Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Họp báo quốc tế về biển Đông: Trung Quốc bịa đặt, xuyên tạc lịch sử

Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông


Kichbu theo thanhnien.com.vn

(TNO) 17 giờ chiều nay, 16.6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình biển Đông với hơn 200 phóng viên trong nước và quốc tế tham gia đưa tin.



Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, quyền Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao VN; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN; ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư.

 Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông
Các phóng viên thu thập thông tin trước giờ họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Đây là buổi họp báo quốc tế lần thứ 5 trong vòng hơn một tháng qua, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển nước ta.

Trước đó, lần lượt vào các ngày 7.5, 17.5, 23.5 và 5.6 vừa qua, Bộ Ngoại giao liên tục tổ chức các buổi họp báo quốc tế, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình trên thực địa ở biển Đông, việc đảm bảo trật tự trị an ở các địa phương trong cả nước và công bố những bằng chứng, cơ sở pháp lý xác đáng chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

 Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông
Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế tham dự họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Lê Hải Bình cho biết, trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngoan cố không rút giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu bảo vệ dù phía Việt Nam đã kiên trì yêu cầu nước này chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Không những vậy, nhiều tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc còn không ngừng dùng vòi rồng công suất lớn, đâm va, tấn công tàu, đánh đập ngư dân của Việt Nam.

Đồng thời, phía Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu sai trái về hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải cho biết, mặc dù xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam nhưng thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc trên thực địa, thậm chí nói tàu cá Việt Nam đâm chìm, trong khi thực tế là tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. “Đây không chỉ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam”, ông Hải khẳng định.

“Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa. Các tư liệu lịch sử của Trung Quốc diễn giải tùy tiện tiện, là tài liệu của cá nhân không có cơ sở, mô tả thiếu nhất quán”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải thông tin: “Năm 1898, sau vụ tàu ngư dân bị đắm ở Hoàng Sa, Phó vương Trung Quốc cho rằng đảo Hoàng Sa là bỏ rơi không thuộc Trung Quốc. Các hòn đảo này không thuộc châu nào của Hải Nam, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hòn đảo này nên không chịu trách nhiệm vụ ngư dân Trung Quốc cướp tài sản”.

“Trong khi đó, Việt Nam cung cấp bằng chứng nhà nước thiết lập chủ quyền với hòn đảo này kể từ thời phong kiến. Các hoạt động được ghi nhận trong các châu bản của triều đình phong kiến hiện đang được lưu giữ. Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874-1884, Pháp tuyên bố hoạt động xâm phạm, tiến hành nhiều biện pháp thực thi bảo vệ chủ quyền như xây dựng các công trình, trạm khí tượng, xây dựng cơ sở hành chính và sáp nhập vào Trung Kỳ, cấp giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh tại Hoàng Sa.

Năm 1909, việc Đô đốc Quảng Đông tiến hành thám hiểm thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền với Hoàng Sa được các triều đình phong kiến Việt Nam xác lập vững chắc và được Pháp thay mặt Việt Nam phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc, được nhà nước An Nam xác lập năm 1816.

Năm 1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch xâm phạm trái phép quần đảo Phú Lâm. 1947 Pháp ra tuyên bố phản đối sự xâm phạm này.

Các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản từ bỏ tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Các tuyên bố đã định kê các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải nhường cho Trung Quốc nhưng trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hội nghị San Francisco 1951, đa số 45/51 phiếu thành viên tham gia hội nghị bỏ phiếu bác bỏ Hoàng Sa của Trung Quốc.

Tiếp đó, Trung Quốc đã 2 lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, Trung Quốc xâm chiếm nhóm đảo phía đông Hoàng Sa. Đây là lần đầu Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản đối mạnh mẽ sự xâm chiếm này. Năm 1959, 1 nhóm binh lính Trung Quốc giả danh ngư dân đột kích nhóm đảo nhưng đã bị chính quyền Việt Nam cộng hòa đập tan. Cả 2 hành động diễn ra sau khi Việt Nam tái khẳng định chủ quyền tại Hội nghị San Francisco”, ông Hải cho biết.

 
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - Ảnh: Nguyễn Tuấn

“Tới năm 1974, lợi dụng chiến tranh, Trung Quốc tấn công giành kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Hành động sử dụng vũ lực giành chủ quyền quốc gia khác là vi phạm luật pháp quốc tế, không tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc.

Trung Quốc cố tình xuyên tạc, diễn giải sai khi viện dẫn Công thư Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và các văn bản tài liệu sau 1975. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này.

Công thư thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập Hoàng Sa, đây là tài liệu thông báo của Chính phủ Việt Nam tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc chứ không đề cập vấn đề chủ quyền.

Đến nay, Trung Quốc cố tình diễn giải sai ý nghĩa bối cảnh bức thư phục vụ yêu sách lãnh thổ sai trái.

Năm 1976, Việt Nam đã nhất quán và kế thừa khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam tiếp tục phản đối, yêu cầu Hội đồng Bảo an vào cuộc”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết: “Trong thời gian qua, Việt Nam nỗ lực giải quyết hòa bình thông qua đàm phán nhưng Trung Quốc phản đối thiếu tính xây dựng. Việt Nam đã nỗ lực liên lạc với Trung Quốc nhiều hình thức, nhiều cấp, yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm, tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc các cơ quan có thẩm quyền. Trái lại, Trung Quốc vu cáo vô căn cứ tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1500 lần. Trung Quốc hoàn toàn không có bằng chứng về các cáo buộc vô căn cứ này, trong khi đó Việt Nam cung cấp vô số các bằng chứng tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Trung Quốc khăng khăng không rút giàn khoan và không có thiện chí. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo biện pháp hòa bình”.

Lúc 17 giờ 55 phút, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết, Trung Quốc duy trì 120 tàu hàng ngày để vây ép, húc đẩy, đâm va tấn công tàu Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng loa âm thanh lớn, đèn pha ngăn cản lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Đồng thời, phía Trung Quốc còn thực hiện âm mưu giăng bẫy tạo bằng cớ giả rằng tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc. Các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có mặt tại vùng biển Việt Nam không nhằm mục đích đánh bắt thủy hải sản mà để tấn công tàu cá Việt Nam, cắt lưới, ngăn cản tàu Việt Nam sản xuất.

Đến nay có 17 tàu cá của Việt Nam và hàng chục ngư dân bị thương do tàu Trung Quốc gây ra. Không những vậy, Trung Quốc còn ngang nhiên vu cho tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc, ngăn cản tàu của nước này vào cứu hộ tàu cá của ngư dân Việt Nam. Những luận điệu này là hoàn toàn sai trái, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng tỏ tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam trong đó, có các tàu cá.

Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông

Ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư - Ảnh: Nguyễn Tuấn

18 giờ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho công bố rộng rãi video clip thể hiện các tàu Trung Quốc dùng vòi rồng, đâm va, tấn công quyết liệt vào các tàu thực thi nhiệm vụ của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc còn dùng máy bay trinh sát tầm xa để bay trinh sát.

18 giờ 5 phút, cuộc họp báo chuyển sang phần hỏi đáp.

Phóng viên một hãng thông tấn Nhật Bản: Có hay không việc Việt Nam cử lực lượng người nhái đến khu vực giàn khoan, và có hay không việc Việt Nam bố trí những vật trôi nổi trên mặt biển để ngăn cản tàu Trung Quốc?

Việt Nam bình luận gì về những hình ảnh tàu Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc như trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố?

Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông

Phóng viên một hãng thông tấn Nhật Bản đặt câu hỏi - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Ngô Ngọc Thu: Trước hết, xin thông báo với các bạn là tôi chưa được xem clip phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tại buổi họp báo gần đây nhất. Tuy nhiên, về việc Trung Quốc vu cho các tàu Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần là hoàn toàn sai trái. Thực tế, trên vùng biển có giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt, chỉ có các tàu của Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Việc này cũng đã được nhiều nhà báo quốc tế ghi lại và thông tin rộng rãi. Còn về sự việc Trung Quốc công bố hình ảnh mũi tàu bị móp méo và vu cho tàu Việt Nam gây ra, chúng tôi xin khẳng định vu cáo đó hoàn toàn sai sự thật. Thực tế thì chỉ có thể sử dụng mũi tàu này đâm vào mạn tàu khác chứ không thể dùng mạn tàu va hỏng mũi tàu.

Tôi cũng xin khẳng định thông tin Việt Nam sử dụng nhiều người nhái, thả nhiều lưới, nhiều vật nổi trên mặt biển để ngăn cản tàu Trung Quốc như họ vu cáo là hoàn toàn sai trái. Đến nay, phía Việt Nam chưa hề dùng bất cứ biện pháp quân sự nào tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Còn những vật nổi như thùng phuy, thùng dầu nhớt, thùng sơn… là dụng cụ huấn luyện của lực lượng chấp pháp Việt Nam để trên boong tàu, bị vòi rồng của tàu Trung Quốc thổi bay xuống biển, họ vớt được và lấy đó là bằng chứng vu cáo cho Việt Nam là hoàn toàn sai sự thật. Bên cạnh đó, còn có lưới là của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt thủy hải sản bị tàu Trung Quốc tấn công buộc phải bỏ chạy. Họ tiếp tục vớt lấy lưới để cáo buộc Việt Nam như trên là xảo trá.

Báo điện tử VnExprees: Trước thông tin của Trung Quốc đưa ra thời gian qua nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam tham gia ngăn cản giàn khoan, ngăn cản các tàu của Trung Quốc. Xin Cục Kiểm ngư đưa ra bình luận về thông tin này?

Ông Hà Lê: Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vì thế ngư dân khai thác ở Hoàng Sa là việc bình thường phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế. Việc Trung Quốc nói như vậy là vu cáo. Tàu Trung Quốc phần lớn là các tàu công suất lớn, trang bị tối tân còn tàu cá Việt Nam là tàu gỗ, khai thác thủy sản hợp pháp trên biển. Tôi cho rằng thông tin tàu cá ngư dân Việt Nam ngăn cản tàu Trung Quốc là vô lý và không có căn cứ. Tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản quấy rối tàu Trung Quốc mặc dù các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Báo Tiền Phong: Vừa qua, Trung Quốc nói Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 là sai mà cho rằng Trung Quốc thực hiện xua đuổi quân của Việt Nam cộng hòa đóng trên Hoàng Sa là để thực hiện luật pháp quốc tế?

Ông Trần Duy Hải: Tôi khẳng định các phát biểu như vậy là xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi miền Nam thì Pháp đã tiến hành bàn giao Hoàng Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa quản lý đồn trú quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng chiến tranh đã tấn công lực lượng Việt Nam cộng hòa đồn trú trên các hòn đảo Hoàng Sa. Ngay như các trang mạng của Trung Quốc cũng thừa nhận Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công lực lượng của Việt Nam cộng hòa, sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa không thể tạo chủ quyền cho Trung Quốc.

Báo Người Lao Động: Trước những bằng chứng của Việt Nam đưa ra chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bằng chứng đó có thể giúp cho Việt Nam trong các vụ đòi chủ quyền với Trung Quốc không?

Ông Trần Duy Hải: Các văn bản pháp lý của nhà nước phong kiến Việt Nam hiện còn lưu giữ như các châu bản khẳng định việc quản lý, khai thác Hoàng Sa là văn bản chính thức của nhà nước nên có giá trị pháp lý. Theo luật pháp, 1 quốc giai khi muốn xác lập chủ quyền của mình với một vùng lãnh thổ phải thông qua thực thi chủ quyền dưới góc độ nhà nước. Việc khai phá Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa được thực hiện bằng nhà nước và bởi nhà nước nên hoàn toàn đúng theo luật pháp. Tất cả các văn bản đó có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Hãng tin AP: Việc Trung Quốc cho rằng 57 lô dầu khí của Việt Nam nằm trong vùng tranh chấp, phía Việt Nam có bình luận gì?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và tuyên bố 57 lô dầu khí của Việt Nam nằm trong vùng tranh chấp là sai trái. Chúng tôi xin khẳng định, có nhiều công ty dầu khí của các quốc gia: Mỹ, Ấn Độ… đang tiếp tục thực hiện hợp đồng với chúng tôi. Họ rất chia sẻ lập trường, cũng như tuyên bố của Việt Nam. Tất cả các công ty này đều khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng cho đến hết. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng với họ.

Trực tuyến họp báo quốc tế lần thứ 5 về biển Đông

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hãng tin AP: Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc dự kiến sẽ đến Việt Nam trong vài ngày tới để dự cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc, xin hỏi, nội dung của cuộc họp này là gì? Có đề cập đến vấn đề biển Đông?

Ông Lê Hải Bình: Đúng là ông Dương Khiết Trì sẽ sang Việt Nam trong vài ngày tới để tham dự cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ hai nước.

Tôi cho rằng, vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng chủ quyền Việt Nam sẽ được bàn đến. Việt Nam sẽ thiện chí để giải quyết vấn đề biển Đông. Chúng tôi coi đây là một kênh, một sự kiện để hai bên cùng nhau tìm giải pháp giải quyết căng thẳng tại biển Đông.

Báo Lao động: Trung Quốc nói Pháp từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa. Quan điểm Việt Nam như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Trước hết xin khẳng định ý kiến của Trung Quốc hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào miền Nam, Pháp thay chính quyền miền Nam thực thi chủ quyền với Hoàng Sa. Việc quản lý hành chính với Hoàng Sa ở mức độ rất cao, có cơ quan hành chính ở Hoàng Sa và cấp giấy chứng sinh cho ngư dân Việt Nam sinh ra ở Hoàng Sa. Pháp nhiều lần phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc với Hoàng Sa, đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề ra giải quyết trước cơ quan tài phán quốc tế. Vào ngày 18.2.1837, Pháp gửi công hàm tới Đại sứ quán Nhân dân Trung Hoa tại Pháp yêu cầu giải quyết hòa bình hữu nghị các bất đồng. Nếu Trung Quốc không đồng ý giải quyết qua thương lượng, thì đề nghị giải quyết vấn đề này bằng trọng tài. Pháp luôn luôn phản đối hành động, âm mưu của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.

Báo điện tử VietnamNet: Trung Quốc hiện đang bồi đắp mở rộng công trình xung quanh đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam có ý kiến gì trước các hành động của Trung Quốc?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh đảo đá Gạc Ma và một số khu vực hòn đảo khác thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng từ tháng 3 năm 1988. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng mở rộng trái phép tại quần đảo Trường Sa và các hành động đơn phương khác làm thay đổi diện mạo quần đảo Trường Sa và không tái diễn các hành động trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình an ninh khu vực.

18 giờ 35, buổi họp báo kết thúc.

Xem thêm:
- Quan chức Mỹ: Trung Quốc đã dọa nạt các nước khác (Reuters/ LĐ). - Khó xẩy ra xung đột quân sự tại Biển Đông (RFI). – Điều gì sẽ đẩy Hoa Kỳ vào cuộc chiến với Trung Quốc? (Alan Phan).

-----


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter