập nhan đề “Bông hồng đen” xuất bản ở Saint-Peterburg. Tập thơ này có thể do một ai đó trong số các lữ hành gia người Nga mang theo khi đến thăm Việt Nam. Nhưng những bài thơ in trong tuyển tập đều bằng tiếng Nga. Như vậy, hẳn là vị Tiến sĩ Hà Nội phải có những kiến thức nhất định về thứ tiếng nước ngoài này, bởi ông đọc thơ bằng Nga ngữ. Liệu thông qua bản tin lưu trong “Công báo Bắc kỳ” chúng ta có thể xác định được danh tính chuyên gia Nga học đầu tiên của Việt Nam hay chăng?

Ngày 2 tháng Hai, như Công báo cho biết, tại Hà Nội đã mở vũ hội tưng bừng hoan nghênh các thủy thủ từ "Zabyaka”. Trên các phố phường của thủ đô Việt Nam, dân Hà Nội vui vẻ nhảy điệu “van-xơ Nga”. Nhiều người thậm chí đã cố gắng mặc trang phục “theo kiểu Nga".

Các tàu chiến của đế chế Nga, khi thực hiện hành trình giữa các cảng biển Baltic, Biển Đen và Vladivostok trên Thái Bình Dương, thường ghé vào hải cảng của Việt Nam để tiếp thêm nhiên liệu và thực phẩm. Còn các vị chỉ huy tàu Nga thì viết về chuyến thăm Việt Nam trong các báo cáo gửi cơ quan đối ngoại Nga. Những bản báo cáo này hiển nhiên không xuất hiện trên báo chí mà được bảo quản trong kho lưu trữ nhà nước Nga, bất kỳ ai có nguyện vọng đều có thể tham khảo.

 

---

 

Các bạn có thể đọc nhiều hơn tại đây!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter