Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Hiến pháp của Hoa Kỳ -The United States Constitution

 

The United States Constitution

N.H.T
Kichbu posted on 25.01.2013

Hiến Pháp là văn kiện cơ bản xác định những quyền dân chủ và bình đẳng của người dân chung sống trong một Quốc Gia.

Tổng Thống Chế Hoa Kỳ

I - Hiến Pháp Philadelphia và thể chế Cộng Hoà Liên Bang Hoa Kỳ.

Ai đọc lịch sử chính trị Hoa kỳ đều phải ngạc nhiên và thán phục, khi nhìn vào Hiến Pháp Philadelphia, luôn thích nghi với phát triển xã hội Hoa kỳ từ hơn 200 năm nay. Làm thế nào mà một Hiến Pháp, nền tảng lịch sữ Tổng Thống Chế đầu tiên của một Quốc Gia không hơn bốn triệu dân , với phần lớn kinh tế dựa vào nông nghiệp, vẫn có thể còn hiệu lực cho một cường quốc số 1 trên thế giới hiện nay về quân sự và kinh tế.

Ngày 4.7.1776, mười ba cựu thuộc địa Anh Quốc ở Bắc Mỹ đồng đứng lên tuyên bố độc lập, chống lại mẫu quốc Anh Hoàng. Và chỉ một ít tháng sau đó, ngày 15.11.1776, với Những Điều Khoản về Thỏa Ước Liên Bang( Articles of Confederation), các cựu thuộc địa đã thỏa thuận với nhau để thành lập một Quốc Gia Liên Bang.

Thỏa ước bắt đầu có hiệu lực ngày 1.3.1781, sau khi Maryland, tiểu bang cuối cùng của Liên Bang cũng đồng ý gia nhập, trong lúc cuộc chiến giành độc lập chống lại mẫu quốc vẫn còn tiếp diển. 

Và sau đây là một vài điều khoản của Thỏa Ước:

- Mỗi Tiểu Bang vẫn giữ nguyên quyền tối thượng của mình.
- Thành lập Quốc Hội Liên Bang, mỗi năm nhóm hợp một lần.Mổi Tiểu Bang được quyền tuyển chọn vào Quốc Hội từ 2-7 đại diện, mặc dầu khi bỏ phiếu mỗi Tiểu bang chỉ được biểu quyết bằng một lá phiếu thôi.
- Quốc Hội Liên Bang có quyền trong việc bang giao quốc tế.
- Quyền điều khiển chiến tranh.
- Quyền thương thuyết với thổ dân ( Indian).
- Quyền cho các Tiểu Bang vay nợ, nhưng ngân khoản và lính tráng phải được các Tiểu Bang cung cấp.
- Quốc Hội không được quyền định đoạt thuế vụ.
- Không có quyền điều khiển các dịch vụ thương mãi giữa các Tiểu Bang với nhau.
- Không có quyền trực tiếp trên dân chúng các Tiểu Bang.

Thỏa Ước không xác định phương thức để có thể ngăn cản và trừng phạt Tiểu Bang vi phạm các điều khoản đã ghi trong Thỏa Ước .

Ý thức được những thiếu sót của Thỏa Ước sơ khởi, ngày 14.5.1787, mười ba Tiểu Bang gởi đại diện về Philadelphia để bàn thêm và hoàn chỉnh Thỏa Ước. 

Không ngờ ngày 17.9.1787 chính những vị đại diện này đã soạn thảo ra bản Hiến Pháp đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và cũng là bản Hiến Pháp đầu tiên cho Tổng Thống Chế thế giới. 

Hiến Pháp Philadelphia bắt đầu có hiệu lực ngày 1.1.1789, sau khi Tiểu Bang thứ 9 của Liên Bang chấp thuận.Thành viên cuối cùng của Liên Bang là Tiểu Bang Rhode Island đã ký vào Hiến Pháp Philadelphia năm 1890, trong một phiên hợp đầu tiên của Quốc Hội. 

Hiến Pháp Philadelphia được thành hình và chấp nhận sau 26 Tu Chính Án để đổi và thêm bớt cho Hiến Pháp được kiện toàn. Có lẽ nhờ đó mà hơn hai thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu biến chuyển nội địa của Hoa Kỳ cũng như những diển biến trên chính trường quốc tế vẫn không làm cho những lý tưởng tiên khởi của những vị sáng lập bị lổi thời.
Những đặc tính của Hiến Pháp Phildadelphia.

Hiến Pháp Philadelphia là Hiến Pháp "cứng rắng", không thể sửa đổi bằng những thủ tục thông thường, bởi lẽ Hiến Pháp đã tiên liệu những "điều kiện gia trọng"cần phải được hội đủ thỏa đáng, nếu muốn Hiến Pháp được đem ra sửa đổi. Và sau đây là các điều kiện gia trọng do điều 5 của Hiến Pháp quyết định: "Hiến Pháp bị 2/3 tổng số thành viên của Lưởng Viện Quốc Hội đề nghị sửa đổi và được sự đồng thuận yêu cầu thay đổi bởi các cơ quan lập pháp của ¾ các Tiểu Bang thành viên của Liên Bang".

"Bị đa số thành viên của Hội Đồng Quốc Gia ( National Convention) chấp nhận sửa đổi.Hội Đồng Quốc Gia được triệu tập, nếu có sự yêu cầu của các cơ quan lập pháp của 2/3 các Tiểu Bang thành viên Liên Bang". 

" Ngoài ra, đa số phiếu đồng thuận của Hội Đồng Quốc Gia phải được trên 3/4 các Tiểu bang chấp thuận". Những điều kiện khó khăn vừa kể, không phải là điều dễ thỏa đáng để có thể đạp đổ, cắt xén Hiến Pháp tuỳ hứng.

Trong các phiên hợp trên của Quốc Hội Lập Hiến ( Constitutional Convention) không toan liệu trên của hiến Pháp Philadelphia, nhiều vấn đề gây cấn và bất đồng giữa các đại diện được giải quyết bằng những phuơng pháp nhân nhượng, nhưng hai nguyên tắc nền tảng cho tòa nhà Cộng Hoà Liên Bang Hoa Kỳ không bị một vị đại diện nào nghi ngờ và phản đối, đó là:

Các quyền hành của Quốc Gia phải được chia tách và giao cho những cơ quan độc lập nhau.

Thiết lập hệ thống " Kiểm Soát và Cân Bằng" ( Checks anh Balances) giữa các cơ quan tối cao của Quốc Gia. Khác với đường lối suy tư và hành động của nhiều Hiến Pháp Tây Âu, khởi đầu bằng cách đặt nền tảng trên giá trị luân lý hoặc vào niềm tin tôn giáo, để từ đó rút ra những phương thức hành động mà ngưới cầm quyền phải có khi hành xử quyền lực của mình đối với dân chúng, những vị soạn thảo Hiến Pháp Philadelphia, mặc dù vẫn là những tín hữu tôn giáo, họ cũng đặt niềm tin vào luân lý và đức tin, nhưng họ chủ trương cần phải thực tế. Họ luôn ý thức rằng bản tính con người lúc nào cũng nghiêng chiều về các hành động lạm quyền, nên cần có những phương thế bắt buộc và ngăn ngừa người cầm quyền không được " tác oai tác quái tuỳ hỷ": 
" Trong nhãn giới đó, chúng ta sẽ thấy rằng lối kiến trúc Hiến Pháp dựa trên "Kiểm Soát và Cân Bằng" vẫn còn có hiệu năng cho cuộc sống của dân chúng Hoa Kỳ trên hai thế kỷ nay, nó đã vô hiệu hoá nhiều toan tính độc đoán thoáng xuất hiện một đôi khi ở chân trời" . Trong khi đó tư tưởng về phân chia quyền lực, trọng tâm sự chú ý của các vị soạn thảo Hiến Pháp Philadelphia, là tư tưởng mà các vị được hấp thụ từ Montesquieu, được loan truyền qua các thuộc địa của Anh tại Mỹ Châu bằng việc phổ biến rộng rải sách báo. Nhìn thoáng qua, chúng ta có cảm tưởng rằng nguyên tắc phân quyền và nguyên tắc « Kiểm Soát và Cân Bằng » vừa kể có thể nghịch lý nhau.Nhưng suy nghĩ kỷ hơn, các vị sáng lập viên ý thức rằng không thể thiết lập ra một hệ thống để các cơ quan quyền lực kiểm soát nhau, nếu mổi cơ quan liên hệ không được giao phó cho uy quyền rộng rãi trong lãnh vực mình. Ngược lại, không thể để cho những cơ quan có lãnh vực độc lập rộng rãi, mà không có sự kiểm soát của những cơ quan khác :
« Chúng ta không nên lầm lẩn pha trộn nguyên tắc « Kiểm Soát và Cân Bằng » với nguyên tắc « Phân Chia Quyền Lực » : hai nguyên tắc hiến định tách biệt, mặc dầu phụ thuộc nhau.Qua nguyên tắc « Kiểm Soát và Cân Bằng » chúng ta tìm cách biến đổi bản chất đối đầu ( conflit) của nhiều quyền lực với nhau, tiềm tàng trong nguyên tắc phân quyền , thành tinh thần hợp tác » . Một trong những điều quan tâm then chốt nhất của nhũng vị sáng lập Liên Bang Hoa Kỳ là các điều khoản của Hiến Pháp phải trở thành cơ chế bảo đảm cho quyền tự do mà các Tiểu Bang vừa đạt được qua bao nhiêu hy sinh trong cuộc chiến đấu dành độc lập chống lại mẩu quốc Anh. Mặt khác cũng phải lưu ý làm cách nào cho các điều khoản trên không trở thành chướng ngại vật làm suy yếu vai trò của Chính Phủ Liên Bang trong chức vụ của mình. Nói cách khác, đặt trọng tâm một cách chắc nịt thái quá vào nguyên tắc phân quyền sẽ phương hại đến hiệu năng hành xử quyền hành của Chính Phủ Liên Bang . 

Nói tóm lại, cần phải tìm ra một trung điểm thăng bằng để làm sao giữa các quyền hành tách biệt có mối tương giao và hợp tác giữa các cơ chế hiến định của Quốc Gia, nhằm tránh được những sự đụng chạm và tranh chấp có thể làm tê liệt guồng máy quốc gia. Qua những kinh nghiệm của 6 năm chung sống Liên Bang, kể từ ngày 13 cựu thuộc địa Anh quốc ký " Những Điều Khoản Thỏa Ước Liên Bang"( Articles of Confederation) 15.11.1777, những vị sáng lập Liên Bang nhận thấy Chính Phủ của Quốc Gia Liên Bang quá yếu, bởi lẽ mọi quyền bính gần như được giao phó hết cho cơ quan lập pháp ( Quốc Hội). Do đó các vị đồng thuận tìm ra phương thức để Chính Phủ Liên Bang có nhiều quyền hạn hơn, hành động hữu hiệu hơn.Nguyên tắc phân quyền là thể chế hiến định hữu hiệu bảo đảm cho chính phủ được tự do, vì mỗi quyền hạn được giao cho các cơ quan khác nhau.

Nguyên tắc "Kiểm Soát và Cân Bằng" bảo đảm cho những mối liên hệ cần thiết giữa các quyền lực bị chia tách, để những cơ quan độc lập tách biệt có thể cộng tác với nhau , mưu ích chung cho đất nước. Sau khi duyệt xét qua những đường hướng chỉ đạo cho lối suy tư của các vị sáng lập viên Liên Bang, chúng ta hiểu được phần nào ly tưởng của Hiến Pháp Philadelphia của Hoa Kỳ. Sau đây là những nét chính của Hiến Pháp trong thể chế chính trị và tổ chức hành pháp của Cộng Hòa Liên bang Hiệp Chủng Quốc:

Tổng Thống là Nguyên Thủ Quốc Gia và cũng là vị lãnh đạo hành pháp, được tuyển chọn do một ủy Ban Tuyển Cử, được thành lập với nhiệm vụ tuyển chọn Tổng Thống.
Cơ quan lập pháp gồm Lưỡng Viện Quốc Hội : Hạ Viện và Thượng Viện.Cả Hạ và Thượng Viện có nhiệm vụ như nhau, nhưng vai trò khác nhau trong lúc thi hành nhiệm vụ. Hạ Viện là viện các dân biểu , được tuyển chọn tùy theo tỷ lệ dân số của mỗi Tiểu bang.Thượng Viện là việc của các Thượng Nghị Sĩ.Mỗi Tiểu Bang đều có số Thượng Nghị sĩ như nhau, không phân biệt dân cư nhiều hay ít.

Cơ quan lập pháp được chia thành hai viện để tăng gấp đôi sự bảo đảm cho dân chúng hầu tránh những trường hợp lạm quyền, tham nhũng có thể xảy ra, người ta chỉ cần mua chuộc, đút lót... cho một viện Quốc Hội là đạt được ý đồ (by requiring the concurrence of two distinct bodies in schemes of usurpation or perfidy, where the ambition or corruption of one would therwise be sufficient ) Hiến Pháp Philadelphia quy định thể chế hành pháp là Tổng Thống Chế ( thay vì Đại Nghị Chế) là áp dụng triệt để nguyên tắc phân quyền: quyền Hành Pháp và quyền Lập Pháp được giao cho hai cơ quan tách biệt và độc lập, do thể thức bầu cữ của hai cơ quan cũng khác biệt nhau.Điều nầy cũng nói lên tính cách " không tùy thuộc" của Hành Pháp đối với Lập Pháp.

Cả hai cơ quan Hành Pháp và Lập Pháp đều được " chính danh hoá"(légitimation) trong việc hành xử quyền bính của mình, vì cả hai đều được tập thể quốc gia tuyển chọn, mặc dầu bằng thể thức khác nhau. Do đó sự cân bằng của hai quyền lực đã được hiến định dựa trên nguyên tắc"Đồng đẳng lưỡng cực chế"( dualismo paritario) Tổng Thống không có quyền giải tán Quốc Hội. Quốc Hội cũng không có quyền truất phế Chính Phủ, nếu không qua thể thức "Tố Giác"( impeachment) Tổng Thống. 

Để giữ mức cân bằng giữa Tổng Thống và Quốc Hội, Hiến Pháp qui định một cơ chế thứ ba: Tối Cao Pháp Viện, gồm các thành viện được Tổng Thống tuyển chọn và được Quốc Hội chấp thuận.Tối Cao Pháp Viện có nhiệm vụ giải quyết những tranh chấp ,bất đồng giữa Hành Pháp và Lập Pháp, cũng như giữa Quốc Gia Liên bang và các Tiểu bang thành viên. 

Nguyên tắc phân quyền ở Hoa Kỳ không những được tổ chức dưới hình thức thông thường , ai trong chúng ta cũng biết, đó là quyền lực quốc gia được phân chia ra thành các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, mà do thể chế chính trị Liên Bang các Tiểu Bang được dành cho nhiều quyền hành rộng rải và độc lập đối với các cơ cấu quyền lực trung ương.

Quyền lực quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ được phân chia theo chiều ngang ( Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp) và theo chiều dọc ( Quốc Hội, Chính Phủ ,Cơ quan Tư Pháp Liên Bang và các cơ cấu quyền lực tương tự ở các Tiểu Bang). Các cơ quan công quyền theo chiều dọc cũng như theo chiều ngang đều có lãnh vực rộng rãi tự lập trong quyền hạn và hổ tương nhau trong hành động. 

Một thể chế chính trị nhằm phân chia quyền lực như vậy, là phương thức hữu hiệu để tránh mọi nguy cơ độc tài do sự tập trung quyền lực quá đáng vào tay một cá nhân hay cơ quan. Hiện tượng độc tài trong thể chế quân chủ cũng như dân chủ, quá khứ cũng như hiện tại,không phải là điều hiếm xảy ra, nhất là ở các Quốc Gia theo Tổng Thống Chế tại Trung-Nam Mỹ, Phi cũng như Á Châu( Chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong bài "Đại Nghị Chế Bền Vững,Cộng Hoà Liên Bang Đức").

Thể thức phân chia quyền lực theo chiều ngang cả chiều dọc được GS Lucifredi, Viện Chính Trị Học Đại Học Milano (Ý) cho là một " phương thức lưu tâm khôn khéo tài tình"( una geniale escogitazione) của các vị sáng lập Liên bang Hoa Kỳ . Như chúng tôi đã có dịp đề cập trên, qua kinh nghiệm không mấy khích lệ của 6 năm chung sống sau ngày ký kết "Những Điều Khoản Thỏa Ước Liên Bang" năm 1777, nhiều đại biểu của Quốc Hội Lập Hiến Philadelphia, xác nhận được sự yếu kém của Chính Phủ Trung Ương,thấy cần phải thay đổi đường hướng: biến Chính Quyền trung Ương thành một tổ chức quyền thế, độc lập như một Tiểu Bang với quyền tối thượng thực sự.Có như vậy Quốc Gia Liên Bang mới bảo đảm được an ninh trong nội bộ và đồng thời có sức mạnh đối đầu với các cường quốc quân sự khổng lồ lúc đó như Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Ý thức được nhu cầu cần kiện toàn thêm quyền hành của Chính Phủ Trung Ương cũng như áp dụng nguyên tắc phân quyền theo chiều cao, các vị đại biểu đồng ý thêm vào những luật sẵn có của các Tiểu Bang, cần soạn thảo thêm những quy luật liên bang có liên hệ đến các tiểu bang, để cùng một lúc Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ có hai mức độ chính quyền. Mỗi Chính Quyền đều có quyền tối thượng trong lãnh vực của mình được Hiến Pháp minh định, hành xử trên cùng một lãnh thổ và cộng đoàn dân chúng
Tu Chính án thứ 9 của Hiến Pháp nêu rõ tinh thần vừa kể:
"Các quyền hạn mà Hiến Pháp không ủy thác cho Chính Phủ Liên Bang, hoặc không bị cấm đoán đối với các Tiểu Bang, quyền điều hành dành cho các Tiểu bang hay cho dân chúng" ( Điều 9, Hiến Pháp Philadelphia).

Và Tocqueville khi đặt chân lên đất Mỹ đã phải khâm phục cách thức tổ chức Liên bang của Hoa Kỳ.Theo ông, do việc phân tán quyền lực theo chiều dọc đến các Tiểu bang, Quốc Gia Hoa Kỳ đã thể hiện được tinh thần dân chủ đa nguyên, trong đó nhiều trung tâm quyền lực tự lập là yếu tố chính yếu tránh được sự tập trung quyền hành của giới cầm quyền và đồng thời thể hiện được sự bảo đảm chắc chắn cho tự do của người dân .

Hoa Kỳ đã tổ chức Quốc Gia qua một Chính Phủ Trung Ương, nhiều Chính Quyền ( 50) ở cấp Tiểu Bang và hàng trăm ngàn chính phủ khác biệt nhau về cơ cấu, thể thức hành quyền cũng như nhiệm vụ ở tỉnh, quận ( County), làng xã( Municipal), thôn ấp hay khu phố ( Townships). Cách tổ chức chính quyền dân chủ đa nguyên đó là bức tường ngăn chận chống lại những toan tính độc tài từ phía trung ương đến.Không một vị lãnh đạo nào, không một đảng phái nào có thể kiểm soát nổi tất cả các chính quyền địa phương đều khắp như vậy để thực hiện mưu đồ của mình được.

Thể chế Liên bang giữ vững được sự thống nhất Quốc Gia, không biến Quốc Gia thành "đồng nhất rập khuôn" ( identic) trong phương thức hành quyền. Các chính quyền địa phương sống sát với đời sống thực tế của dân chúng, thấy được nhu cầu địa phương để có thể can thiệp kịp thời, xác thực và hữu hiệu trong sứ mạng phục vụ người dân của Chính Phủ.

I I - Tổng Thống Chế

Vai trò của vị Tổng Thống Hoa Kỳ là kết quả của những giải quyết nhân nhượng dung hoà từ những đề nghị khác nhau của những vị đại biểu về hợp trong quốc Hội Lập Hiến Philadelphia. Tụư trung có bốn đề nghị khác nhau:

Đề nghị của Tiểu Bang Virginia: Quyền Hành Pháp hoàn toàn tùy thuộc vào Lập Pháp: Tổng Thống sẽ được Quốc Hội Liên Bang bầu ra và chỉ có một nhiệm kỳ duy nhất.
Đề nghị thứ hai: Quyền Hành Pháp được giao phó cho một Hội Đồng Lãnh Đạo, được các Tiểu Bang trực tiếp bầu ra.Đề nghị nầy bị các đại biểu phê bình là hình thức làm suy yếu quyền Hành Pháp và đặt Hành Pháp tùy thuộc vào Lập Pháp .
Đề nghị Hamilton: Nhiệm kỳ của Tổng Thống có giá trị suốt đời. Tổng Thống được tuyển chọn do một ủy Ban Tuyển Cữ Tổng Thống, được các Tiểu Bang lựa chọn.
Một đề nghị khác: Tách rời việc tuyển cữ Tổng Thống ra khỏi bất cứ liên hệ nào đối với Lập Pháp. Tổng Thống, vị lãnh đạo Hành Pháp có quyền hạn tương đương Vua của Anh Quốc.

Sau một thới gian bàn cải sôi nổi và 30 lần bỏ phiếu các vị trong Quốc Hội Lập Hiến đã chấp thuận đề nghị cuối cùng với một vài sửa đổi . Và đây là kết qủa của những lần bỏ phiếu đó, được ghi vào Hiến Pháp Philadelphia, làm nền tảng cho Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ trên hai thế kỷ nay:

1 - Nhiệm vụ của Tổng Thống

Nguyên Thủ Quốc Gia và lãnh đạo Hành Pháp.

Được một ủy Ban Tuyển Cử bầu lên. Nhờ đó vị Tổng Thống không tùy thuộc Lập Pháp và cũng không tùy thuộc trực tiếp vào khối đại chúng.

Ủy Ban Tuyển Cử được thành lập tùy theo luật pháp của mỗi Tiểu Bang. Ủy Ban Tuyển Cữ gồm có đại diện các Tiểu Bang. Mỗi Tiểu Bang được đưa vào ủy Ban Tuyển Cử một số cử tri đại diện tương ứng với số Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ mà Tiểu Bang đã cử vào Quốc Hội Liên Bang.

Về phía ứng viên: 

Kể từ năm 1800 đến 1820, việc tuyển chọn ứng cữ viên Tổng Thống được chọn lựa trong các phiên hợp Đại Hội các đảng phái.

Từ năm 1827 trở đi, ứng viên Tổng Thống do Đại Hội Đảng toàn quốc ( Party National Convention) lựa chọn.

2 - Bầu cử Tổng Thống

Tổng Thống có nhiệm kỳ 4 năm và được tái cử tối đa thêm một lần ( Tu Chính án thứ 22). Hamilton cho rằng nhiệm kỳ 4 năm là thời gian khá dài để Tổng Thống có đủ thời gian quy định và thực hiện chương trình chính trị của ông, cũng như dân chúng có đủ thời gian để nhìn thấy kết quả việc làm của hành pháp và đủ yếu tố để phán đoán.

Cũng vậy , trước viễn tượng có thể được tái cử, Tổng Thống được kích lệ để nổ lực hơn vào nhiệm vụ của mình hầu mang lại công ích . 

Điều kiện:

Công dân Hoa Kỳ từ khi sinh ra, ít nhứt 35 tuổi, cư ngụ trên lãnh thổ Hoa Kỳ ít nhứt từ 14 năm . 

Tiến trình tuyển cử:

Cuộc tuyển cử Tổng Thống bắt đầu bằng tiến trình tuyển chọn các cử tri tại các Tiểu Bang để về tham dự Đại Hội Đảng toàn quốc. Việc tuyển chọn số cử tri ở mổi Tiểu Bang tuỳ thuộc vào nội quy của Đảng. Đó là cuộc tuyển cử sơ khởi ( primary). 

Các cử tri của cuộc tuyển cử sơ khởi trong một Tiểu Bang hợp thành Ủy Ban Tuyển Cử Tri Đoàn của Tiểu Bang.Giữa các cử tri của Cử Tri Đoàn , một số cử tri sẽ được tuyển chọn đi dự Đại Hội Toàn Đảng Quốc ( Party National Convention). Các cử tri đi đự Đại Hội Đảng Toàn Quốc phải tuyên hứa với Cử Tri Đoàn của Tiểu Bang là họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên đã được Cử Tri Đoàn quyết định. 

Nomination

Trong số các cử tri về tham dự Đại Hội Đảng Toàn Quốc, Đại Hội sẽ lựa chọn hai ứng cử viên, một cho chức vụ Tổng Thống và một cho Phó Tổng Thống.

Tiến trình tuyển cử được diển tả đến đây là phần riêng tư, tuỳ thuộc hoàn toàn vào đảng quy và luật lệ các Tiểu Bang: Hiến Pháp không đá động gì đến. 

Với tiến trình vừa kể, chúng ta dã duyệt xét qua thể thức tuyển chọn ứng cử viên.

Về phía cử tri hợp thành ủy Ban Tuyển Cử Tổng Thống, Hiến Pháp xác định:

" Mỗi Tiểu Bang, tùy thuộc luật pháp của Tiểu bang mình, sẽ chọn một số cử tri, tương đương với số Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của mình ở Quốc Hội . Để chu toàn điều khoản trên, mỗi Tiểu Bang thành lập một Ủy Ban Tuyển Cử Tổng Thống của Tiểu Bang mình. Ban đầu Ủy Ban nầy do luật lệ của Tiểu Bang quyết định. Dần dần các Tiểu Bang bỏ thủ tục trên và tổ chức cuộc phổ thông đầu phiếu để chọn các cử tri đi tuyển cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống. 

Thể thức trên cho chúng ta có cảm tưởng là cuộc bầu cử Tổng Thống là một cuộc tuyển cử gián tiếp ( dân chúng bầu ra cử tri, sau đó cử tri đi bầu Tổng Thống), theo tinh thần hiến định nằm trong tâm thức của các vị sáng lập Hiến Pháp Philadelphia.

Trên thực tế, sự việc hoàn toàn không hẳn như vậy.Bởi lẽ các cử tri được bầu trong các cuộc phổ thông đầu phiếu đã đoan hứa với dân chúng là họ sẽ bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Thống mà dân chúng vùng đó muốn. Do đó cuộc bầu cử Tổng Thống gián tiếp, trên thực tế trở thành trực tiếp, bởi vì cử tri được chọn đi bỏ phiếu không có quyền bỏ phiếu cho ứng cử viên khác , ngoài ứng cử viên đã được dân chúng của vùng mình chỉ định.

Tổng số Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ là 538 người. Do đó số cử tri được các Tiểu Bang cử về hợp thành Ủy Ban Tuyển Cử Tổng Thống , theo điều khoản của Hiến Pháp vừa kể, cũng sẽ là 538 người.Từ đó, ứng cử viên Tổng Thống được đắc cử phải chiếm được đa số phiếu , ít nhứt là 270 phiếu ( đa số tuyệt đối).

Như trên đã nói, cử tri của các Tiểu Bang được cử về thành lập ủy Ban Tuyển Cử Tổng Thống, được chọn lựa qua cuộc phổ thông đầu phiếu ở cấp Tiểu Bang. Do đó, ứng cử viên nào chiếm được đa số cử tri của Tiểu bang, thì ứng cử viên đó sẽ đoạt tất cả các phiều mà Tiểu Bang sẽ dồn cho, theo tinh thần "người thắng cuộc đoạt hết"( winner takes all), và cũng theo luật pháp Liên Bang coi Tiểu Bang là một địa hạt duy nhứt ( ngoại trừ Tiểu Bang Maine và Nebraska).

Như vậy không có nghĩa là ứng cử viên nào thắng cử ở nhiều Tiểu bang, chắc chắn sẽ đắc cử Tổng Thống. Như chúng ta biết, mỗi Tiểu Bang có 2 Thượng Nghị Sĩ ở Quốc Hội, còn số Dân Biểu tùy thuộc vào số đông dân chúng. Do đó những Tiểu Bang to lớn mà các ứng cử viên thường gọi là "bảy Tiểu Bang bự" ( Big Seven): California, New York, Texas, Pennsylvania,Illinois, Ohio và Florida có rất niều số phiếu hơn các Tiểu Bang nhỏ , như Alaska chẳng hạn. 

3 - Quyền hạn của Tổng Thống

Với tư cách là Nguyên Thủ Quốc Gia, Tổng Thống tượng trưng cho sự hợp nhất của đất nước , nhưng không có quyền trên tất cả mọi thành phần, và có nhiệm vụ chính trong việc quy định đường hướng và tổ chức thực hiện chương trình chính trị cho Quốc Gia.

Tổng Tư Lệnh Quân Đội

Có quyền ban ân xá, ký các hiệp ước quốc tế, chỉ định các đại diện ngoại giao, chỉ định các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện và lựa chọn các công chức cao cấp . 

Với tư cách là ngưới lãnh đạo cơ quan Hành Pháp , Tổng Thống có nhiệm vụ hoạch định đường lối chính trị và tổ chức thực hiện. Để chu toàn nhiệm vụ trên, dưới tay Tổng Thống có một hệ thống hành chánh khổng lồ , được gọi là Văn Phòng Phủ Tổng Thống ( cabinet) . Văn Phòng Phủ Tổng Thống gồm 15 Tổng Thư Ký, tương đương với 15 Bộ Trưởng, mỗi người đặc trách một Bộ, được TổngThống lựa chọn và có trách nhiệm trực tiếp với Tổng Thống. Việc Tổng Thống tuyển chọn các Tổng Thư Ký đứng đầu mổi Bộ Phận Đặc Nhiệm phải được Quốc Hội chuẩn y.

Giữa Tổng Thống và các Bộ Đặc Nhiệm, cũng như sự liên quan giữa các Bộ với nhau, Hiến Pháp không xác nhận cơ quan nào có trách nhiệm phối hợp.Hiến Pháp chỉ nêu ra nguyên tắc:

"Tổng Thống có thể hỏi ý kiến bằng văn thư nhân viên đặc trách chính của các Bộ Đặc Nhiệm Hành Pháp.

Việc Hiến Pháp không xác định một cách rỏ rệt một cơ quan tổng quát đặc trách trực thuộc dưới quyền Tổng Thống, một mặt nói lên tính cách đồng nhất về chính trị của Hành Pháp( tất cả đều qui tóm về vai trò độc nhứt của Tổng Thống),nhưng đàng khác làm cho Văn Phòng Phủ TổngThống gặp khó khăn trong việc phối hợp hoạt động của các Bộ Đặc Nhiệm.

Ngoài 15 Tổng Thư Ký Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Tổng Thống cũng có quyền hạn rộng rãi trong việc chỉ định những nhân viên cao cấp của Hành Pháp trong nhiều lãnh vực khác nhau.Người ta ước đoán, mổi lần thay đổi Tổng Thống là có khoảng 2.000 nhân viên cao cấp trong các Bộ bị thay thế, nếu vị Tổng Thống không được tái bổ nhiệm.

Đối với cơ quan Lập Pháp, Tổng Thống không phải là Chủ Tịch ( Chủ Tịch của hai Viện Quốc Hội là : Chủ Tịch Thượng Viện và Chủ Tịch Hạ Viện). Nhiệm vụ Tổng Thống thỉnh thoảng sẽ loan báo cho Quốc Hội về tình trạng chung của Liên Bang và yêu cầu Quốc Hội cứu xét những chính sách mà ông cho là cần thiết Do Hiến Pháp quy định, chúng ta thấy Tổng Thống có nhiệm vụ:

- Báo cáo với Quốc Hội về tính hình đất nước.
- Triệu tập Quốc Hội trong những trường hợp đặc biệt.
- Xử dụng quyền phủ quyết đối với những dự án luật được Quốc Hội chuẩn y.

Quyền phủ quyết của Tổng Thống do Hiến Pháp quy định, nhằm kích thích Quốc Hội phải dốc hết tâm lực vào công việc của mình , cũng như để Tổng Thống có thể kiểm soát công việc và đường lối của Quốc Hội.

Dần dần, nhứt là sau nhiệm kỳ của Tổng Thống Wilson ( 1913 - 1921), Tổng Thống dùng hai quyền "Thông Báo" và "Phủ Quyết" do Hiến Pháp quy định, thành lợi khí và đòn bẩy để nới rộng quyền lực của mình nói riêng và của Hành Pháp nói chung. Hiện nay Tổng Thống trong những dịp "thỉnh thoảng" ( trong thực tế gần đây khá nhiều dịp, chớ không phải "thỉnh thoảng" nữa như Hiến Pháp đề cập), thông báo cho Quốc Hội về tình trạng đất nước, ông dùng quyền thông báo như những cơ hội nói lên chương trình và đường hướng chính trị của ông và của Chính Phủ do ông lãnh đạo. Với những phương tiện truyền thông tối tân hiện nay,đây cũng là dịp ông dùng để thuyết phục dân chúng về đường hướng chính trị và yêu cầu dân chúng ủng hộ ông, đặt Quốc Hội trong gọng kềm " trên đe dưới búa" ( trên dân chúng và dưới áp lực của Chính Phủ). Quốc Hội phải suy tư , gãi tai uốn lưỡi ba lần bảy lược trước khi từ chối. Trong lịch sữ, những bài tường trình, thông tin đầu tiên của Tổng Thống trước Quốc Hội rất tổng quát và không chứa đựng những hàm ý chính trị nào. Thậm chí Tổng Thống Jefferson ( 1801 - 1809 ) không muốn đọc bản tường trình của ông trước quốc Hội, để tránh " ảnh hưởng quá nhiều đến Quốc Hội" . Tổng Thống Wilson ( 1913 - 1921 ) , thời gian của Đệ I Thế Chiến ( 1914 - 1918 ) đã thân hành đứng ra tường trình và yêu cầu Quốc Hội cứu xét.
Hiện nay, như đã nói, Tổng Thống không những thân hành đứng ra trình bày, mà lựa chọn giờ nào dân chúng xem truyền hình đông nhứt để "thông báo" cho Quốc Hội (và dĩ nhiên là cho cả nước) .

Theo giáo sư Mortati, đại hoc Padova:
"Với hình thức đó, Tổng Thống thành công trong việc " vượt thoát " được trở ngại, do Hiến Pháp không quy định cho Tổng Thống quyền" có sáng kiến lập pháp" ( diritto di iniziativa legislativa) , để " gợi ý" cho Quốc Hội một cách chính thức các " dự án luật" mà ông cho là quan trọng và Quốc Hội phải đưa ra bàn cãi và chuẩn y. Dĩ nhiên về phương diện hình thức , do nguyên tắc hiến định Tổng Thống không quyền " có sáng kiến lập pháp", các dự án luật được Tổng Thống "mớm" cho Quốc Hội sẽ không được đem ra bàn cãi, nều không được một Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu "nhận lãnh" và tường trình cho Quốc Hội một cách chính thức .Nhưng với số Thượng và Hạ Nghị Sĩ ủng hộ bỏ phiếu trong việc đắc cữ Tổng Thống vừa qua( ít nhứt là 270 vị), việc tìm được một " bồ nhà" để trình bày chính sách của ông trong Quốc Hội không phải là việc khó làm. 

Quyền phủ quyết của Tổng Thống:
"Bất cứ dự án luật nào được Thượng và Hạ Viện chuẩn y, trước khi trở thành luật, phải được đệ trình lên Tổng Thống..." 

Nếu dự án trên được Tổng Thống đồng thuận chuẩn y sẽ trở thành luật.Nếu không, Tổng Thống có thể dùng quyền phủ quyết, dự án sẽ bị gởi trả lại cho Hạ Viện, nơi xuất xứ của dự án. 

Trong trường hợp bị phủ quyết, nếu muốn thắng được quyền phủ quyết của Tổng Thống, Quốc Hội phải hội đủ 2/3 tổng số phiếu Lưỡng Viện đồng thuận một lần nữa.Trường hợp nầy rất hiếm xảy ra, cũng có thể nói là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sữ Hoa Kỳ. Bởi vì Tổng Thống luôn luôn được ít nhứt 1/3 tổng số phiếu trong Quốc Hội ủng hộ. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng quyền phủ quyết của Tổng Thống không phải chỉ là quyền tiêu cực của Tổng thống đối với cơ quan Lập Pháp. Chỉ cần viển tượng Tổng Thống sẽ "bác bỏ" cũng đủ làm cho Quốc Hội tìm cách thay đổi dự án theo chiều hướng chính trị của Tổng Thống .Quyền phủ quyết của Tổng Thống trong những thới gian đầu của lịch sữ Liên Bang ít khi được dùng tới. Nhưng với tình hình xã hội, kinh tế của nội địa Hoa Kỳ đã thay đổi, cũng như tình hình "diển biến quốc tế" bắt buộc Hoa Kỳ phải có một trung tâm Hành Pháp hữu hiệu để đối phó kịp thời với nhu cầu. Vị thế của Tổng Thống càng ngày càng trở nên trung tâm quyền lực Quốc Gia, Tổng Thống không những là lãnh tụ của Hành Pháp mà còn đóng vai trò tích cực trong cả cơ quan Lập Pháp với quyền "thông báo" và "phủ quyết" đã được Hiến Pháp quy định. Vai trò tích cực đó đã được thể hiện càng ngày càng rỏ rệt nhứt là trong các nhiệm kỳ của Tổng Thống Wilson ( 1913 - 1921 ), Franklin D. Roosevelt( 1933 - 1945 ) , tức là hai thời kỳ của Đệ I và Đệ II Thế Chiến ( 1914 - 1918 và 1939 - 1945 ). Một ví dụ điển hình là Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã trở thành động lực tích cực của Lập Pháp trong khóa hợp của Quốc Hội từ 9.3.1933 đến 16.6.1933, được mệnh danh là phiên hợp "100 ngày", Tổng Thống Roosevelt đã đưa ra một loạt những dự án quan trọng để đương đầu với "tính thế khẩn cấp quốc gia"( Emergency Banking Act), để tân trang lại kỷ nghệ, phát triển lại công chánh, giải quyết thất nghiệp và cứu nguy tình trạng nguy cấp của Thị Trường Chứng Khoán Wall street năm 1929.

4 - Chính đảng và Tổng Thống.

Sự cân bằng quyền lực giữa những cơ quan phân biệt của Quốc Gia bị ảnh hưởng không những từ những nhân vật chính ( Tổng Thống, Quốc Hội ), mà còn của từ những yếu tố định chế, như các chính đảng.

Hai chính đảng của Hoa Kỳ là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà có thể tạo ra những mối tương quan ảnh hưởng giữa hành Pháp và lập Pháp như sau: 

Cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp đều do một chính đảng kiểm soát (party government ).Chính đảng của Tổng Thống chỉ kiểm soát được một trong hai Viện Quốc Hội ( truncated majority).

Quốc Hội và Tổng Thống thuộc hai chính đảng đối lập nhau ( divided government ).

Một trong những nhược điểm của Hiến Pháp Hoa Kỳ là hiến Pháp không ấn đinh cơ quan hiến định nào điều giải những bế tắc giữa các cơ quan quyền lực Quốc Gia ( Lập Pháp và Hành Pháp). Ví dụ Hiến Pháp không ấn định rõ ràng trong trường hợp bị bế tắc, cơ quan hiến định nào có thể tổ chức bỏ phiếu trước định kỳ để giải quyết.

Trái lại, theo Hiến Pháp cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp, không cơ quan nào được quyền "bất tín nhiệm " cơ quan kia.Và cũng không có điều khoản nào tiên liệu việc bỏ phiếu trước định kỳ. Do đó cả Quốc Hội lẫn Tổng Thống đều giữ nhiệm vụ cho đến mãn hạn kỳ.

Thủ tục " Tố giác" ( impeachment) Tổng Thống được Hiến Pháp ấn định chỉ trong trường hợp:

"Can tội phản quốc, hợp tác với kẻ thù hoặc những trọng tội khác" .

Nhưng cái may của Liên Bang Hoa Kỳ là cách tổ chức các chính đảng. Trong trường hợp đụng chạm nhau giữa các cơ quan quyền lực do hai trường hợp cuối cùng kể trên ( truncated majority và divided government), các chính đảng giữ vai trò liên kết và hoà giải giữa hai cơ quan quyền lực . Như đã trình bày trên,trong các Tiểu Bang của Hoa Kỳ hiện nay có 13 Tiểu Bang là cựu thuộc địa Anh Quốc đã hiện hữu trước khi hợp lại thành Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ. Mặc dầu hợp lại để thành lập Quốc Gia Liên Bang, các Tiểu Bang ( kể cả các Tiểu Bang mới ) vẫn giữ tư cách tự trị của mình và Hiến Pháp vẫn chấp nhận quyền độc lập tối thượng của mỗi Tiểu Bang. Cùng với tinh thần đo , mặc dù các cơ sở của các chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có mặt trên khắp các Tiểu Bang, mỗi cơ sở đảng ở mỗi Tiểu Bang được coi như là những cơ sở tự trị. Mỗi cơ sở coi việc thắng cữ của họ ở địa phương quan trọng hơn cả việc việc thắng cữ trên toàn quốc. Do đó, mỗi Dân Biểu hay Thượng Nghị Sĩ ở Quốc Hội được coi là những tiểu vũ trụ, không liên hệ mấy với đảng phái và từ trung ương, đảng khó lòng mà điều khiển họ được.

Do đó ngay cả trong trường hợp Hành Pháp và Lập Pháp do hai đảng đối lập kiểm soát ( divided government),việc đụng chạm ý thức hệ chưa bao giờ trở thành " chạm trán" để làm tê liệt việc hành xử quyền lực quốc gia .Trên phương thức thực hành , mỗi 4 năm ở tầm vóc quốc gia các chính đảng tổ chức quy tụ lực lượng để bỏ phiếu chiếm ghế Tổng Thống, nhưng trên thực tế chính đảng ở Hoa Kỳ chỉ là một tập hợp liên kết nhiều đảng nhỏ tự trị từ các Tiểu Bang .Một kinh nghiệm minh chứng cho tư tưởng của GS Hahn: trong cuộc bầu cữ 1960, các vị lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Tiểu bang Alabama và Mississipi, bất tuân lệnh của trung ương đảng, không bỏ phiếu cho " gà nhà" Kennedy, sợ Kennedy chẳng may trúng cữ có thể hổ trợ cho các phong trào đòi nhân quyền. 

I I I - Quốc Hội

Ước vọng của các vị soạn thảo Hiến Pháp Philadelphia là đặt trung tâm quyền lực Quốc Gia vào Quốc Hội. 

Quốc Hội hay cơ quan Lập Pháp được dân chúng bầu cử trực tiếp, có liên hệ chặt chẽ với dân, hiểu đời sống và nhu cầu của dân, nên luật lệ do Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội " Chuẩn y hay Bác bỏ" hay "Lập pháp", tức là "đồng thuận cho luật pháp ra đời" , đáp ứng thiết thực ước vọng của người dân.

Trái lại, Tổng Thống được một Ủy Ban Tuyển Cử lựa chọn, không có liên hệ trực tiếp với dân chúng. Tổng Thống và cơ quan Hành Pháp của ông chỉ thực hiện những gì luật pháp ( do Quốc Hội " lập" ra) định sẳn ( ít nhứt là trên nguyên tắc). Và vì không liên hệ trực tiếp với dân, nên những gì Hành Pháp thực hiện, không bị lệ thuộc, ảnh hưởng, ý kiến của dân chúng làm cho thay đổi. Ước vọng trên của các vị được Hiến Pháp ghi lại:
" Tất cả mọi quyền lập pháp... được giao cho Quốc Hội Liên Bang, gồm có một Thượng Viện và một Hạ Viện của các Dân Biểu" ( Điều 1, khoản 1 Hiến Pháp Philadelphia).

Ý kiến chung của các vị soạn thảo Hiến Pháp Philadelphia đều đồng thuận cho rằng quyền Lập Pháp phải được coi là uy quyền chính yếu trong quyền lực quốc gia đối với Hành Pháp. Đàng khác giải pháp Lưỡng Viện Quốc Hội là giải pháp dung hòa đối với những xung khắc giữa các Tiểu Bang lớn và các Tiểu bang nhỏ.Thật vậy, Hiến Pháp Philadelphia quy định rằng ở Hạ Viện mỗi Tiểu Bang được một số Dân Biểu tùy tỷ lệ dân số của Tiểu Bang mình ( Điều 1, khỏan III), theo ý muốn của các Tiểu Bang đông dân cư. Trái lại, ở Thượng Viện mỗi Tiểu bang đều có một số Thượng Nghị Sĩ ngang nhau, không kể dân số ít nhiều, theo nguyện vọng của các Tiểu Bang có ít dân ( Điều 1, id.) . Chính hệ thống Lưỡng Viện Quốc Hội và hệ thống tổ chức Quốc Gia theo Liên Bang, cũng như vai trò và cơ cấu theo hình thức Liên Bang của các chính đảng làm cho mối liên hệ giữa Hành Pháp và Lập Pháp có tính cách co giản , tránh được những cuộc " chạm trán" cứng rắn làm tê liệt guồng máy quyền lực quốc gia.

Mặc dầu cả hai viện đều thuộc cơ quan Lập Pháp và địa vị của cả hai đều " Lập Pháp" và ngang nhau, nhưng vai trò khác nhau trong việc chu toàn nhiệm vụ của mình "chuẩn y hay bác bỏ". Hạ Viện là ngành Lập Pháp của đại chúng ( popular branch) : được bầu ra do phổ thông đầu phiếu và theo tỷ lệ số đông dân chúng, nên đại diện cho toàn dân. Trái lại, Thượng Viện là cơ quan đại diện cho Tiểu Bang, bênh vực quyền tối thượng trự trị và những lợi thế khác của Tiểu Bang . Các dự án luật , trước hết, phải được cả hai viện chấp thuận , sau đó mới được đệ trình lên Tổng Thống để phê chuẩn và trở thành luật để được Hành Pháp đem ra thi hành.

Và sau đây là một số quyền hạn được Hiến Pháp quy định cho viện nầy hay viện khác:
Dự án về ngân sách quốc gia ( Money Bills) được giao cho Hạ Viện cưú xét, mặc dù Thượng Viện có quyền thêm bớt bằng các Tu Chính án ( Điều l , khoản VII).

Thượng Viện có độc quyền phê chuẩn các dự án về chính sách ngoại giao và kiểm soát việc chỉ định nhân viên công quyền của Tổng Thống. Trường hợp "tố giác" đối với bất cứ nhân viên công quyền nào ( Tổng Thống, Phó Tổng Thống, các thành viên của Phủ Tổng Thống...) can tội: phản bội quốc gia, hợp tác với kẻ thù hay can dự vào các trọng tội nào khác, sẽ bị chính Hạ Viện bắt đầu thủ tục " tố giác" ( Điều 2,7).Trong khi phần kết án được giao cho Thượng Viện ( Điều 1, khoản III,4). Trong trường hợp bị buộc tội, phạm nhân bị cất chức khỏi nhiệm sở, bị cấm không được đảm nhiệm bất cứ chức vị danh dự, tín nhiệm nào khác, cũng như không được trả bất cứ một khoản lương bổng nào. Ngoài ra có thể bị đưa ra tòa và bị xét xử theo luật pháp.( Điều 9, khoản III,7).

1 - Hạ Viện ( U.S. House of Representatives )

Hạ Viện là một cơ chế to lớn, với 435 Dân Biểu, được phân chia theo tỷ lệ dân số trong các Tiểu Bang. Con số 435 là con số được đạo luật Liên Bang năm 1929 xác định. Con số trên được chia đồng đều cho các Tiểu Bang theo tỷ lệ dân chúng. Số dân cư sẽ được quy định do cuộc kiểm tra dân số cứ 10 năm một lần. Và con số Dân Biểu trên sẽ được phân chia lại cho các Tiểu Bang do kết quả của cuộc kiểm tra dân số mới nhứt . Đối với các Tiểu Bang qúa bé nhỏ, tuy không đạt được chỉ số tối thiểu ( 550.000 dân), cũng được một Dân Biểu.

Hạ Viện có nhiệm kỳ là 2 năm, theo thể thức bầu cữ đơn vị đơn danh và đa số tuyệt đối ( 50% +1 phiếu ).

Muốn ứng cữ vào Hạ Viện phải là công dân của Hoa Kỳ, không bị mất quyền công dân , phải có thời gian cư trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ tối thiểu là 7 năm, hiện đang cư trú trong Tiểu Bang mình muốn ra ứng cữ và có ít nhứt 25 tuổi.

Đạo luật " Voting Rights Act" năm 1965 cấm tất cả mọi kỳ thị chủng tộc, cũng như bất chấp tình trạng trước đây là nô lệ ( còn hiện hành đến lúc đó ở một vài Tiểu Bang miền Nam).Đạo luật nầy mở rộng cho số cữ tri người Mỹ gốc Phi Châu.

Mới đây một đạo luật khác hạ xuống 18 tuổi cho cử tri có quyền đi bỏ phiếu. Đạo luật nhằm tăng số cử tri đáng kể ở các khuôn viên đại học với số cử tri sinh viên.

Chọn lối bầu cử đơn danh cho mỗi địa phương, mỗi Tiểu bang được phân chia thành nhiều đơn vị tuyển cử khác nhau. Việc phân chia Tiểu Bang thành nhiều đơn vị tuyển cử không do Hiến Pháp quy định.Mổi Tiểu bang tự phân chia theo luật lệ cũng như theo cách tổ chức tuyển cử của mình.

Với nguyên tắc mỗi người một lá phiếu, các khu vực tuyển cử của Tiểu Bang phải được phân chia cách nào để có số dân cư đồng đều. Cho dù theo nguyên tắc trên, việc phân chia Tiểu Bang thành đơn vị tuyển cử cũng không tránh khỏi hiện tượng " thiên vị" hay "hiện tượng Gerry"( Gerry, tên của Thống Đốc Masschusetts, năm 1812 phân chia ranh giới khu vực bầu cử có lợi cho mình). Bởi đó nhiều việc phân chia được sắp xếp để có lợi cho một đảng phái hay ứng cử viên . Với tư tưởng cần phải có mối liên hệ mật thiết giữa dân chúng và Dân Biểu, để các vị được thông báo về mọi nhu cầu của dân chúng , nhờ đó thể theo sát mọi vấn đề địa phương , phục vụ cho lợi ích của dân chúng một cách đắc lực và thiết thực hơn, các vị soạn thảo Hiến Pháp Philadelphia quyết định nhiệm kỳ của Dân Biểu chỉ được kéo dài tối đa 2 năm thôi. Với nhiệm kỳ quá ngắn như vậy , Hạ Viện có thể ở trong tình trạng bấp bênh và suy yếu. Nhưng trên thực tế , viễn tượng vừa kể hầu như luôn luôn được bù đấp bằng yếu tố tại chức( incombency factor) của các vị tái ứng cữ. Trên 90% các vị tái ứng cử đều được chọn, do vị thế tại chức của các vị đó.

Vị Dân Biểu đơn danh được tuyển chọn tại địa phương, nên dân chúng có cơ hội quan sát và theo dõi việc làm của người được chọn. Đồng thời là Dân Biểu đương nhiệm nên họ không bỏ lỡ cơ hội đề làm cho uy tín cá nhân mình được nổi bật trong những việt tiếp xúc với cữ tri của mình. Do đó vị Dân Biểu đương nhiệm được cử tri dồn phiếu cho một cách dễ dàng Cũng do truyền thống đó, nhiều khu vực được coi là lãnh thổ " độc tôn" cha truyền con nối của một chính đảng; ứng viên đối lập khó mà chen chân vào được.

2 - Thượng Viện ( U.S. Senate )

Các vị soạn thảo, trong phiên hợp Quốc Hội Lập Hiến, đã loại bỏ đề nghị của Tiểu Bang Virginia ( Virginia Plan), theo đó thì nên để cho Hạ Viện bầu ra Thượng Viện. Các vị cho rằng như vậy thành ra Thượng Viện tùy thuộc Hạ Viện.
Sau những lần bàn cãi, các thành viên Quốc Hội Lập Hiến đồng ý để Thượng Viện cũng là một Viện Lập Pháp, nơi đó mỗi Tiểu Bang biểu tượng được tính cách "tối thượng"( sovranity) của mình. Thượng Viện được mô tả như là cơ quan đại diên chính yếu cho quyền lợi địa phương của các Tiểu Bang. George Mason, một đại biểu trong Quốc Hội Lập Hiến cho rằng:
" Cách quan niệm về thể thức bầu cử Thượng Viện như ở trên, diễn tả một cách mạch lạc quan niệm về vấn đề tránh việc tập trung quá mức quyền lực vào trung ương. Bởi vì làm như vậy, các Tiểu Bang có phương thế để bênh vực quyền lợi của mình, chống lại những lạm quyền có thể xảy ra tại trung ương" . 

Do đó, Thượng Viện có nhiệm vụ chính yếu là bênh vực quyền lợi địa phương các Tiểu Bang tại chính quyền trung ương. 

Tu chính án thứ 18 được chấp thuận năm 1913, nói lên tính cách dân chủ hơn của các thượng Nghị Sĩ. Các Thượng Nghị Sĩ sẽ được chọn lựa trong các cuộc tuyển cử trực tiếp ở các Tiểu Bang.

Cuộc bầu cữ Thượng Nghị Sĩ ở các Tiểu Bang chỉ có một đơn vị duy nhất cho mỗi Tiểu Bang. Cuộc tuyển cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu, ứng cử theo đơn danh và người đắc cử phải hội được đa số tuyệt đối. Để nói lên tính cách bền vững của Thượng Viện nhiệm kỳ của Thượng Nghị Sĩ kéo dài 6 năm, lâu hơn nhiệm kỳ của Dân Biểu ( 2 năm). Và như Hiến Pháp quy định, mổi Tiểu Bang có 2 Thượng Nghị Sĩ ở Quốc Hội. Như vậy Tiểu Bang phải sắp xếp thế nào cho năm bầu cử chỉ trùng hợp với thời gian mãn nhiệm của một trong hai vị Thượng Nghị Sĩ. Như vậy cứ 2 năm có một cuộc bầu cử lại để canh tân 1/3 số nghị sĩ tại Thượng Viện.

Muốn ứng cử vào thượng Viện, ứng viên phải là công dân Hoa Kỳ, chưa mất quyền công dân, phải có ít nhứt là 30 tuổi, cư ngụ ít nhứt 9 năm trong lãnh thổ Hoa Kỳ và phải đang cư ngụ trong Tiểu Bang mà mình muốn đại diện.( Điều 1, khoản III,3 Hiến Pháp Philadelphia).

Thượng Viện có 100 Thượng Nghị Sĩ ( 2 cho mỗi Tiểu Bang , 50 Tiểu Bang) . Mỗi Tiểu bang có 2 Thượng Nghị Sĩ, không kể số dân ít hay nhiều ( Alaska, Wyoming có dưới 1 triệu dân, trong khi đó California, New York có trên 20 triệu dân).

Thượng Viện là cơ quan Lập Pháp có tính cách ưu tú ( élite), vì Hiến Pháp quy định cho Thượng Viện những trách vụ ở những trọng điểm chiến lược của Quốc Gia: chính sách đối ngoại, chấp thuận hay bác bỏ việc chỉ định các nhân viên cao cấp của hành Pháp do Tổng Thống lựa chọn như các Tổng Thư Ký Văn Phòng Phủ Tổng Thống, các Thẩm Phán của Tối Cao Pháp Viện ( Fabbrini, op.cit. p.59).

Các thỏa ước quốc tế được Hiến Pháp giao cho Tổng Thống ký kết, nhưng trước khi có hiệu lực phải được Thượng Viện phê chuẩn với 2/3 tổng số phiếu. Điều đó cho thấy nguyên tắc luật pháp Liên Bang tôn trọng quyền lợi các Tiểu Bang, mà Thượng Viện là cơ quan đại diện. Các Tiểu Bang không có quyền hạn trong lãnh vực đối ngoại, nhưng cho đến khi Thượng Viện, cơ quan đại diện của các Tiểu Bang chưa đồng ý, các Tiểu Bang không có một bó buộc nào đối với những thỏa ước mà Chính Quyền Trung Ương đã ký kết. 

Cũng vậy, cho dù Tổng Thống có quyền lựa chọn các cộng sự viên cao cấp của ông, nhưng việc lựa chọn phải được Thượng Viện chấp thuận. Quyền chấp thuận hay bác bỏ của thượng Viện bắt buộc Tổng Thống phải chọn người trổi vượt về khả năng cũng như đức độ.

Trước tình thế mới ở quốc nội cũng như trên chính trường quốc tế, để đối phó kịp thời và hữu hiệu với những tình trạng nhiều lúc khẩn cấp, Tổng Thống cần có vị thế trọng tâm trong việc điều hành quyền lực đất nước. Do đó, nhứt là trong những năm gần đây, Tổng Thống luôn luôn tìm cách nới rộng quyền Hành Pháp bằng khả năng"Thông tin" và "Phủ quyết". Hoàn cảnh vừa kể thường tạo ra đụng chạm giữa cơ quan Lập Pháp và Hành Pháp, lắm lúc thúc đẩy một viện Quốc Hội tỏ thái độ ( thân thiện hay chống đối) đối với Hành Pháp, nhứt là trong trường hợp " Truncated majority". Để thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu, Quốc Hội dần dần cũng tìm cách thay đổi vị thế của mình. Từ vị thế điều khiển "chuẩn y hay bác bỏ " để bắt Hành Pháp hàng động theo ý mình, Quốc Hội có khuynh hướng kiểm soát , trông coi ( supervision) và trở thành cơ cấu "đối thoại" có khả năng sửa đổi, hoàn hảo hoá các dự án của Hành Pháp vì lợi ích của Quốc Gia, chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới dùng đến quyền phủ quyết.

IV - Chính Quyền Tiểu Bang và Chính Quyền Địa Phương.

1 - Chính Quyền Địa Phương

Thoáng nhìn qua chúng ta sẽ thấy rằng phương thức tổ chức tuyển cử ở các Tiểu Bang hầu như đồng nhứt như nhau, nhưng hình thức các Chính Quyền rất khác biệt , nhứt là Chính Quyền ở cấp địa phương.

Hiến Pháp Liên Bang chỉ nhìn nhận hai đẳng cấp Chính Quyền có quyền tối thượng: Chính Quyền Trung Ương và Chính Quyền Tiểu Bang. Còn Chính Quyền ở cấp địa phương như thành phố, quận, tỉnh( Township, Municipal, County) không được Hiến Pháp đề cập vì coi đó thuộc quyền độc lập của các Tiểu Bang.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang Iowa, năm 1868 với bản án "Dillon's Rule" quyết định như sau trong việc giải quyết sự bất đồng giữa Chính Quyền Tiểu Bang và Chính Quyền Địa Phương:
" Bất cứ mối nghi ngờ nào liên quan đến sự hiện hữu của quyền hành đều được giải quyết chống lại Chính Quyền làng xã và Chính Quyền làng xã phải được coi là bị bãi bỏ".Và cũng do bản án ngột ngạt đó mà nhiều người coi Chính Quyền Địa Phương ở cấp tỉnh, quận, làng xã, khu phố hay thôn ấp chỉ là con đẻ của Chính Quyền Tiểu Bang .
Điều đó có nghĩa là Chính Quyền Địa Phương chỉ biết nhận lãnh chỉ thị và thi hành. Nhiều khi Chính Quyền Tiểu Bang ra cả "luật đặc biệt" , tức là những chỉ thị riêng tư nhằm sai bảo đích danh từng Chính Quyền Địa Phương một phải thi hành. 

Trước tình trạng ngột ngạt đó, " Phong Trào Canh Tân Cấp Tiến"( Progressive Reform Movement) được thành lập, nhằm canh tân Hiến Pháp các Tiểu Bang trong phần liên hệ đến Chính Quyền Tiểu Bang và Chính Quyền Địa Phương, giới hạn các Dân Biểu Quốc Hội Tiểu Bang trong việc xen vào công việc của Chính Quyền Địa Phương, bằng cách không cho họ ra luật " đặc biệt" nữa. Nhờ đó, các Tiểu Bang bắt đầu thêm vào luật của Tiểu Bang những điều khoản " lệ nhà", tương đương với thành ngữ " Phép vua thua lệ làng" của chúng ta, theo đó thì các cộng đồng địa phương có quyền soạn thảo, sửa đổi , áp dụng những nội quy địa phương, cững như Chính Quyền Địa Phương được hành xử quyền bính rộng rãi, trong đường hướng của Hiến Pháp Liên bang và luật lệ tổng quát của Tiểu Bang. Cộng đồng địa phương cũng có quyền chọn hình thức nào thích hợp nhứt cho địa phương mình. 

Nhưng hiện tại, "lệ nhà"( Home Rule) , mỗi khi có đụng chạm đến Chính Quyền Tiểu Bang đều không được điều khoản nào của Hiến Pháp bênh vực, nên tựu trung còn phải nương dựa vào luật pháp của Tiểu Bang.Do đó mà tình trạng Chính Quyền Địa Phương vẫn còn tùy thuộc vào Chính Quyền Tiểu Bang.

Dù sao đi nữa thì muôn vàn hình thức Chính Quyền Địa Phương cũng đáp ứng lại một cách hữu hiệu và xác thực nhu cầu dân chúng tại địa phương, mặc dầu còn bị nhiều ràng buộc và giới hạn. 

2 - Chính Quyền Tiểu Bang.

Các Tiểu Bang có tiến trình tuyển cử gần như rập khuôn nhau: theo đa số tuyệt đối, đơn vị tuyển cử đơn danh và chỉ bỏ phiều một lần. 

Cách tổ chức quyền hành cũng rất giống nhau.

a -Hành Pháp

Chúng ta có thể dựa vào vai trò của vị Thống Đốc ( Governator) để phân loại Hành Pháp các Tiểu Bang.
- Hệ thống Thống Đốc yếu ( Weak Governator System).
- Hệ thống Thống Đốc mạnh ( Strong Governator System). 

Trong hệ thống Thống Đốc yếu( Weak) vị Thống Đốc điều hành quyền Hành Pháp cùng với những "quản trị viên"( administrator) khác, không do ông chỉ định mà do phổ thông đầu phiếu trong Tiểu Bang tuyển chọn, hay do một Ủy Ban Tuyển Cử bỏ phiếu cho. Số " quản trị viên" thay đổi tùy từng Tiểu Bang ( thường thì Phó Thống Đốc có trách nhiệm về tài chánh, tư pháp và giáo dục bên cạnh vị Thống Đốc).

Các " quản trị viên" độc lập trong phân bộ của mình đối với Thống Đốc, cũng như đối với những vị đặc trách ở các phân bộ khác. Thống Đốc không có quyền truất phế họ, vì họ không do ông chọn ra mà do dân bầu lên để đặc trách phân bộ của họ. Do đó giữa họ và Thống Đốc không có việc phối hợp để trở thành một cơ quan Hành Pháp chung nhiệm. 

Các " quản trị viên" có thể ứng cử với tư cách độc lập hay họ có thể thuộc đảng phái đối lập với Thống Đốc.

Nếu hình thức Chính Quyền với Thống Đốc yếu thì toàn thể Chính Quyền không có được tư thế mạnh để hành động . Trái lại các " quản trị viên" là những người được trực tiếp chọn lựa để quản trị phân bộ của họ, do khả năng chuyên môn mà dân chúng biết. Họ chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân chúng. Như vậy tránh được tình trạng các phân bộ bị khuynh đảo do việc các đảng phái hay phe nhóm đưa đảng viên hay người thân tín vào để trục lợi riêng tư, bè đảng.

Trái lại trong hình thức Thống Đốc mạnh ( Strong) thì chỉ có vị Thống Đốc là được trực tiếp tuyển chọn. Sau đó chính ông có nhiệm vụ lựa chọn hay cách chức các viên chức thuộc đội ngủ ( Staff ) của ông, để hợp thành cơ quan Hành Pháp do ông đứng đầu. Nhiều Tiểu Bang bắt chước cách tổ chức của Liên Bang để tổ chức hệ thống Thống Đốc mạnh: tập trung quyền hành và trách nhiệm vào cá nhân vị Thống Đốc.người có nhiệm vụ điều khiển và kiểm soát Chính Quyền Tiểu Bang. 

b - Lập Pháp

Cơ quan Lập Pháp gồm Lưỡng Viện, cũng với thể thức bầu cử đơn vị tuyển cử đơn danh và đa số tuyệt đối.

Thượng Viện và Hạ Viện ( Tiểu Bang ) đều có số Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu thay đổi tùy Tiểu Bang. Cách chung Thương Viện có số Thượng Nghị Sĩ ít hơn số Dân Biểu ở Hạ Viện. Thượng Viện ở Alaska có 20 Thượng Nghị Sĩ, Minnesota có 67. Hạ Viện có nhiều Dân Biểu hơn : Alaska và Nevada có 40 Dân Biểu, New Hampshire có 400. Ở nhiều Tiểu Bang Dân Biểu có nhiệm kỳ 2 năm, còn Thượng Nghị sĩ 4 năm.

Bài liên quan:

- Vài nét về Hiến pháp Mỹ (Hà Văn Thịnh - BoxitVN).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter