Kichbu theo laodong.com.vn
Luật Biểu tình đã được Quốc hội chính thức đưa vào chương trình xây
dựng pháp luật. Theo chương trình này, dự luật sẽ được trình xin ý kiến Quốc
hội vào kỳ họp đầu năm 2015 và sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm
2015. Đây là dự luật đã từng được Thủ tướng Chính phủ kiến nghị và trong tình
hình mới, đang trở nên hết sức cấp thiết.
Trước hết, theo
Hiến pháp năm 2013, biểu tình là một quyền của công dân (Điều 25). Cũng theo
hiến pháp này, quyền công dân (và cả quyền con người) chỉ có thể bị hạn chế
bằng luật (Điều 14). Như vậy, theo Hiến pháp mới, chúng ta không thể sử dụng
các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền biểu tình của người dân. Hơn thế nữa,
các văn bản dưới luật, được áp dụng để điều chỉnh hành vi biểu tình từ trước
đến nay, cũng đương nhiên hết hiệu lực vào ngày 1.1.2014 - ngày Hiến pháp năm
2013 chính thức có hiệu lực.
Trong bối cảnh như
vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng pháp lý khá đặc biệt: Do các
đạo luật tương ứng chưa kịp ban hành, nên quyền biểu tình và một số quyền khác được
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận đang đương nhiên là những quyền không bị hạn chế.
Hai là, thực tế
cho thấy các cuộc biểu tình không bị điều chỉnh chứa đựng rất nhiều rủi ro. Các
cuộc biểu tình làm tê liệt đất nước ở Thái Lan cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Tình trạng đập phá, bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại
Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua cũng là những ví dụ nhãn tiền khác. Tuy nhiên,
chính quyền sẽ can thiệp thế nào nếu quyền biểu tình đang là một quyền không bị
hạn chế (?!).
Thực ra, Luật Biểu
tình cần không chỉ cho người dân, mà còn cả cho chính quyền. Đối với người dân,
luật là sự bảo đảm, sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình. Đối với chính
quyền, luật cung cấp các quyền năng, các công cụ pháp lý cần thiết cho việc
điều chỉnh hành vi biểu tình. Với một đạo luật như vậy, chúng ta vừa bảo đảm
được quyền của người dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho cách hành xử
của chính quyền. Người dân hành xử đúng, chính quyền hành xử đúng, chúng ta sẽ
có được không chỉ đồng thuận xã hội mà còn cả trật tự-an toàn xã hội. Đây lại
là điều kiện hết sức quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình
hiện nay.
Xem thêm:
- Luật Biểu tình: Một cơ hội cho chính quyền Việt Nam (RFI). –
Công dân cần có phương thức hòa bình để bày tỏ tình yêu Tổ Quốc (PLVN).
------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét