Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Mọi việc có nhà nước lo


 
 Trụ sở Cục Thuế Thụy Điển, cơ quan được người dân yêu quý. Ảnh: C.T
Kichbu theo thesaigontimes.vn

Chị Lệ Thanh, đã từng sống ở nhiều nước khác nhau và chưa nơi nào, chị cảm thấy vui vẻ khi phải nộp tiền đóng thuế như ở Thụy Điển.

Niềm tự hào

Lệ Thanh sống cùng với gia đình ở Stockholm từ tám năm nay. Là tiến sĩ kinh tế, từng học, sinh sống và làm việc nhiều năm ở Anh, Mỹ. Hiện giờ chị là công dân Thụy Điển.
Gặp người đồng hương từ Việt Nam sang, thay vì giới thiệu những thứ làm nên “thương hiệu” nổi tiếng cho đất nước xứ Bắc Âu này, như ban nhạc ABBA, đồ điện Electrolux, đồ gia dụng IKEA..., chị Thanh lại say sưa kể về... thuế. Là người nghiên cứu về kinh tế, với chị Thanh, thuế chính là điều đặc biệt nhất ở Thụy Điển.
Mẹ chồng chị Thanh năm nay ngoài 60 tuổi, đi lại khó khăn. Mỗi lần xuống thăm cháu nội ở cách xa 40 cây số, bà phải gọi taxi. Nhưng dù đi với khoảng cách như vậy, hay hơn nữa, bà cũng chỉ phải trả một khoản tiền tương đương giá mở cửa là 10 SEK (khoảng 30.000 đồng). Số tiền còn lại do... nhà nước (bảo hiểm xã hội) chi trả.
Khi chị Thanh sinh em bé, theo luật, cả hai vợ chồng sẽ được nghỉ 16 tháng, mà vẫn hưởng 80% thu nhập. Bố và mẹ có thể chọn cách nghỉ liên tục hoặc nghỉ cách quãng cho tới khi con được 8 tuổi. Người bố được nghỉ tối thiểu 60 ngày để chăm sóc vợ và con. Nếu bố và mẹ chia đôi mỗi người nghỉ tám tháng thì nhà nước sẽ thưởng thêm cho vợ chồng khoảng 1.000 đô la Mỹ. Mỗi đứa trẻ sinh ra được trợ cấp tiền đến 16 tuổi, mỗi tháng khoảng 150 đô la.
Chị Thanh cho biết, một người không có tài sản, cũng vẫn sống được ở Thụy Điển, bởi họ được hưởng trợ cấp xã hội. Nếu mắc bệnh, họ sẽ được nằm bệnh viện với đầy đủ chế độ chăm sóc y tế và thuốc men. Nếu không may qua đời, các cơ sở dịch vụ công sẽ đưa xe tới chở thi hài đi. Sau đó, họ sẽ lo liệu đầy đủ tang lễ, từ áo quan, tới các thủ tục nhà thờ, thậm chí cả hoa trong lễ tang đều được chuẩn bị chu đáo. Thân nhân của người đã khuất không phải chi bất cứ đồng nào, làm bất cứ việc gì, ngoại trừ... đứng đáp lễ.
“Tất cả những chính sách trên có được là nhờ... thuế”, chị Thanh nói. “Người dân vui vẻ đóng thuế vì họ được hưởng lợi rất nhiều từ những đồng tiền mà mình bỏ ra”, chị giải thích.

Xã hội của niềm tin

Thụy Điển là một trong những quốc gia có thuế suất cao nhất thế giới. Chẳng hạn, lương của người nghiên cứu giảng dạy và tư vấn giáo dục đại học như chị Thanh là 72.000 đô la Mỹ/năm (khoảng 6.000 đô la Mỹ/tháng). Chị sẽ phải trả 31% cho thuế thu nhập. Trên tổng số lương đó, người sử dụng lao động sẽ phải trả thêm 31,42% cho bảo hiểm xã hội của chị.
Như vậy, thuế thu nhập gồm hai nguồn chính là thu nhập của người lao động và từ phí bảo hiểm xã hội của người lao động do người sử dụng lao động đóng. Chị Thanh không ngần ngại tiết lộ về tiền lương, bởi theo chị, mọi thứ ở Thụy Điển đều được công khai theo luật về quyền được tiếp cận thông tin. “Gần như không có gì gọi là mật ở nước này”, chị Thanh nói.
Sau khi đóng thuế, chính quyền vùng có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng như đường sá, cầu cống, bệnh viện lớn. Chính quyền đô thị và tỉnh chịu trách nhiệm về an ninh, môi trường, chăm sóc y tế và giáo dục cho người dân, từ mầm non tới các cơ sở dưỡng lão.
Đóng thuế cao như vậy, nhưng mọi người dân Thụy Điển và cả những người nước ngoài sống ở Thụy Điển đều vui vẻ, không một chút phàn nàn. Ông Henrik Berggren, nhà báo, nhà sử học Thụy Điển lý giải, sở dĩ người dân hài lòng khi đóng thuế bởi họ tin chính quyền sử dụng tiền thuế của họ một cách đúng đắn và hiệu quả.
Thụy Điển từ lâu đã xây dựng được một hệ thống khế ước xã hội dựa trên niềm tin. Người dân có niềm tin cao vào các cơ quan công quyền. Để có được niềm tin đó, nhà nước và các cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm xây dựng và quản trị quốc gia một cách minh bạch, trong sạch và trao quyền kiểm soát thông tin cởi mở gần như tuyệt đối cho báo chí và công chúng.
Bất kỳ người dân nào cũng có quyền yêu cầu tiếp cận thông tin, kiểm soát từng khoản chi tiêu hay giám sát những quyết định của bất kỳ quan chức hay cơ quan công quyền nào. Báo chí Thụy Điển đã nhiều lần yêu cầu văn phòng chính phủ công khai những hóa đơn tiếp khách, trong đó có giá của từng món ăn, từng chai rượu, để dư luận đánh giá xem chi như vậy có lãng phí hay không.
Chồng chị Thanh từng là công chức làm việc tại cơ quan công quyền. Ông cho biết, văn phòng Chính phủ Thụy Điển chỉ có 4 xe công để thay phiên nhau sử dụng. Thủ tướng không có chế độ xe công đưa đón hàng ngày.

Yêu cơ quan thuế

Chiều muộn một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại Cục Thuế Thụy Điển (STA), đúng vào ngày kê khai thuế cuối cùng của năm tài chính 2013. Các điểm tiếp đón người tới kê khai thuế mở cửa tới nửa đêm, nhưng chỉ lác đác vài người vẫn giữ thói quen kê khai viết tay. Hầu hết những người khác đã hoàn tất thủ tục trước thời hạn chót.
Ông Arne Jakobsson, đại diện STA cho biết để tạo điều kiện cho người dân kê khai thuế, STA đã tổ chức kê khai qua mạng, tin nhắn, rất thuận tiện.
Đáng ngạc nhiên là, theo lời bà Charlotte Nilsson - Thư ký báo chí STA, cơ quan thuế của Thụy Điển được đa số người dân tin tưởng và yêu mến. Theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2013, STA đã đứng thứ hai trong số 26 cơ quan dịch vụ công lớn của Thụy Điển được người dân tín nhiệm vì có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Trên thực tế, STA không chỉ làm mỗi việc thu thuế. Cơ quan này gắn bó với mỗi người dân kể từ khi sinh ra tới lúc qua đời.
Bởi vì chính STA là nơi mà bố mẹ em bé tới để đăng ký khai sinh và sau đó là cấp mã định dạng cá nhân.
Khi trưởng thành, STA cũng sẽ là nơi cấp giấy chứng nhận một người “đủ điều kiện để kết hôn”. Và nếu ai đó qua đời, các bác sĩ sẽ phải thông báo cho cơ quan thuế để họ cấp giấy chứng tử.
Chị Lệ Thanh cho biết, trong tiếng Thụy Điển, từ thuế - skatt - còn có một nghĩa thứ hai, đó là: kho báu. Theo chị Thanh, ít thứ tiếng trên thế giới có từ đồng nghĩa với từ thuế, lại mang một ý nghĩa tích cực như vậy. Bởi ở nhiều nơi, nói đến thuế - thường là không mấy thiện cảm.
Xem thêm:
-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter