Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Vực Quành - hoài niệm hay bảo tàng sống?

Vực Quành - hoài niệm hay bảo tàng sống?

Nguồn: khampha.vn
Kichbu posted on 27.07.2012
Dễ lin tưởng Vực Qunh với Pho đi Brest của Nga (Ảnh: internet)

Đứng trước bảo tàng chiến tranh Vực Quanh đang xuống cấp và có nguy cơ tàn lụi, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, một nhà khoa học sống tại Quảng Bình thốt lên: “Từ đường HCM nhìn về Vực Quành mà lòng trĩu nặng nỗi buồn…”. TS Nguyễn Khắc Thái đầy tâm trạng trong cuộc trò chuyện với Khampha về chủ đề này.
Ông Nguyễn Xuân Liên, một cựu chiến binh người Hà Nội bỏ ra gần 5 tỷ đồng tiền túi để xây dựng vào năm 2004, chủ nhân của bảo tàng lịch sử văn hóa này từng trả lời phỏng vấn trên Đài NHK của Nhật Bản: “Tôi muốn kể câu chuyện của thế hệ chúng tôi, về những tổn thất của dân tộc để có được ngày hôm nay cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau ”. Và phải chăng vì Vực Quành do một cá nhân bỏ tiền xây dựng, nên 3 năm qua bảo tàng chiến tranh ngày càng xuống cấp mà vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các cơ quan chức năng – TS Nguyễn Khắc Thái đánh giá.
Có vẻ như là nhiều người vẫn coi Vực Quành và tâm huyết của ông Nguyễn Xuân Liên cũng chỉ làm được một việc là lưu giữ kỷ niệm, ký ức chiến tranh? Là một nhà sử học, từng đến nhiều bảo tàng chiến tranh trên thế giới và là một nhà khoa học gắn bó với địa phương Quảng Bình, ông “định giá” về Vực Quành thế nào?
Tôi không đồng ý với một số nhà nghiên cứu và nhà báo nói Vực Quành là khu du lịch hoài niệm chiến tranh. Điều đó không sai nhưng không đúng với Vực Quành. Ỏ đây không chỉ là hoài niệm mà là bảo tàng sống.
Chiến tranh đã vây bọc Quảng Bình, nhưng chính trong cái tổ kén bỏng lửa ấy, người Quảng Bình đã sống, chiến đâu, sản xuất, chữa bệnh, cấp cứu, chuyển thương, sinh đẻ giống nòi… không chỉ để tồn tại mà còn để chi viện. Nếu mọi sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đến Quảng Bình bị tắc thì tất cả sẽ lùi về số 0. Quảng Bình phải kháng cự kiên cường và phải thông đường cho cả nước vào trận.
Từ sinh sống, học tập, sinh đẻ, chữa bệnh… đến chiến đấu bảo vệ mình, bảo vệ Tổ quốc, tất tần tật những cái vừa giản dị vừa vĩ đại ấy được nhân dân Quảng Bình thực hiện trong một tổ hợp: HẦM!: làng hầm, đường hầm, trường hầm, bệnh viện hầm, công sự hầm. Điều đó đã được kể lại trong Bảo tàng hầm Vực Quành.
Quá khứ hào hùng đó thật khó quên nhưng rồi nhiều người cũng sẽ quên vì đó là qui luật nghiệt ngã của thời gian. Chỉ còn một nơi duy nhất để những ai từng đi qua chiến tranh sống lại với nó và lấy làm bài học lịch sử cho các thế hệ sau, đó chính là Vực Quành!
Vực Quành khiến tôi liên tưởng đến Pháo đài Brest của Nga. Ở đây, người ta đã dựng lại cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa Hồng quân Liên Xô với phát xít Đức. Pháo đài Bret là minh chứng vì sao Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xit Đức.
Cũng không phải nhìn xa, ngay gần chúng ta đây thôi, di tích địa đạo Vĩnh Mốc ở Quảng Trị là một bằng chứng thưc tiễn hơn mọi lời giải thich vì sao người Vĩnh Linh lại có thể trụ được ngay trước họng súng của kẻ thù. Di tích địa đạo Củ Chi ở Thành phố Hồ Chí Minh làm cho chúng ta hiểu thế nào là một cuộc chiến trong lòng địch…
Quảng Bình là nơi hội tụ sức mạnh của hậu phương miền Bắc, cũng là tọa độ lửa, là mục tiêu của sự hủy diệt của đế quốc Mỹ, làm sao Quảng Bình trụ vững để chuyển được sức mạnh của cả miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam? Điều đó chỉ có một nơi nói được, nói một cách đầy đủ, nói một cách sinh động, nói một cách tâm huyết, cũng chính là Vực Quành!
Vậy theo ông, chúng ta nên ứng xử với Vực Quành ra sao?
Việc xây dựng một khu hoài niệm chiến tranh có vai trò như một bảo tàng ngoài trời do một cá nhân tự bỏ tiền túi ra là điều mà xã hội cần tri ân. Và trước hết, không nên coi đó là việc làm yêu thích của một cá nhân mà việc tái tạo nhân bản của chính mình phải là trách nhiệm của cộng đồng.
Nhưng nói trách nhiệm thì…vô cùng ! Cao hơn trách nhiệm, nếu như Quảng Bình từ đó nhân lên và đẩy Vực Quành thành một hiện tượng.



Nếu Quảng Bình chỉ tự hào với hang động Phong Nha- Kẻ Bàng thì đât nước cũng có những hang động nổi tiếng như Hoa Lư, Vịnh Hạ Long. Nếu chỉ tự hào về biển, đất nước có hai ngàn km bờ biển. Nếu tự hào về suối nước khóang nóng Bang, cả nước có trên 150 suối nước nóng. Thương hiệu địa phương, giá trị khác biệt của Quảng Bình không chỉ ở những điều đó. Bảo tàng SỐNG - Vực Quành là một chỉ dẫn lịch sử, văn hoá để nhân loại hiểu Quảng Bình đã đóng vai trò gì trong cuộc chiến đấu và chiến thắng của một dân tộc chống một kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.
 
Vì lẽ đó Vực Quành phải được coi là một giá trị và phải được ứng xử như một giá trị!
Phải làm gì để tránh sự phũ phàng là Vực Quành có thể bị xóa sổ, thưa ông?
Trước hết, phải làm cho Vực Quành trở thành một Bảo tàng ngoài trời hết sức sống động và bền vững. Vực Quành mới đầy đủ chứ chưa sinh động; hiện hữu chứ chưa bền vững. Cần gìn giữ Vực Quành cho nhiều thế hệ người Việt như nhân dân Liên Xô đã làm với pháo đài Brest.
Bảo tàng ngoài trời phải hội đủ các yếu tố: nhìn, nghe, trải nghiệm. Ở Vực Quành, người ta mới chỉ được nhìn, chưa được nghe và được trải nghiệm (ví như cho người ta nghe lại tiếng loa báo có máy bay địch, tiếng gầm rú, tiếng bom rơi, đạn bắn, tiếng người gọi nhau, tiếng ru con vọng ra từ trong hầm…). Phải cho người ta được sống thử cuộc sống dưới hầm để biết chiến tranh khốc liệt như thế nào, có như thế mới thấy được những giá trị mà cả một thế hệ đã hy sinh để có được hòa bình, độc lập, tự do hôm nay.
Thứ nữa, phải kiên cố hóa bên trong và mô phỏng hiện thực bên ngoài thì mới giữ gìn được bảo tàng ngoài trời. Vực Quành nhanh chóng xuống cấp và hiện giờ đang có nguy cơ chết yểu Rõ ràng là thời gian và mưa gió đã phũ phàng với Vực Quành trước khi con người phũ phàng với nó.
Sau khi đã làm cho Vực Quành xanh nguyên trở lại thì phải để cho nó vượt qua khỏi phạm vi cá nhân để trở thành một thiết chế văn hóa của tỉnh Quảng Bình.
Và đương nhiên, theo tôi phải coi Vực Quành là điểm nhấn không chỉ cho du lịch mà cho các hoạt động văn hóa-xã hội của cả nước, trong đó có giáo dục truyền thống thì Vực Quành mới làm tròn chức năng của nó như tôi đã nói ở trên.
Nói thì dễ, nhưng làm thì bao giờ cũng khó, nhưng nếu vì ngại khó mà để đánh mất những giá trị của cả một thế hệ mà nhờ họ đất nước ta mới được rộng dài như ngày hôm nay thì thật là có lỗi và tiếc nuối!
---
Kichbu: Để hiểu rõ hơn về Nguyễn Xuân Liên, xin mời các bạn xem blog của ông tại đây!
 

1 nhận xét:

  1. Học sinh Mỹ tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam
    QĐND - Thứ Tư, 20/06/2012, 22:2 (GMT+7)

    QĐND – Đoàn giáo viên, học sinh Trường Trung học Trinity, thành phố Niu Y-oóc (Mỹ), do ông Mai-cơn A-lân Bơ-cô-uýt (Michael Alan Berkowitz), giáo viên làm Trưởng đoàn, đang có chuyến thăm tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam từ 18-6 đến 1-7. Hôm qua, tại Trụ sở Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến đã tiếp đoàn. Ông Bơ-cô-uýt cho biết, mục đích chuyến thăm của đoàn là tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam thông qua chương trình "ở nhà dân" tại Hà Nội, thực hiện chương trình lao động tại Mai Châu (Hòa Bình) và tham quan hữu nghị. Giáo viên và một số học sinh Trường Trung học Trinity đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của Việt Nam, cũng như môi trường học tập, về tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm...

    Trang Thu

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/32/32/194003/Default.aspx

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter