Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân

Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân

GS TS Nguyễn Khắc Nhẫn

(Kiều bào Pháp)

Nguồn: niemtin

Kichbu cpoy and paste on thứ năm, 17.03.2011

 

 

.

An toàn nhà máy điện hạt nhân là vấn đề được nêu ra lâu nay trên thế giới, sau khi có những sự cố nổ lò phản ứng ở các nước như Nga, Mỹ, Nhật trước đây.

Lò phản ứng Chernobyl hở tung sau vụ nổ ngày 26/4/1986. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.

Nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra không mấy mặn mà với việc xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân mới. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam vừa qua đã có quyết định tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận vào năm 2014 và tổ máy đầu tiên sẽ phát điện vào năm 2020.

Vấn đề an toàn hạt nhân không để rò rỉ chất phóng xạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người đến nay vẫn là quan ngại hàng đầu của nhiều giới tại Việt Nam.

Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng và Trường Đại học bách khoa Grenoble, bàn về vấn đề an toàn điện hạt nhân.

Những sự cố điển hình

Các sự cố về nhà máy điện hạt nhân từng xảy ra tại những quốc gia được xem sở hữu được công nghệ tiên tiến nhất khi họ triển khai các dự án điện hạt nhân. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn điểm lại những sự cố không may đó:

Ngoài những thảm họa làm chúng ta đau lòng mỗi khi nhắc đến như Hiroshima, Nagasaki (1945) hay Tchernobyl (1986), rất nhiều sự cố khác đã diễn ra mà ta ít biết, phần lớn là vì có sự che giấu của nhà cầm quyền để dân chúng khỏi hoang mang lo sợ. Tôi xin phép liệt kê vài sự cố không theo thứ tự thời gian.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng công nghệ điện hạt nhân về bản chất hết sức mong manh (fragile) vì phải xử dụng hàng trăm, hàng ngàn phương pháp vô cùng phức tạp, gây ra những nguồn sự cố đa dạng không thể nào tiên đoán được.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Tình cờ trong ngày kỉ niệm (9-8-2004) thành phố Nagasaki bị Mỹ dội bom nguyên tử, một sự cố quan trọng đã xảy ra tại lò PWR số 3 (825 MW) của nhà máy Mihama (cách Tokyo 320 km) làm 5 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Rất may mắn là phóng xạ không thải ra vì đường ống thu hẹp bị nổ không nằm trong chu trình sơ cấp.

Một tai nạn tương tự làm 4 người chết đã điễn ra ở Mỹ năm 1986 tại nhà máy Surry (Virginia).

Năm 1991 một đoạn đường ống thuộc lò số 2 nhà máy Mihama cũng bị vỡ làm thoát ra 55 tấn nước nhiễm phóng xạ!

Ngày 30- 9 - 1999 ở xưởng sản xuất nhiên liệu uranium cạnh Tokaimura (cách Tokyo 120 km) trong giai đoạn điều chế hexafluorure uranium (UF6) thành oxyde uranium (UO2) một sự cố xếp hạng 4/7 cũng đã xảy ra. Xin nhắc lại Tchernobyl được xếp ở cấp 7, cao nhất của thang độ (échelle INES – International Nuclear Event Scale).

Tại khu bảo tồn vô cùng nguy hiểm Hanford Nuclear Reservation (phía đông tiểu bang Washington), sau bao nhiêu năm, chất phế thải từ đất đã thấm nặng vào nước sông Columbia, gây hậu quả đáng lo ngại cho dân chúng trong vùng. Từ nay đến trước năm 2030, Chính phủ Mỹ phải bỏ ra hàng chục tỷ đô la cho chương trình xử lý chất thải phóng xạ ở Hanford cũng như ở núi Yucca (tiểu bang Nevada).

Ngày 9/8/1945, quả bom nguyên tử mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki và biến Nagasaki thành một nghiã điạ không bia mộ trong tích tắc.

Ngày 29- 9 -1957, do hệ thống làm lạnh bị hỏng, một tai biến đã diễn ra ở hồ chứa nước chất thải phóng xạ khu vực Mayak làm 270 ngàn người bị thương vong. Thảm họa này được Liên Xô giấu kín trong 35 năm trời!

Tại Thụy Điển ngày 25-7- 2006, một sự cố vô cùng nguy hiểm có thể ở cấp cao nhất, may mắn được tránh khỏi kịp thời. Nguyên nhân do ở một sự đoản mạch (court- circuit) làm lò ở Forsmark đột ngột phải ngưng vận hành.

EDF ở Pháp cũng đã từng phải đối phó với nhiều sự cố ở cấp 1 và 2 tại các nhà máy như Bugey, Blayais, Tricastin.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng công nghệ điện hạt nhân về bản chất hết sức mong manh (fragile) vì phải xử dụng hàng trăm, hàng ngàn phương pháp vô cùng phức tạp, gây ra những nguồn sự cố đa dạng không thể nào tiên đoán được .

Vì nhiều lý do kỹ thuật, khí hậu, động đất, khủng bố, phá họai, phi công cảm tử... không có một cơ sở hạt nhân nào được xem là an toàn.

Một thảm họa, trong chớp nhoáng, diễn ra bất cứ ở đâu trên thế giới, sẽ đánh tan sự tin cậy miễn cưỡng của dân chúng, đồng thời có khả năng làm sụp đổ ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Trong lĩnh vực quân sự, tôi chỉ xin phép kể vài tai nạn khủng khiếp mà ít ai biết!

Ngày 24 -1- 1961 một chiếc B52 của quân đội Mỹ đang bay bị nổ cách 20 km căn cứ hàng không Seymour Johnson AFB (bắc Caroline) làm mất 2 bom H (Hydrogene ) Mark-39 có sức phá hoại 1200 lần lớn hơn trái bom Hirochima. Một trái bom rơi vào vườn của một nông dân. Trái thứ hai cũng không bị thiệt hại gì. Tuy nhiên 5 trong số 6 thiết bị an toàn bi hỏng!

Trong mọi lĩnh vực phần lớn an toàn hay không là do ở trình độ kiến thức, tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp và kỹ luật con người. Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được các nước có công nghiệp hàng đầu tiếp tục đưa ra áp dụng từ mấy chục năm nay.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Ngày 17-1-1966 ở ngoài khơi Palomares (Tây Ban Nha) một máy bay vận tải kerosene KC - 135 của Mỹ va chạm một B- 52 G chở 4 quả bom H B28. Cả hai phi cơ đều bị cháy và nổ làm thiệt mạng 8 người.

Ngày 21-1-1968, một máy bay quân đội Mỹ bị tai nạn làm nổ 4 vũ khí nguyên tử ở gần căn cứ Thulé ( Groenland ).

Đó là chưa nói đến những tai nạn đã xảy ra ở các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, chế biến, lắp thiết bị, khai thác các tên lửa hay tàu ngầm nguyên tử ( Koursk 12-8-2000 )…

Biện pháp khắc phục và ngăn ngừa

Sau khi xảy ra những sự cố như vừa nêu, giới chuyên môn đã đi tìm nguyên nhân gây nên chúng. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trình bày lại những kết luận về nguyên nhân để xảy ra sự cố như sau:

Ở Mỹ, một sự cố lớn đã diễn ra ngày 28-3-1979 tại nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island gần Harrisburg (Pennsylvanie). Tim lò PWR (900 MW) bị thiệt hại. Nhiệt độ lên quá 1800° C. Phóng xạ bị thải ra làm chính quyền phải tản cư dân chúng. Sai lầm là do ở công nhân vận hành hơn là do thiết kế.

Tai biến Tchernobyl ở Liên Xô khủng khiếp hơn nhiều. Nguyên nhân chính là do ở trình độ kỹ thuật kém và thiếu kỷ luật của nhân viên vận hành. Họ không áp dụng các quy tắc căn bản trong một thí nghiệm về điện mà còn tách rời hệ thống làm lạnh tim lò! Zirconium xung quanh những thanh nhiên liệu hạt nhân, trên 1000°, đầy hơi nước, tạo ra khí hydro.

Nhiệt độ graphite tăng quá cao. Tấm đá lát nặng 700 tấn, bị nổ một lần với 2000 tấn bê tông của nắp đậy. Gần 200 tấn nhiên liệu của tim bị nung chảy. Trong giây phút, bụi phóng xạ được thải lên không trung. Sau tiếng nổ thứ hai mạnh hơn, phần trên của lò bị phá huỷ, làm tung bay ra ngoài những mảnh tim vụn.

Về kỹ thuật, kiểu lò RBMK của Liên Xô không được bảo đảm như những lò PWR ở Âu Mỹ hay các nước khác vì xem như thiếu nhà bảo vệ. Vì thế mà phóng xạ Tchernobyl bao gồm nhiều chất độc không được giam hãm (confiner) và làn mây đã bay qua nhiều nước từ Âu châu đến Ấn Độ, Trung Quốc… Tác động của Tchernobyl tối thiểu cũng bằng 130 lần Hirochima và Nagasaki hợp lại (2,4 tỷ tỷ becquerel).

Số người bị tử nạn (từ vài chục đến vài trăm ngàn) thay đổi tùy theo cơ quan muốn che giấu hay không! Theo sứ quán Ukraina ở Paris, số nạn nhân lên đến 3 triệu, phần lớn bị lâm bệnh leucemie, cancer, đặc biệt là cancer thyroide của trẻ con. Hậu quả Tchernobyl kéo dài qua nhiều thế hệ.

Nhà máy điện nguyên tử ở Cattenom, Pháp. Các ống khói đang nhả ra hơi nước không phóng xạ từ tháp làm nguội. Lò phản ứng hạt nhân được đặt trong các ngôi nhà hình ống tròn.

Bao giờ cũng vậy, khi đã xảy ra sự cố, giới chuyên môn và các nhà khoa học trong ngành phải cấp tốc nghiên cứu tìm ra biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lại. Vấn đề này được giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn cho biết:

Trong mọi lĩnh vực phần lớn an toàn hay không là do ở trình độ kiến thức, tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp và kỹ luật con người.

Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được các nước có công nghiệp hàng đầu tiếp tục đưa ra áp dụng từ mấy chục năm nay.

Các kiểu lò, từ thế hệ 1 đến thế hệ 2 (lò PWR đang được vận hành nhiều nhất trên thế giới) vẫn chưa đạt được mức an toàn đòi hỏi.

Kiểu lò thế hệ 3 dần dần xuất hiện ở vài nước như lò EPR của Pháp đang được xây cất ở Flamanville và ở Phần Lan.

Nên nhớ rằng lò thế hệ 3 chỉ là kiểu lò tiến hóa (évolutionnaire) chứ không phải là lò cách mạng (révolutionnaire). Lò EPR tinh xảo hơn lò PWR nhưng cũng cùng một công nghệ, có nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời.

Sau đây là những tiến bộ kỹ thuật của lò EPR cần được lưu ý:

- Hệ thống an toàn được tăng cường (5 cấp độc lập).

- Số xác suất tim lò bị nóng chảy được hạ thấp.

- Hậu quả phóng xạ được hạn chế.

- Nhiên liệu hạt nhân được xử dụng tối ưu.

- Có sự đề phòng chu đáo về sự sai lầm của nhân viên vận hành.

Lò thế hệ 4 (Forum International Generation 4) đang được 12 nước chung sức nghiên cứu, trên lý thuyết, sẽ được an toàn hơn, nhưng đố ai dám bảo đảm về sự an toàn tối ưu hay tuyệt đối. Những tiêu chuẩn chính của loại lò này là:

- Tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu .

- Tiết kiệm tài nguyên .

- Hạn chế chất thải phóng xạ .

- Hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.

Điều tôi thắc mắc là trong số 6 kiểu lò đang được nghiên cứu có 4 kiểu lò thuộc loại neutron nhanh (neutron rapide) vì Pháp đã gặp thất bại lớn với kiểu lò này ở nhà máy Superphenix (1200 MW).

Lẽ cố nhiên, kiểu lò này có 2 lợi thế chính: nhiên liệu hạt nhân được sử dụng tối ưu và có thể thiêu đốt một phần phế thải độc hại nhất.

Lò thế hệ 4 không thể xuất hiện trước những năm 2035 – 2040. Tuy vậy, Pháp có tham vọng cho chạy lò mẫu (prototype) ASTRID (Advanced Sodium Technological Reactor for Industrial Demonstration) 600 MW trước các nước khác vào năm 2020.

Một số ít lò nơtron nhanh làm lạnh bởi sodium đã được khai thác ở Nga, Nhật Bản và cũng đang được xây cất ở Trung Quốc, Ấn Độ nhưng những lò này không có độ an toàn cao như kiểu lò thế hệ 4.

Trong chương trình kỳ tới, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn sẽ trình bày tiếp về những công tác mà những quốc gia vẫn kiên quyết xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới để giải quyết nhu cầu điện năng của họ. Ngoài ra, ông cũng nói về vấn đề xử lý chất thải phóng xạ.

Để an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Trong bài trước, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã nói về những sự cố hạt nhân từng xảy ra lâu nay cùng các biện pháp nhằm ngăn ngừa những tai nạn đó.

Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của VN tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Kỳ này, giáo sư Nhẫn trình bày những công tác cần tiến hành khi kiên quyết muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công tác xử lý chất thải phóng xạ.

Điều phải làm ngay

Nhân thượng đỉnh an ninh vũ khí nguyên tử diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng tư vừa rồi, giáo sư Nhẫn cũng đưa ra một số nhận định về biện pháp ngăn ngừa lan tràn vũ khí nguyên tử.

Quốc hội Việt Nam khóa 12, trong kỳ họp cuối năm rồi đã thông qua nghị quyết về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Chúng tôi nêu câu hỏi đối với những quốc gia mới có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, như Việt Nam, cần phải làm gì ngay để có thể bảo đảm an toàn. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời.

« Câu hỏi của anh tuy khó mà dễ trả lời một cách ngắn gọn. Lý do là tôi khỏi đề cập đến vấn đề công nghệ vì việc nghiên cứu những biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng an toàn là tùy thuộc vào những nước có công nghiệp mạnh, giàu kinh nghiệm về điện hạt nhân.

Tinh thần trách nhiệm, liêm chính và sự tôn trọng triệt để kỷ luật là cần thiết hơn cả. Muốn có an toàn và an ninh, việc tối cần là phải ban hành luật hạt nhân dựa trên kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Pháp, Nhật.

GS. Nguyễn Khắc Nhẫn

Về nhân sự, điều quan trọng nhất là phải có chiến lược và chương trình đào tạo gấp rút ở trong nước đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cán bộ chuyên môn trong nhiều ngành có liên hệ mật thiết với việc xây cất, khai thác nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở phụ thuộc. Đồng thời cũng phải gửi gấp hàng loạt chuyên viên, sinh viên đi tu nghiệp, học hỏi ở các đại học và thực tập tại các xí nghiệp hay nhà máy điện hạt nhân ở ngoại quốc.

Tinh thần trách nhiệm, liêm chính và sự tôn trọng triệt để kỷ luật là cần thiết hơn cả. Muốn có an toàn và an ninh, việc tối cần là phải ban hành luật hạt nhân dựa trên kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Pháp, Nhật.

Không phải nước nào cũng có đủ điều kiện để xây cất nhà máy điện hạt nhân. Các nước đang phát triển không nên đầu tư vào một lĩnh vực vô cùng nguy hiểm và không có triển vọng. Làm một nhà máy điện hạt nhân là kẹt một thế kỷ! 50 năm vận hành và 50 năm để tháo gỡ! Giá thành kWh sẽ không thể nào kinh tế vì bao nhiêu vấn đề: kỹ thuật, sự bê trễ, cơ cấu công nghiệp, tinh thần kỷ luật, nhân viên chuyên môn, kiến thức… Đó là chưa kể khâu xử lý, lưu trử chất thải phóng xạ và tháo gỡ nhà máy sau này, tốn hàng trăm tỷ đôla.

Theo tôi chỉ có năng lượng tái tạo, không tốn tiền nhiên liệu, không có vấn đề kỹ thuật hay an toàn, an ninh và mỗi đôla đầu tư đem lại nhiều việc làm hơn (15 lần) cho dân chúng, là lời giải thích đáng nhất của bài toán năng lượng và hòa bình thế giới. »

Bài toán chất thải phóng xạ

Một vấn đề liên quan điện hạt nhân là chất phóng xạ, vậy theo giới khoa học giải pháp cho vấn đề này là gì? Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn cho biết:

Mỗi năm, một lò PWR – 1000 MW có thể sản xuất trung bình 6 đến 7 tỷ KW/h và sinh ra khoảng 21 tấn nhiêu liệu phóng xạ. Khối lượng này gồm có 20 tấn Uranium (0,9% U235) và 200 kg Plutonium (Pu), 21 kg actinides mineurs và 1183 kg sản phẩm phân rã (produits de fission).

Nhược điểm là vì 1,1% nhiên liệu hạt nhân đã đốt có chất độc phóng xạ kéo dài hàng triệu năm và 4% có chất độc phóng xạ kéo dài 200 – 300 năm!

Lúc đầu nước Pháp xử lý nhiên liệu hạt nhân chủ yếu là để lấy Pu cho quân đội. Sau đó để sử dụng trong các lò nơtron nhanh như Phenix hay Superphenix. Một số lò PWR Pháp sử dụng nhiên liệu MOX (Mixed Oxide Fuel) do PuO2 ở nhiên liệu phóng xạ trích ra cộng với UO2.

Về phương diện kinh tế, môi trường, an toàn và an ninh, phương pháp này không được nhiều nước hưởng ứng là phải.

Nhược điểm là vì 1,1% nhiên liệu hạt nhân đã đốt có chất độc phóng xạ kéo dài hàng triệu năm và 4% có chất độc phóng xạ kéo dài 200 – 300 năm!

GS. Nguyễn Khắc Nhẫn

Đã hơn nửa thế kỷ qua, khoa học và kỹ thuật vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán lưu giữ chất thải phóng xạ. Lời giải tạm thời đòi hỏi hàng chục, hàng trăm tỷ đôla để thủy tinh hóa chất thải rồi tạm chôn sâu vào lòng đất không thấm nước. Có nhiều người thiếu tinh thần trách nhiệm, nuôi hy vọng rằng các thế hệ sau tìm ra phương pháp mầu nhiệm sẽ đào chất thải lên để xử lý!

Tôi chỉ xin nêu một ví dụ cụ thể để ta đừng nhẹ dạ nghe lời ru ngủ của những nhóm có áp lực (lobby)

Dư luận nước Đức đang xôn xao vì ngày 15-1 vừa qua, các chuyên gia đã yêu cầu đào lên 126.000 thùng chất thải phóng xạ đã được lưu trữ từ 1967 ở mỏ muối Asse 2 (Basse Saxe – vùng Brunswick). Từ mấy chục năm nay, mỗi ngày có 12.000 lít nhiễm phóng xạ ít nhiều chảy rỉ rả mà dân chúng không biết. Nếu cứ để tiếp tục thì một thảm họa rất lớn sẽ diễn ra. »

An toàn hạt nhân

Trong hai ngày 12 và 13 tháng tư vừa qua, tại thủ đô Washington D.C của nước Mỹ, nguyên thủ của gần 50 quốc gia đã tham dự Hội nghị cấp cao an toàn hạt nhân. Mục tiêu là đưa ra những biện pháp giúp ngăn ngừa sự lan tràn của loại vũ khí gây chết người này. Là một chuyên gia hoạt động trong ngành năng lượng nguyên tử lâu nay, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, có một số nhận định về sự kiện đó như sau:

Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là tìm biện pháp duy trì an ninh thế nào để nhiên liệu phóng xạ Uranium làm giàu (enrichi) hay Plutonium khỏi lọt vào tay kẻ khủng bố. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã cảnh cáo: một quả bom nguyên tử 10 kilotonnes ở Times Square có thể giết một triệu người! Trên thực tế, những vũ khí sinh học hay hóa học rẻ tiền và dễ chế tạo hơn.

Hiện nay có khoảng 1600 tấn Uranium làm giàu mức độ cao và 500 tấn Plutonium rải rác trên 40 nước, một trữ lượng đủ để chế tạo trên 120.000 bom nguyên tử! (một quả bom cần 25 kg Uranium làm giàu mức độ cao hay 7 kg Plutonium). Đó là chưa kể 23.000 đầu (têtes) nguyên tử (Mỹ: 9400, Nga: 13.000, Pháp: 300, Anh: 180, Trung Quốc từ 200 đến 500, Israel: 80 đến 100, Ấn Độ: 60 đến 80, Pakistan: 70 đến 90, Triều Tiên: 10)

Ta nên đặt câu hỏi tại sao 5 nước (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga) đại diện thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lại xuất khẩu 95% vũ khí trên toàn cầu, trong đó có cả công nghệ và vũ khí hạt nhân?

Vì lí do chính trị và nội bộ, Mỹ nhiều lúc phải tránh ra mặt công khai, giao dịch qua 2 nước Pháp và Đức chẳng hạn. Đó là bộ mặt lu mờ dối trá của công nghiệp hạt nhân, không riêng gì cho nước Mỹ. Đừng quên rằng Mỹ đã bán hàng chục nhà máy điện hạt nhân hay lò nghiên cứu cho nhiều nước trên thế giới.

Từ 1968 đến nay có gần 175 nước đã ký hiệp ước không cho tăng nhanh quá mức chất phóng xạ dưới sự kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (AIEA). Tuy nhiên, an ninh vẫn không thể nào đảm bảo vì Cơ quan này không đủ nhân viên chuyên môn để thanh tra và kiểm soát chu đáo. Xem trường hợp Triều Tiên hay Iran, Iraq, Libye. Vai trò của AIEA cũng có sự mâu thuẫn: một mặt thì khuyến khích các nước xây cất lò điện hạt nhân, mặt khác thì muốn hạn chế sự lan tràn chất phóng xạ!

Cũng vì lý do an ninh, an toàn mà Jacques Attali (nguyên Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mitterand), trong một báo cáo trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề nghị không nên khuyến khích các nước đang phát triển xây cất nhà máy điện hạt nhân. Tôi lo sợ vì Tổng thống Pháp ngày nay lại muốn xuất khẩu rộng rãi nhiều lò điện hạt nhân! Luận điệu các giới có áp lực muốn đổi CO2 lấy hạt nhân để tránh tai biến thay đổi khí hậu là thiếu tinh thần trách nhiệm với con cháu và các thế hệ mai sau.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Jacques Attali (nguyên Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mitterand) là nếu muốn có an ninh, an toàn thì nên hạn chế số nhà máy điện hạt nhân.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Hầu hết các nước có bom nguyên tử đều xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước để học hỏi kinh nghiệm. Từ hạt nhân dân sự bước sang hạt nhân quân sự không có nhiều trở ngại lắm.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Jacques Attali là nếu muốn có an ninh, an toàn thì nên hạn chế số nhà máy điện hạt nhân.

Không riêng gì trong nhà máy mà còn phải bảo đảm an ninh lúc các đòan xe vận tải những trăm tấn nhiên liệu hay chất thải phóng xạ đi hàng ngàn cây số (đường biển hay đường bộ) đến những cơ xưỡng xử lý ở xa như Pháp , Nga hay Trung quốc...

Tôi không tin rằng Hội nghị với mục tiêu củng cố hiệp ước không để lan tràn hạt nhân (TNP – Traité de non Prolifération Nucléaire) được tổ chức ở New York vào tháng 5 tới sẽ đem lại kết quả mong muốn vì sự bất đồng quan điểm giữa các cường quốc và các nước đang phát triển về chiến lược nguyên tử cũng như quyền lợi chính trị và kinh tế của mỗi nước.

Ngày 8-4 vừa qua hai Tổng thống Mỹ và Nga đã ký tiếp ở Prague thỏa ước START (Strategic Arms Reduction Talks) có từ năm 1991, để hạ thấp số lượng vũ khí nguyên tử. Hai cường quốc này đã gieo quá nhiều hạt nhân xấu , nay lo sợ bom nổ cũng phải thôi! »

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng và Trường Đại học bách khoa Grenoble, trình bày về những công tác cần phải làm để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân như trường hợp Việt Nam sắp bước vào lĩnh vực này khi cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận; cũng như nhận định của ông về việc các quốc gia muốn ngăn ngừa tình trạng lan tràn vũ khí nguyên tử.

Kichbu Copy and Paste

 

4 nhận xét:

  1. Safety of Nuclear Power Plants
    Prof. Dr. Nguyen Khac Rings
    Thanks For This Post...:=)
    TOM PREMO - NGUYÊN MINH TÂM - TT

    Trả lờiXóa
  2. Có lẽ trước mắt vẫn phải xây dựng nhà máy điện HN đẻ giải quyết nạn thiếu điện, còn sử dụng năng lượng tái tạo là chuyện lâu dài.

    Trả lờiXóa
  3. Cuối tuần Kichbu sẽ kiếm cho Shanmai bài "Sử dụng năng lượng tái tạo"..:)

    Trả lờiXóa
  4. Hom qua Văn phòng quốc hội họp báo vẫn nói về việc sẽ khởi động dự án điện hạt nhân NinhThuận.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter