Thảm họa thiên tai thế kỷ qua ngày giỗ lụt mùng 6-10 (ÂL)
Nguyễn
Minh Sơn
Kichbu theo motthegioi.vn
Năm 1963,
Quảng Nam
bị hạn nặng nhất tính từ năm 1960 đến 2010. Trong thời gian 50 năm, theo TS Vũ
Thị Thu Lan, Viện Địa lý Việt Nam, có 10 năm địa phương này bị hạn hán lớn là
1963, 1969, 1977, 1979, 1983, 1987, 1993, 1998, 2002, 2005 và 2010.
Theo chu kỳ, sau
mỗi năm hạn lại xảy ra lụt lớn như năm 1999, 2006… Cơn đại hồng thủy năm Giáp
Thìn 1964 cũng không ngoại lệ.
Bàu Sen
sụt nước
Năm 1963, hạn nặng
ở Quảng Nam
từ tháng 4 (ÂL) đến mùa hè năm 1964. Ông Nguyễn Văn Dư ở làng Dùi Chiêng mô tả
hạn hán bắt đầu từ năm 1964 kéo dài gần một năm rưỡi không có lấy một giọt mưa.
Ngoài đồng lúa chết khô, trâu bò vật vạ. Trong vườn cây cối xơ xác, giếng cạn
hết, người dân phải ra sông lấy nước. Theo mô tả trực quan như vậy quả là kinh
khủng vì hàng năm trung bình Quảng Nam tiếp nhận 30,2 tỉ m3 nước mưa
và sinh ra 21,5 tỉ m3 nước chảy vào mạng lưới sông suối ứng với
lượng mưa trung bình năm là 2.978 mm.
Làng Trung Phước,
xã Quế Trung, huyện Nông Sơn có một bàu nước của làng mọc rất nhiều sen nên gọi
là Bàu Sen. Người già trong làng nói từ thuở khai thiên lập địa đến năm Thìn,
chưa bao giờ Bàu Sen cạn nước. Bàu Sen rộng ước chừng 150 mét, dài 700 mét, bây
giờ nằm sát trụ sở UBND huyện Nông Sơn. Người làng nói ngày xưa Bàu Sen có cá
sấu và hang thuồng luồng. Thả một trái bòng ở Bàu Sen một buổi sau có thể thấy
trái bòng nổi ở sông Thu Bồn ngay bến Cây Sấu. Vì nó không bao giờ cạn nước nên
người ta luôn thêu dệt nhiều chuyện huyền hoặc nằm sâu dưới đáy bàu.
Thế nhưng năm Thìn
– 1964 người ta chứng kiến một chuyện hết sức lạ lùng. Mùa hè năm đó mực nước
Bàu Sen tự nhiên sụt xuống rất nhanh. Nước rút đi đâu không biết nhưng trong
vòng 10 ngày bàu đã trơ đáy. Sen, súng và cỏ lát nằm la liệt. Ông Lê Công Lý,
nhà ở gần Bàu Sen kể lại chỉ còn một vũng nước bằng cái nong nhỏ ở giữa bàu đặc
sệt cá rô, cá giếc, cá tràu, cá gáy… chỉ cần thò tay ra lượm đem về.
Vốn tin vào huyền
bí, mọi người sợ hãi vì điềm dữ “sen tàn, làng mạt”. Một tháng sau, lụt năm
Thìn xảy ra, điềm dữ thành sự thật không thể không tin được. Cho đến bây giờ,
những người mê tín đem sen về giâm nhiều lần ở Bàu Sen nhưng không thành công.
Năm 1964 là lần duy nhất Bàu Sen cạn nước.
Tồn tại
dựa vào kinh nghiệm
Rốn lũ Nông Sơn
trong trận lụt năm Thìn – 1964 là vùng hiểm địa. Một phía là núi như những bức
tường, một phía là sông sâu cách trở. Làng mạc nằm rải rác giữa những thung
lũng nhỏ từ đèo Phường Rạnh lên tới Hòn Kẽm – Đá Dừng. Thuở khai thiên lập địa
đời Thái Đức Nguyễn Nhạc, cọp nhiều hơn muỗi nhưng người ta chỉ ngán sông sâu.
Từ ngày xưa cho
đến bây giờ, mỗi gia đình ở Nông Sơn đều ngoài nhà ở đều có một cái trại lụt.
Mùa mưa, khi nước dâng lên, mỗi gia đình, mỗi xóm đều cắt cử một người thức
trắng đêm để đi “thăm lụt”. “Nhân viên thăm lụt” lấy một nhánh tre có nhiều mắt
làm mốc cắm ngay mép nước. Chừng cỡ mỗi tiếng đồng hồ đi thăm một lần. Nước
ngập tới một mắt tre nào đó tùy theo kinh nghiệm của từng làng, từng địa điểm
cố định, “nhân viên thăm lụt” báo cho mọi người chạy lụt lên trại. Cách dự báo
dân gian kiểu này tương tự phương pháp điều tra dấu vết lũ dựa vào kinh nghiệm
nhiều đời người.
Năm Thìn – 1964,
tại Trung phần, Trung tâm khí tượng Đà Nẵng trực thuộc Nha khí tượng Sài Gòn do
kỹ sư Đinh Trọng Châu là giám đốc, quản lý luôn trạm quan trắc khí tượng Hoàng
Sa có mã số (Index) trong mạng khí tượng thế giới (Réseau Mondial) do tổ chức
Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization) quy định là +48 860.
Ông Châu là một
trong những nhân chứng từng sống ở Hoàng Sa, làm giám đốc Trung tâm khí tượng
Đà Nẵng đến ngày 29-3-1975, đến năm 1983 đi định cư tại Pháp. Mới đây, ông cho
biết Nha khí tượng Sài Gòn tiếp quản lại của người Pháp, thời kỳ đó có toàn bộ
50 nhân viên, rải đều từ trung tâm cho đến những trạm quan trắc ít ỏi trên toàn
miền Nam. Công tác dự báo thiên tai năm Thìn – 1964 hoàn toàn không đến được
người dân ở vùng nông thôn, nơi bị thiệt hại nặng nhất, do hoàn cảnh chiến
tranh, điều kiện tiếp nhận thông tin của người dân hoàn toàn không có.
Phá vỡ quy
luật
Tại rốn lũ Nông
Sơn, đại hồng thủy năm Thìn – 1964 đã được người dân tự dự báo trước đó dựa vào
kinh nghiệm quan sát thiên nhiên. Nhiều nhân chứng kể lại năm 1964 ngôi sao nằm
giữa chòm sao Khuê sáng nhất, ong vò vẽ làm tổ quá đầu người, tháng tám măng
tre mọc trốn vào giữa bụi, mang trên núi Cà Tang đi lạc xuống làng… báo hiệu
một năm có lụt lớn. Tuy nhiên, lụt năm Thìn khủng khiếp ngoài kinh nghiệm dự
báo tự nhiên, vượt ra khỏi quy luật đã được dân gian tổng kết.
Đặc điểm lũ trên
sông Thu Bồn là lên nhanh, xuống nhanh với biên độ 5m -14m, cường suất lũ trung
bình 50 cm/h, cường suất lũ lớn nhất 100 – 140 cm/h. Từ năm 1976 đến nay, khi
Trạm khí tượng thủy văn Nông Sơn ra đời, ngành khí tượng thủy văn đo được vận
tốc dòng chảy lũ lớn nhất tại đây là 3,74 m/s, biên độ lũ lớn nhất 12m, thời
gian truyền lũ từ Nông Sơn đến Giao Thủy (26 km) dài nhất là 7 giờ, ngắn
nhất là 3 giờ. Đây là trạm thủy văn cấp 1, rất quan trọng trong việc quan trắc
và dự báo lũ trên sông Thu Bồn.
Trong 38 năm từ
1976 đến 2013, trạm quan trắc thủy văn Nông Sơn đo được đỉnh lũ lớn nhất tại
trạm Nông Sơn vào ngày 12-11-2007 là 10.815 m3/s. Dựa theo dấu vết
lũ sau này, mực nước lụt năm Thìn – 1964 tại trạm Nông Sơn là 22,16m, lưu lượng
đỉnh lũ khủng khiếp lên đến 18.250 m3/s ứng với moduyn đỉnh lũ 5,79
m3/s/km2. Đặc điểm lũ “lên nhanh, xuống nhanh” của sông
Thu Bồn bị phá vỡ trong trận đại hồng thủy năm Thìn – 1964 khi nước lên khoảng
5 tiếng đồng hồ nhưng đến hơn 3 ngày sau mới hoàn toàn rút xuống!
Chú thích ảnh: Trận lụt năm Thìn – 1964 tại miền Trung rất hiếm được ghi lại bằng hình ảnh. Tại Hội An, một vài hiệu ảnh như photo Vĩnh Tân, photo Lệ Ảnh, nhà nhiếp ảnh Hứa Văn Bân… cũng chỉ chụp được cảnh nước lên trong phố cổ. Theo con trai ông Vĩnh Tân, thời đó ông Vĩnh Tân bán cho một tờ báo ở miền Nam 2 bức ảnh độc quyền về trận lụt năm Thìn – 1964 với giá 1 lượng vàng. Toàn bộ ảnh tư liệu trong bài này là của photo Lệ Ảnh.
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét