Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Chuyên gia không quân Liên Xô tham gia chiến tranh Việt Nam

Chuyến công tác  tại Việt Nam
             
Đại tá Viktor Kuznetsov
Nguồn:
vnmilitaryhistory.net
Kichbu posted on 17.01.2013



 

Đầu năm 1975, tôi phục vụ với cấp bậc thượng úy tại trung đoàn tiêm kích Mukatchevskii. Trung đoàn này, được trang bị vào thời điểm đó các máy bay MiG-21SMT (kiểu "50"-1971), là một trong những loại máy bay chủ lực của Lực lượng Không quân Xô viết. Biên chế tổ chức đội ngũ của nó dự kiến có bộ phận thứ hai - các phi công và chuyên viên kỹ thuật, được đào tạo, như hồi đó người ta nói, "để thực hiện nhiệm vụ quốc tế ngoài biên giới quốc gia Liên Xô". Tôi thuộc biên chế bộ phận thứ hai với tư cách một chuyên gia thiết bị hàng không của máy bay MiG-21 và nóng lòng trông đợi chuyến công tác đặc biệt đầu tiên của mình ở một trong các quốc gia nước ngoài. Vòng quay số phận của tôi cho tôi cơ hội tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

MiG-21SMT.

Đến Bắc Việt Nam vào tháng Hai, tôi thuộc nhóm các chuyên gia Liên Xô về MiG-21. Vào thời điểm đó mẫu máy bay tiên tiến nhất của loại máy bay này của Bắc Việt Nam là MiG-21 PFM. Những chiếc "Hai mươi mốt" đầu tiên được trang bị cho hai trung đoàn, đóng căn cứ tại các sân bay: Nội Bài gần Hà Nội và Kép cách thủ đô 80 km. Nhóm của chúng tôi khoảng 18-22 người. Số lượng có thay đổi, tăng lên khi Việt Nam yêu cầu phi công bổ sung, hoặc giảm khi một người nào đó đã hoàn thành thời hạn làm việc quy định theo hợp đồng và bay về Liên bang. Ngoài các phi công, nhóm bao gồm bốn kỹ sư (về máy bay và động cơ (SD-СД), về vũ khí, về thiết bị hàng không (AO-AO), về thiết bị vô tuyến và vô tuyến điện tử (радио- и радиоэлектронному оборудованию), 4 nhóm trưởng công tác bảo trì thường xuyên, và bốn đến năm chuyên gia của nhà máy "Ngọn cờ Lao động", những người làm công tác hoàn thiện các chiếc MiG theo các chỉ thị gửi đến. Lãnh đạo nhóm trực tiếp là trung tá Tsvetkov (Phó trung đoàn trưởng về huấn luyện bay từ Tiraspol tới). Lãnh đạo chung các chuyên gia hàng không Liên Xô tại Việt Nam là thiếu tướng Obmelyukhin - Cố vấn Tư lệnh Không quân VNDCCH. Chúng tôi đảm bảo cho các chuyến bay của MiG-21 từ cả hai sân bay. Chúng tôi sống trực tiếp tại các căn cứ không quân trong các căn nhà cấu trúc nhẹ, gợi nhớ đến các bungalow. Phía Việt Nam hạn chế sự đi lại của chúng tôi trên lãnh địa căn cứ - đi lại có tổ chức và người đi kèm. "Các chủ nhà mến khách" đã phải quan tâm đặc biệt đến nhóm: hầu như tất cả mọi người mà chúng tôi giao tiếp (các phiên dịch, nhân viên phục vụ, nhân viên kỹ thuật, v.v.), đều phải báo cáo bằng văn bản về hoạt động của chúng tôi.

Ngoài chúng tôi, tại Việt Nam còn có các nhóm chuyên gia Liên Xô khác. Nhưng chúng tôi chỉ thấy họ ở Hà Nội, khi đến đại sứ quán báo cáo hàng tháng. Để công bằng phải nói rằng chúng tôi chịu trách nhiệm không chỉ về công việc.

Không quân Việt Nam cũng được trang bị tiêm kích MiG-19 (J-6), chế tạo tại Trung Quốc và MiG-17 chế tạo tại Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các đơn vị trang bị các máy bay này chỉ có các chuyên gia Trung Quốc làm việc. Mặc dù thái độ đối với chúng ta là hoàn toàn bình thường, nhưng lập tức ta cảm thấy VNDCCH trong thời kỳ đó còn dựa nhiều vào người láng giềng phương bắc của mình. Khoa học Quân sự của Trung Quốc được đánh giá cao hơn của Liên Xô. Ưu tiên được trao cho các phi công và kỹ sư được Trung Quốc giáo dục.

Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là đào tạo việc khai thác hoạt động đúng đắn và sửa chữa bảo trì MiG-21. Đồng thời chúng tôi không có quyền yêu cầu tiến hành bất kỳ công việc nào mà chỉ đưa ra các khuyến nghị, còn họ có tính đến nó hay không đó là quyết định của người Việt Nam. Tại Liên bang, tôi có thể cấm máy bay cất cánh, nếu chiếc máy bay đó không thực hiện các công việc bảo trì theo quy định. Ở đây tôi không thể làm điều đó. Việc chuẩn bị cho máy bay cất cánh không bao gồm trong trách nhiệm của chúng tôi, nhưng những người Việt Nam tổ chức học tập theo cách trực tiếp trong quá trình chuẩn bị. Đồng thời, họ tìm cách sao cho số máy bay qua tay các chuyên gia Liên Xô là lớn nhất, nói một cách công bằng, nếu chúng ta chuẩn bị máy bay, chúng ta sẽ là những người làm cho nó tốt nhất. Phi công của chúng tôi cũng được trao thêm trách nhiệm - bay thử máy bay (облет самолетов) sau khi sửa chữa và bảo trì. Hầu hết các sĩ quan Việt Nam, những người phục vụ trên MiG-21, đều tốt nghiệp trường kỹ thuật bay Krasnodar và nói tốt tiếng Nga. Các hạ sỹ quan kỹ thuật biết tiếng Nga tồi, và chúng tôi phải làm việc với họ thông qua phiên dịch. Điều này tạo ra thêm khó khăn, bởi vì người Việt Nam khi dịch ra tiếng Việt thường xuyên tạc ý nghĩa của thông tin nhằm tiện lợi cho việc hình dung của họ.



Ở Việt Nam, tôi đã thấy các phi công xuất sắc, nhưng mức độ tổng thể của các phi công không quá mức trung bình. Họ được đào tạo không tồi, nhưng họ bay đều đặn như nhau, "như mong đợi", khi không tỏ ra có mong muốn thể hiện tài nghệ. Trong số các nhân viên kỹ thuật cũng có những chuyên gia xuất sắc, một số người trong số họ đã tốt nghiệp hai trường đại học quân sự: tại cả Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng họ không thể hiện khao khát đặc biệt được phục vụ. Phạm vi các công việc mà người Việt Nam thực hiện là tích cực, nhưng làm một công tác bảo trì không định trước thì họ không muốn ngay cả dựa trên cơ sở các kinh nghiệm riêng của mình. Họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội "ngồi-nằm". Nghĩa vụ quân sự tại VNDCCH là bắt buộc: nam giới từ 15 tuổi, bắt đầu "học quân sự". Dường như tất cả quân nhân đều ở trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, nhưng về đa số cơ bản thì đối với những ý tưởng cách mạng họ không có sự nhiệt tình và họ là những người Cộng sản "chỉ bởi vì đó là điều cần thiết". Cuộc hội nghị Đảng trong trung đoàn có thể diễn ra cả một tuần. Trong thời gian này người ta không đưa chúng tôi sang sân bay, họ nói tránh rằng hiện ở đó đang tổ chức họp Đảng.

Chính phủ VNDCCH, khéo léo sử dụng việc Liên Xô đã sẵn sàng cung cấp cho "tiền đồn chiến đấu của phe xã hội chủ nghĩa ở vùng Đông Nam Á" lượng vũ khí trên thực tế có số lượng hầu như không giới hạn, họ tìm cách tích lũy các máy bay, xe tăng và các loại thiết bị quân sự khác. Khi số lượng máy bay vượt quá số lượng các tổ bay, số máy bay nhận được trước đây bắt đầu được chuyển vào kho cất trữ. Vào năm 1972, khi người Mỹ tiến hành những chiến dịch ném bom lớn xuống Bắc Việt Nam, người Việt Nam đã biết cách phân tán và giữ gìn rất nhiều thiết bị quân sự. Một trong những kho cất trữ đó nằm cách sân bay Nội Bài 4 km và nối với nó bằng một con đường trải asphalt mà nếu cần máy bay có thể sự dụng chạy đà thẳng để xuất phát. Tại bãi đậu ngoài trời đó là hai chục máy bay MiG-21 PF và các máy phiên bản trước đó. Ở một trong những ngọn đồi gần đó người ta đã đào một hangar ngầm khổng lồ làm nơi trú ẩn, cho phép bảo dưỡng theo phương pháp dòng chảy (di chuyển máy bay từ một công đoạn này sang công đoạn tiếp theo) 20 máy bay chiến đấu cùng một lúc.

Trong quá trình chuẩn bị cho Lực lượng Không quân Bắc Việt Nam tham gia chiến sự quy mô lớn ở Miền Nam, người ta quyết định kiểm tra khả năng chiến đấu của các máy bay đang được niêm cất. Đánh giá tình trạng của máy bay tại căn cứ Nội Bài thực hiện bởi một Ủy ban hỗn hợp Việt-Xô, trong đó phía chúng tôi có: Cố vấn Kỹ sư trưởng của Lực lượng Không quân, các chuyên gia máy bay và động cơ (SD- СД), chuyên gia trang bị vũ khí, thiết bị vô tuyến điện tử (REO - РЭО) và tôi - kỹ sư về thiết bị hàng không (АО). Sự kiểm tra của chúng tôi cho thấy máy bay không bị hư hỏng trong chiến đấu, nhưng sau một năm rưỡi đến hai năm ở trong điều kiện khí hậu ẩm và trong tình trạng không được bảo dưỡng (chỉ bọc đèn pha và đặt đai ốc), máy bay đã không còn sử dụng được. Ngay cả vỏ máy cũng mất độ trơn và trở nên thô ráp. Ủy ban đã kết luận về việc không thể tiếp tục sử dụng các máy bay MiG này, sau khi chỉ ra sự không hợp lý của việc gửi chúng đến các nhà máy sửa chữa ở Liên Xô. Trong các kho, người Việt Nam thu thập được một số rất lớn các bộ phận phụ tùng và thiết bị, bao gồm cả những thứ trong thời gian máy bay khai thác còn chưa được lắp đặt. Việc tính toán của họ được sắp đặt điều chỉnh tốt, nhưng các điều kiện bảo quản - thật kinh khủng.

Vào đầu tháng ba năm 1975 các đơn vị vũ trang của đảng cộng sản ở Nam Việt Nam đã bắt đầu cuộc tổng tấn công, kéo theo lực lượng không quân Bắc Việt Nam được sử dụng để hỗ trợ nó. Tình hình tại căn cứ của chúng tôi vẫn yên tĩnh. Việc tham gia của các máy bay vào chiến sự ở miền Nam được giữ bí mật cẩn thận. Chính thức mà nói, ở trong đó đang diễn ra cuộc nội chiến, và quân đội chính quy Bắc Việt Nam không tham gia. Tất nhiên, che giấu chúng tôi đặc điểm chiến đấu của các chuyến bay là không thể: máy bay thực sự treo vũ khí, còn những chiếc máy bay MiG bay đến thì không còn chúng. Các phi công trở lại rất vui mừng, không che giấu được niềm vui chiến thắng, nhưng họ tránh nói chuyện về các nhiệm vụ họ thực hiện. Sau hai tháng chiến đấu, các phi công MiG-21 ghi được chỉ hai chiến thắng trên bầu trời Bắc Việt Nam. Máy bay bị họ bắn rơi ở miền Nam Việt Nam không được chính thức xem xét.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã bị cuốn vào việc sửa chữa trực tiếp những chiếc MiG ngay trên sân bay dã chiến. Tùy thuộc vào tính chất của các hư hỏng người ta đã thành lập một nhóm chuyên gia từ 4-5 người, bay bằng trực thăng tới khu vực biên giới. Ở đó, chúng tôi chỉ có thể hoạt động không chính thức. Hạ cánh xuống sân bay đất nện khá tốt, ở đó đã có một hoặc hai chiếc MiG-21 bị hư hỏng. Chúng tôi đi đâu, không ai thông báo, người Việt Nam ở địa phương không tham gia vào cuộc trò chuyện, các chuyến bay không diễn ra khi có mặt chúng tôi. Về những điểm này, các chuyên gia của chúng tôi đôi khi rơi vào vòng hỏa lực và các vụ tấn công của máy bay Nam Việt Nam.

Đầu tháng Năm rõ ràng là chiến sự đã kết thúc: giảm cường độ xuất kích các chuyến bay, chúng được thực hiện với các vũ khí tập luyện. Chẳng bao lâu khi xem tổng diễn tập diễu binh trên không mừng chiến thắng tại căn cứ không quân Nội Bài, tôi đã chứng kiến sự va chạm của 2 MiG-19, diễn ra ngay trên đường cất hạ cánh. Thật ngạc nhiên, nhưng tai nạn bi thảm này không gây ra bất kỳ sự kích động nào: đường băng được dọn sạch và các chuyến bay vẫn tiếp tục.

Hai tháng sau chiến tranh, các tổ bay của trung đoàn chúng tôi đã có nhiều thay đổi - các thanh niên thay cho nhiều phi công có kinh nghiệm chuyển về phục vụ ở miền Nam. Ở đó đã hình thành các trung đoàn mới trên cơ sở các trang bị kỹ thuật chiến lợi phẩm. Sáu tháng sau đến lượt tôi đã có dịp làm quen cụ thể với một số máy bay của Mỹ.

Tối 12 Tháng Mười Một, trung tá Mitin cố vấn kỹ sư trưởng KQ VNDCCH đến chỗ chúng tôi. Không đặt ra nhiệm vụ cụ thể, ông chọn hai người: trưởng nhóm SD và tôi, sau khi bị thuyết phục từ trước bởi kiến thức của tôi về thiết bị vô tuyến điện. Ba chúng tôi cùng đến Hà Nội và một ngày sau cùng tùy viên quân sự bay trên chiếc "Douglas" (DC-3) đến Đà Nẵng, nơi đóng căn cứ không quân lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Nó có hai đường băng riêng biệt, hướng về phía biển. Dọc theo mỗi đường băng - có đường lăn chiều rộng khoảng 30 m. Ở trung tâm căn cứ là một đài kiểm soát không lưu rất mạnh. Có hai tháp điều không, một đang được bảo vệ. Lớp phủ chủ yếu là asphalt, chỉ có trên những vị trí xả khí thì mới là tấm bê tông. Tại căn cứ có hơn 150 máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất. Thiết bị kỹ thuật ở trong điều kiện tuyệt vời. Bảo dưỡng nó là các tù binh chuyên gia kỹ thuật Nam Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, chúng tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các máy bay chiến lợi phẩm chuyển giao cho Liên Xô, tiếp theo - chuẩn bị cho việc vận chuyển nó bằng đường biển và bốc xếp chúng xuống tàu chở hàng. Những loại khí tài bay nào và những cấu hình nào sẽ được chuyển giao, sẽ do tùy viên quân sự quyết định cùng các sỹ quan Bộ Tổng tham mưu sau khi đến căn cứ không quân. Ban đầu, chúng tôi phải chọn một trong các tiêm kích F-5. Người Việt Nam trình diễn trên không ba máy bay: đầu tiên một cặp máy bay MiG-21 cất cánh, sau đó từng chiếc F-5 lần lượt bay lên, thực hiện một vòng lượn và hạ cánh bởi các phi công tù binh. Để khẳng định chắc chắn rằng những chiếc máy bay này đủ điều kiện bay, chúng tôi bắt tay vào kiểm tra chi tiết. Điều kiện làm việc thật tuyệt vời. Thiết bị kỹ thuật luân phiên được kéo vào một hangar chứa máy bay trong đó trang bị đầy đủ, và trong vài ngày chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ. Chiếc F-5 đầu tiên bị từ chối: rò rỉ dầu làm mát và đài radio liên lạc không làm việc. Chúng tôi chọn chiếc sau, chiếc ở trong tình trạng kỹ thuật hoàn hảo. Chiếc máy bay này được chúng tôi niêm phong để ngăn chặn việc thay thế thiết bị.


F-5C tại căn cứ KQ Biên Hòa năm 1971.

F-5 gây ấn tượng rất tốt, khi so sánh với MiG-21. Các đặc điểm gabarit-tổng quát của thiết bị tốt hơn đáng kể. Ví dụ, máy phát điện nhỏ hơn so với chúng ta 2-3 lần. Chúng sử dụng các ắc quy rất nhỏ và sử dụng một lần tiện lợi hơn nhiều. Tính công nghệ trong bảo dưỡng là lý tưởng: máy bay dễ sử dụng đến nỗi chúng tôi hầu như không sử dụng đến tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Để tiếp dầu cho các hệ thống thủy lực họ sử dụng một chiếc xe  tự hành đặc biệt chạy động cơ diesel. Khởi động động cơ - bằng không khí nhờ xe chuyên dụng tự hành trang bị máy phát diesel khởi động (PGD- ПГД). Theo thành phần, thiết bị, buồng lái của nó tương tự buồng lái MiG-21, nhưng các thiết bị kích cỡ nhỏ hơn, nhiều thiết bị trong số đó có đèn chỉ thị dạng dải. Giắc chuyển đổi của máy tiếp dầu tự động bọc cao su hồi đó với chúng ta là không bình thường. Màu sơn cabin - màu xanh ngọc mềm mại, (cũng màu này, nhưng sắc thái gắt hơn về sau này là màu sơn buồng lái MiG-23).

Cùng với máy bay tiêm kích, chúng tôi nhận được một số lượng đáng kể các phụ tùng thay thế và hầu như đầy đủ một bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Không có tài liệu hướng dẫn khai thác bay F-5 nào qua tay chúng tôi. Tài liệu được biên soạn là có sẵn và người chuyên gia hiểu biết có thể dễ dàng nắm vững quy trình khai thác máy bay này. Ngoài ra, người Việt Nam cũng chuyển giao rất nhiều thiết bị mặt đất: một bộ thiết bị kỹ thuật hoàn chỉnh cần thiết cho việc duy trì hoạt động của một máy bay, một bộ đầy đủ (bao gồm cả thiết bị kiểm tra-theo dõi) cho bốn máy bay và một số đồ từ bộ dung cho 10 máy bay.



Cũng như vậy, chúng tôi đã lựa chọn cẩn thận một bản mẫu máy bay cường kích hạng nhẹ A-37 và các phụ tùng cần thiết cho nó cùng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Máy bay này thậm chí còn điều khiển dễ dàng hơn hơn so với F-5. Ấn tượng đặc biệt đối với tôi là sự bố trí vị trí của các phi công. Cabin nhỏ gọn nhưng thoải mái, các thành phần của thiết bị giống như trên máy bay trực thăng. Làm việc với loại máy bay cũng thích thú y như với loại máy bay trước.

Đối với F-5 và A-37 người Việt Nam còn chuyển giao hai động cơ bổ sung, được đóng gói trong container kín lấp đầy bằng khí trơ. Phương pháp bảo quản này loại bỏ các tác động có hại của khí hậu và không đòi hỏi phải tái bảo dưỡng kích hoạt trước khi bạn lắp đặt động cơ lên máy bay. Khi mở container, chúng tôi kiểm tra động cơ và kiểm tra sự sẵn có của các tài liệu, sau đó lại đặt chúng vào trong container rồi bơm khí trơ vào.

Họ cung cấp cho chúng tôi cả máy bay "chống nổi dậy" AC-119 - máy bay vận tải quân sự hạng vừa mà trong cabin hàng hóa có lắp đặt tổ hợp súng pháo khá mạnh để hoạt động tấn công các mục tiêu mặt đất. Vận tải bằng đường biển các khí tài bay kích thước như trên gây ra những khó khăn nhất định. Vì những lý do không rõ ràng với chúng tôi người ta không muốn cho lái những chiếc máy bay này đi theo đường hàng không, mặc dù chúng đang ở trong điều kiện bay tốt. Sau khi nhận được nhiệm vụ thích hợp, chúng tôi  làm quen cụ thể với AC-119 và báo cáo máy bay đã lỗi thời, không cần quan tâm, việc xứng đáng nghiên cứu duy nhất là các thiết bị đặc biệt của nó. Tiếp đến có lệnh không chuyển nó về Liên bang, mà chỉ cần tháo dỡ và gửi về một bộ vũ khí hoàn chỉnh.

Từ những chiếc máy bay trực thăng có sẵn tại căn cứ không quân đã chọn ra hai chiếc: CH-47 “Chinook” phiên bản cho quân đổ bộ đường không, và UH-1 “Iroquois" phiên bản trực thăng vũ trang. So với Mi-8 của chúng ta, trực thăng “Iroquois" của Mỹ xem ra thích hợp hơn rõ rệt. Máy bay nhỏ hơn nhiều, nhưng lại có nhiều trang bị tốt hơn phục vụ các hoạt động chiến đấu: hai súng máy sáu nòng (M60С, M2HB, M134) lắp đặt trong khoang tải hàng, súng phóng lựu và hỏa tiễn có điều khiển (AGM-22, BGM-71 TOW) trên các giá gắn. Buồng lái phía dưới và hai bên sườn được bọc thép.

Trong thời hạn mười ngày, chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng tất cả và chuẩn bị gửi lô hàng. Bảo quản máy không cần làm, vì chỉ sau có một tuần máy móc sẽ về tới Vladivostok. Tiếp theo có lẽ sẽ về Podmoskovie. (Trên các thùng chứa phụ tùng thay thế và tài liệu chúng tôi ghi địa chỉ: Moskva-400, Ivanovo).

F-5 và A-37 được kéo trên đường ô tô vào cảng Đà Nẵng, còn "Chinook" và "Iroquois" thì bay đến đó. Chúng được các phi công tù binh Nam Việt Nam lái dưới sự giám sát hộ tống. Tại cảng, chúng tôi tháo rời chúng và xếp cánh quạt vào một nơi. Sau đó chúng tôi bắt tay vào bốc xếp thiết bị lên tàu hàng bằng cần trục trên tàu. Để làm việc này, máy bay  trực thăng có trang bị các mấu chằng buộc rất hữu hiệu, còn các máy bay cánh cố định được trang bị các đai ốc vòng, xoáy ren vào các ổ đỡ đặc biệt. Tuy nhiên bốn đai vòng không lớn của chiếc F-5 không lấy được niềm tin của chúng tôi. Cẩu chiếc máy bay này lên tàu, chúng tôi luồn quanh thân máy bay các băng cao su rộng mà các thủy thủ cung cấp. Tiếp đến chúng tôi bốc xuống tất cả các loại máy và thiết bị đi kèm, hai thùng lớn chứa tài liệu về máy bay cánh cố định và một thùng có tài liệu của trực thăng. Sau khi hoàn thành công việc tại cảng, chúng tôi trở lại căn cứ không quân rồi nhanh chóng bay về Nội Bài. Tại Liên bang, từ các bạn cùng lớp, những người đang làm việc trong Viện Nghiên cứu Khoa học trung ương số 30 (ЦНИИ-30), tôi biết được rằng các chiến lợi phẩm mà chúng tôi lựa chọn đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng ở Viện Nghiên cứu Khoa học của Lực lượng Không quân Xô Viết.

Tháng 2 năm 1976, tôi rời Việt nam về nhà. Chuyến công tác đặc biệt của tôi đã kết thúc.


Bài đăng trên "aiwar.ru" năm 2004.

---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter